Thiên văn trên mảnh đất bị chiếm đoạt: Khu vườn trên núi Que Đỏ
Thiên văn học thường được nhìn nhận như một ngành khoa học mang tính khai phóng, truyền cảm hứng cho ước mơ khám phá vượt xa khỏi giới hạn của bầu trời. Tuy nhiên trên thực tế, lịch sử, hiện tại và tương lai của thiên văn học hoàn toàn nằm lọt thỏm trong dòng chảy thời gian dưới mặt đất, nghĩa là vẫn chịu ảnh hưởng, nếu không nói là ảnh hưởng đến các biến động và bi kịch lịch sử của con người nói chung.
Đài quan sát quốc gia Đỉnh Kitt. Ảnh: Marilyn Chung/Lawrence Berkeley National Lab/KPNO/NOIRLab/NSF/AURA
Đài quan sát quốc gia đầu tiên
Cách thành phố Tucson, Arizona 90km về phía Tây Nam, sừng sững giữa vùng sa mạc lấm tấm xương rồng là một ngọn núi cao 2,098m. Ngọn núi này nằm trong biệt khu của người Tohono O’odham (gọi tắt là O’odham), một tộc người Mỹ bản địa đã sinh sống tại vùng đất này hàng trăm năm nay và gọi ngọn núi là Iolkam Do’ag (núi Que Đỏ), xuất phát từ các bụi cây manzanita màu đỏ mọc dày đặc tại đây. Trong thần thoại của người O’odham, núi Que Đỏ là khu vườn của I’itoi, vị nam thần đã có công sáng tạo ra thế giới và mang tổ tiên của người O’odham đến miền Tây Nam nước Mỹ ngày nay. Người O’odham sống tập trung quanh vùng đất quê hương của họ, cho đến khi hai nhà nước thực dân định cư là Hoa Kỳ và Mexico được thành lập và tranh giành quyền kiểm soát đất đai. Ngày nay, biệt khu Tohono O’odham bị xẻ đôi bởi biên giới Mỹ-Mexico, gây ra nhiều khó khăn trong việc đi lại của cộng đồng, đặc biệt là sau các chính sách thắt chặt biên giới của Tổng thống Donald Trump.
Trong tiếng Anh-Mỹ, tên gọi chính thức của núi Que Đỏ là Đỉnh Kitt (Kitt Peak), và cộng đồng thiên văn học ngày nay biết đến ngọn núi như nơi đặt Đài quan sát quốc gia Đỉnh Kitt (Kitt Peak National Observatory, viết tắt là KPNO) dưới sự quản lý của Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ. KPNO được xây dựng trong bối cảnh Hoa Kỳ sau Thế chiến thứ hai, khi một lượng đông đảo các nhà thiên văn học kêu gọi “dân chủ hóa” (democratize) các đài quan sát – những địa điểm xưa nay vốn dĩ được xây dựng và quản lý bởi các đại học và nhà thầu tư nhân không ngừng cạnh tranh với nhau. Vào năm 1954, các nhà thiên văn từ khắp nước Mỹ đã thành lập một ủy ban riêng để thảo luận kế hoạch xây dựng một “đài quan sát thiên văn quốc gia.” Nhận được sự đồng thuận và hỗ trợ tài chính của Quỹ Khoa học Quốc gia, ủy ban này bắt đầu tìm kiếm một địa điểm lý tưởng cho đài quan sát nói trên, một địa điểm mà vừa phải tránh được ô nhiễm ánh sáng từ các thành phố, vừa đủ cao và khô hạn để giảm thiểu ảnh hưởng của bầu khí quyển. Những tiêu chí như vậy nhanh chóng đưa các nhà thiên văn học tới Đỉnh Kitt ở Arizona.
