Thư viện của kỷ nguyên thông tin

“Thư viện không chỉ là nơi những cuốn sách được lưu trữ mà còn là nơi những ý tưởng được chia sẻ”. Geneva Henry, Giám đốc thư viện ĐH Rice, Houston

Thư viện số là dịch vụ có chức năng phân loại, lưu trữ, bảo vệ, tìm kiếm và truy xuất thông tin dưới dạng số và được truy cập thông qua máy tính. Những thông tin số có thể được lưu trữ tại chỗ hoặc cập nhật từ xa thông qua mạng máy tính. Ban đầu, thuật ngữ “thư viện số” thường được gọi là “thư viện điện tử” hay “thư viện ảo”. Để được coi là thư viện số thì việc sưu tập thông tin trực tuyến phải được quản lý và tạo khả năng truy cập cho cộng đồng người sử dụng. Vì vậy, theo một nghĩa nào đó, có thể hiểu website cũng là một thư viện số. Có rất nhiều thư viện số nổi tiếng lâu đời hơn cả những trang web như Project Perseus, Project Gutenberg và Ibiblio. Một số thư viện vừa có chức năng thu thập và lưu trữ những bài báo, sách vừa có chức năng của một thư viện số và được gọi và “thư viện lai”.

Tiện ích
Những thư viện truyền thống bị giới hạn bởi không gian lưu trữ. Nhưng thư viện số có khả năng lưu trữ nhiều thông tin hơn bởi vì những thông tin số cần rất ít không gian để lưu trữ. Mặt khác, chi phí để duy trì một thư viện số thấp hơn nhiều so với thư viện truyền thống. Một thư viện truyền thống phải chi tiêu một khoản tiền lớn để trả lương cho nhân viên, bảo quản sách, mua sách mới. Thư viện số có thể áp dụng trực tiếp những phát minh công nghệ cung cấp cho người sử dụng những khả năng tiếp cận mới trong công nghệ sách điện tử và sách tiếng, cũng như những khả năng hiển thị thông tin mới như wiki, blog.
Chúng ta có thể nhận thấy nhiều tiện ích mà thư viện số có thể mang lại. Những người sử dụng thư viện số ở vòng quanh thế giới có thể truy cập cùng một thông tin thông qua mạng internet mà không cần phải đi đến thư viện; Mọi người có thể truy cập thông tin ở bất cứ thời điểm nào bất kể ban đêm hay ngày; Người sử dụng có thể truy xuất tài liệu cần tìm nhanh chóng thông qua cấu trúc và giao diện thiết kế của thư viện số; Một thư viện số có thể cung cấp đường dẫn tới bất cứ một nguồn tài liệu, thông tin nào của một thư viện số khác. Trong tương lai thư viện số sẽ trở thành công cụ hữu hiệu đưa loài người tiến bộ.

Bản quyền trong kỷ nguyên số

Khái niệm về đối tượng tài liệu rất mơ hồ. Đối với thư viện truyền thống, đối tượng đó có thể là những cuốn sách, tạp chí, băng video, những cái mà chúng ta có thể cầm nắm và trao đổi. Sự xuất hiện “tài liệu số” đã làm nổ tung quan niệm cũ. Thư viện số liên quan đến những đối tượng tài liệu mà ta không thể “sờ” thấy.
Những bản sao số dễ dàng được tạo ra, sửa đổi và phát tán rộng rãi trong hệ thống mạng máy tính. Từ đó, những người nắm giữ bản quyền sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý và làm chủ những bản sao số đó. Thậm chí, những bản sao số này cũng có thể được tạo ra một cách tình cờ khi một cá nhân truy cập vào những website, “những bản sao tình cờ” tự động được tạo ra ở bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên RAM trong máy tính của họ. Hơn nữa, những bản sao số có tính chất nhất thời. Không giống như một cuốn sách bạn có thể mua và sở hữu. Đối với những tài liệu của thư viện số, ngày hôm nay bạn có thể truy cập nhưng ngày mai có thể không. Do vậy, thư viện số gặp vấn đề về bản quyền. Trong những năm gần đây, cuộc chiến pháp lý về bản quyền giữa một bên là người nắm giữ bản quyền (nhà xuất bản, công ty giải trí, công nghiệp kinh doanh phần mềm) và bên kia những người sử dụng. Thư viện số là người trung gian điều hòa sự cân bằng giữa hai bên. Một số thư viện số như Project Gutenberg cung cấp nguồn tài liệu miễn phí cho cộng đồng.

Thông tin là một hàng hóa?
Chúng ta có phải trả tiền khi khai thác tài liệu trong một thư viện số? Liệu quan niệm thông tin là một hàng hóa có phù hợp với kinh nghiệm của chúng ta trong thế giới online? Thành công nổi bật của WWW lại dựa trên một quan điểm hoàn toàn khác biệt: truy cập thông tin mở. Trên trang web, những người xây dựng web “xuất” thông tin. Họ đầu tư thời gian và sức lực để tạo ra những “vật liệu” có sẵn và hy vọng rằng, mọi người có thể đọc chúng. Trong xã hội của chúng ta, thông tin quá tải là một vấn đề chung. Những người xây dựng và cung cấp thông tin phải cạnh tranh để dành được sự quan tâm của độc giả, vì thế những thông tin miễn phí được khuyến khích có sẵn cho mọi người. Nhưng trong thế giới sách, chúng ta phải trả tiền để có được thông tin. Liệu chúng ta có nên dừng việc tìm kiếm những mô hình thư viện số mà người độc giả phải trả phí, và tập trung vào mô hình mà ở đó nhà xuất bản hay nhà cung cấp thông tin phải chi trả?

