Thực phẩm chức năng từ tảo suối
TS Lại Minh Hiền, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học, cho biết Trung tâm đã sản xuất được viên thực phẩm chức năng bào chế dưới dạng viên nang từ một loại tảo lục sợi dài  có tên địa phương là “Tò cày”.
Từ xa xưa, người dân Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đã biết sử dụng các loài tảo làm thức ăn. Những năm gần đây tảo được chế biến thành thực phẩm chức năng để bổ sung dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe và tăng cường miễn dịch cho con người.
Những năm 70 của thế kỷ 20, khi còn công tác tại Trung tâm Kiểm nghiệm Dược Quân đội (Cục Quân y), TS Lại Minh Hiền đã nghiên cứu song mới chỉ dừng lại ở việc xác định thành phần loài, thành phần hóa học của chúng, sau này mới đi sâu nghiên cứu bào chế thành thực phẩm chức năng để phát triển loài tảo này và biến chúng thành hàng hóa có giá trị cao, phục vụ thiết thực đời sống xã hội và góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Thực phẩm chức năng mà Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nghiên cứu chế biến khác với thực phẩm mà đồng bào đã từng chế biến ở chỗ là được bổ sung một số thành phần có lợi hoặc loại bớt một số thành phần bất lợi.
Theo kết quả nghiên cứu về thành phần hóa học của “Tò cày” – tảo lục Cao Bằng của Trung tâm Kiểm nghiệm nghiên cứu Dược Quân đội, đạm chiếm từ 35-40%, trong đó có 14 loại axit amin là Acid Glutamic, Serin, Alanin, Arginin, Tyrosin, Tryptophan, Threonin, Histidin, Valin, Lysin, Methionin, Isoleucin, Phenylalanin và Leucin và đặc biệt có 8 loại axit amin không thay thế là Threonin, Histidin, Valin, Lysin, Methionin, Isoleucin, Phenylalanin và Leucin có trong mẫu tảo chiếm 21,43% trọng lượng khô.
Về nguyên tố vi lượng có mặt 12 nguyên tố, trong đó quan trọng là nguyên tố Mangan (Mn), sắt (Fe), kẽm ( Zn), selen (Se). Hàm lượng Gluxit trung bình là 13,74%. Lipid là 5,68%. Trong thành phần tảo có các vitamin A,D, E, C, B1, B2, B6, PP và có mặt của sắc tố chlorophyll.
Nguồn:
http://www.vietnamplus.vn/Home/San-xuat-thuc-pham-chuc-nang-tu-mot-loai-tao-suoi/20139/213972.vnplus