Thấy gì từ Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010

Báo cáo môi trường Quốc gia 2010 đã đưa ra một số đánh giá thiệt hại đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên phần đánh giá về các thiệt hại kinh tế nhìn chung chỉ mới mang tính định tính, thiếu các lập luận định lượng và thiếu cả cơ sở dữ liệu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cho công bố Báo cáo môi trường Quốc gia 2010 – Tổng quan Môi trường Việt Nam. Xây dựng các báo cáo môi trường quốc gia mang tính tổng quan là hoạt động mang tính định kỳ được thực hiện 5 năm một lần theo Luật Bảo vệ môi trường 2005 (kèm theo các báo cáo môi trường quốc gia mang hàng năm mang tính chuyến đề), khớp nối với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội của Chính phủ trình Quốc hội.

Báo cáo tập trung chủ yếu vào hiện trạng môi trường Việt Nam dưới tác động của phát triển kinh tế – xã hội, tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu, trên các lĩnh vực môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí, chất thải rắn, và đa dạng sinh học.

Đây là phần nội dung được soạn thảo tương đối công phu, với nhiều đánh giá, biện luận, dựa trên cơ sở số liệu quan trắc cụ thể.

Về đánh giá tác động do ô nhiễm môi trường ở Việt Nam, báo cáo cũng đưa ra một số đánh giá thiệt hại đối với sức khỏe cộng đồng và phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên trong phần này, chỉ có phần đánh về thiệt hại đối với sức khỏe cộng đồng là căn cứ trên số liệu cụ thể. Phần đánh giá về các thiệt hại kinh tế nhìn chung chỉ mới mang tính định tính, thiếu các lập luận định lượng và thiếu cả cơ sở dữ liệu.

Năm vấn đề bức xúc chính về môi trường được báo cáo tổng kết là: ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng; đa dạng sinh học suy giảm; an ninh môi trường bị đe dọa; quản lý môi trường còn nhiều bất cập; và vai trò cộng đồng chưa được phát huy đầy đủ.

Để đối phó và giải quyết các vấn đề môi trường bức xúc trên đây, báo cáo đề ra nhiệm vụ xây dựng và thực hiện các đề án bảo vệ môi trường quốc gia, là một trong số các mục tiêu trong định hướng bảo vệ môi trường của 5 năm tới. Định hướng này cũng đề ra các mục tiêu khác, bao gồm hoàn thiện hệ thống chính sách và pháp luật, hoàn thiện hệ thống tổ chức, nâng cao hiệu quả các công cụ quản lý môi trường hiện có, tăng cường đầu tư tài chính, xã hội hóa và nâng cao nhận thức cộng đồng, mở rộng hợp tác quốc tế, và một số mục tiêu giải pháp cụ thể đối với các ngành liên quan.

Đối với giải pháp về khoa học và công nghệ, báo báo xác định cần đổi mới công nghệ để đẩy nhanh và nâng cao chất lượng công tác quan trắc môi trường và điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường. Đồng thời tăng cường hiệu quả ứng dụng công nghệ sạch, công nghệ thân thiện với môi trường và phát triển công nghệ xử lý, tái chế, tái sử dụng chất thải

Các góp ý cho báo cáo

Nhiều chuyên gia và đại diện các Bộ, ngành đã góp ý kiến cho báo cáo của Bộ Tài nguyên Môi trường.

Về cơ sở dữ liệu quan trắc, đại biểu Lưu Đức Hải của Đại học KH Tự nhiên nhận định rằng có những số liệu quan trắc được sử dụng cho báo cáo còn nhiều hạn chế, thiếu tính đại diện, không có ý nghĩa thống kê. Đại biểu Phạm Công Tuấn của Đại học Y tế Công cộng cho rằng cơ sở dữ liệu của báo cáo cần được công khai hơn nữa, cả về phương pháp quan trắc, phương pháp lấy mẫu, qua đó thì báo cáo mới thực sự hữu ích cho nghiên cứu và giáo dục. Đại biểu này nhấn mạnh, cơ sở dữ liệu về môi trường thu thập được là nhờ tiền thuế của nhân dân, vì vậy nhân dân phải được tạo điều kiện khai thác sử dụng.