Năm 1955, hai nhà thiên văn học Helmut Abt và Aden Meinel đặt chân đến biệt khu Tohono O’odham và xin phép được lên Đỉnh Kitt khảo sát. Đi cùng các nhà nhân chủng học từ trường Đại học Arizona lân cận, Meinel đã gặp mặt Chủ tịch Hội đồng Bộ lạc Mark Manuel, và sau đó là các trưởng lão Quận Schuk Toak, khu vực trực tiếp quản lý Đỉnh Kitt. Trong cuộc trò chuyện với người O’odham, Meinel nói chuyện bằng tiếng Anh với sự giúp đỡ của các thông dịch viên, những người đã dịch từ “nhà thiên văn học” thành “O’odham mo g cew wu:pui” (những người mắt dài). Về phía Meinel, ông giải thích lý do “những người mắt dài” như ông coi Đỉnh Kitt là một ngọn núi có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho quan sát thiên văn, đồng thời giải thích ngắn gọn công việc của ngành thiên văn học nói chung. Còn về phần các trưởng lão, họ kể về ý nghĩa thiêng liêng của ngọn núi này và bày tỏ sự quan ngại trước việc ngọn núi bị sử dụng cho mục đích không phải tâm linh. Sau khi gặp mặt các trưởng lão O’odham, Meinel tin rằng hai bên đã hiểu nhau hơn và mọi chuyện đã êm xuôi, song vài tuần sau đó, Chủ tịch Manuel và các trưởng lão Quận Schuk Toak quyết định từ chối không cho khảo sát Đỉnh Kitt. Các nhà thiên văn học cố gắng giải trình và đưa ra một lời đề nghị khác, nhưng các trưởng lão chỉ từ chối một lần nữa.
Lo ngại về tương lai của dự án, các nhà thiên văn học nhanh chóng gặp mặt Chủ tịch trường Đại học Arizona và các nhà nhân chủng học để tìm cách thuyết phục chính quyền Tohono O’odham. Họ cho rằng người O’odham từ chối là bởi họ chưa biết rõ công việc của nhà thiên văn học là thế nào, nghĩa là nếu các nhà thiên văn học cho các trưởng lão O’odham tham quan một đài thiên văn và quan sát các vì sao qua chiếc kính viễn vọng, có thể các trưởng lão sẽ hiểu hơn và chấp nhận kế hoạch đài quan sát. Theo đó, ngày 28/10/1955, vào một buổi tối có trăng thượng huyền, các trưởng lão O’odham được mời đến Đài thiên văn Steward trong khuôn viên trường Đại học Arizona để quan sát Mặt trăng và các vì sao. Theo lời kể của Helmut Abt, các trưởng lão nhanh chóng nhận ra rằng công việc này “chỉ để học thêm về những thứ trên trời, và dĩ nhiên, bản thân họ cũng quan tâm đến bầu trời”, và từ đó, các trưởng lão đồng ý rằng đài quan sát quốc gia sẽ không ảnh hưởng gì đến ngọn núi. Sáu tuần sau, hội đồng trưởng lão O’odham chính thức cho phép các nhà thiên văn lên khảo sát ngọn núi. Theo lời kể của nhà thiên văn học Frank Edmondson, một đại diện của Quỹ Khoa học Quốc gia trong dự án đài thiên văn Đỉnh Kitt, các bước tiếp theo chỉ là “một chuyện đơn giản” (a simple matter).
Ai sống, ai chết, ai kể chuyện?
Theo nhà sử học khoa học Leandra Swanner, thật khó để kiểm chứng tự sự của các nhà thiên văn học, bởi cho dù các trưởng lão Tohono O’odham thường để lại các bản tường thuật buổi họp bằng tiếng Anh, một số cuộc gặp mặt như tại Đài thiên văn Steward ngày 28/10/1955 không hề được họ tường thuật lại. Tuy nhiên, nhận định “một chuyện đơn giản” có thể được bác bỏ dễ dàng: sau ngày 28/10/1955, các cuộc phỏng vấn các nhà thiên văn học, cũng như là thư từ giữa họ và giới chức trách biệt khu vẫn còn cho thấy sự phản đối từ phía người O’odham. Điều này khác hẳn với tự sự của các nhà thiên văn học, trong đó các trưởng lão bị khoa học “cảm hóa” nên đã đồng ý cho xây đài thiên văn để đem lại “sự tiến bộ” mà chẳng cần cân nhắc thêm về ý nghĩa tâm linh của ngọn núi. Theo Leandra Swanner, phiên bản lịch sử của các nhà thiên văn học – thứ mà đến nay được lan truyền khắp mọi nơi, ngay cả trên tờ thông tin dành cho khách tham quan Đài quan sát quốc gia Đỉnh Kitt – thực chất là một “câu chuyện phiên lưu khoa học” (scientific adventure story) trong đó nhà thiên văn học đã chinh phục cái khó (ở đây là sự phản đối của người O’odham) để đưa nhân loại đến một kỷ nguyên mới. Tuy nhiên, khác với các diễn ngôn “khai hóa văn minh” thuở trước, có thể thấy rằng những người bản địa đứng sau “cái khó” không bị miêu tả là những kẻ “lạc hậu”, “chậm tiến”, mà thay vào đó là những người trong thâm tâm cũng say mê bầu trời và chỉ cần thuyết phục để “nhường đường cho khoa học”.
