Thêm một phương thức điều trị cúm A – H5N1 ở người?

Giới truyền thông trên thế giới lại vừa dấy lên một niềm tin mới là đã có thể chiết tách được kháng thể kháng lại vi-rút A-H5N1 ở người và có hiệu quả bảo vệ chuột thí nghiệm cho nhiễm H5N1 không bị bệnh. Thậm chí một tờ báo trong nước còn khẳng định: Bệnh viện Bệnh nhiệt đới: tìm ra vũ khí diệt H5N1. Vậy giá trị ứng dụng đích thực của công trình này như thế nào?

Bối cảnh ra đời của nghiên cứu
Nghiên cứu này dựa trên nền tảng nguyên lý kháng nguyên-kháng thể và quan trọng hơn là dựa trên một quan sát thực nghiệm ở kỳ đại dịch cúm Tây Ban Nha 1918. Sau một thời gian ngắn diễn ra, hàng triệu triệu bệnh nhân bị chết nhanh chóng, giới bác sĩ bằng mọi nỗ lực để cứu chữa những người còn lại; một trong các nỗ lực đó là sử dụng máu và huyết thanh của những người vừa bị cúm và bình phục để truyền cho bệnh nhân mới. Và theo một nghiên cứu tổng hợp, hồi cứu lại các y văn của những năm 1920 thế kỷ trước, các khoa học gia nhận thấy tỷ lệ tử vong ở những bệnh nhân được truyền máu thấp hơn so với những bệnh nhân không truyền. Mặc dù nghiên cứu y học vào những thời sơ khai đó có nhiều hạn chế về giá trị khoa học, nhưng cũng lóe lên một dấu hiệu là biết đâu, có thể sử dụng phương pháp trung hòa này, áp dụng được trên bệnh cúm A-H5N1.
Nghiên cứu này làm gì, kết quả ra sao?

 
Vi-rút H5N1 (màu xanh) dưới kính hiển vi điện tử  trong mô (tissue) tổn thương, nguồn trích www.theage.com.au

Nghiên cứu mới này vừa mới được đăng tải trên một tập san y khoa trực tuyến, Public Library of Science (PloS) (Medicine) có tiêu đề: “Hiệu quả điều trị và phòng ngừa của Kháng thể Đơn dòng ở người đối với vi-rút cúm H5N1” của một nhóm tác giả kết hợp giữa Trung tâm nghiên cứu Y học Lâm sàng của Viện đại học Oxford-Bệnh viện Y học Nhiệt đới thành phố HCM, Viện nghiên cứu Y sinh Bellizona, Thụy Sĩ và Phòng thí nghiệm bệnh Truyền nhiễm của Viện quốc gia về bệnh Truyền nhiễm và Dị ứng, Bethesda, Maryland, Mỹ.
Cách tiến hành: các tác giả sử dụng 4 mẫu máu của 4 bệnh nhân đã được chẩn đoán bị nhiễm H5N1 (tại bệnh viện Y học Nhiệt đới TP HCM), sau đó dùng các biện pháp kỹ thuật để tách lấy kháng thể. Các kháng thể này được sàng lọc hiệu quả bằng cách cho tiếp xúc với mẫu các vi-rút H5N1 (được lưu trữ từ các chủng phân lập được ở Hồng Kông và Việt Nam từ 1997-2005). Một trong số các kháng thể đó đã có thể trung hoà được với dòng H5N1 chính là loại mà các bệnh nhân cho máu đó đã bị nhiễm.
Trong ống nghiệm, loại kháng thể này có thể trung hòa được vi-rút H5N1 tương đối gần (nên hiểu là chìa khớp với khoá, hay tương đối đặc hiệu, nên gọi là kháng thể đơn dòng) và lại có tác dụng chéo đối với một dòng H5N1 khác (cũng gây bệnh cho người).
Tiến hành nghiên cứu trên chuột thực nghiệm (mỗi lô 4-8 con chuột, không nêu cụ thể bao nhiêu lô), các tác giả nhận thấy một số các kháng thể có tác dụng bảo vệ chuột thông qua các hoạt động: làm giảm khả năng tăng sinh vi-rút trong chuột, giảm hoạt động huỷ hoại của vi-rút trong phổi, và ngăn cản sự lan toả của vi-rút trong phổi.
 


Mô phỏng cấu trúc 3 chiều của vi-rút A-H5N1

Dựa vào đó, nhóm nghiên cứu lạc quan cho thấy kết quả này có thể ứng dụng trong điều trị bệnh cho người, nhất là khi có đại dịch và hiệu quả điều trị đạt được cần phải dùng trước 72 giờ (sau nhiễm bệnh); hơn nữa kỹ thuật chế tạo kháng thể của nhóm nghiên cứu này là dễ dàng và nhanh.

