Theo dấu mê cung từ trang trại gia cầm đến chợ
Các nhà khoa học tại Việt Nam đang từng bước hé mở con đường lây lan của vi khuẩn từ gà sang người - một con đường quá đỗi phức tạp với những mạng lưới chằng chịt.
Trong 10 tháng đầu năm 2022, cả nước đã ghi nhận 34 ổ dịch cúm gia cầm tại 19 tỉnh, thành phố. Ảnh: Báo Chính phủ
Trong một khu chợ ở Hải Dương, giữa những sọt rau quả, lồng vịt, giữa những tiếng hỏi han, mặc cả, các nhà khoa học tại Viện Thú y Quốc gia (NIVR) đang tiến hành lấy mẫu của những con gà công nghiệp trắng và gà lông màu. Họ sẽ làm gì với những mẫu này? Thực chất đây là một phần trong hành trình gian nan của các nhà khoa học – không chỉ tại Việt Nam mà là cả một mạng lưới nghiên cứu giữa nhiều nước – có thể cùng nhau tìm về con đường dịch chuyển của vi khuẩn, từ đó phần nào giải đáp một vấn đề lớn đã tồn tại từ lâu: các nguy cơ sức khỏe nảy sinh từ quá trình chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm gia cầm.
Sự tồn tại của virus, vi khuẩn trong gia cầm
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về protein động vật như thịt và trứng, số lượng gia cầm ở Việt Nam hiện đã lên đến hơn 500 triệu con, và dự kiến sẽ tăng mỗi năm khoảng 4% cho đến 2030. Trong khi đó, khoảng 70% số gia cầm thuộc về các hộ nuôi nhỏ lẻ với tình trạng sử dụng con giống không rõ nguồn gốc và thiếu thực hành các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi. Nghịch lý này đặt ra những rủi ro thường trực về lan truyền bệnh từ gia cầm sang người và sự tích lũy kháng kháng sinh.
Điều này lại càng trở nên bứt thiết hơn khi sau tám năm không ghi nhận ca dương tính cúm gia cầm nào ở người, vào tháng 10/2022, báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã phát hiện một bé gái 5 tuổi có kết quả xét nghiệm dương tính với cúm A(H5). Nguy cơ bùng phát đại dịch từ những virus có khả năng lan truyền từ động vật sang người lúc nào cũng chờ chực. Vì vậy, khoa học cần phải đi trước một bước để sẵn sàng ứng phó dịch bệnh.
Từ năm 2019, Dự án Gia cầm Một Sức khỏe do Đại học Thú y Hoàng gia (Vương quốc Anh) chủ trì với sự đồng hành của Viện Thú y, Viện Chăn nuôi, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Cục Thú y – Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Pháp (CIRAD) đã bắt đầu hóa giải một phần nỗi lo trên. Với tư duy “Một sức khỏe” – một cách tiếp cận xuyên ngành để đạt được sức khỏe tối ưu cho con người, động vật và môi trường xung quanh – dự án rà soát tổng thể những rủi ro sức khỏe trong chuỗi sản xuất gia cầm và nguyên nhân của chúng.
“Chúng tôi tập trung vào ba khía cạnh chính: nguy cơ về cúm gia cầm, nguy cơ về kháng kháng sinh và nguy cơ về các mầm bệnh có thể gây ngộ độc thực phẩm” – chị Phạm Thanh Hoa, điều phối viên dự án tại Việt Nam chia sẻ. “Nếu muốn xác định đâu là mắt xích có nguy cơ cao trong chuỗi sản xuất, phân phối gia cầm, chúng tôi phải truy dấu đường dịch chuyển của gia cầm – từ chợ, lò mổ, lần về nơi cung cấp gà”. Đây là bước đầu tiên và là cơ sở để nhóm tìm ra những khâu tạo điều kiện để virus, vi khuẩn nảy sinh và sinh sôi trên gà.
Chị tiết lộ công việc này đã giúp mình nhận ra mạng lưới phân phối gà sống – chưa nói đến gà đã qua chế biến – phức tạp đến nhường nào. Đó là một mạng lưới chằng chịt đầy sôi động, từ lò mổ đến người buôn bán lẻ, biết bao thương lái nhỏ, thương lái lớn, mới có thể tìm về đến trang trại.
