Thuốc bảo vệ thực vật: Càng lệ thuộc, càng rủi ro cho nông hộ

Vấn đề người nông dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt không mới nhưng tại sao, sau ngần ấy năm, nó vẫn tồn tại mà chưa có biện pháp nào có thể giúp giảm thiểu?

Thuốc BVTV không phải là một “phương thuốc thần” cho nông nghiệp và cả những người nông dân sử dụng.

Hoa trái Việt Nam như xoài, thanh long, vải, bưởi… ngon lành, bổ và có mức giá cạnh tranh hơn nhiều so với hàng hóa cùng loại của nhiều quốc gia có tiếng là “vựa trái cây” nhưng lại phải nếm trải rất nhiều năm chật vật trong xuất khẩu vì chất lượng, mẫu mã, trong đó đặc biệt là dư lượng thuốc trừ sâu. Tại sao vậy? Bao giờ thì hoa trái Việt Nam mới được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu rũ bỏ nghi ngờ về an toàn thực phẩm? Câu hỏi đó đã làm day dứt những người làm nông nghiệp và quan tâm đến nông nghiệp Việt Nam trong nhiều năm qua. 

Vì đâu nên nỗi?

Có lẽ chúng ta không ngờ rằng, mới chỉ được sử dụng năm thập kỷ nhưng thuốc BVTV đã giữ một vị trí quan trọng trong sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam. Lúc ban đầu năm 1950, lượng thuốc sử dụng hằng năm ước tính chỉ khoảng 100 tấn nhưng chỉ hơn 30 năm sau, con số này đã tăng lên gấp 100 lần. Và tính cho đến thời điểm hiện tại, lượng thuốc sử dụng hằng năm ước khoảng 80.000 -100.000 tấn. Không chỉ lượng thuốc sử dụng tăng lên, loại thuốc thương phẩm cũng ngày càng đa dạng hơn, từ gần 600 loại năm 1997 lên gần 4.000 loại năm 2019 (MARD 1997, MARD 2019). 

Thuốc BVTV không phải là một “phương thuốc thần” cho nông nghiệp và cả những người nông dân sử dụng nó. Rất nhiều hậu quả liên quan đến việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp đã được ghi nhận ở Việt Nam, đặc biệt liên quan đến sức khỏe con người và ô nhiễm môi trường. Trước tác động của các hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết (VD: Rotterdam Convention) và sức ép từ Quốc hội và xã hội, Bộ NN&PTNT đã phải ban hành các chính sách quản lý thuốc BVTV nghiêm ngặt hơn, ví dụ cấm các loại thuốc có độ độc cao và nâng cao điều kiện đối với đăng ký thuốc BVTV mới ở Việt Nam. Từ 2015-2019, Bộ Nông nghiệp đã đưa vào danh sách cấm 9 loại hoạt chất đã từng được sử dụng rất rộng rãi ở Việt Nam như Carbendazim, 2.4D, Paraquat, Chlorpyrifos Ethyl, and Glyphosate) cũng như ban hành qui định quản lý thuốc ngặt nghèo hơn (ví dụ Thông tư 21/2015 và Thông tư 12/2018). 

Trong hệ sinh thái nông nghiệp, tác động của con người – ví dụ như làm suy giảm đa dạng sinh học ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn – đã làm sự dao động tăng lên và tạo ra nhiều rủi ro hơn.

Trong quá trình thực hiện các nghiên cứu, chúng tôi có trao đổi với một số công ty kinh doanh thuốc BVTV để tìm hiểu thực trạng cung cầu, qua đó được biết là lượng thuốc trừ sâu bệnh đã giảm trong những năm gần đây do các giống lúa chất lượng cao, chống rầy nâu, đạo ôn được sử dụng rộng rãi hơn. Có công ty còn ước tính đã giảm 70% lượng thuốc trừ rầy so với trước đây 10 năm. Tuy nhiên, do xu thế tích tụ đất sản xuất, các trang trại qui mô lớn có thể sẽ tăng sử dụng thuốc BVTV để cắt giảm nhân công và đảm bảo năng suất cây trồng. Bởi vậy tiến trình cắt giảm thuốc BVTV ở Việt Nam có thể đảo chiều trong thời gian tới, nếu người sản xuất vẫn xem thuốc BVTV là phương thuốc thần đem lại cho họ hiệu quả sản xuất như mong muốn. Tuy nhiên, để phát triển, người sản xuất cần thoát ra khỏi bẫy thuốc BVTV: vì càng lệ thuộc vào thuốc BVTV, sản xuất nông nghiệp càng khó khăn (tăng rủi ro sản xuất, giảm hiệu quả đầu tư) và thu nhập giảm sút.