Nhận xét
Như mọi nghiên cứu khoa học, việc xếp loại giá trị nghiên cứu trong bậc thang giá trị thì nghiên cứu này chỉ mới ở bậc thấp của nghiên cứu dịch tễ lâm sàng, có nghĩa là chỉ còn mới trong phòng thí nghiệm. Hay cụ thể hơn, nghiên cứu này là một tiền đề, một cuộc thực tập dọn đường để có hướng nghiên cứu trên người, mà trước hết là nghiên cứu trên tế bào, mô người biệt lập. Về ý tưởng, thì đây không phải là một nghiên cứu gốc (original study) mà chỉ là một kế thừa nguyên lý, lần đầu tiên tìm được trên loại vi-rút mới: H5N1.
Còn hiệu quả để có thể chế tạo và sử dụng có hiệu quả trên người đưọc hay không? Chắc chắn là chưa thể biết, và để có câu trả lời là cần phải có một thời gian rất dài nữa.
Lý do thứ nhất, hiện nay bệnh cúm gia cầm A-H5N1 ở người vẫn là lẻ tẻ, và rải rác, mặc dầu tỷ lệ tử vong cao. Lý do thứ hai quan trọng hơn là như đã đề cập ở phần nguyên lý, vi-rút cúm A là không đặc hiệu và không ổn định về cấu trúc kháng nguyên. Rồi để đến bước vi-rút H5N1 có thể lây lan giữa người và người thì cấu trúc nó có như hiện nay không? Hẳn là không, nhưng như thế nào chúng ta cũng chưa biết. Một lý do khác không thiếu phần quan trọng nữa là hiệu quả điều trị của việc sử dụng kháng thể từ trước đến nay thường chỉ đạt được trong giai đoạn còn ủ bệnh, và mầm bệnh còn lưu hành trong máu, chưa đến giai đoạn xâm nhập vào tế bào và tăng sinh. Cũng như các tác giả nhận định là cần phải dùng sớm trước 72 giờ sau khi nhiễm. Đối với cúm thì việc phát hiện được thời gian nhiễm bệnh có lẽ là chuyện không tưởng, và nếu có thì bệnh nhân có đến được với bác sĩ thì cũng đã muộn hơn. Họa may chỉ có thể nghi ngờ sớm khi đã có… dịch. Đối với các bệnh khác như chó dại cắn hoặc dẫm phải đinh gai, chúng ta mới có thể dễ dàng xác định được thời gian phơi nhiễm rõ ràng và chính xác mà thôi.
Đó mới chỉ là các điểm về mặt nguyên lý, còn về mặt kỹ thuật và quan trọng nhất là đáp ứng của cơ thể bệnh nhân đối với việc sử dụng kháng thể điều trị như thế nào, mới là mấu chốt.
Để có được có câu trả lời đó, đường đi từ nghiên cứu tiền trạm này đến đích còn khá xa, và chúng ta chỉ nên đón nhận thông tin này ở mức độ vừa phải, và chờ xem các nhà khoa học đi các bước tiếp theo như thế nào, chứ chưa phải là chúng ta đã tìm ra được một phương tiện cứu cánh. Và chắc chắn một điều để đánh giá được hiệu quả thực thụ của việc sử dụng kháng thể để điều trị cho người bệnh bị nhiễm H5N1 chỉ có thể thực hiện được khi bệnh cúm loại A-H5N1 đã trở nên tương đối phổ biến ở người, và biết đâu, biết đâu lúc đó nó lại biến đổi trở nên là một loại cúm A như bao loại cúm A khác đang lưu hành hiện nay. Cũng nên hy vọng theo chiều hướng đó.

