Thiên văn học Marxist: Dải Ngân hà trong mắt Anton Pannekoek
Đối diện với các bức vẽ của nhà thiên văn học, nhà tư tưởng Marxist kiêm nhà chủ nghĩa cộng sản hội đồng người Hà Lan Anton Pannekoek (1873-1960), chúng ta sẽ không nhận ra được ngay rằng Pannekoek đang vẽ dải Ngân hà. Dải sao này hiện lên như một khúc xương sống lờ mờ, lúc thì với “màu thực” (sao trắng trên nền đen), lúc thì dưới dạng ảnh ngược, trong đó các ngôi sao là các đốm sẫm màu, còn phần “ngân” của dải Ngân hà thì được tô đen như mực. Những bức vẽ ấy cùng một lúc vừa mơ hồ vừa chính xác; chúng là bước chuyển tiếp giữa tranh mài than củi và ảnh chụp bằng tia X.
Trên thực tế, những bức tranh này không thực sự vẽ dải Ngân hà, bởi theo Pannekoek, không thể tiếp cận được một thứ như vậy dưới dạng thực thể khách quan thuần túy. Quả thật, ở thời Pannekoek, phần nhiều các nhà thiên văn cũng đã hiểu được rằng ngay cả những người có trình độ cao cũng có thiên kiến khi quan sát sao (một hiện tượng được gọi là “phương trình cá nhân” – personal equation). Tuy nhiên, Pannekoek đi xa hơn thế: ông lý luận thứ mà chúng ta nhận thức là dải Ngân hà thực ra là ảo ảnh thị giác xuất phát từ cả các vì sao lẫn những người quan sát chúng trên Trái đất. Trong bài báo xuất bản năm 1897 trên tờ Popular Astronomy, Pannekoek thảo luận về sự thiếu nhất quán mang tính trực quan của dải Ngân hà, rồi tự hỏi liệu “đặc tính của hiện tượng thiên hà này có ngăn chặn việc khắc họa nó một cách cố định hay không”. Đây không chỉ là một thất bại trong khoa học quan sát đương thời; nó còn phản ánh đúng rằng dải Ngân hà vào thời điểm đó chỉ là một dạng ảo giác, thay đổi hình thù tùy theo trải nghiệm sống và thời đại lịch sử của quan sát viên, cũng như là cách mà trải nghiệm sống truyền cho tâm trí tạo ra các mẫu hình từ bản chất linh hoạt của hiện thực. Theo đó, tranh của Pannekoek vẽ chính quá trình tri giác – một hướng đi xuất phát từ tư tưởng chính trị của ông.
Giống như Marx và Engels – những người tiếp nhận Feuerbach, Hegel và Heraclitus – Pannekoek hiểu hiện thực vật chất như một “luồng liên tục, không bị giới hạn, luôn chuyển động không ngừng”. Ông tin rằng từ sự linh hoạt này, trí não con người có thiên hướng tạo dựng các mẫu hình cố định và trừu tượng – các mẫu hình mà lúc nào cũng tùy thuộc vào xã hội và lịch sử. Do đó, mọi quang cảnh – kể cả cảnh sao trời – luôn tự tạo và tự tái tạo trong tâm trí quan sát viên dựa trên sinh lý, tâm lý cá nhân, cùng với các điều kiện vật chất đặc trưng ở vị trí và thời điểm của họ.
Với sự tiến bộ của công nghệ tạo ảnh – trong đó phải kể đến các kính viễn vọng radio và thiết bị tia gamma được huấn luyện theo dải Ngân hà, tính khách quan cơ học không thực sự đi đôi với sự đáng tin cậy. Theo Anya Ventura, “lịch sử thiên văn học thường được tường thuật qua tiến trình cải thiện tầm nhìn với sự quyết định của công nghệ”. Song, bởi công nghệ này phụ thuộc vào một kiểu thu thập dữ liệu vượt quá năng lực của giác quan con người, nó luôn đòi hỏi các công đoạn bổ sung để chuyển hóa các phát hiện thành một thứ mà con người trải nghiệm được. Các công đoạn này thường được tua qua dựa vào các quyết định chủ quan và bị loại bỏ khỏi bản tường thuật trước công chúng. Chẳng hạn, khung cảnh ngập tràn màu trắng sữa và sặc sỡ các sắc xanh đỏ tím trong loạt ảnh đầu tiên của kính thiên văn Hubble đều là màu nhân tạo, khiến cho công chúng thất vọng và cảm thấy bị lừa. Website của Hubble đã phản hồi rằng các màu nhân tạo cho phép người xem “hình dung những thứ mà thông thường mắt người không bao giờ thấy được”. Theo Lorraine J. Daston và Peter Galison, tính khách quan của quá trình tạo ảnh khoa học dựa trên sự kiến tạo rằng mắt thường không đáng tin cậy.
