Thế giới chưa sẵn sàng đối mặt vụ phun trào núi lửa lớn sắp tới
Một vụ phun trào lớn có thể ảnh hưởng đến hệ thống thương mại, truyền thông và tài chính toàn cầu.
Sự phun trào cấp 5 ở núi St Helens vào năm 1980 khiến 57 người thiệt mạng
Nhóm các nhà khoa học hàng đầu về núi lửa cảnh báo: Thế giới sẽ cần chuẩn bị nhiều hơn cho vụ phun trào lớn sắp tới.
Sóng thần Ấn Độ Dương vào năm 2004 và động đất Tōhoku ở Nhật năm 2011 là một trong những thảm kịch tự nhiên tồi tệ nhất. Nhưng loài người đã không phải đối mặt với thảm họa núi lửa khốc liệt kể từ năm 1815, khi vụ phun trào ở Tambora (Indonesia) đã dẫn đến cái chết của 10.000 người và dẫn tới “năm không mùa hè” ở châu Âu và Nam Mỹ. Những vụ phun trào núi lửa chấn động thế giới như thế này được xếp cấp 7 hoặc cao hơn trên thang Chỉ số phun trào núi lửa (Volcanic Explosivity Index – VEI) – mức cao nhất là 8.
Chris Newhall – nhà khoa học núi lửa thuộc Mirisbiris Garden and Nature Center (Santo Domingo, Philippines) nói: “Một vụ phun trào cấp 7 VEI tiếp theo có thể xảy ra trong thời đại của chúng ta hoặc hàng trăm năm nữa.” Tuy nhiên giờ là lúc để thảo luận và các nhà nghiên cứu cùng chính phủ cần lập kế hoạch cũng như chuẩn bị phòng ngừa tình huống tê liệt khẩn cấp có thể xảy ra.
Newhall là tác giả chính của một công bố trên Geoshpere, khảo sát các hậu quả tiềm tàng của một vụ phun trào cấp 7 VEI tiếp theo. Đồng tác giả của công bố này là Stephen Self (trường đại học California ở Berkeley) – người đã cùng ông đưa ra VEI vào năm 1982, và Alan Robock – nhà khoa học nhiệt đới tại trường đại học Rutgers (New Brunswick, New Jersey). Cả ba đã nghiên cứu vụ phun trào cấp 5 VEI tại núi St Helens (bang Washington, 1980) và cấp 6 VEI tại núi Pinatubo (Philippines, 1991).
Những sự kiện này đã khiến hàng trăm người thiệt mạng và phá vỡ toàn bộ vùng xung quanh. Núi Pinatubo thậm chí còn phun một lượng lớn SO2 vào tầng bình lưu, dẫn đến việc giảm nhiệt độ toàn cầu. Nhưng một vụ phun trào cấp 7 VEI cũng có thể diễn ra quy mô hoàn toàn khác. Năm 1257, vụ phun trào cấp 7 VEI ở khu vực mà nay là Indonesia đã kéo nhiệt độ hành tinh xuống đến mức bắt đầu một đợt lạnh kéo dài hàng thế kỷ – Kỷ băng hà nhỏ. Robock nói: “Những điều này rất quan trọng với hành tinh, nhưng vụ kế tiếp có thể sẽ diễn ra trong môi trường khá khác biệt.”
Toàn cầu hóa chuẩn bị cho thảm họa
Các nhà nghiên cứu nhận xét, hệ thống nông nghiệp, y tế, tài chính và những khía cạnh khác của cuộc sống hiện đại đã được kết nối toàn cầu hơn nhiều so với cách đây vài thập kỷ. Tám năm trước, một vụ phun trào cấp 3 VEI – Eyjafjallajökull (Iceland) đã làm tê liệt giao thông hàng không châu Âu do máy bay có thể lâm vào nguy hiểm khi bay qua đám tro bụi núi lửa, dẫn đến thiệt hại kinh tế khoảng 5 tỷ USD.
Nhóm của Newhall nói rằng các nhà nghiên cứu nên bắt đầu chuẩn bị cho một vụ phun trào cấp 7 VEI trong tương lai bằng cách nghiên cứu các ảnh hưởng tiềm ẩn đối với kết nối truyền thông trọng yếu, như cách độ ẩm khí quyển và tro núi lửa có thể gây nhiễu tín hiệu hệ thống định vị toàn cầu; tìm hiểu thêm về cách lượng lớn magma tích trữ và phun trào nhằm giúp dự đoán nơi có thể xảy ra vụ phun trào 7 VEI kế tiếp.
Các nhà nghiên cứu đã có một danh sách dài cái núi lửa có thể là nơi xảy ra một vụ nổ 7 VEI, bao gồm: Taupo (New Zealand) – địa điểm diễn ra vụ phun trào cấp 8 VEI vào 26.500 năm trước, và núi Damavand (Iran), cách Tehran chỉ 50 km.
Janine Krippner, nhà nghiên cứu về núi lửa thuộc trường đại học Concord (Athens, West Virginia), nói: việc chuẩn bị cho vụ phun trào hiếm gặp nhưng nguy hiểm cũng quan trọng như đối phó với các vụ có tần suất thường xuyên và quy mô nhỏ hơn – “Ngay cả đối với những trường hợp có xác suất thấp hơn thì khi chúng xảy ra, mọi người sẽ nhìn vào các nhà khoa học, các nhà quản lý tình huống khẩn cấp, chính phủ và những người khác và kỳ vọng rằng họ đã chuẩn bị trước. Chúng tôi nợ cộng đồng việc nghiên cứu những vụ phun trào nguy hiểm tiềm ẩn, vì thế chúng tôi cần hướng dẫn mọi người những việc cần làm lúc xảy ra thảm họa.”
Thanh Trúc dịch
Nguồn: https://www.nature.com/articles/d41586-018-02784-7