Thực hiện NĐ 115: Lại xin thêm thời gian

Sau hai năm Nghị định 115 được ban hành, mới chỉ có một nửa các tổ chức KH&CN có đề án chuyển đổi được phê duyệt, tiến độ thực hiện so với quy định còn chậm. Để “tăng tốc”, Bộ KH&CN đã cử các đoàn công tác liên ngành tới các tổ chức KH&CN cùng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh việc thực hiện Nghị định này.

Chậm vì… chưa thông
Trong tổng số 569 tổ chức KH&CN thuộc Bộ, ngành, địa phương, có 161 tổ chức KH&CN có đề án được phê duyệt (chiếm 25%), 142 tổ chức KH&CN có đề án trình phê duyệt (chiếm 21%) và 313 tổ chức KH&CN đang xây dựng đề án. Ông Trần Văn Tùng, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ KH&CN), cho biết, “Các tổ chức KH&CN trực thuộc các Bộ, ngành việc triển khai Nghị định 115 có phần nhanh hơn các tổ chức KH&CN địa phương, nhưng nhìn chung vẫn còn chậm so với yêu cầu”.
Lý giải tại sao, theo ông Tùng, các tổ chức KH&CN thuộc Bộ, ngành có phần tích cực hơn là vì những nơi này có sẵn nguồn nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm và tay nghề, có cơ sở hạ tầng có thể bắt tay vào sản xuất cho ra ngay sản phẩm, có vốn quay vòng. Tuy nhiên, không phải lãnh đạo tổ chức KH&CN thuộc Bộ, ngành nào cũng hồ hởi đón nhận Nghị định 115 như một thời cơ ngàn vàng để “lột xác”. Bên cạnh những tổ chức sẵn sàng chuyển đổi sang doanh nghiệp KH&CN như Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI), Viện Vật lý ứng dụng và Thiết bị khoa học… thì cũng có những nơi vẫn còn tiến thoái lưỡng nan vì không biết sẽ ra sao sau khi chuyển đổi. Chẳng hạn, Bộ GD&ĐT có khoảng 194 viện, trung tâm KH&CN nhưng mới chỉ báo cáo có 7 tổ chức KH&CN và hơn nữa, lại xin đề nghị áp dụng cơ chế tự chủ của Nghị định 43. Viện KHXH Việt Nam và Bộ Y tế có một lượng lớn các viện nghiên cứu cơ bản nhưng cũng chỉ trong giai đoạn… khởi động. Hỏi sao lại chậm trễ như vậy, thì một số lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam đưa ra lý do: “Chức năng của Viện là nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu chiến lược, chính sách phục vụ quản lý Nhà nước”.
Theo ông Tùng, đến nay vẫn còn có lãnh đạo các tổ chức KH&CN nhận thức chưa đúng và chưa đủ về Nghị định 115, không nhận thấy thực chất của Nghị định 115 là rà soát, thay đổi cách thức tổ chức hoạt động sao cho hiệu quả. Tổ chức KH&CN tự điều chỉnh cơ cấu, xác định mức độ đầu tư đúng mức, và “loại bỏ” những bộ phận không cần thiết, tránh tình trạng “đánh trống ghi tên”, “ăn không ngồi rồi”. Tuy Bộ KH&CN và các Bộ ngành liên quan đã có nhiều cố gắng, nhưng do một khối lượng lớn các văn bản hướng dẫn và cần thời gian xin ý kiến tham khảo nên việc ban hành các văn bản hướng dẫn còn chậm, chưa kịp thời. Do vậy, khi tư tưởng người quản lý các tổ chức KH&CN chưa thông, thì Nghị định 115 vẫn trở thành một thách thức lớn.
Ngoài nguyên nhân chủ quan thì cũng tồn tại những lý do “bất khả kháng”, đó là các Bộ và một số Viện nghiên cứu như Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Viện KH&CN Việt Nam… gồm một số lượng lớn các tổ chức KH&CN trực thuộc. Theo ông Tùng, những nơi này cần có thời gian để phân loại, sắp xếp các tổ chức KH&CN, thẩm định các đề án chuyển đổi. Tuy nhiên, không vì lý do này mà biện minh cho sự trì trệ.

