Thế giới cà phê mới ở Việt Nam

Giữa không gian đất đỏ bazan Tây Nguyên, ngôi nhà dài truyền thống của người Ê đê mang trong lòng nó một thế giới cà phê mới mẻ và gợi nhiều suy tưởng về việc lưu giữ ký ức và sự giao hòa của văn hóa bản địa với thế giới. Từ nơi này, cà phê Việt Nam đã trở thành một phần của cộng đồng cà phê thế giới…


Bảo tàng Thế giới cà phê nằm giữa không gian nhiều suy tưởng của đất đỏ Cao nguyên. 

Bảo tàng Thế giới cà phê nằm giữa không gian nhiều suy tưởng của đất đỏ Cao nguyên.

Bảo tàng Thế giới Cà phê tọa lạc tại TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được Tập đoàn Trung Nguyên Legend đầu tư xây dựng và chính thức mở cửa đón khách vào tháng 11/2018. Dù mới đi vào hoạt động chưa đầy hai tháng nhưng bảo tàng đã thu hút hàng chục nghìn lượt khách thăm quan và trở thành một điểm đến mới của Cao nguyên, vùng đất của những bản trường ca đại ngàn và nay khởi nguồn cho những dòng chảy cà phê lan tỏa khắp thế giới.

Đưa cà phê thế giới tới Việt Nam

Rất nhiều người tới Bảo tàng Thế giới cà phê và hy vọng sẽ được chìm ngập trong bộ sưu tập hơn 10 nghìn hiện vật từ nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều người đã hơi hẫng hụt vì hiện vật được trưng bày lần đầu không nhiều như mong đợi. Đó chính là vấn đề của hầu hết người Việt Nam; là khi họ vội vàng chụp hết các góc cạnh, các hiện vật, đưa lên mạng xã hội và nói rằng đã xem xong bảo tàng. Vấn đề này gợi nhớ đến câu chuyện của một du học sinh chia sẻ: người Việt đến thăm bảo tàng Louvre chỉ ba tiếng đã ra về còn người Pháp mất tới vài tuần, thậm chí phải xem đi xem lại rất nhiều lần. Bạn đã tóm lược những cảm nhận đó thông qua trải nghiệm thực tế của mình: “Trước khi đến Pháp, hình ảnh ‘bảo tàng’ trong đầu tôi là những căn phòng rộng lớn, vắng lạnh, toát ra mùi ẩm mốc vì thiếu ánh sáng tự nhiên, là ‘lịch sử’ nằm ngủ quên trong những góc tối, là dấu vết thời gian bị hóa thạch. Nhưng với người dân Paris và cả châu Âu, bảo tàng là cái gốc của hiểu biết và đương nhiên, của sự phát triển. Bản thân các bảo tàng ở Paris hay ở châu Âu cũng được phát triển không ngừng. Và lạ chưa, với người châu Âu, bảo tàng còn là nơi đem lại tình yêu: yêu nghề, yêu cuộc sống, yêu nhau” 1.

Vì thế, ở trong lòng thế giới cà phê mới này, bước chân chậm hơn và cặp mắt nhìn cũng chăm chú hơn, người ta sẽ cảm nhận được cái hồn một bảo tàng, cái vẻ đẹp tĩnh lặng mà sống động trong từng đồ vật, rồi cảm thấy cái sức hút thiết thân của một điểm quần tụ ấm áp và không ngần ngại đưa cả trẻ nhỏ, người già tới…

Phải chăng ấn tượng đầu tiên là sự dễ chịu khi được bước đi bằng đôi dép vải? Hay sự sắp đặt có ý đồ “khoa học, đơn giản” giúp mỗi hiện vật được nhìn bằng nhiều khía cạnh khác nhau, trong không gian sâu hút và luồng ánh sáng thay đổi theo từng thời khắc trong ngày? Mỗi hiện vật đều mang lại trải nghiệm sống động, tha thiết được nhìn ngắm, suy ngẫm về quá khứ của nó, về cách cà phê đã dịch chuyển qua thời gian. Từ những dụng cụ trồng trọt, thu hái ở những vùng đất Nam Mỹ, Đông Nam Á, Việt Nam…; cách chế biến, máy rang, xay ra đời trong cách mạng công nghiệp ở châu Âu ở Đức, Ý, Pháp, Anh,… tới những dụng cụ thưởng lãm cầu kỳ, tinh xảo tích tụ những đổi mới sáng tạo của hàng trăm năm.

“Lần đầu tiên đến Bảo tàng Thế giới Cà phê tôi đã nhìn thấy nguồn cảm hứng mạnh mẽ của người nghĩ ra dự án tuyệt vời này. Với bộ sưu tập rất phong phú trong văn hóa thưởng thức, chế biến, trồng trọt cà phê của nhiều nơi trên thế giới mà tôi được xem, tôi cho rằng cần làm cho nó thật đơn giản và tinh tế để có thể giữ nguyên vẹn cảm xúc của tất cả hiện vật. Chính vì vậy tôi đã đề xuất với các bạn rằng: vấn đề không phải là nhiều mà là đủ để làm nổi bật những điều mà các bạn muốn nhắm đến”, Chiara, cố vấn sắp đặt hiện vật của Bảo tàng Thế giới Cà phê – chuyên gia đến từ Current Corporate, một công ty của Italia hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật bảo tàng – chia sẻ.