Dải Ngân hà là một bóng ma dồi dào những cấu trúc và hình thể, những dạng hình sáng tối. Ánh sáng của nó chỉ có thể được quan sát bằng các tế bào que, nghĩa là chỉ được trông thấy bằng tầm nhìn không trực tiếp. Song, khi vắng các ánh sáng chói, nó tạo ấn tượng như một vẻ đẹp rực rỡ
Ngược lại, các bức vẽ của Pannekoek – được chế tác vào thời con mắt cơ học đang bắt đầu vượt trội so với vai trò truyền thống của thủ công – lại tượng trưng cho một xu thế khác trong việc tạo ảnh thiên văn, một xu thế không những chẳng rụt rè trước bản tính cá nhân gây ngờ vực của sự nhìn vũ trụ, mà còn sáp nhập chính sự ngờ vực này vào phương pháp của nó. Cách triển khai khoa học này không phủ nhận sự ràng buộc của nó vào các điều kiện vật chất và lịch sử của hành động sống trên Trái đất.
Chào đời ở Hà Lan năm 1873 – hai mươi lăm năm sau khi Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản được xuất bản, Pannekoek học Toán và Vật lý tại Đại học Leiden, nơi ông xuất bản nghiên cứu đầu tiên của mình về dải Ngân hà khi vẫn còn là sinh viên. Sau khi đọc cuốn tiểu thuyết không tưởng Bình đẳng (Equality) in năm 1897 của Edward Bellamy, ông bắt đầu đam mê chủ nghĩa xã hội, rồi tìm đọc triết của Karl Marx và Joseph Dietzgen. Càng dần, ông càng khó điều hòa hai sự nghiệp khoa học và chính trị song song, để rồi sau khi ủng hộ một cuộc bãi công, ông bị khiển trách và sa thải khỏi đài quan sát. Quyết tâm cống hiến đời mình cho chính trị cách mạng, ông chuyển đến Berlin rồi sau đó là Bremen, nơi ông xuất bản rộng rãi – phần nhiều là dưới bút danh – và dạy chủ nghĩa duy vật lịch sử tại các trường học do Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) thành lập.
Tầm với của ông từng ở mức liên lục địa: theo Theodore Draper, trong những năm trước Thế chiến thứ nhất, tên của Pannekoek đã trở nên quen thuộc “với nhiều nhà xã hội chủ nghĩa Hoa Kỳ trong khi Lenin và Trotsky thì gần như không được biết đến”. Sau Thế chiến thứ hai, vỡ mộng trước các nhà nước cộng sản, ông trở thành một trong những nhân vật chính đề xướng chủ nghĩa cộng sản hội đồng (council communism), một luồng tư tưởng phản đối chủ nghĩa xã hội nhà nước và thay vào đó ủng hộ một cuộc cách mạng do các hội đồng công nhân lãnh đạo. Dù được Lenin bàn luận đầy thiện chí trong cuốn Nhà nước và cách mạng (1917), có lẽ Pannekoek được nhớ đến nhiều nhất trong chính trị nhờ cuốn Lenin als Philosoph (Lenin như một nhà triết học) in năm 1938, nơi ông phê phán niềm tin của Lenin vào “hiện thực của những sự trừu tượng hóa”.
Pannekoek từ Đức trở về Hà Lan vào đầu Thế chiến thứ nhất, rồi nhận lại chức vụ giảng dạy ở Đại học Leiden. Sau khi giám đốc đại học thay đổi, Pannekoek cũng được đề cử làm Phó Giám đốc đài thiên văn. Tuy nhiên, các hoạt động cộng sản lừng lẫy của ông khiến chính phủ Hà Lan – vốn đã lo sợ làn sóng cách mạng cộng sản đang ngập tràn châu Âu – buộc phải phủ quyết cuộc bổ nhiệm này. Năm 1921, Pannekoek thành lập Viện Thiên văn học tại trường Đại học Amsterdam. Ngày nay, Viện Thiên văn học này mang tên ông.