Dò đá qua… sông

Tình hình triển khai Nghị định 115 ở các địa phương gặp khó khăn ngay từ đầu. Một số lãnh đạo trung tâm KH&CN trở nên lo ngại khi phải đối mặt với cơ chế tự chủ, tự trang trải. Ở địa phương, tổ chức KH&CN chủ yếu là các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Trung tâm Khuyến nông-Khuyến lâm với quy mô nhỏ, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu máy móc. TS.Nguyễn Văn Liễu-Bộ KH&CN, cho biết, “Nhiều tỉnh, Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN còn chưa có trụ sở, chưa có phòng thí nghiệm và thiếu các chính sách đồng bộ về cơ chế quản lý”. Bên cạnh đó là việc “cháy” nhân lực, nếu có thì trình độ còn hạn chế, thiếu kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm bươn chải thị trường. TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ KHTN-CN-MT, Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh, “Ở các địa phương thiếu các cán bộ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật theo phương thức “cầm tay chỉ việc” về đến từng hộ nông dân”. Mặt khác, nguồn tài chính yếu, cơ chế tài chính không rõ ràng và ổn định nên các tổ chức KH&CN địa phương còn lúng túng trong việc chọn hướng ưu tiên đầu tư. Ông Tùng cho biết, “Tuy các Sở, Trung tâm KH&CN cần tiền nhưng lại không xây dựng được đề án do thiếu cơ sở vật chất và nhân lực”.
Việc nhiều địa phương còn lúng túng trong việc xác định đối tượng điều chỉnh của Nghị định 115 và Nghị định 43, theo ông Tùng, là do công tác tuyên truyền của Bộ KH&CN và các Bộ, ngành về Nghị định 115 còn nhiều bất cập. Mặt khác, theo ông Liễu, “Các cấp quản lý địa phương (trong đó có lãnh đạo nhiều sở KH&CN) còn xem nhẹ vai trò của công tác thông tin KH&CN”.
Không thể bỏ qua một nguyên nhân nữa khiến tiến độ thực hiện Nghị định 115 ở các địa phương chậm là do nhu cầu ứng dụng các tiến bộ KH&CN thấp, thị trường KH&CN ở các địa phương còn manh mún, dịch vụ KH&CN chưa định hình rõ nét. Nhiều địa phương thậm chí chưa hình thành thị trường KH&CN. Nhiều nơi, sau khi nhận được quyết định chuyển đổi, vẫn “phớt lờ” chỉ đạo của cấp trên. Còn với một số tổ chức KH&CN khác nuôi hy vọng “sống” được bằng Nghị định 115 thì vẫn làm theo kiểu “dò đá qua… sông”.

Cần thêm thời gian
Đến cuối 12/2009, tất cả các tổ chức KH&CN công lập thuộc đối tượng cần chuyển đổi sẽ phải chuyển đổi hoặc thành tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí, hoặc thành doanh nghiệp KH&CN, đối với nhiều tổ chức KH&CN thì… “gấp” quá. Những tổ chức KH&CN quy mô lớn thuộc Bộ, ngành với cơ cấu phức tạp gồm nhiều viện nghiên cứu như Bộ Y tế, Viện KH&CN Việt Nam, Viện KHXH Việt Nam, và cả những trung tâm KH&CN địa phương mới thành lập cần phải có thêm thời gian để chuẩn bị, phân loại tiến hành chuyển đổi. Ông Tùng cho biết, “Tính đến nay có 20 Bộ, ngành, địa phương kiến nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian phê duyệt đề án chuyển đổi”. Chính vì vậy, sau khi xem xét, Bộ KH&CN kiến nghị Chính phủ cho phép lùi thời gian phê duyệt đề án chuyển đổi các tổ chức KH&CN công lập và thời gian chuẩn bị chuyển đổi (đối với các tổ chức KH&CN địa phương) đến hết năm 2011.
Bên cạnh việc gia hạn thời gian, để các tổ chức KH&CN địa phương có thể tiến hành việc chuyển đổi, thì ngay trong giai đoạn chuẩn bị, các tỉnh cần phải tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo bổ sung và nâng cao nguồn nhân lực. Đồng thời, theo TS.Luật,  các sở KH&CN cần phối hợp với các sở, ngành liên quan xây dựng đề án quy hoạch, chuyển đổi tổng thể, có lộ trình hợp lý. Ông cũng nhấn mạnh, “Không vì các tổ chức KH&CN còn nhỏ lẻ, manh mún mà chần chừ trong hành động. Thêm vài năm nữa các tổ chức hoạt động theo kiểu “bao cấp”, “chờ đợi, xin cho” cũng không tiến bộ bao nhiêu”.

Viện KHXH Việt Nam có 29 tổ chức KH&CN trực thuộc, nhưng chưa có tổ chức nào có “động thái” chuyển đổi. Chức năng của các tổ chức KH&CN này là nghiên cứu chiến lược chính sách phục vụ quản lý Nhà nước, khác với các khối ngành tự nhiên có những nghiên cứu ứng dụng tạo ra sản phẩm “bán” ngay được. Mặc dù đã tổ chức tập huấn và tuyên truyền nhưng lãnh đạo các tổ chức KH&CN này vẫn nhận thức chưa đúng về Nghị định 115 nên còn dè dặt, e ngại. Viện KHXH Việt Nam rất mong Bộ KH&CN ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể, có thời hạn rõ ràng đối với những tổ chức KH&CN vẫn còn “im lơi lặng tiếng”, các mẫu đề án chuyển đổi cho khối KHXH.
Bà Lê Thu Hằng-Ban tổ chức cán bộ, Viện KHXH Việt Nam.

Đức Phường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)