Mặt tiền trung tâm thông tin của KPNO, với tranh tường theo phong cách của người Tohono O’odham. Ảnh: NOIRLab/NSF/AURA
Trên thực tế, tình thế của người Tohono O’odham không hề đơn giản như vậy, và chúng ta cần phải biết lịch sử của người Tohono O’odham dưới chế độ thực dân định cư để hiểu được suy nghĩ từ phía họ. Khi các nhà thiên văn học tiếp cận vùng đất này, bản thân biệt khu Tohono O’odham mới được thành lập cách đó hai thập kỷ, và người O’odham mới bắt đầu nắm quyền kiểm soát đất đai quê hương họ sau một thời gian dài bị đồng hóa, trong đó nhiều thế hệ trẻ em bị ép phải học tại các trường nội trú (boarding school) để các nhà giáo dục da trắng có thể “giết phần Anh-điêng, cứu phần người” (“kill the Indian, save the man”). Ngoài ra, kể từ thời Tổng thống Eisenhower, Chính phủ Hoa Kỳ đã thực hiện các chính sách chấm dứt (termination policy) với niềm tin rằng những người Mỹ bản địa phải nhanh chóng từ bỏ bộ lạc của mình để sống “như những người Mỹ.” Do đó, dù có quyền hành tại biệt khu, các bộ lạc hoàn toàn không được hỗ trợ và không thể yêu cầu sự xem xét đặc biệt từ chính quyền liên bang. Vào giữa thế kỷ XX, người Tohono O’odham quản lý một trong những biệt khu rộng lớn nhất, song lại là một trong những cộng đồng Mỹ bản địa nghèo nhất. Với gần 500 người O’odham trở về từ Thế chiến thứ hai, cả cộng đồng bắt đầu đấu tranh mãnh liệt vì quyền dân sự, đòi chính quyền liên bang trả lại cho họ các quyền lợi về đất đai và khoáng sản vốn đã bị tước khỏi tay họ từ bấy lâu nay. Sau nhiều năm đấu tranh, người Tohono O’odham đã thắng một số vụ kiện, song vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ từ cấp liên bang. Năm 1955, Chủ tịch Manuel cố gắng thuyết phục Quốc hội thông qua dự thảo luật phục hồi kinh tế 23 triệu USD để trợ giúp cư dân biệt khu Tohono O’odham, nhưng nỗ lực của ông hoàn toàn thất bại. Khi các nhà thiên văn học đề xuất xây đài thiên văn, một số nhà chức trách O’odham – bao gồm cả Chủ tịch Manuel – nhìn thấy tiềm năng kinh tế ở kế hoạch này, nhưng không dễ dàng nhượng bộ bởi núi Que Đỏ là vùng đất thiêng.
Từ 1956 đến 1958, giới chức trách O’odham đã từ chối hai bản hợp đồng khác nhau của các nhà thiên văn học. Bản hợp đồng cuối cùng được toàn bộ 15 người trong hội đồng bộ lạc chấp nhận, song theo Leandra Swanner, việc toàn bộ hội đồng này chấp nhận cũng không phản ánh bất cứ điều gì về người O’odham nói chung, bởi cả cộng đồng đã bị chia cắt về tư tưởng và khoảng cách địa lý sau nhiều thập kỷ bị đàn áp, và phải đến Phong trào Mỹ Anh-điêng (American Indian Movement) vào những năm 1960 thì mới đoàn kết và có tiếng nói về chính trị. Từ góc nhìn đó, Chủ tịch Manuel và các trưởng lão Quận Schuk Toak đều đã chấp nhận kế hoạch đài thiên văn dựa trên quan điểm của họ và những người họ biết, chứ không phải của cả bộ lạc như một thể thống nhất. Cá nhân Chủ tịch Manuel ủng hộ kế hoạch đài quan sát bởi ông tin rằng lượng du khách lên núi sẽ giúp người O’odham lập các doanh nghiệp nhỏ. Trả lời báo Tucson Daily Citizen, ông nói thêm: “Tôi hy vọng vài cậu trai trẻ của chúng tôi cũng sẽ trở thành nhà thiên văn.” Hơn nửa thế kỷ sau, ước mơ của Chủ tịch Manuel vẫn chưa trở thành hiện thực.