Ngay từ lần đầu mất việc, Pannekoek đã miêu tả các phương pháp của trường đại học là tẻ nhạt và lỗi thời. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thiên văn học đang ra sức “phục trang bản ngã” (self-fashioning) thành một “ngành khoa học chính xác” (precision science), đồng thời khắc phục vấn đề “phương trình cá nhân” bằng cách biến sự cảnh giác, sự giám sát và công việc ghi sổ thành các phương pháp. Ngược lại, Pannekoek cho rằng dải Ngân hà được tạo ra ở giao điểm giữa hiện thực vật chất, mắt của quan sát viên, và cách mà trí óc quan sát viên luận giải sự tương giao này. Trong cuốn Một lịch sử thiên văn học (A History of Astronomy) in năm 1951, Pannekoek chất vấn:
Rốt cuộc dải Ngân hà là cái gì? Nói chính xác thì nó là một bóng ma – một bóng ma dồi dào những cấu trúc và hình thể, những dạng hình sáng tối. Trong đêm hè, nó là một trong những quang cảnh đẹp nhất mà thiên nhiên ban tặng cho mắt người. Quả thật, ánh sáng của nó yếu ớt đến mức nó biến mất ngay tại chỗ con mắt cố chăm chăm nhìn vào; nó chỉ có thể được quan sát bằng các tế bào que chứ không phải tế bào nón, nghĩa là chỉ được trông thấy bằng tầm nhìn không trực tiếp. Song, khi vắng các ánh sáng chói, nó tạo ấn tượng như một vẻ đẹp rực rỡ. Do một số ngôi sao trong dải Ngân hà vốn đã tối, và mắt người cũng tiếp nhận ánh sáng của chúng một cách khó đoán, Pannekoek tin rằng não bộ đã tìm ra các mẫu hình riêng trong sự tương giao giữa sáng và tối, và các mẫu hình này sẽ khác biệt tùy theo trải nghiệm sống của từng quan sát viên.
Pannekoek đã thiết kế phương pháp tạo ra thứ mà ông gọi là “ảnh chủ quan trung bình” của dải Ngân hà, gồm nhiều phối cảnh tầng tầng lớp lớp. Trước tiên, ông thu thập các miêu tả dải Ngân hà dưới dạng chữ viết của nhiều nhà quan sát khác nhau (ông tin rằng quá trình vẽ phác họa dễ làm mất độ chính xác), rồi sau đó là dưới dạng ảnh ngoại tiêu (extra-focal), được chụp bằng cách cố ý đặt kính ảnh bên ngoài tiêu diện để ánh sáng được phân bố đầy đủ hơn, nhằm bắt chước cách ánh sáng thiên văn được mắt người tiếp nhận. Cả miêu tả viết tay lẫn ảnh ngoại tiêu đều được dịch thành “bản đồ đẳng quang” (isophotic map) dựa trên cường độ ánh sáng. Giống như cách bản đồ địa hình khắc họa độ cao, mỗi đường trên bản đồ đẳng quang lại được vẽ quanh một vùng có cùng cường độ ánh sáng. Sau đó, mỗi đường này được trao cho một giá trị. Ảnh chủ quan trung bình được tạo ra bằng cách tính trung bình số của từng đường bóng mờ. Một khi đã tính trung bình, đích thân Pannekoek biến các bản đồ thành các bức vẽ.
Từ góc nhìn của ngày nay, các bản đồ dải Ngân hà của Pannekoek có gì đó thật xa lạ. Cùng một lúc, phần bóng tối vừa mơ hồ, vừa được tô cẩn thận như những vết hằn của chiếc chăn nhăn nhúm trên da người mới thức dậy buổi sáng. Những tấm bản đồ có tính tự nhiên nhưng thiếu tính tả thực, bởi phương pháp chế tác chúng đi kèm ngờ vực về độ khách quan của con mắt hình ảnh. Chúng gợi suy nghĩ đến một ý tưởng hết sức hóc búa về cái “trung bình” của tầm nhìn con người và cơ học, song chúng làm được như vậy là nhờ sự thận trọng và tính chặt chẽ cao.
