Thúc đẩy can thiệp sớm với các nguy cơ dịch bệnh do khí hậu

Thời tiết cực đoan cùng những tác động môi trường khác của biến đổi khí hậu sẽ dẫn đến gia tăng nguy cơ bùng phát các bệnh truyền nhiễm – việc dự đoán được thời gian và địa điểm bùng phát có thể giúp nhân viên y tế công cộng phản ứng sớm và hiệu quả hơn nhằm kiểm soát sự lây lan và giảm thiểu số ca mắc.

Giáo sư William Pan của Đại học Duke gặp gỡ các nhà lãnh đạo của một cộng đồng địa phương ở Peru.

Trong những năm gần đây, các hệ thống cảnh báo sớm nhắm tới mục tiêu này đã được phát triển để kiểm soát dịch sốt rét, sốt xuất huyết và những dịch bệnh khác ở vùng nhiệt đới. Nhưng việc triển khai các hệ thống này lại kém hiệu quả do những bấp bênh về kinh phí, hệ thống y tế địa phương quá tải, các kỹ thuật viên y tế địa phương không được đào tạo đầy đủ, và thiếu sự ủng hộ từ những người nắm quyền quyết định trong chính quyền.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế từ 15 tổ chức đã đánh giá những rào cản trong triển khai các hệ thống này, đồng thời đề xuất những giải pháp trong bài báo mới công bố ngày 9/11 trên tạp chí The Lancet Planetary Health.

Họ cho biết điểm then chốt là người ra quyết định quan trọng cần tham gia từ sớm. “Chúng tôi đã xem xét năm nghiên cứu điển hình, và hầu hết rào cản có thể được giải quyết bằng cách mời các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo địa phương tham gia ngay từ đầu”, William Pan, phó giáo sư về nghiên cứu dân số tại Đại học Duke, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.

Trong các nghiên cứu điển hình, các nhà khoa học thường ưu tiên áp dụng các hệ thống giám sát, các phác đồ kiểm soát dịch bệnh cùng đối tác địa phương, trước khi chuyển sang hướng dẫn các nhà hoạch định chính sách khu vực hay quốc gia. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ, những đối tác địa phương – những người được cho là sẽ tiếp quản việc điều hành hệ thống sau khi thiết lập, không phải lúc nào cũng là người nắm quyền quyết định, có quyền hạn hỗ trợ về tài chính hay chính trị liên tục cho việc triển khai.

“Bạn cần bắt tay với những người ra quyết định chủ chốt ngay lập tức, để họ hiểu và tin tưởng vào lợi ích của hệ thống này”, ông nói. Nếu không, việc mở rộng quy mô hệ thống lên cấp khu vực hoặc quốc gia có thể không bao giờ trở thành hiện thực.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần tập trung đào tạo nhân viên y tế và kỹ thuật viên địa phương về khoa học môi trường. Các hệ thống y tế địa phương, nhất là ở những khu vực nghèo hay vùng sâu vùng xa, thường thiếu hụt nhân lực, và những người giám sát bệnh dịch tại hiện trường thường không được đào tạo nhiều về khoa học môi trường hay dịch tễ học môi trường, Pan cho biết. Do vậy, họ không biết phải tìm kiếm cái gì, làm sao để dự đoán những tác động của nắng nóng, hạn hán, ngập lụt… tới dịch bệnh trong tương lai, cũng như điều chỉnh các biện pháp can thiệp.

“Hiện nay, chưa có nơi nào trên thế giới có hệ thống cảnh báo sớm các bệnh truyền nhiễm tích hợp dữ liệu khí hậu và môi trường với dữ liệu giám sát dịch bệnh. Các nhà hoạch định chính sách vẫn chưa chú ý tới điều này, tuy giới khoa học vẫn nhấn mạnh đây là việc cần làm. Điều này giống như nướng bánh mà chỉ có một nửa nguyên liệu vậy”, Pan cho biết.

Trong bài báo mới, nhóm tác giả đã đề xuất bốn bước vượt qua những rào cản này và nâng cao hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm. Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ và lường trước những rào cản tiềm tàng. Thứ hai, cần mời các bên liên quan quan trọng tham gia ngay từ đầu và cùng nhau xây dựng hệ thống. Thứ ba, chúng ta cần xác định những chiến lược hứa hẹn để vượt qua các rào cản, và kiểm tra hoạt động của chúng trong các nghiên cứu thử nghiệm dưới nhiều điều kiện khác nhau, sử dụng cả dữ liệu định lượng và các biện pháp định tính, chẳng hạn như phỏng vấn các bên liên quan để thu thập thông tin. Thứ tư, sau khi triển khai các chiến lược, chúng ta cần đánh giá kết quả triển khai này dựa trên một loạt yếu tố, bao gồm khả năng chấp nhận, tính khả thi, tính bền vững và hiệu quả chi phí. □

Phương Anh dịch

Nguồn: https://medicalxpress.com/news/2022-11-boost-early-intervention-climate-related-health.html

Tác giả