Thấu đáo hơn khi nghĩ bằng tiếng nước ngoài

Một loạt các thí nghiệm trên 300 người Mỹ và Hàn Quốc cho thấy suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài giúp người ta giảm được những sai lầm cố hữu trong tư duy, vốn ảnh hưởng rất nhiều tới những đánh giá về mặt lợi và mặt hại trong nhận thức của con người.

“Khi suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài, liệu bạn có đưa ra cùng một quyết định như khi suy nghĩ bằng tiếng mẹ đẻ?” là câu hỏi được đặt ra bởi các nhà tâm lý đứng đầu là Boaz Keysar từ Đại học Chicago, trong một nghiên cứu công cố ngày 18/4 trên tạp chí Psychological Science.

“Theo trực quan, người ta cứ nghĩ là con người sẽ đưa ra cùng một lựa chọn, cho dù suy nghĩ theo ngôn ngữ nào, hoặc chúng ta sẽ cho là những khó khăn khi phải nghĩ bằng tiếng nước ngoài sẽ khiến các lựa chọn đưa ra một cách thiếu chặt chẽ. Nhưng kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy, điều ngược lại mới đúng: suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài giúp giảm bớt những thiên lệch”, nhóm nghiên cứu của Keysar viết trong báo cáo.

Các nhà tâm lý cho rằng tư duy của con người được định hình bởi hai trạng thức tư duy: một trạng thức thiên về tính hệ thống, phân tích, có tính lý trí cao; còn trạng thức thứ hai thì nhanh hơn, mang tính vô thức, và bị ảnh hưởng bởi tình cảm.

Với cơ sở như vậy, sẽ hợp lý nếu chúng ta cho rằng việc suy nghĩ bằng lý trí trên một ngôn ngữ không phải ngôn ngữ mẹ đẻ sẽ làm tốn năng lượng tinh thần hơn, khiến người ta tăng sự phụ thuộc vào những suy nghĩ nhanh chóng và cảm tính.

Nhưng ngược lại, cũng có thể việc tư duy bằng ngôn ngữ của nước ngoài khiến người ta càng phải suy nghĩ một cách thận trọng, qua đó giảm bớt vai trò của những bản năng cảm tính. Nghiên cứu cũng cho thấy rằng trước những ngôn từ có tính tình cảm, cảm xúc của con người bị triệt tiêu nếu đó là những ngôn từ không phải tiếng mẹ đẻ, qua đó càng giúp người ta suy nghĩ được chín chắn hơn.

Để điều tra những khả năng trên, nhóm nghiên cứu của Keysar đã xây dựng vài thí nghiệm dựa trên các kịch bản của Daniel Kahneman, người dành giải Nobel về kinh tế năm 2002 nhờ công trình lý thuyết về viễn cảnh, trong đó mô tả nhận thức trực quan của con người về các rủi ro.

Trong một thí nghiệm nổi tiếng, Kahneman cho thấy, khi đặt ra lựa chọn có tính giả định, giữa một bên là chắc chắn cứu được 200 trong số 600 người, bên kia là một cơ hội để hoặc là cứu 600 người, hoặc là không cứu được ai, con người thường có xu hướng theo lựa chọn thứ nhất, đó là chắc chắn cứu 200 người – tuy nhiên, khi thay đổi cách diễn đạt cho lựa chọn thứ nhất, đó là chắc chắn để mất 400 người, thì đa số lại muốn đi theo lựa chọn thứ hai, cứu 600 người, hoặc là để mất tất cả.

Con người nhìn chung đều có bản năng chọn giải pháp có vẻ ít rủi ro hơn khi cân nhắc lợi và hại trước một nguy cơ mất mát. Điều này thuần túy mang tính cảm tính. Vậy thì nếu suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài khiến người ta tư duy kém chặt chẽ hơn, nhóm nghiên cứu Keysar đặt ra giả thuyết là những yếu tố cảm tính sẽ càng gia tăng ảnh hưởng. Ngược lại, nếu suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài khiến người ta suy nghĩ thận trọng hơn, những yếu tố cảm tính sẽ bị giảm bớt.

Thí nghiệm đầu tiên bao gồm 121 sinh viên Mỹ đã được học tiếng Nhật. Một số người được giao cho một đề bài bằng tiếng Anh: để chống lại một bệnh dịch sẽ làm chết 600 nghìn người, các bác sĩ phải chọn giữa hai loại thuốc: loại thứ nhất có khả năng cứu 200 nghìn người; loại thứ hai có 33,3% cơ hội cứu được 600 nghìn người, và 66,6% không cứu được ai.

