Thể thao giúp xương vững chắc trở lại

Một nghiên cứu mới được công bố cho thấy, luyện tập thể thao có thể giúp chống lại tình trạng mất xương.

Khoảng 212 cái xương giúp cho cơ thể con người đứng vững và chịu được tải trọng lớn. Tuy nhiên khối lượng xương vững chắc bắt đầu suy giảm từ tuổi 40, nhanh hay chậm tuỳ theo từng người.

Trong một thời gian dài, người ta luôn cho rằng xương có cấu trúc cứng nhắc. Phát hiện của nhà phẫu thuật Julius Wolff và kỹ sư xây dựng Karl Culmann năm 1871 là một bước tiến vượt bậc trong nghiên cứu về xương. Họ kết luận rằng, trong thực tế bộ xương có khả năng thích nghi cao hơn người ta tưởng.

Ngày nay chúng ta đã biết, trong bộ xương luôn có sự cân bằng giữa chất tạo xương (osteoblasts) và chất làm tiêu biến xương (osteoclasts). Các tế bào cảm biến nhất định (osteocytes) ở trong xương đo các lực tác động xương từ các hướng để điều chỉnh hai chất này. Nếu các lực đó thấp thì cơ thể trút bỏ bớt các chất độn để giảm khối lượng xương. Ngược lại khi chịu áp lực lớn, các chất tạo xương sẽ tăng cường hoạt động.

Jon Tobias, giáo sư về bệnh thấp học thuộc ĐH Bristol (Anh Quốc), cho rằng, chỉ khi nào tải trọng lớn gấp bốn lần gia tốc trọng trường (4 g) thì khối lượng xương mới được bồi đắp. Ngược lại, trường hợp dưới 3 g thì sẽ dẫn đến mất dần khối lượng xương và dưới 2 g thì coi như bị mất hẳn xương.

Tuy nhiên, theo Georg Duda, Giám đốc Viện Julius Wolff ở Berlin, cần thận trọng với những con số cụ thể: “Vì ở đây có sự khác nhau giữa các cá nhân.” Điều thú vị ở chỗ, dường như lực tuyệt đối lại không có ý nghĩa quyết định. “Quan trọng hơn nhiều”, Duda nói, “là sự thay đổi tải trọng đột ngột.”

Một nghiên cứu cách đây khoảng mươi năm đã đề cập vấn đề này. Mật độ xương của 255 nữ vận động viên điền kinh trước thời kỳ mãn kinh đã được đem ra so sánh. Bất ngờ là, không phải các nữ vận động viên cử tạ mà là các nữ vận động viên bóng chuyền có xương vững chắc nhất. Một nghiên cứu được công bố đầu năm 2014, cho biết, 60 phụ nữ ở độ tuổi từ 25 đến 50 đã tham gia một thí nghiệm khá nặng nhọc – luyện nhảy trong 16 tuần. Một nhóm người tham gia luyện nhảy hai lần mỗi ngày, mỗi lần mười cú nhảy với khoảng cách là 30 giây, một nhóm khác cũng thực hiện nội dung nói trên nhưng với 20 cú nhảy và có lực tải lớn nhất trên 7 g. So với nhóm đối chứng không nhảy thì mật độ xương ở những người tập nhảy cao hơn rõ rệt.

Chuyên gia Duda cho rằng, khác với chuột, bộ xương ở người, ngay cả khi cao tuổi, vẫn có thể kích thích để kiến tạo mà luyện tập là một yếu tố có tác động rõ rệt.

“Khi già thì xương ngày càng giòn hơn và các tế bào cảm biến ngày càng kém nhạy cảm hơn đối với tải cơ học,” Duda nói. Hơn nữa, tuổi càng cao, người ta càng ít vận động, do đó lực tác động vào tế bào ngày càng giảm. “Từ đó thiếu các tín hiệu quan trọng để duy trì và kiến tạo xương,” nhà nghiên cứu về xương nói.

Vì thế Duda khuyên mọi người tăng cường hoạt động cơ thể càng nhiều càng tốt: “Điều quan trọng là cần chủ động vận động khi đã cao tuổi, đặc biệt là chạy bộ hay tập thể lực ở mức độ vừa phải. Khi luyện tập thể lực và vận động thì cơ và xương được duy trì một cách tốt nhất.”

Tuy nhiên, những người bắt đầu có dấu hiệu bị loãng xương thì không nên tập những bài tập quá nặng vì có thể dẫn đến nguy cơ gẫy xương, chuyên gia Duda cảnh báo.

Xuân Hoài dịch

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)