Càng lệ thuộc, hiệu quả sản xuất càng giảm

Tại sao tồn tại nghịch lý này? Chúng ta biết rằng, một đặc tính quan trọng của hệ sinh thái tự nhiên là tính động lực của nó, có nghĩa là, chúng thường dao động xung quanh một điểm cân bằng. Chính khả năng dao động này đã giúp hệ sinh thái bền vững theo thời gian. Tuy nhiên, trong hệ sinh thái nông nghiệp, tác động của con người – ví dụ như làm suy giảm đa dạng sinh học ảnh hưởng đến chuỗi thức ăn và mạng lưới thức ăn – đã làm sự dao động tăng lên và tạo ra nhiều rủi ro hơn. Như một guồng quay, để hạn chế các rủi ro này, người dân buộc phải đầu tư nhiều hơn nữa, trong đó có khoản chi phí dành cho phân bón và thuốc BVTV). Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hậu quả mà chúng ta đang phải đối mặt: thu nhập của nông dân giảm sút (do đòi hỏi đầu tư tăng), xã hội khủng khoảng về an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường… Các nghiên cứu đã cho thấy sự khác biệt về chi phí đầu tư giữa hệ sinh thái chưa bị ô nhiễm và hệ sinh thái bắt đầu chịu tác động của thuốc BVTV nhằm tăng năng suất; và hệ sinh thái đã bị ô nhiễm do thuốc BVTV. Thực tế cho thấy, khi môi trường đã bị ô nhiễm thì chi phí đầu tư dù có tăng nhưng sản lượng cây trồng lại sụt giảm.

Biểu đồ. Quan hệ giữa sử dụng hóa chất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Trong một hệ sinh thái chưa ô nhiễm, lợi ích dài hạn của người sản xuất đạt được cao nhất và lợi ích ngắn hạn, ví dụ tăng năng suất cây trồng, lại tương đối cao, vì khi đó họ thu nhận được nhiều lợi ích nhất từ các dịch vụ sinh thái tự nhiên như: kiểm soát sinh học, tái tạo đất và dinh dưỡng đất, khả năng giữ nước của đất (Biểu đồ A)… Khi người dân bắt đầu sử dụng hóa chất đầu tư cho sản xuất nông nghiệp sẽ có sự tăng vọt về năng suất cây trồng bởi lúc này chất lượng dịch vụ sinh thái của hệ thống sản xuất còn tốt giúp tối đa hóa hiệu quả các đầu tư hóa học (Biểu đồ B). Tuy nhiên, sau nhiều năm sử dụng hóa chất, khi mà chất lượng dịch vụ sinh thái suy giảm dẫn đến hiệu quả các đầu tư giảm, buộc người dân phải tăng đầu tư dẫn đến chi phí sản xuất tăng, trong khi năng suất cây trồng thậm chí giảm sút (do môi trường sản xuất bị ô nhiễm) và khi đó, thu nhập của người dân sẽ giảm hoặc thua lỗ trong điều kiện thị trường bất lợi (Biểu đồ) (Wilson and Tisdell 2001).

Hầu hết các hệ thống nông nghiệp thâm canh hiện nay đang ở tình trạng (C), đặc trưng bởi: áp lực sâu bệnh hại tăng, yêu cầu đầu tư cao, thu nhập của người dân giảm. Đối mặt với các rủi ro này, người dân thường lựa chọn tăng cường đầu tư hóa học. Tuy nhiên các đầu tư này chỉ giúp tăng tính ổn định của hệ thống sản xuất trong ngắn hạn (stability) và tiếp tục xói mòn tính bền vững của hệ thống (sustainability), và kết cục sẽ là vòng xoáy không lối thoát giữa tăng rủi ro sản xuất – tăng rủi ro an toàn thực phẩm – tăng sử dụng hóa chất – giảm thu nhập – và ô nhiễm môi trường. 

Hậu quả do sử dụng thuốc BVTV

Người nông dân thường gia tăng lượng thuốc BVTV theo năm với suy nghĩ ngây thơ là sẽ giúp họ tránh được sâu bệnh cho mùa vụ. Tuy nhiên trên thực tế, chỉ dưới 1% thuốc BVTV sử dụng tác động vào đối tượng phòng trừ trong khi hơn 99% còn lại tồn dư trong sản phẩm nông nghiệp, phát tán vào môi trường đất, nước và không khí (Altieri and Nicholls 2020). Tổn thất về sức khỏe, kinh tế và môi trường, từ sử dụng hóa chất nói chung và thuốc BVTV trong nông nghiệp nói riêng là rất lớn. Tổ chức Ellen Mac Arthur Foundation vào năm 2019 ước tính, với mỗi USD chúng ta chi trả để mua lương thực, xã hội phải trả hai USD cho các tổn thất về sức khỏe, môi trường và kinh tế.