Rạn nứt và nỗ lực hàn gắn
Sau Phong trào Dân quyền cuối thập niên 1960, chính quyền Hoa Kỳ buộc phải thừa nhận và ủng hộ quyền lợi của các cộng đồng thiểu số, bao gồm cả người Mỹ bản địa. Năm 1970, Tổng thống Nixon lên án chính sách chấm dứt của Eisenhower và kêu gọi ủng hộ quyền tự chủ của các bộ lạc Mỹ bản địa. Ở miền Nam bang Arizona, cộng đồng Tohono O’odham nay đã có tiếng nói hơn bao giờ hết, và vào năm 1986, vùng lãnh thổ tự trị của bộ lạc này đưa ra hiến pháp riêng. Tại Đài quan sát quốc gia Đỉnh Kitt (KPNO), các nhân viên người O’odham đã đệ đơn khiếu nại một số trường hợp kỳ thị trong đội ngũ trực trên đỉnh núi, đồng thời chỉ trích việc ban quản lý đài thiên văn ưa tuyển dụng người không có gốc gác O’odham hơn và không cho nhân viên người O’odham cơ hội thăng chức hay tăng lương. Tuy nhiên, ra khỏi phạm vi của KPNO, mối quan hệ giữa các nhà thiên văn học và người O’odham lại hoàn toàn không có xích mích. Sự hòa hợp này là nhờ vào duy nhất một nhân viên KPNO tên là Elizabeth Estrada, người tự mình đi đến từng hộ gia đình O’odham làm nghề thủ công để mua và xin phép bán sản phẩm của họ tại trung tâm thông tin của KPNO.
Năm 1985, Elizabeth Estrada qua đời. Không lâu sau, một số thay đổi về mặt kinh tế-chính trị khiến mối quan hệ giữa KPNO và cộng đồng O’odham bắt đầu rạn nứt. Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tân tự do (neoliberalism) ở Hoa Kỳ đầu thập niên 1990 đã dẫn đến sự cắt giảm ngân sách hỗ trợ người Tohono O’odham, còn ở bên KPNO là cắt giảm nguồn tài trợ nghiên cứu thiên văn học từ Quỹ Khoa học Quốc gia để nhường chỗ cho khu vực tư nhân, bởi giờ đây ý tưởng “đài quan sát quốc gia” không còn có sức hút với giới cầm quyền như trước nữa. Vừa chịu ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế, vừa chứng kiến thời hoàng kim của đài thiên văn trên núi Que Đỏ chấm dứt, nhóm người O’odham bất đồng với hợp đồng thuê đất xây đài thiên văn bắt đầu trở nên lớn mạnh. Trả lời phỏng vấn báo Tucson Citizen, Chủ tịch Hội đồng Quận Schuk Toak là Frances Francisco cho biết: “Chúng tôi chưa từng được hưởng bất kỳ lợi ích nào từ đài quan sát.” Bà chỉ đến hai vấn đề chính: thứ nhất là tiền thuê đất quá ít ỏi so với việc sử dụng và xây dựng thường xuyên các cơ sở trên núi Que Đỏ; thứ hai là đài thiên văn không mang lại thêm cơ hội gì cho cộng đồng O’odham. Bà yêu cầu đánh giá lại hợp đồng thuê đất, đồng thời kêu gọi đội ngũ KPNO tích cực tuyển người O’odham và thực hiện công tác truyền thông khoa học (science communication) tại các trường trong biệt khu để trẻ em O’odham có thêm cơ hội học hỏi về thiên văn.