Làm việc ở thời đại khi mà các ngành công nghiệp ngày càng được cơ hóa, Pannekoek không thực sự đi tiên phong cho việc thay thế báo cáo viết tay bằng các phương pháp tri giác dựa vào máy móc. Thay vào đó, ông kiếm tìm một sự khách quan chung thông qua việc kết hợp các cách thấy (way of seeing) hữu cơ và cơ học khác nhau. Nếu đa phần lịch sử khoa học công nghệ sau Thời kỳ Khai sáng có thể được giải thích như công cuộc cơ hóa tầm nhìn để tăng độ đúng và độ chụm, thì Pannekoek lại đang di chuyển theo hướng ngược lại: bóp méo cái nhìn của máy ảnh để đưa nó tới gần nhãn quan con người hơn.
Các bức vẽ dải Ngân hà của Pannekoek không phải là các hình ảnh bầu trời, mà là những tấm gương có tầm vóc vũ trụ dành cho con người, làm lộ ra sự tương giao giữa cá nhân và tập thể, giữa suy tư và vật chất, cũng như là sự tương ứng giữa nghệ thuật, khoa học và chính trị.
Dù Pannekoek cố gắng tách biệt sự nghiệp chính trị và khoa học, những người nghiên cứu tỉ mỉ các công trình của ông – bao gồm cả Omar Nasim và Đới Thiếu Khang (Chaokang Tai) – đã quan sát thấy cách tư tưởng chính trị ảnh hưởng đến các niềm tin và phương pháp khoa học của Pannekoek. Về bản chất, quan niệm của Pannekoek về dải Ngân hà là quan niệm Marxist. Chẳng hạn, trong cuốn “Đấu tranh giai cấp và dân tộc” (1912), ông miêu tả một phiên bản chủ nghĩa duy vật lịch sử chịu ảnh hưởng của Dietzgen, trong đó tri giác đóng vai trò hệ trọng: “Thế giới bên ngoài chảy trước tâm trí như một dòng sông vô tận, thay đổi không ngừng. Những ảnh hưởng của nó được tâm trí ghi lại và hợp nhất, rồi thêm vào đó những cái vốn có trong tâm trí trước khi kết hợp tất cả các yếu tố này với nhau.” Viết về một chủ đề tương tự năm 1944, Pannekoek cho rằng suy nghĩ “không phải các thực thể độc lập”, mà là “các sự kết nối, các quan hệ qua lại” được định nghĩa bởi một quá trình chuyển dịch có động lực, và bị vướng vào các điều kiện vật chất. Vì vậy, đối với Pannekoek, “ảnh chủ quan trung bình” của dải Ngân hà phần ít là một ước tính trung bình tĩnh, phần nhiều là một quá trình khắc họa bản chất động của suy nghĩ trong mối quan hệ với quan sát theo thời gian. Nó là một khoảnh khắc, một tấm ảnh chụp nhanh của dòng chảy rộng lớn hơn mà trong đó chứa tất cả hiện thực.