Các đầu tư hóa học chỉ giúp tăng tính ổn định của hệ thống sản xuất trong ngắn hạn (stability) và tiếp tục xói mòn tính bền vững của hệ thống (sustainability), và kết cục sẽ là vòng xoáy không lối thoát giữa tăng rủi ro sản xuất – tăng rủi ro an toàn thực phẩm – tăng sử dụng hóa chất – giảm thu nhập – và ô nhiễm môi trường. 

Hàng loạt vụ ngộ độc thực phẩm đã xảy ra ở hầu hết các địa phương tại Việt Nam, với hàng ngàn trường hợp xảy ra mỗi năm. Số người mắc bệnh ung thư ở Việt Nam ngày càng tăng trong những năm gần đây, ước tính khoảng 200.000 người mắc mỗi năm. Trong số này, ảnh hưởng do dư lượng hóa chất tồn dư trong thực phẩm có thể góp phần đáng kể. Ngoài ra, số liệu ước tính về các bệnh mãn tính do thuốc BVTV có thể xảy ra cho khoảng hai triệu nông dân Việt Nam. Bên cạnh đó, ngoài những chi phí chưa thể tính toán từ những suy giảm về chất lượng môi trường sản xuất nói riêng và môi trường sống nói chung do những cố gắng nhằm tăng năng suất cây trồng thông qua những đầu tư lớn, đặc biệt là phân bón và thuốc BVTV, những chi phí từ những thiệt hại đang xảy ra cho sức khỏe người dân và nền kinh tế quốc gia từ sản xuất rau củ quả thâm canh rất lớn.

Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật là nguyên nhân trực tiếp nhất gây ô nhiễm đất. Hóa chất độc hại trong thuốc trừ sâu làm hỏng hệ sinh thái đất, ví dụ tiêu diệt các loài động vật chân đốt, giun đất, nấm, vi khuẩn, động vật nguyên sinh và các sinh vật khác góp phần vào chức năng phân hủy chất hữu cơ, kiểm soát các loài gây hại và cấu trúc của đất. 

Thuốc BVTV có thể giết chết hoặc có tác động tiêu cực đến các sinh vật không phải mục tiêu phòng trừ. Nếu chỉ xét với tác động của dư lượng thuốc trừ sâu đối với hệ thống nước mặt, đặc biệt là đối với các sinh vật thủy sinh thì trong canh tác lúa nước, nhiều dư lượng hoạt chất BVTV sau khi sử dụng ảnh hưởng tới cá trong mô hình lúa – cá ở Việt Nam. Dư lượng thuốc BVTV còn ảnh hưởng tiêu cực tới các loài sinh vật thụ phấn cho cây trồng như ong mật qua đó làm ảnh hưởng tới chất lượng và độ an toàn của mật ong, liên quan tới sự nguy hại cho sức khỏe con người. 

Bao giờ thì hoa trái Việt Nam mới được người tiêu dùng ở các nước nhập khẩu rũ bỏ nghi ngờ về an toàn thực phẩm?

Thuốc BVTV sử dụng liên tục đã gây ra hiện tượng kháng thuốc của sinh vật gây hại và góp phần hình thành những nòi, chủng, loài dịch hại mới. Trên lúa, rầy nâu là đối tượng dịch hại nghiêm trọng và thường xuyên. Tại các địa phuơng với các thực hành sử dụng hóa chất BVTV khác nhau đã xuất hiện những quần thể rầy kháng với các hoạt chất BVTV. Ví dụ, tại đồng bằng sông Cửu Long, quần thể rầy nâu ở Lai Vung (Đồng Tháp) và Cờ Đỏ (Cần Thơ) đã biểu hiện kháng imidacloprid, buprofezin, fipronil, etofenprox và mẫn cảm với fenobucarb. Trong khi đó quần thể ở Thanh Bình (Đồng Tháp) kháng với hoạt chất imidacloprid, fipronil 5SC, etofenprox  và cũng mẫn cảm với fenobucarb và buprofezin. Quần thể ở Tri Tôn (An Giang) cũng kháng và mẫn cảm với imidacloprid, buprofezin, etofenprox nhưng tỷ lệ kháng là thấp hơn so với các quần thể khác và mẫn cảm với fenobucarb và fipronil. Quần thể ở Thốt Nốt (Cần Thơ) chỉ kháng với imidacloprid và mẫn cảm với các thuốc trừ sâu khác (Châu, Phương et al. 2006). Tại đồng bằng sông Hồng, quần thể rầy nâu cũng kháng 10/11 hoạt chất tại Hưng Yên, kháng 9/9 hoạt chất tại Thái Bình, kháng 5/8 hoạt chất tại Phú Thọ (Giang, Khánh et al. 2018).

