Thể chế hóa quyền được Thông tin
Chính phủ trước kỳ họp thứ 8 của Quốc hội “Các cơ quan Nhà nước phải tôn trọng quyền được thông tin của dân, bảo đảm cho báo chí tiếp xúc được với các hoạt động của mình. Việc thực hiện điều này không thể tùy thích mà phải coi là một nghĩa vụ thể hiện tính chất Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Những quy định cụ thể về quyền được thông tin của dân cần được thể chế hóa” đánh dấu một bước phát triển mới đáng mừng trong việc “Mở rộng dân chủ và xây dựng nhà nước pháp quyền” đúng như chủ đề của phần cuối bản Báo cáo của Chính phủ.
Vì nền tảng của nhà nước ấy là trình độ dân trí được nâng cao.
Chẳng hạn như, ở Thụy Điển, quyền được thông tin của người dân là một quyền được Hiến pháp quy định. Trong “Quyền được tiếp cận với các văn bản chính thức ở Thụy Điển” do Bộ Tư pháp Thụy Điển xuất bản năm 1996 có ghi rõ điều này: “Nguyên tắc về việc công chúng được quyền tiếp cận với các văn bản chính thức được nói đến lần đầu tiên trong luật về tự do báo chí năm 1766. Luật đó giờ đây là một phần của Bộ luật tự do báo chí hiện tại, và là một đạo luật có tính hiến định của Thụy Điển”.
Virút cúm gia cầm xuất hiện lần đầu tiên ở Java năm 2003. Khi được hỏi về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp nước này cho biết: “Vấn đề là chúng tôi không muốn công bố chuyện này quá nhiều vì nó sẽ ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi gia cầm của chúng tôi. Vì sợ “Giá gia cầm sẽ bị rớt thảm hại”…”(Tuổi Trẻ 21.10.05) mà người ta bưng bít thông tin. Nhưng cái giá mà tất cả những quốc gia sống trên hành tinh này phải trả cho chuyện đó thì khó mà tính ra được! Vì cho đến khi ông Chairul Nidom, nhà vi sinh học đầu tiên phát hiện virus gây bệnh cúm gia cầm ở đảo Java có mã gen giống virus cúm gia cầm Trung Quốc, bất chấp sự “vận động” và ngăn cản, đã đưa thông tin cho báo chí vào cuối tháng 1.2004 thì dịch đã vượt khỏi ranh giới đảo Java sang Bali và Sumatra và đến nay thì đại dịch đó đang là mối đe doạ toàn hành tinh! Có lẽ đây cũng là bằng chứng hiển nhiên, dễ nhận biết về tính bất định và không dự đoán được của thế giới mà chúng ta đang sống đã trở nên phức tạp khó lường và phụ thuộc lẫn nhau quyết liệt đến thế nào! Chính trong bối cảnh đó mà người ta cảm nhận thật thấm thía cái giá phải trả cho những hệ lụy của một tập quán bưng bít thông tin trong nhịp sống của hành tinh này.
Chỉ bằng những kinh nghiệm cũ, cách tư duy cũ, nhất là với sức ép nặng nề của những tập quán cũ, chúng ta sẽ không thể đối phó được với tính bất định của thế giới mà chúng ta đang sống, ví như việc chim di trú mang bệnh cúm gia cầm đi khắp nơi trên hành tinh, vượt qua mọi biên giới lãnh thổ quốc gia! Dù có bị cầm tù bởi những tập quán đã ăn sâu vào tâm thức của cả một dân tộc, sự nghiệt ngã của thực tế cuộc sống buộc người ta phải quyết liệt thanh toán nó.
Quả thật, tìm kiếm thông tin, thu nhận thông tin, phân tích và xử lý thông tin một cách nghiêm cẩn, độc lập và trung thực để rồi từ đó mà biết đưa ra những quyết định phù hợp là điều có ý nghĩa quyết định hàng đầu đối với con người sống trong thế giới hiện nay.Bởi vậy, “quyền được thông tin”, “thể chế hóa” quyền đó của người dân và bảo đảm cho báo chí tiếp xúc được với các hoạt động của các cơ quan nhà nước có ý nghĩa nhiều mặt cho sự phát triển đất nước, chứ không riêng đối với tác động trực tiếp của việc phòng chống tham nhũng mà Luật này sẽ được Quốc hội kỳ này xem xét thông qua.
Đương nhiên, với nạn tham nhũng đang được gọi là giặc nội xâm thì thể chế hóa hai vấn đề nói trên chính là một vũ khí tinh nhuệ. Chính ở trong “Văn bản của Thụy Điển” trích dẫn ở trên, tôi cũng đã đọc thấy nội dung đó: “Mọi công chức đều biết một nguyên tắc rằng mọi người đều có thể tiếp cận các hồ sơ và các tài liệu. Điều đó làm giảm nguy cơ có những hành động tùy tiện. Bên cạnh đó, người ta cũng thường nói rằng việc tiếp cận được với các thông tin chính thức cũng đóng góp vào việc làm cho hiện tượng tham nhũng trong chính quyền Thụy Điển trở thành một hiện tượng hiếm hoi”.
Càng ngẫm nghĩ, càng nhận rõ thông tin là một loại sản phẩm độc đáo. Độc đáo ở chỗ, nếu anh cung cấp cho người khác thì nó không mất đi mà lại tăng lên. Đây là lúc mà ý tưởng tuyệt vời được phát ra từ thế kỷ trước về sức mạnh của kiến thức và thông tin ngời ngợi tỏa sáng trước mắt chúng ta: “anh ta thắp sáng ngọn nến của tôi và nhận ánh sáng mà không hề làm cho tôi bị tối đi”.
Hãy tự thắp sáng ngọn nến trí tuệ của chính mình bằng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau được thu nhận và xử lý một cách thông minh, độc lập, trung thực, có chủ định và sáng tạo. Đó là cách tồn tại và phát triển thông minh trong một thế giới đầy biến động bất ngờ mà chúng ta đang sống. Đó cũng là đòi hỏi hàng đầu của quá trình hội nhập quốc tế.