Sau ba năm (từ năm 2019), Viện Chăn nuôi (NIAS) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) đã lập thành công bản đồ, cấu trúc mạng lưới chằng chịt – từ lò mổ đến người buôn bán lẻ – tại Bắc Giang, Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Dương. Dựa trên bản đồ này, Viện Thú y đã lấy mẫu sinh học của khoảng 1700 gà thịt và môi trường từ 103 điểm lấy mẫu (trang trại, chợ và cơ sở giết mổ); sau đó phối hợp với các phòng lab quốc tế tiến hành xét nghiệm về vi sinh vật gây ngộ độc thực phẩm (như vi khuẩn Campylobacter coli, Campylobacter jejuni, Salmonella), virus cúm gia cầm, dư lượng kháng sinh và kháng kháng sinh.
Các nhà nghiên cứu từ Viện Thú y Quốc gia (NIVR) đã thu thập các mẫu sinh học của gà tại chợ gia cầm sống, cơ sở giết mổ và trang trại gà. Trong hình, một nhà nghiên cứu đang lấy mẫu tại một điểm giết mổ gần chợ gia cầm sống ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thị Thủy, NIVR
Từ đây, nhóm nghiên cứu đã xác định được virus cúm gia cầm độc lực thấp H9N2 với tỷ lệ 1:25 con gà tại các trang trại gia cầm. Mức độ H9N2 tăng lên ở những con gia cầm được lấy mẫu ở chợ và cơ sở giết mổ. Mặc dù các chủng cúm H9N2 đang lưu hành ở Việt Nam trong những năm gần đây vẫn là dạng có độc lực thấp nhưng nhiều nông dân cho biết chủng cúm này tồn tại song song với những chủng cúm gia cầm độc lực cao như A/H5N1 và gây ra các thiệt hại đáng kể.
Bên cạnh đó, nhóm cũng xác định được ba loại vi khuẩn gây ngộ độc thực phẩm, gồm Campylobacter coli (xuất hiện với tỷ lệ 1:3 con gia cầm được lấy mẫu tại các trang trại và cơ sở giết mổ, 1:6 con gia cầm được lấy mẫu tại các chợ), Campylobacter jejuni (1:8 con gia cầm tại các cơ sở giết mổ, 1:6 con gia cầm ở chợ và 1:5 tại các trang trại), Salmonella không thương hàn (xuất hiện tại 1:5 trong các mẫu môi trường được lấy tại trang trại và 1:2 tại các chợ và cơ sở giết mổ). Các dữ liệu sâu hơn như di truyền phân tử của mầm bệnh, phân tích gene đột biến hay tiến hóa của mầm bệnh, di truyền phân tử của các vi sinh vật có chứa gene kháng kháng sinh, giải trình tự gene, phân tích cây phả hệ của virus cúm gia cầm phân lập ở chợ và trại nuôi gia cầm sẽ được tiến hành trong năm tới.
Lây truyền từ gà sang người
“Vẫn còn rất nhiều việc phải làm”, chị Phạm Thanh Hoa trả lời ngắn gọn khi được hỏi về dự định sắp tới của các nhà khoa học. Mặc dù dự án hiện đã có được những kết quả rõ ràng, nhưng với chị đó mới chỉ là một cánh cửa để nhóm nghiên cứu có thể hiểu rõ về các nguy cơ sức khỏe nảy sinh từ quá trình chăn nuôi và tiêu thụ các sản phẩm gia cầm.
Bước tiếp theo, lại lần theo mạng lưới này, nhóm nghiên cứu cần lý giải quá trình lây truyền và động lực tiến hóa của các vi sinh vật từ gà sang người. Trong năm 2022, Viện Thú y và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phối hợp thu thập mẫu trên gà và mẫu của những người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm trong môi trường trang trại để đánh giá xem các chủng mầm bệnh được phân lập từ người có giống về mặt di truyền/kiểu hình với các chủng lưu hành trong quần thể gà hay không. Khi đã xác định được mối liên hệ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ triển khai các nghiên cứu xã hội học và nhân chủng học để xác định các hành vi, tập quán và môi trường làm tăng nguy cơ mắc bệnh lây truyền từ động vật sang người, từ đó sẽ đề xuất giải pháp tại các trang trại nhằm nâng cao tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và chất lượng gà thịt, hạn chế ô nhiễm môi trường, tránh lây lan dịch bệnh.