Ý tưởng thành lập Bảo tàng là của vua cà phê Việt, Nhà sáng lập – Chủ tịch Tập đoàn Trung Nguyên Legend Đặng Lê Nguyên Vũ. Năm 2007, ông đã ghé thăm bảo tàng Jens Burg ở Đức – được biết đến là một bảo tàng được hoàn thiện trong suốt hơn 20 năm. Với 3 năm quyết tâm theo đuổi, tâm huyết của ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến Jens Burg tin tưởng việc gặp đúng người “sống vì cà phê” để kế tục bảo tàng. Tháng 9/2010, hơn 10.000 hiện vật do Jens Burg thu thập đã về đến Việt Nam cùng tâm tình của ông: “Tôi hoàn toàn tin tưởng khi chuyển giao lại đứa con của mình cho Trung Nguyên vì tôi muốn đóng góp một phần của mình vào việc xây dựng và hình thành nên một Thủ phủ Cà phê Toàn cầu tại Việt Nam”.

Nơi giao hòa văn hóa bản địa và thế giới

Câu chuyện về cà phê thế giới được kể trong không gian đất đỏ bazan nên mang một ý nghĩa đặc biệt. Được truyền cảm hứng từ hình ảnh ngôi nhà dài của người Ê đê cũng như những tiếng chiêng vang vọng trong sử thi Đăm San “…nhà dài như tiếng chiêng ngân…”, Bảo tàng thế giới Cà phê giúp người chiêm ngưỡng nó có thể nhìn lại hình ảnh ngôi nhà dài trên kiến trúc của những khối nhà nối nhau, tiếp biến trong không gian và thời gian. Mái nhà rông của cộng đồng các dân tộc: J’rai, Bana, Mơ Nông… thường khiến người khác có cảm hứng đặc biệt khi nhìn vào. “Những ngôi nhà rông cao lớn và đẹp đẽ, toàn thân như một nét nhạc, như một tiếng chim vút lên giữa rừng, chỉ chực bay lên, uy nghi mà nhẹ nhõm, trang nghiêm mà thân tình2. Cảm hứng từ mái nhà rông đã đưa vào kiến trúc bảo tàng với những bức tường nghiêng kéo dài từ nền lên đến đỉnh làm xóa nhòa ranh giới giữa tường và mái. Bản thân Bảo tàng Thế giới Cà phê là được nhìn dưới góc độ của một phần trong hệ sinh thái cà phê tinh thần, gắn kết với quê hương cà phê Việt Nam qua hình thái, phương thức xây dựng. Các phiến đá bazan núi lửa tích tụ qua hàng triệu năm, được lựa chọn làm vật liệu hoàn thiện cho công trình. Hiệu ứng kết hợp chất liệu đá bazan và mảng khối, đường cong khiến tòa nhà như thể đang chuyển động.


Không nhiều bảo tàng tại Việt Nam có thể biến bảo tàng thành “ngày hội” dành cho tất cả mọi người để trải nghiệm, để học hỏi. Bảo tàng Thế giới Cà phê nằm trong số ít đó. Ngay từ khi có ý tưởng hình thành, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã có định vị là một bảo tàng của tương lai, sống động trong cách trưng bày triển lãm, có không gian tương tác với khách tham quan cùng những trải nghiệm. Là nơi thẩm thấu các giá trị đương đại và tiếp biến của đời sống, không đóng mình vào với khái niệm “bảo tàng” theo cách tư duy cũ. Không gian triển lãm mang tính mở: mở rộng cho các hoạt động về Thân – Tâm – Trí, mở mang tư tưởng, tri thức và tầm nhìn.

Do đó, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, triển lãm được diễn ra thường xuyên dành cho nhiều đối tượng với nhiều chủ đề khác nhau. Từ việc đưa triển lãm nghệ thuật kỹ thuật số của Teamlab hàng đầu thế giới về đây đến những chương trình rất đời thường như hội thi ủ rượu của cộng đồng Ê-đê; từ việc giúp người dệt thổ cẩm hiểu được, vải có thể góp phần tạo nên một nền văn hóa riêng, đại diện cho cả một quốc gia đến việc tạo không gian học tập vui chơi cho trẻ nhỏ. Những hoạt động không chỉ giúp khách du lịch trải nghiệm về văn hóa bản địa mà còn giúp cộng đồng địa phương có cơ hội tìm hiểu về nhiều quốc gia trên thế giới, khẳng định tầm nhìn về một trung tâm giáo giục, đào tạo kiến thức nền tảng, nâng cao hiểu biết đồng thời tạo cảm hứng sáng tạo. Thư viện Ánh sáng với tủ sách Tây Nguyên với các chủ đề về kiến trúc, văn hóa của các cộng đồng dân tộc bản địa như Ê-đê, Jrai, Bana, Mơ Nông…; Tủ sách Nền tảng Đổi đời được chọn lọc từ kho tàng kiến thức của nhân loại được đặt trong thư viện góp phần đưa người đọc đi đến tương lai bằng tinh thần thượng tôn tri thức.

Nghĩ về Bảo tàng Thế giới cà phê, có thể thấy vị trí đắc địa có thể khiến người ta tò mò mà đến nhưng những điều mang sức khơi gợi và truyền tải nhiều ý nghĩa mới là điều quan trọng để níu chân họ trở lại. □

Bài: Huyền Thanh. Ảnh: Châu Anh
1. “Tôi và Paris – Câu chuyện một dòng sông”, Hoàng Long, NXB Thế giới 2016.
2. 27. Tr 11 “Tản mạn nhớ và quên”, Nguyên Ngọc, NXB Văn nghệ 2017.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)