Thấy sao ghi vậy
Trong một lần khảo hạch, vị giáo sư già hỏi cô nữ sinh viên năm cuối: “Cô hãy cho biết cơ quan nào trong cơ thể có khả năng co nhỏ rồi nở lớn cả trăm lần trong ngày?” Nàng thầy thuốc sắp ra trường suy nghĩ hồi lâu rồi bỗng đỏ mặt mím môi xẵng giọng: “Thưa thầy, em xin phép không trả lời câu hỏi thiếu nghiêm trang”. Ông thầy thở dài rồi nhỏ nhẹ: “Trong nghề y không được phép có định kiến. Cô về xem lại sách cơ thể học. Đó là đồng tử của con mắt, chứ không phải cơ quan cô vừa nghĩ đến”.
Theo dữ liệu thống kê gần đây ở các phòng khám mắt thuộc khối EU, đa số người bệnh hiện tốn nhiều giờ trước màn hình máy vi tính hơn trước màn ảnh máy truyền hình. Dĩ nhiên không ai trong số người bệnh ghi nhận mức độ mỏi mệt của đôi mắt phải điều tiết liên tục trước kích ứng chớp sáng của màn hình. Tình trạng nhiễm bệnh đến lúc nào không hay càng lúc càng trầm trọng do mức độ tinh xảo của các trò chơi vi tính, do tính hấp dẫn của khối tin tức trên mạng… khiến người ngồi trước máy vi tính quên hết mọi chuyện. Nhiều thầy thuốc đã không quá lời khi đặt tên cho hội chứng bệnh lý do rối loạn chức năng của thần kinh thị giác là “bệnh computer”, qua đó người bệnh:
Thuờng xuyên đau mắt và đỏ mắt.
– Nhức đầu, thường ở thái dương hay một bên ót lan dọc đến khóe mắt.
– Đãng trí và mất khả năng tập trung trong công việc.
– Mất ngủ dưới dạng thức giấc sau vài giờ ngủ sâu rồi thức trắng thâu đêm.
– Mệt mỏi chán chường buổi sáng sớm.
– Đau cột sống cổ với khuynh hướng chóng mặt khi thay đổi tư thế.
Biết rõ cơ chế nhưng bệnh lý nhưng không dễ điều trị căn bệnh do máy vi tính vì nhiều lý do:
– Bệnh nhân khó chấp nhận nguyên nhân gây bệnh khi máy vi tính vận hành không khác gì một loại ma túy.
– Bệnh nhân khó tránh xa nguồn bệnh trong lúc điều trị do tật cũ khó chừa.
– Bệnh nhân có khuynh hướng “ngựa quen đường cũ” ngay cả trong trường hợp được điều trị khả quan vì máy vi tính trong thời buổi bây giờ còn hơn cả thuốc lào. Có “chôn máy xuống” thì sớm muộn cũng “đào máy lên”.
Không chữa nổi thì chỉ còn tìm cách phòng ngừa, hay nói đúng hơn, giới hạn tầm tai hại của kích ứng từ màn hình máy vi tính bằng một số biện pháp như:
– Đừng đặt máy vi tính song song với một nguồn sáng khác để vừa giảm cường độ kích thích do ánh sáng, vừa tránh cho mắt phải điều tiết từ hai nguồn kích ứng.
– Cạnh trên của màn hình không nên cao hơn tầm mắt để tránh phải ngước lên trong suốt thời gian làm việc. (Cũng như trong cuộc sống, nhìn xuống bao giờ cũng tốt hơn!)
– Khoảng cách giữa đôi mắt và màn hình tối thiểu không dưới 50 cm.
– Đôi mắt cần được tạm nghỉ 10 phút sau mỗi giờ làm việc.
– Không nên làm việc hơn 4 giờ liên tục trước máy vi tính.
– Chú trọng vào chế độ dinh dưỡng cung ứng nhiều tiền sinh tố A và sinh tố A, thường có trong rau quả có màu vàng cam hay xanh thẫm.
– Bổ sung cho cơ thể khoáng tố Magnesium, ngay cả dưới hình thức dùng thuốc khi áp lực của công việc gia tăng.
– Tuyệt đối không nên xem truyền hình ngay sau giờ làm việc với máy vi tính. Thói quen vừa đánh máy vi tính, vừa xem truyền hình chắc chắn rất có lợi cho… thầy thuốc nhãn khoa!
– Cài đặt chương trình để máy báo giờ tạm nghỉ cho ít phút thể dục cột sống. Đừng quên cột sống cổ là điểm dễ bị tấn công trong hội chứng “bệnh computer”
– Đôi mắt đã được thi vị hóa như cửa sổ của tâm hồn. Khung cửa đó quả thật quá đỗi mong manh trong cuộc sống hiện nay, khi thần kinh thị giác dường như không có phút nào bình yên, kể cả trong giấc ngủ. Có câu “thấy sao ghi vậy”, muốn đừng ghi chỉ còn nước đừng thấy. Không lạ gì khi người học Thiền phải tập sao cho nhìn mà không thấy. Đúng là chỉ có thế thì thần kinh thị giác mới có cơ hội nghỉ ngơi. Tưởng khó nhưng với một số người lại quá dễ. Bằng chứng là không thiếu gì quan lớn trong ngành thanh tra vẫn nhìn chăm chăm mà có thấy gì đâu! Y học bao giờ cũng có giá trị tương đối.