Thuốc BVTV cũng tác động trực tiếp và gián tiếp đến đa dạng sinh học và quần thể thiên địch của dịch hại như động vật ăn thịt và ký sinh trùng, ví dụ bọ xít mù xanh Cyrtorhinus lividipennis là thiên địch quan trọng trong hạn chế rầy nâu ngoài đồng ruộng bị ảnh hưởng mạnh bởi các hoạt chất fenobucarb; các hoạt chất clothianidin và etofenprox có độ độc nhẹ với chúng (Gnanadhas, Stanley et al. 2010). Không chỉ các loài động vật chân đốt mà các loài động vật lớn như cá, chim cũng bị ảnh hưởng bởi thuốc trừ sâu tích lũy trong đất, nước, hoặc các mắt xích trong chuỗi thức ăn của chúng. Gia cầm tiếp xúc với thuốc trừ sâu có thể gây ra hiện tượng suy sinh sản, hoặc thậm chí giết chết chúng trực tiếp với liều lượng đủ cao (Wilson and Tisdell 2001).

Cần phải thay đổi

Vẫn biết rằng việc giảm tiền đầu tư cho thuốc BVTV sẽ dẫn đến những sản phẩm an toàn hơn. Tuy nhiên nhiều nông dân vẫn còn lo ngại về một tương lai bất định sẽ đến với họ: liệu có lâm vào thất bát mùa màng không? Xin hãy đừng quá lo ngại, có nhiều bằng chứng rằng một nền sản xuất nông nghiệp ít phụ thuộc vào các đầu tư hóa học (bao gồm thuốc BVTV) khả thi về mặt kinh tế, sinh học, và xã hội. Một nghiên cứu về một nhóm người nông dân Mỹ chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp hóa học sang nông nghiệp hữu cơ cho thấy rằng sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn có thể duy trì, thậm trí tăng lợi nhuận cho người nông dân (so với sản xuất bằng các đầu tư hóa học). 

Các ví dụ tương tự cũng đã được chứng minh đối với nhiều nông dân Nhật Bản (Kaneko 1994). Trong trường hợp Indonesia, sau Chương trình IPM rộng rãi và tốn kém, lượng thuốc BVTV sử dụng trong nông nghiệp đã giảm đi rõ rệt đồng thời với năng suất cây trồng tăng lên, tới 12% so với trước đây (Wilson và Tisdell 2001). Tương tự như vậy, so với nông dân chỉ dựa vào thuốc hóa học để kiểm soát sâu bệnh hại, những nông dân trồng cải bắp ở Indonesia áp dụng thành công IPM đã cắt giảm lượng thuốc sâu sử dụng tới 80%, thuốc trừ nấm 90% trong khi năng suất cải bắp tăng 7.6%. Các kết quả tương tự cũng thấy ở các cây rau khác như cà chua, đậu đũa và hành (Untung 1998). Ở Cuba, sau sự sụp đổ của Liên bang Xô viết, những người nông dân sản xuất rau trở thành những nhà “sinh thái bắt buộc” vì không thể tiếp cận được với nguồn thuốc BVTV từ Liên Xô. Bốn năm sau đó, họ đã trở thành những nhà “sinh thái tự nguyện” (Dinham 2003). Nông dân các nước khác như Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Hà Lan và Guatemala cũng đã cắt giảm lượng thuốc BVTV tới 33 – 37% trong khi năng suất cây trồng nhìn chung vẫn được duy trì ổn định (Edland 1997, Pettersson 1997, Pimentel 1997 trích trong Wilson và Tisdell 2001). 

