Thông điệp từ cánh rừng trong “thung sụt”
Từ hàng ngàn năm trước, rừng ngập mặn ở những “thung sụt” (doline) tại Ninh Bình đã là nơi chở che, bao bọc những cư dân của nền văn hóa Đa Bút. Nếu thiếu đi tuyến phòng hộ tự nhiên vững chắc và độc đáo ấy, ắt hẳn họ sẽ buộc phải đấu tranh sinh tồn theo cách khác và có thể, lịch sử sẽ được ghi theo những dòng khác…
Đó là câu chuyện xảy ra trong thời đại Đồ Đá mới, khi những tổ tiên tiền sử của chúng ta lựa chọn cuộc sống nơi hang động và khám phá thế giới tự nhiên cũng như tìm nguồn sống cho mình bằng những hiểu biết hết sức sơ khai. Lúc đó, những cánh rừng xung quanh những hang động này như thế nào? Họ có dễ dàng tìm được thức ăn? Họ đã phải chống chọi với thời tiết khắc nghiệt như hạn hán, lụt lội như thế nào? Nếu thử suy ra từ những hiện tượng khí hậu cực đoan mà chúng ta vẫn phải chứng kiến ngày nay, chắc hẳn chúng ta thấy choáng váng cho sức chống chịu của một cộng đồng… Hàng ngàn năm đã trôi qua, tất cả sẽ chỉ là suy đoán vu vơ, nếu không dựa vào bằng chứng khoa học.
Với câu hỏi như vậy, tiến sĩ Nguyễn Thị Mai Hương (Viện Khảo cổ học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) và các đồng nghiệp Việt Nam, quốc tế đã áp dụng những kỹ thuật phân tích phấn hoa học (Pollen analysis) – một phương pháp khoa học có thể tiết lộ bằng chứng về những biến đổi sinh thái và khí hậu trong quá khứ từ những mẫu vật siêu nhỏ như bụi, phấn hoa, bào tử… trong trầm tích, phân tích mẫu vật hóa thạch trong hang động cùng những trầm tích khác. Kết hợp với thông tin từ những vết thủy triều ăn mòn trên đá vôi ở khu vực xung quanh, họ đã phục dựng được phần nào bối cảnh thiên nhiên thời kỳ Holocene và cách cư dân tiền sử tận dụng món quà trời ban này để sinh tồn. Kết quả được các nhà khoa học công bố trong “Holocene development and human use of mangroves and limestone forest at an ancient hong lagoon in the Tràng An karst, Ninh Binh, Vietnam” (Sự phát triển của Thế Holocene và việc sử dụng các cây ngập mặn và rừng trên núi đá vôi của con người tại một vũng sụt cổ đại của hang karst Tràng An, Ninh Bình, Việt Nam) xuất bản trên tạp chí Quaternary Science Reviews.
Hình thành rừng ngập mặn
Nếu nói về thời kỳ Holocene sớm, thời kỳ khởi nguồn của tất cả các nền văn minh trên Trái đất này, thì các nhà khảo cổ thường nói đến sự hình thành của những cánh đồng ven biển và sự trải rộng của những cánh rừng ngập mặn. Điều đó cũng đúng với nơi mà ngày nay chúng ta gọi là đồng bằng sông Hồng và cụ thể là Ninh Bình, nơi những nhân vật chính của câu chuyện huyền thoại này sinh sống.
Địa điểm mà các nhà nghiên cứu lựa chọn để tìm hiểu mối quan hệ giữa những người tiền sử và thiên nhiên là Vụng Thắm, một “thung sụt” ngập nước rộng hơn 20 ha, và Hang Mòi, hang động duy nhất trong 30 di chỉ khảo cổ ở Tràng An nằm trong khuôn viên Vụng Thắm. Tại sao lại hang karst và thung sụt? Điểm khác biệt của Ninh Bình so với nhiều nơi khác ở đồng bằng sông Hồng chính là ở chỗ nó có một hệ thống núi đá vôi và một hệ thống hang động karst (kết quả của hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị xói mòn do khí carbon dioxide trong không khí hòa tan vào nước, cộng với các ion dương của hydro tạo thành acid carbonic). Theo thời gian, sự tương tác của tự nhiên không chỉ có các hang karst hình thành mà còn có cả các thung sụt (doline karst) – những thung lũng kín mà đáy có đường dẫn đến các hang karst ngầm dẫn nước dưới mặt đất.