Người thủ thư
Sự xuất hiện của thư viện số làm cho chúng ta có suy nghĩ rằng, nhiều thủ thư sẽ bị mất việc. Trên thực tế thì không hoàn toàn như vậy. Một thư viện số hiệu quả sẽ phải cần nhiều nhân lực hơn. Nhưng những người thủ thư này sẽ phải có được những kỹ năng chuyên môn sâu hơn và rộng hơn về công nghệ. Một thư viện số thực sự phải có một hệ thống nhân lực có thể ra quyết định, phân loại nội dung đối tượng tài liệu, thiết kế và điều chỉnh cơ cấu tổ chức, cung cấp dịch vụ và cải tiến công nghệ. Kể cả thư viện truyền thống và thư viện số đều phải cần 5 yếu tố: nội dung, tổ chức, dịch vụ, công nghệ và con người. Không có hội đủ những yếu tố này thì một thư viện số không phải là một thư viện.

THƯ VIỆN SỐ Ở PAKISTAN
Chỉ với kinh phí cho năm đầu tiên (2003 – 2004) là 313.000 USD và lên đến 2,2 triệu USD trong năm 2005  -2006, Chương trình thư viện số của Pakistan đã có tác động rõ rệt đến nghiên cứu và triển khai của Pakistan.
Chương trình Thư viện số của Ủy ban Giáo dục bậc cao (HEC – Higher Education Commission) là công cụ quan trọng để cung cấp thông tin khoa học chất lượng cao cho giới nghiên cứu Pakistan. Mục tiêu của chương trình này gồm nâng cao nhận thức của người dùng về tài nguyên thư viện số; đào tạo kỹ năng cho người dùng thư viện số; xây dựng cộng đồng nghiên cứu và những người sử dụng thư viện số trên quy mô quốc gia.
Khởi đầu của Chương trình Thư viện số là Dự án Tăng cường thông tin nghiên cứu (PERI – Programme for the Enhancement of Research Information) hợp tác của dự án Mạng công bố khoa học quốc tế (INASP – International Network for the Availability of Scientific Publications) có trụ sở ở Anh. Với PERI, những người được cho phép có thể truy cập vào hơn 20.000 ấn bản khoa học, cả phổ thông lẫn chuyên ngành cao cấp. Với những ấn bản bị hạn chế truy cập đầy đủ, HEC sẽ thỏa thuận với Thư viện Anh (British Library) để thỏa thuận nhận từng bài báo từ bất kỳ tạp chí nào để chuyển trực tiếp tới những nhà khoa học đã đăng ký. 75% ngân sách của Chương trình dành cho phát triển nội dung nên các trường đại học, viện nghiên cứu của Pakistan có thể truy cập vào nhiều tạp chí khoa học “thoải mái” hơn hầu hết các trường đại học ở châu Âu hay Mỹ.
Với các trường đại học công lập, HEC sẽ chi trả toàn bộ cho việc khai thác tài liệu từ thư viện số. Còn các trường đại học tư phải trả 50% phí, phần còn lại sẽ do HEC tài trợ. Kinh phí của Chương trình được phân bổ theo những hạng mục: Nội dung; đào tạo; trợ giúp kỹ thuật; quảng bá tài nguyên số (Xem ảnh). Kinh phí năm 2006 cho Chương trình này vào khoảng 2,2 triệu USD.

Chương trình bắt đầu hoạt động từ 2003, chỉ 1 năm sau, số lượng tải về đã lên tới xấp xỉ 100.000 trang văn bản; đến năm 2005, con số này đã lên gấp 10: 1 triệu trang văn bản. Số viện, trường đăng ký tham gia Chương trình lên tới 250.
Một loạt chỉ số được dùng để đánh giá hiệu quả của chương trình thư viện số. Tất nhiên có nhiều yếu tố tác động đến chỉ số này, song tính toán khối lượng vẫn là yếu tố cơ bản để đánh giá “đầu ra” của nền khoa học.
Số lượng công bố từ 2001 – 2004

Năm Số lượng công bố      Phần trăm tăng        Tổng cộng
2001        513                           —                          513
2002        576                          12                          1,089
2003        639                          10                           1,728
2004         781                          22                          2,509
Bảng trên cho thấy số lượng nghiên cứu đã tăng đều đặn; nhưng từ 2003 đến 2004, tỷ lệ phần trăm tăng đã lên gấp đôi. Rõ ràng thư viện số đã có vai trò trong việc tăng vọt số lượng công bố nghiên cứu.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)