Trong cuốn Nguồn gốc nhân loại, Pannekoek thảo luận khả năng phát hiện các khuôn mẫu của con người dưới dạng một “ước lượng trung bình được làm mịn” (smoothed average) – một quá trình sắp xếp tự động trong đó các xúc cảm ảnh hưởng tới suy nghĩ có ý thức bằng cách “xếp chồng dưới vực sâu tăm tối, dần dần trở nên mịn và hợp nhất với nhau”. Theo đó, một người càng được rèn luyện trong một lĩnh vực cụ thể thì các khuôn mẫu mà họ nhận thấy sẽ càng tương ứng với điều họ đã được học. Ngày nay, thứ được Pannekoek thảo luận có thể được gọi là “thiên kiến xác nhận” (confirmation bias), dù trong ngữ cảnh niềm tin bao quát hơn về nguồn gốc vật chất của suy nghĩ, Pannekoek không nói tới một khả năng sai lầm đáng tiếc của con người, mà là một khía cạnh cơ bản trong quan hệ của ta với thế giới. Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, thực hành khoa học phần lớn vẫn được tài trợ bằng vốn tư nhân, và một dòng chảy ngầm của chủ nghĩa Darwin xã hội (social Darwinism) liên hệ xuất thân tư sản với tài năng khoa học bẩm sinh. Trong cuốn Chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Darwin (1909), Pannekoek phản đối ý niệm này: ông cố gắng chứng minh rằng cho dù chủ nghĩa Darwin “có tác dụng như một công cụ cho giai cấp tư sản đấu tranh chống lại tầng lớp phong kiến”, trên thực tế thì chủ nghĩa Marx và chủ nghĩa Darwin “tạo thành một thể thống nhất”. Theo Đới Thiếu Khang, Pannekoek cũng bác bỏ quan niệm phổ biến ở thế kỷ XIX rằng các nhà khoa học sở hữu “tầm nhìn vượt trội” (một năng khiếu bẩm sinh cho phép họ quan sát vạn vật theo đúng cách chúng tồn tại ở thế giới thực). Việc Pannekoek tin vào cơ sở vật chất của các ý tưởng nghĩa là theo ông, người nào cũng có thể thực hành khoa học. Nếu các công cụ thực hành khoa học được tầng lớp vô sản sở hữu chứ không phải các viện khoa học khai phóng, thì khoa học sẽ không còn bị giới tư sản thống trị nữa. Ông viết: “Trong một xã hội tư bản, khoa học là đặc quyền và đặc sản của một tầng lớp riêng biệt – tầng lớp trí thức trung lưu. [Tuy nhiên] trong một xã hội cộng sản, tất cả sẽ cùng hưởng kiến thức khoa học.”
Thiên văn học hiện đại không phải là một cuộc theo đuổi lành tính về mặt chính trị. Sự phát triển của nó ở châu Âu có liên hệ chặt chẽ với sự trỗi dậy của các hệ thống thu thập dữ liệu toàn cầu, vẽ bản đồ và chuẩn hóa đóng vai trò bóc lột tài nguyên vật chất từ khắp hành tinh, song lại đặt châu Âu ở trung tâm tri thức của thế giới. Theo Alex Soojung-Kim Pang lý luận trong Đế quốc và Mặt Trời (2002), nghiên cứu khoa học trở thành một cách để các nước châu Âu áp đặt các tiêu chuẩn và tư tưởng khoa học Tây phương như thể chúng là sự thật tuyệt đối. Vào thời điểm đó, các trường đại học châu Âu cũng thường xuyên xây dựng các đài thiên văn ở bán cầu Nam, mở ra một góc nhìn mới về bầu trời đêm. Bản thân Pannekoek cũng đã được hưởng lợi một cách đặc biệt từ cơ sở hạ tầng thuộc địa ở Java và Sumatra – hai hòn đảo khi đó thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan. Tuy nhiên, có thể nói, triết lý làm nền tảng cho các công trình của Pannekoek, dưới sự xem xét có tính phê phán của ngày nay, cũng đóng góp vào một dòng chảy tư duy khoa học đã ngấm ngầm làm hao mòn sự áp đặt đầy vũ lực những thế giới quan nhất định – một phần không nhỏ trong hệ quả của quá trình sản xuất kiến thức thuộc địa.
Một góc nhìn biện chứng về bầu trời đêm mở ra một con đường đi xa hơn mọi hệ nhị nguyên tuyệt đối giữa sự đúng và sự sai, khơi dậy một sự nghiêm ngặt, một sự chính xác khoa học không cố gắng tỏ ra là hoàn chỉnh, là không thể chối cãi. Do đó, các bức vẽ của Pannekoek gợi nhắc lại một phiên bản có từ trước của thiên văn học, với “một hướng tiếp cận định tính, có phần văn chương và thẩm mỹ, chứ không phải một hướng tiếp cận định lượng, có phần toán học đối với các hiện tượng”, theo lời của Charlotte Bigg. Bằng việc làm nổi bật sự đa dạng về phép luận giải, Pannekoek hướng tới một cách làm khoa học phi tập trung từ dưới lên, có tiềm năng bổ trợ cho các phương pháp luận chống thực dân, chống tư bản. □
Nguyễn Bình dịch
Nguyên gốc: “Marxist Astronomy The Milky Way According to Anton Pannekoek”, The Public Domain Review. publicdomainreview.org/essay/marxist-astronomy-the-milky-way-according-to-anton-pannekoek=