Tham khảo
[1] Couch, R. B., and Kasel, J. A. Immunity to influenza in man. Annu Rev Microbiol 1983; 37:529-49.
[2] Duke University Medical Center Library and Health Sciences Library  UNC-Chapel Hill Introduction to Evidence-based Medicine. Available at http://www.hsl.unc.edu/Services/Tutorials/EBM/Supplements/QuestionSupplement.htm. Accessed 30/05/2007. 2007.
[3] Luke, T. C., Kilbane, E. M., Jackson, J. L., and Hoffman, S. L. Meta-analysis: convalescent blood products for Spanish influenza pneumonia: a future H5N1 treatment? Ann Intern Med 2006; 145:599-609.
[4] Simmons, C. P., Bernasconi, N. L., Suguitan, A. L., Mills, K., Ward, J. M., Chau, N. V., Hien, T. T., Sallusto, F., Ha do, Q., Farrar, J., de Jong, M. D., Lanzavecchia, A., and Subbarao, K. Prophylactic and therapeutic efficacy of human monoclonal antibodies against H5N1 influenza. PLoS Med 2007; 4:e178.
[5] Simonsen, L., Clarke, M. J., Williamson, G. D., Stroup, D. F., Arden, N. H., and Schonberger, L. B. The impact of influenza epidemics on mortality: introducing a severity index. Am J Public Health 1997; 87:1944-50.
[6] Webby, R. J., and Webster, R. G. Are we ready for pandemic influenza? Science 2003; 302:1519-22.
[7] WHO Avian influenza (” bird flu”) – Fact sheet. Available at: http://www.who.int/mediacentre/factsheets/avian_influenza/en/print.html. 2006.
[8] WHO Cumulative Number of Confirmed Human Cases of Avian Influenza A/(H5N1) Reported to WHO. Available at: http://www.who.int/csr/disease/avian_influenza/country/cases_table_2007_06_06/en/print.html. 2007.

Để sử dụng kháng nguyên (vaccine) hay kháng thể cho người để phòng chống lại bệnh tật có hiệu quả, cần phải dựa trên một số tiền đề:
– Cấu trúc di truyền kháng nguyên của mầm bệnh phải tương đối ổn định theo thời gian.
– Mầm bệnh đó phải có đủ điều kiện để tạo ra chuỗi phản ứng kháng nguyên-kháng thể, có nghĩa là cho cơ thể tiếp xúc với kháng nguyên này, thì cơ thể phải tạo được kháng thể.
– Đối với kháng thể, thì kháng thể đó phải có hoạt tính trong môi trường cơ thể sống (in vivo) và có khả năng trung hòa được mầm bệnh hữu hiệu mà không gây hại cho cơ thể người sử dụng.
– Hoạt động của kháng thể chỉ hữu hiệu một khi mầm bệnh còn lưu hành trong máu, trước khi xâm nhập hay định cư vào tế bào của cơ thể người bệnh.
Vi-rút cúm A -H5N1?
Cho đến hiện nay, những chủng loại vi-rút H5N1 là đặc hiệu gây bệnh cho người, chúng ta chưa biết được. Chỉ biết rằng có sự vượt rào cản chủng loại, lây trực tiếp từ vật sang người tiếp xúc, nhưng theo cơ chế nào cũng không rõ (vì không phải nhiều người mắc phải trong khi hàng triệu triệu con gia cầm bị bệnh dịch và cũng không ít người tiếp xúc). Đối với những người mắc bệnh trong mấy năm qua, thì phân lập vi-rút H5N1 ở các bệnh nhân này cũng không thuần nhất về mặt cấu trúc, mặc dù vẫn xếp chúng và nhóm H5N1.
Một điều chắc chắn mà chúng ta có thể biết được là vi rút A-H5N1 là vi-rút được xếp và vi-rút cúm nhóm A, một loại vi-rút gây bệnh nặng ở người và thường bắt nguồn từ động vật. Một đặc điểm nổi bật của vi-rút cúm A là không ổn định về mặt cấu trúc kháng nguyên bề mặt, dễ thay đổi, đột biến, tích hợp, chuyển dạng. Vì lẽ đó mà chúng ta chưa bao giờ có thể đối trị được với loại vi-rút cúm này cả. Năm nào cũng phải tiêm vaccine, nhưng hàng năm trên toàn cầu vẫn có hàng triệu triệu người bị nhiễm cúm từ nhẹ đến nặng, và hàng năm vẫn có đến 1/4 triệu người chết vì cúm hay hậu quả của cúm thông thường chứ chẳng cần gì đến A-H5N1.
Đến thời điểm này, một điều may mắn là vi-rút A-H5N1 vẫn chỉ mới lưu hành rộng rãi trong loài lông vũ, gây bệnh thành dịch ở gia cầm, và chỉ tản mác lây trực tiêp sang người và dừng ở đó. Chưa có một bằng chứng nào cho thấy A(H5N1) có thể lây lan trực tiếp giữa người với người, và nếu có thì một trong những điều kiện đủ là vi-rút này phải có một sự đột biết mới, vượt rào cản chủng loại theo cách thức chuyển dạng kháng nguyên (shift antigen) thì mới có khả năng lây lan giữa người với người, hay nói cách khác đi là vi-rút A-H5N1 đó có khả năng không phải là A(H5N1) mà chúng ta đã và đang phân lập được hiện nay ở người bệnh.

Nguyễn Đình Nguyên

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)