Có tới 80% số sinh viên chọn giải pháp thứ nhất. Nhưng khi vấn đề được diễn đạt theo cách khác, khi phương thuốc cứu được 200 nghìn người được diễn đạt thành để mất 400 nghìn người, số người chọn giải pháp thức nhất rơi xuống chỉ còn 47%.
Tuy nhiên, với cùng một vấn đề khi được đặt ra bằng tiếng Nhật, số lượng người chọn giải pháp thứ nhất là 40% cho cả hai cách diễn đạt. Như vậy, yếu tố cảm tính đã được giảm bớt.

Hai thí nghiệm tiếp theo được đặt ra trong tình huống giả định về khả năng con người bị mất việc thay vì bị chết, được đưa ra bằng tiếng Hàn cho 144 sinh viên Hàn Quốc ở Đại học Quốc gia Chung Nam, và bằng tiếng Anh cho 103 sinh viên Hàn Quốc du học ở Paris, người ta nhận được cùng một xu hướng kết quả. “Đứng trước một vấn đề bằng tiếng nước ngoài, tính cảm tính trong suy nghĩ của con người được giảm bớt”, viết trong bài báo của nhóm Keysar.

Các nhà nghiên cứu tiếp tục kiểm tra tác động của ngôn ngữ tới những vấn đề liên quan trực tiếp đến lợi ích cá nhân của chủ thể. Theo lý thuyết viễn cảnh, người ta không muốn bị mất mát nhỏ, dù là có khả năng được lợi lớn hơn. Hiện tượng này được gọi là thận trọng cận thị, có bản chất xuất xứ từ những cảm xúc về sự mất mát. 

Người ta đặt ra cho cùng một nhóm sinh viên Hàn Quốc nói trên, một loạt những khoản cá cược mang tính giả định, trong đó khoản mất đi khi thua cược là nhỏ, còn khoản thắng cược là rất lớn. Khi khoản cá cược được diễn đạt bằng tiếng Hàn Quốc, chỉ 57% sinh viên theo cược. Nhưng khi được diễn đạt bằng tiếng Anh, con số tăng lên thành 67%, càng cho thấy con người tư duy kỹ càng hơn khi suy nghĩ bằng tiếng nước ngoài.

Để kiểm tra xem quy luật trên có đúng trong đời thực không, nhóm nghiên cứu của Keysar đã làm thí nghiệm trên 54 sinh viên Đại học Chicago, những người coi tiếng Tây Ban Nha là ngôn ngữ thứ hai. Mỗi người được nhận 15 tờ 1 USD. Họ được quyền giữ lại, hoặc đem đặt cược cho một vụ cược tung đồng xu. Nếu thua cược, họ bị mất 1 USD. Nhưng nếu thắng họ được nhận lại tờ 1 USD, và được thêm 1,5 USD – một đề xuất có vẻ là sẽ đem lại lợi nhuận nếu người ta đặt cược nhiều lần.

Khi các vụ cá cược này được diễn đạt bằng tiếng Anh, có 54% sinh viên tham gia đặt cược. Nhưng khi diễn đạt bằng tiếng Tây Ban Nha, số người đặt cược tăng thành 71%. “Khi được thông tin bằng tiếng nước ngoài, họ đặt cược nhiều hơn vì tư duy thấy rằng nhiều khả năng sẽ dành được lợi hơn là thiệt, và những ấn tượng cảm tính về nguy cơ mất mát ít gây tác động hơn”, viết trong bài báo của Keysar và các cộng sự.

Các nhà nghiên cứu tin rằng nguy nghĩ bằng tiếng nước ngoài sẽ tạo ra một khoảng cách ly hữu ích giữa nhận thức với những tiến trình vô thức, thúc đẩy suy nghĩ duy lý, giảm bớt những phản ứng cảm tính.

“Trong bối cảnh ngày càng nhiều người sử dụng một ngôn ngữ thứ hai trong công việc và đời sống hằng ngày, khám phá của chúng tôi có những ý nghĩa lâu dài”, nhóm nghiên cứu viết. Họ cho rằng những người biết tiếng nước ngoài nên sử dụng chúng khi cân nhắc các quyết định về tài chính. “Về lâu dài, điều này rất có thể sẽ hữu ích”.

TS dịch

Tác giả

(Visited 9 times, 1 visits today)