Hang Mòi và Vụng Thắm nằm ở giữa những khối núi đá vôi. Bản chất của những khối núi này là bị cô lập như những hòn đảo, thường có lớp đất mỏng, nghèo dinh dưỡng và những phiến đá tạo ra một chuỗi những vi môi trường phù hợp cho sự sống của đông đảo các loại thực vật có hoa. Ở phía dưới các thung lũng và các sườn dốc thoải là nơi của những khu rừng lá rộng, chủ yếu là cây họ nhiệt đới. Chúng bao gồm các cây họ đậu, dâu tằm, bầu bí, đào lộn hột, xoan, bồ hòn, cẩm quỳ, thị, hồng xiêm… Ngược lại, ở những rìa sườn núi dốc, nơi không gian thông thoáng hơn, thường có kiểu rừng đan xen với những cây có khả năng thích nghi với hạn hán và lá rụng như cây thuộc lớp tuế, họ thông tre cũng như thảo mộc họ lan, họ tầm ma, họ thượng tiễn, thu hải đường và họ ráy…
Vào thời kỳ giữa Holocene, những kết quả phân tích phấn hoa học cho thấy những thảm rừng ngập mặn ven biển phát triển, xâm chiếm phần lớn diện tích thung sụt do sự biến động của mực nước biển. Các nhà nghiên cứu phán đoán là có khả năng là chúng xuất phát từ hạt giống ở những khu rừng ngập mặn rộng lớn hơn trên các bãi triều bên ngoài theo triều cường. Sự biến động của mực nước biển, hiện tượng bồi lắng của các bãi triều khiến Vụng Thắm hoàn toàn tách biệt với biển và làm thảm thực vật rừng nơi này cũng phát triển cách biệt với bên ngoài. Dữ liệu thu được từ các vết để lại cho thấy toàn bộ thung sụt này từng ngập khoảng 3,3 mét nước. Có thể, đó là nước từ các đường nước ngầm kết nối với tầng ngậm nước bên dưới. Bằng chứng vi hóa thạch cho thấy sự hiện diện trong quá khứ của rừng ngập mặn ngụ ý về mối liên hệ thủy văn của ở Vụng Thắm với biển trong thời gian mực nước biển cao hơn từ trước đó.
Các cư dân chọn Hang Mòi làm điểm định cư đã biết dùng lá và cành khô để đốt lửa và duy trì sự sống. Việc phân tích hóa thạch còn lại của bếp lửa trong hang cho thấy dấu vết của các cây họ na, họ cau, họ cúc, cơm nguội, hòa thảo… , cũng như các loài thực vật hai lá mầm thân gỗ (cây, bụi) chưa được xác định được. Chưa rõ đó là những loại cây gì vì các dấu vết này quá mờ nhạt, tuy nhiên, theo thông tin công bố trước đây về than tại Hang Mòi vào năm 2012 thì có cây họ Dầu (chò chỉ thuộc họ này) và họ Hồng xiêm – những đại diện của rừng núi đá vôi và đất thấp. Có khả năng, chúng là nguồn chất đốt của người tiền sử.
Nếu đặt người định cư ở Hang Mòi với những người cùng thời ở Đông Nam Á, có thể thấy điểm chung là họ đều dùng một số thực vật để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hằng ngày. Ví dụ cây họ cau, ở đây là cọ, được tận dụng triệt để làm củi, vật liệu xây dựng, dệt vải, gói đồ và thực phẩm… Quả cọ được chất trong Hang Mòi cho thấy những người sống ở đây thời kỳ Holocene giữa đã nhận ra cọ quan trọng trong chiến lược sinh tồn của mình nên ưu tiên chọn nó để bảo quản, phòng khi mưa lớn, thời tiết lạnh giá không ra ngoài được.
Những kết quả thu được từ phân tích hóa thạch cho thấy, người tiền sử ở Hang Mòi không chỉ tận dụng các loài cây làm lương thực và chất đốt mà còn những sản vật khác của tự nhiên ở rừng và vùng đất ngập nước ở Vụng Thắm. Đó là các loài động vật có vú như sơn dương Đông dương, cheo cheo, hươu, lửng lợn và chim chóc như cú cá, cao cát phương Đông (loài cú cá hiện nay được biết đến ở vùng này có thói quen sống ở gần nước còn cao cát phương Đông thì hay cư ngụ tại các khu rừng nhiệt đới và cận nhiệt đới ẩm ướt và rừng ở đất thấp hiện vẫn còn nhiều ở Tràng An). Ngoài ra, họ đã bắt đầu ăn các loài sò ốc như ốc len, ốc đụn, ngao, hàu cùng một số loại ốc biển, ốc nước ngọt và động vật hai mảnh vỏ nhỏ khác. Nó phản ánh việc khai thác sản vật ở rừng ngập mặn của người Hang Mòi, trong đó sự nổi trội của các loài khai thác ở rừng ngập mặn (chiếm khoảng 90% trong tổng lượng mẫu) nhấn mạnh vào sự phụ thuộc của con người vào rừng ngập mặn. Ngày nay, ốc len vẫn hợp khẩu vị với người Việt Nam và được mua bán ngoài chợ nhưng với kích thước lớn hơn gấp rưỡi tổ tiên của mình.