Cơ sở dữ liệu về môi trường thu thập được là nhờ tiền thuế của nhân dân, vì vậy nhân dân phải được tạo điều kiện khai thác sử dụng

Về việc thiếu các đánh giá định lượng, đại biểu Hoàng Xuân Cơ, Đại học KH Tự nhiên góp ý rằng báo cáo chưa tính toán được các thiệt hại hay lợi ích cụ thể của các hoạt động và chính sách môi trường. Liên quan tới vấn đề này, đại biểu Vũ Xuân Nguyệt Hồng của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW, Bộ Kế hoạch Đầu tư cho rằng căn cứ vào báo cáo, Chính phủ và Quốc hội chưa nhận thức được khả năng kiểm soát môi trường của Nhà nước đang ở mức độ nào, và chưa thấy được hiệu quả của việc tăng đầu tư cho môi trường từ 1% Ngân sách Nhà nước lên 2% như Bộ Tài nguyên Môi trường đề xuất.
Các ý kiến khác đề nghị báo cáo bổ sung cho một số lĩnh vực cụ thể. Môi trường nước là lĩnh vực được đặc biệt quan tâm. Đại biểu Nguyễn Đình Hòe của Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam đề nghị bổ sung đánh giá tác động của việc con người can thiệp vào hệ thống dòng chảy, tự ý chuyển đổi dòng chảy từ sông này qua sông khác. Đại biểu Nguyễn Viết Mạnh của Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị bổ sung đánh giá tác động từ biến đổi khí hậu – nước biển dâng và hành vi và chính sách của các nước ở thượng nguồn tới hạ lưu sông Mekong.

Quan điểm người trong cuộc

Trả lời các ý kiến góp ý, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên của Bộ TNMT ghi nhận rằng báo cáo cần được bổ sung thêm nội dung. Về số liệu quan trắc, ông nhận định, so với khu vực, Việt Nam nằm trong số những nước có hệ thống quan trắc yếu nhất và mỏng nhất. Vì vậy, trong thời gian trước khi trình Chính phủ, đề nghị các ngành chức năng, các chuyên gia tiếp tục bổ sung và góp ý về số liệu. Về mức chi đầu tư cho môi trường, ông cho rằng mức chi 1% Ngân sách Nhà nước như hiện nay là không đủ, nhưng nếu sử dụng có hiệu quả trong thời gian tới thì 1% cũng có thể làm được nhiều việc lớn.

Mức chi 1% Ngân sách Nhà nước như hiện nay là không đủ, nhưng nếu sử dụng có hiệu quả trong thời gian tới thì 1% cũng có thể làm được nhiều việc lớn

Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ TNMT kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, cho rằng trong định hướng giải pháp môi trường, Việt Nam cần đặc biệt chú trọng thực hiện những giải pháp ít tốn kém tiền của nhưng dễ đạt hiệu quả ngay, đặc biệt là là công tác giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng. Ông cũng nhận định rằng để tiếp tục phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam tất yếu phải trải qua những hệ lụy về môi trường. Ông cho rằng các quốc gia đều phải trải qua giai đoạn phát triển hình parabol ngược, trong đó mức độ tác động tiêu cực tới môi trường ngày càng tăng song hành theo mức độ phát triển, cho tới một mức độ nhất định thì sẽ giảm dần. Việt Nam chỉ có thể cố gắng làm sao để sớm vượt sang phíabên kia đỉnh của hình parabol ngược này.

Báo cáo Môi trường Quốc gia 2010 có thể được tải online tại:

http://www.vea.gov.vn/VN/hientrangmoitruong/baocaomtquocgia/Pages/B%C3%A1oc%C3%A1om%C3%B4itr%C6%B0%E1%BB%9Dngqu%E1%BB%91cgian%C4%83m2010T%E1%BB%95ngquanm%C3%B4itr%C6%B0%E1%BB%9DngVi%E1%BB%87tNam.aspx
 

 

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)