Tùy thuộc vào phân tích các sản phẩm từ nghiên cứu thực địa, các biện pháp can thiệp tiên tiến trong quản lí chăn nuôi và sức khỏe đàn gia cầm có thể được thử nghiệm và đánh giá bởi Cục Thú y trong năm tới để hạn chế các nguy cơ sức khỏe cho người và gia cầm.
Bên cạnh những nghiên cứu hàn lâm, dự án còn có riêng một hợp phần để hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng một cách linh hoạt, tùy theo nhu cầu cụ thể được phát hiện trong quá trình triển khai dự án. Dự án đã tổ chức những buổi tập huấn cho người chăn nuôi và cán bộ thú y địa phương về các biện pháp an toàn sinh học và sử dụng kháng sinh hợp lý trong chăn nuôi. Vì tính chất phức tạp của chuỗi sản xuất, dự án cũng chú trọng việc tổ chức các buổi tọa đàm để chia sẻ và thảo luận kết quả nghiên cứu với các bên liên quan như cán bộ quản lý địa phương, các doanh nghiệp, các đại học, viện nghiên cứu quốc tế khác để có thể đưa ra những khuyến nghị chính sách khả thi.
Để làm được tất cả những điều trên, có thể nhận thấy sự phối hợp đồng đều giữa rất nhiều tổ chức, cá nhân trong dự án này, như Viện Thú y, Viện Chăn nuôi, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Học viện Nông nghiệp Việt Nam – và đó cũng là một trong những đặc điểm cốt lõi của phương pháp “Một sức khỏe”. Phương pháp tiếp cận này đòi hỏi sự hợp tác liên ngành, đa ngành, với nhiều cấp độ từ địa phương, khu vực, quốc gia và toàn cầu. Đó là lý do dù “Một sức khỏe” là xu hướng chung đã xuất hiện nhiều tại các diễn đàn học thuật, nhưng nó vẫn chưa được áp dụng hiệu quả tại Việt Nam.
Song đó mới chỉ là một phần của câu chuyện, dự án hoá ra không chỉ gói gọn tại Việt Nam. Là một trong 12 dự án trọng điểm của Quỹ Nghiên cứu Thách thức toàn cầu, dự án Gia cầm Một sức khỏe còn được thực hiện tại ba điểm nóng khác về các dịch bệnh mới nổi là Ấn Độ, Bangladesh, Sri Lanka. Để dự án thành công, phải kể đến vai trò của Đại học Thú y Hoàng gia – cơ sở đào tạo và nghiên cứu lâu đời về thú y tại Vương quốc Anh – tổ chức đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt và thiết kế toàn bộ nghiên cứu.
Điểm chung giữa các điểm nóng này đó là đều là những quốc gia nhiệt đới đang chịu cảnh ô nhiễm môi trường, mất mát đa dạng sinh học và tình trạng quản lý, kiểm soát gia cầm, vật nuôi vẫn còn nhiều hạn chế. Nguy cơ bùng phát đại dịch từ những virus có khả năng lan truyền từ động vật sang người lúc nào cũng chờ chực. Từ đây, những phát hiện của các nhà khoa học tại Việt Nam sẽ là các mảnh ghép hoàn thiện nên bức tranh kiến thức về nguy cơ về cúm gia cầm, nguy cơ về kháng kháng sinh và nguy cơ về các mầm bệnh có thể gây ngộ độc thực phẩm – chứ không dừng lại là những kiến thức phân mảnh, rời rạc.
Dự án sẽ tiếp tục được thực hiện đến năm 2024, với kì vọng đưa ra những bằng chứng và khuyến nghị rõ ràng để thúc đẩy sự phát triển của ngành chăn nuôi gia cầm, tăng thu nhập cho nông dân nhưng không tăng những rủi ro bệnh tật cho mọi người.