Yêu cầu của Francisco và các hội đồng O’odham vẫn còn chưa được đáp ứng thì vào năm 2004, các thiết bị thi công lại đổ xô lên núi Que Đỏ một lần nữa. Một năm trước đó, Quỹ Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (NSF) đã cho Đài quan sát vật lý thiên văn Smithsonian và nhiều viện nghiên cứu khác thuê lại một phần đất trên núi Que Đỏ nhằm phục vụ dự án VERITAS, một tổ hợp bảy chiếc kính thiên văn được thiết kế để đo tia gamma. Khác với những năm 1950, giờ đây nước Mỹ đã có các đạo luật bảo vệ những địa điểm linh thiêng của người Anh-điêng, và yêu cầu các cơ quan liên bang phải nhận được sự đồng thuận của bộ lạc sở hữu một mảnh đất thiêng nhất định trước khi có thể làm bất cứ điều gì. Theo khuôn khổ đó, hành động của NSF vi phạm pháp luật, và vào tháng 3/2005, giới chức tránh Tohono O’odham đệ đơn kiện NSF, KPNO và Viện Smithsonian, đồng thời đòi chính quyền liên bang chấm dứt hợp đồng thuê núi Que Đỏ. Theo Chủ tịch Vivian Juan-Saunders đại diện cho người O’odham, hợp đồng thuê núi Que Đỏ ngày trước “cách xa tiêu chuẩn chấp nhận được ngày nay.” Bà cho rằng các trưởng lão thuở trước đã chịu ảnh hưởng của lời hứa hẹn về lợi ích và cơ hội việc làm, trong bối cảnh bộ lạc vẫn còn thiếu khả năng tự chủ và quyền lợi riêng. Tuy nhiên, ở năm 2005, người O’odham giờ đây đã có được sự tự chủ, và họ quan ngại rằng quyền lợi của họ đang bị xâm phạm. Tuyên bố của Chủ tịch Juan-Saunders đã thay đổi hoàn toàn cục diện mối quan hệ giữa người O’odham và KPNO: giờ đây người O’odham sẵn sàng và có sự bảo hộ về pháp lý để ngăn chặn bằng mọi giá sự xâm phạm đất đai từ phía các nhà thiên văn. Với sự ủng hộ của các cơ quan như Hội đồng Cố vấn về Bảo tồn Lịch sử (ACHP), cuối cùng các nhà lãnh đạo người O’odham đã thành công, và đầu năm 2007, NSF buộc phải di dời toàn bộ dự án VERITAS đến một ngọn núi khác ở phía Nam Arizona.
Kể từ 2007 đến nay, chưa có thêm một xung đột nào giữa KPNO và cộng đồng Tohono O’odham. Điều kiện sống ở biệt khu O’odham vẫn chưa được cải thiện, song các nhà khoa học và ban quản lý truyền thông của KPNO cũng đã cố gắng vinh danh văn hóa của người O’odham. Mặt tiền trung tâm thông tin của KPNO ngày nay có vẽ tranh theo phong cách truyền thống của người O’odham, và tấm biển chào mừng đến cơ sở thiên văn này cũng sơn lá cờ chính thức của bộ tộc. Trong trung tâm thông tin, đồ thủ công do các nghệ nhân O’odham chế tạo vẫn tiếp tục được bày bán, dù chúng không được thu thập trực tiếp bởi đội ngũ nhân viên KPNO như thời Elizabeth Estrada mà phải thông qua trung gian. Tuy nhiên, việc trưng bày và tôn vinh nghệ thuật O’odham cũng không thể hàn gắn được mối quan hệ giữa cộng đồng bản địa và các nhà thiên văn, đặc biệt là khi KPNO nói chung và các nhà thiên văn nói riêng vẫn còn lan truyền câu chuyện ngụy tạo rằng các trưởng lão O’odham đã “nhường đường cho khoa học” hồi thập niên 1950. Núi Que Đỏ/Đỉnh Kitt sẽ còn là một trường hợp cần được quan sát và xem xét kỹ lưỡng nhằm thấu hiểu và đảm bảo quyền lợi của những người bản địa vốn đã coi nơi này là núi thiêng.□
—
Swanner, L.A. (2013), Mountains of Controversy: Narrative and the Making of Contested Landscapes in Postwar American Astronomy. PhD thesis, Harvard University.