Thế giới năm 2052

Câu lạc bộ Roma (Club of Rome) vừa công bố một nghiên cứu cho biết thế giới sẽ ra sao vào năm 2052. WIWO (Tuần Kinh tế) của Đức đã phỏng vấn nhà khoa học người Na Uy Jorgen Randers-tác giả công trình nghiên cứu có tên "2052" này.

WirtschaftsWoche Online: Thưa ông, thế giới sẽ ra sao vào năm 2052?

Jorgen Randers: Thế giới đang đi trên con đường dẫn đến sự suy sụp khí hậu. Nếu mọi sự hoàn toàn không thay đổi thì lượng khí thải – CO2 sẽ tiếp tục tăng lên và đến năm 2052 nhiệt độ sẽ tăng thêm  2° Celsius, điều đó sẽ làm cho biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ hơn và không có gì là khả quan cả.

Theo ông thì nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng đó?

Nguyên nhân là do những quyết sách thiển cận về chính trị và kinh tế, nhất là ở các nền dân chủ tư bản chủ nghĩa phương Tây. Nhiều cấp, nhiều người có quyền quyết định lại tư duy theo kiểu thiển cận không đánh giá hết những hệ quả lâu dài đối với những quyết sách và hành động của mình. 

Suy nghĩ chính xác của giáo sư về điều đó là gì?

Ở đây tôi muốn đề cập đến những quy định cơ bản của mô hình phát triển phương Tây: Sự ra quyết định  “Decision-Making” ở nhiều lĩnh vực thường gắn với lợi ích một cách ngắn hạn  –  trong kinh tế thì chỉ nhìn vào lợi nhuận, trong chính trị thì trông vào cuộc bầu cử tới. Với cách làm đó người ta có thể thu được kết quả tốt đẹp trong một khoảng thời gian ngắn, nhưng những điều đó không thể chặn đứng được tình trạng khí hậu ngày càng khắc nghiệt hơn.

Vậy các giải pháp mà ông muốn đưa ra là gì?

Về mặt chính sách cần loại bỏ quan niệm lợi nhuận đơn thuần và phải hướng các dòng tiền đầu tư vào các lĩnh vực thực sự thiết yếu. Như người Đức đang thực hiện việc phát triển, mở rộng năng lượng gió.

Có nước nào giải quyết vấn đề này tốt hơn các quốc gia phương Tây?

Có đấy. Thí dụ như Trung Quốc chẳng hạn. Ở Trung Quốc thị trường là để thực thi các quyết định chính trị chứ không phải ngược lại. Do đó các vấn đề về kinh tế, chính trị sẽ được giải quyết trên cơ sở những giải pháp dài dạn. Người Trung Quốc rất ý thức về sự khan hiếm tài nguyên và ngay từ bây giờ họ đã đưa ô tô chạy điện vào sử dụng. Ngược lại người tiêu dùng phương Tây thì lại chờ đợi cho đến khi xe này mang lại đủ lợi nhuận. Nhưng chờ đợi như vậy có khi là quá muộn. Các quốc gia phương Tây có khả năng dự báo về những sai lầm, thiếu sót, nhưng lại không có khả năng giải quyết những sai lầm thiếu sót đó. 

Vậy phải chăng người Trung Quốc sẽ là “nhân vật chính” giải quyết những vấn đề của biến đổi khí hậu?

Tôi xin nói rất rõ là: Chính phủ Trung Quốc, chứ không phải các chính thể dân chủ ở phương Tây, sẽ giải quyết được những vấn đề về biến đổi khí hậu. Người Trung Quốc đang đi trên con đường đó, họ chủ động trong cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu đồng thời tiến hành cuộc chiến chống nghèo đói ngay trong đất nước mình. Hai cuộc chiến đấu này diễn ra song song và có hiệu quả. Xã hội phương Tây mất 50 năm để tạo nên sự phồn vinh, thịnh vượng và mãi đến bây giờ mới bắt đầu cuộc chiến chống lại hệ quả của sự tàn phá môi trường.

Xin ông cho biết chúng ta cần làm gì để cùng Trung Quốc giải quyết tình trạng này?

Thứ nhất, các nước giàu phải thay đổi dòng chảy của tư bản vào những chương trình phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Thứ hai, từng cá nhân ngay từ bây giờ có thể ra những quyết định hữu ích như mua ô tô điện, làm nhà cách âm, cách nhiệt tốt hơn, giảm tiêu thụ dầu và khí đốt…

Và thứ ba là, phải ủng hộ một chính phủ mạnh. Một chính phủ mà trong một thời gian ngắn có thể chuyển những đầu tư ngắn hạn vào những dự án dài hơi và chính phủ đó không những nhận biết được những vấn đề cơ bản mà còn phải biết giải quyết những vấn đề đó.
Làm được như vậy không chỉ có lợi cho chúng ta mà còn có lợi cho cả con, cháu chúng ta mai sau.

Jorgen Randers, sinh năm 1945, là giáo sư về chiến lược khí hậu thuộc Norwegian School of Management. Ông nghiên cứu sự phát triển bền vững trên thế giới, ở trong và ngoài doanh nghiệp trong đó đặc biệt chú trọng đến vấn đề khí hậu.

Randers có vị trí trong nhiều Hội đồng giám sát thuộc các doanh nghiệp Na Uy và là tác giả của nhiều cuốn sách  như “The Limits to Growth” (1972) và  “Limits to Growth– The 30 Year Update” (2004).

Hoài Trang  dịch theo Wiwo

Tác giả

(Visited 18 times, 1 visits today)