Với tất cả những đặc điểm trên, các nhà nghiên cứu cho rằng, những người sống ở Hang Mòi thuộc về văn hóa Đa Bút.
Thích ứng với những đổi thay
Hàng ngàn năm trôi qua, những đổi thay về môi trường đã khiến cho khung cảnh quanh Hang Mòi và Vụng Thắm khác trước. Không rõ nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng nào nhưng biển ngày một lùi ra xa khỏi Tràng An, “bỏ rơi” những cánh rừng ngập mặn lẻ loi cách bờ biển hàng chục km trong đất liền, thậm chí sống hoàn toàn bằng nước ngọt, trong khi thảm thực vật trên núi đá vôi trong thời kỳ Holocene muộn và ngày một mở rộng. Bằng chứng là dương xỉ và cỏ hiện diện cùng với những đại diện của rừng trên núi đá vôi: cây họ thông tre, côm, tầm ma/dâu tằm, sồi… Những thay đổi này trùng hợp với một dị thường khí hậu thời Trung Cổ là hiện tượng ấm lên Trung Cổ, vốn có tác động khắp châu Á với khoảng thời gian 300 ấm, riêng vùng Quan Lạn ở Quảng Ninh rơi vào khô cằn và hạn hán. Nhiều khả năng, nó làm thay đổi môi trường ở Tràng An cũng như liên quan đến chế độ thủy văn trên khắp các mạng lưới sông ngòi trong vùng.
Kể từ năm 968, Hoa Lư được chọn làm kinh đô của Việt Nam. Theo sử sách ghi lại, vua Đinh đã ra xây tường thành, kênh mương và cung điện…, trong đó bức thành phía Bắc bảo vệ hoàng thành và ngăn chặn lũ lụt và bồi tụ của sông Hoàng Long và sông Vân, một tuyến đường thủy quan trọng từ phía Nam và Đông Nam để bảo vệ hoàng thành. Sự hình thành kinh đô theo cách này cũng có tác động đáng kể đến môi trường trong quần thể núi Tràng An và thảm thực vật của quần thể núi đá vôi…
Nhưng rút cục, lội dòng lịch sử hàng ngàn năm, ngoài việc hình dung ra bối cảnh tồn tại và chiến lược tồn tại của các cư dân Hang Mòi, các nhà nghiên cứu rút ra được điều gì? Xâu lại cả một chuỗi sự kiện xảy ra ở thời kỳ Holocene, những điều đọng lại là sự thích ứng của con người với những đổi thay của hoàn cảnh và sự thích ứng của tự nhiên trước những điều kiện môi trường và khí hậu mới. Nhưng điều gì khiến các tác giả quan tâm hơn cả, thiên nhiên hay con người? Ở đây, điểm hấp dẫn họ không chỉ là sự sẵn sàng của con người, từ những cư dân Hang Mòi hay triều đại nhà Đinh, trong việc mở rộng môi trường sống mà là hệ sinh thái nơi họ sống. Hệ sinh thái ấy đã uyển chuyển nương theo những điều kiện khí hậu và môi trường mới để phát triển một cách bền vững.
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, bất luận trong quá khứ hay tương lai, sự thích ứng của cả hệ sinh thái vô cùng có ý nghĩa. Nếu theo báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu thì rất có khả năng, vào năm 2100, mực nước biển dâng sẽ lên tới một mét. Khi ấy vùng đồng bằng sông Hồng sẽ lâm vào nguy cơ rủi ro và một trong những vũ khí giúp tăng cường sức chống chịu là rừng ngập mặn và hệ sinh thái ven biển. Trong trường hợp của Ninh Bình, sự tồn tại lâu dài của rừng ngập mặn ở thung sụt Vụng Thắm đưa ra một khả năng phục hồi khu vực này cũng như trong nhiều khu vực khác của Tràng An cũng như các nơi khác ở ven đồng bằng sông Hồng. Các tác giả cho rằng, dẫu cần có thêm những nghiên cứu sâu hơn, ví dụ như sự tương tác giữa rừng ngập mặn và sự hình thành của các cánh rừng trên núi đá vôi và lợi ích kinh tế xã hội của các cộng đồng địa phương thì nghiên cứu về cổ môi trường này cũng cho thấy những địa điểm như Vụng Thắm có tiềm năng hình thành các trung tâm bền vững cho phục hồi rừng ngập mặn, qua đó có thể giúp giảm thiểu những tác động và tối ưu những phản hồi về kinh tế xã hội – môi trường với nước biển dâng trong tương lai. □