Ở Việt Nam, việc khuyến cáo áp dụng một qui trình kỹ thuật sản xuất với mục tiêu duy trì hoặc tăng cường năng suất cây trồng, năm này qua năm khác là một lựa chọn thiếu thích ứng và thậm chí là thiếu khôn ngoan, vì qui trình này tất yếu dẫn đến tình trạng (C). Các hệ sinh thái tự nhiên nói chung và hệ sinh thái nông nghiệp nói riêng là liên tục dao động xung quanh điểm cân bằng, chứ không đạt được cân bằng, thậm chí chuyển lên mức cân bằng mới do các tác động từ các đầu tư hóa chất và các biện pháp canh tác không phù hợp (ví dụ làm đất, tưới quá nhiều, trồng đơn canh…). Ở mức cân bằng mới, toàn bộ hệ sinh thái sẽ đối mặt với rủi ro nhiều hơn. Trong sản xuất nông nghiệp, lựa chọn (B) sẽ mang lại lợi ích cho người dân cao nhất, tuy nhiên vì hệ sinh thái nông nghiệp là động lực và các đầu tư hóa học cùng với các biện pháp canh tác không phù hợp sẽ đẩy hệ thống sản xuất xuống tình trạng (C) – khi đó người dân sẽ đối mặt với hiệu quả sản xuất suy giảm (đầu tư nhiều hơn, thu ít hơn so với (B) và thậm chí là (A)).

Vậy chúng ta cần bắt đầu từ đâu để giảm thiểu thiệt hại cho người trồng trọt? Tôi cho rằng, một cách hiệu quả nhất là những thay đổi sản xuất cần bắt đầu từ những giải pháp kỹ thuật ít phức tạp thông qua sự chú trọng vào việc bảo vệ đất, ví dụ hạn chế hoặc áp dụng không cày xới đất, tưới tiết kiệm, tăng đa dạng cây trồng, và tăng sử dụng phân hữu cơ. Trong khi đó, giải pháp phức tạp hơn là các lựa chọn thay đổi liên tục giữa (A) và (B), ví dụ khi thấy có dấu hiệu thị trường tốt, hoặc tình trạng thời tiết bất lợi (dẫn đến giảm mạnh năng suất cây trồng và tăng cơ hội thị trường), có thể can thiệp các giải pháp kỹ thuật (dùng thuốc BVTV, phân bón, Ca…) để tăng mạnh năng suất cây trồng. Sau đó cần phải giảm các tác động này về phía (A) để hệ sinh thái nông nghiệp không bị tổn thương hoặc có thể tự phục hồi trong thời gian ngắn. 

Tuy nhiên, chúng ta hiểu rằng bất cứ sự thay đổi nào cũng cần phải chấp nhận ít nhiều sự đánh đổi. Không có cách nào khác. Người dân cũng phải chịu một số hy sinh nhất định trong thời gian chất lượng dịch vụ sinh thái của hệ thống sản xuất được dần cải thiện. Những thay đổi, bởi vậy dù luôn bao hàm cả rủi ro, nhưng lại vô cùng cần thiết và sẽ mang lại những hứa hẹn về một nền sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững cho Việt Nam mà tất cả chúng ta đều mong muốn. □

Tài liệu tham khảo

Altieri, M. A. and C. I. Nicholls (2020). “Agroecology and the reconstruction of a postCOVID-19 agriculture.” The Journal of Peasant Studies.

Châu, L. M., et al. (2006). “Đánh giá tính kháng của các dòng giống lúa năng suất cao, phẩm chất tốt đối với các quần thể rầy nâu tại Đồng bằng Sông Cửu Long 2003 – 2005.” Tạp chí Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2(4): 16 – 18.

Dinham, Barbara. 2003. Growing vegetables in developing countries for local urban populations and export markets: problems confronting small-scale producers. Society of Chemical Industry: Pest Management Science 59: 575 – 582.

EllenMacArthurFoundation (2019). “The linear food system is ripe for disruption.” Retrieved June 25, 2020, from https://www.ellenmacarthurfoundation.org/explore/food-cities-the-circular-economy#:~:text=For%20every%20dollar%20spent%20on,%2C%20environmental%2C%20and%20economic%20costs.&text=They%20are%20a%20direct%20result,polluting%2C%20and%20harms%20natural%20systems.

Giang, H. T. T., et al. (2018). “Nghiên cứu tính mẫn cảm thuốc trừ sâu của rầy nâu Nilaparvata lugens (Stal) (Homoptera: Delphacidae) ở một số vùng trồng lúa Việt Nam.” Tập chí Bảo vệ thực vật 2: 31 – 41.

Gnanadhas, P., et al. (2010). “Risk assessment of insecticides used in rice on miridbug, Cyrtorhinus lividipennis Reuter, the important predator of brown planthopper, Nilaparvata lugens (Stal.).” Chemosphere 80(5): 498 – 503.

Kaneko, Y. 1994. A Farm with a Future: Living with the Blessings of Soil and Sun. Published by Yoshinori Kaneko and Tomoko Kaneko, Ogawa, Saitama, Japan. pp. 102

MARD (1997). List of pesticides permitted, restricted and banned for use. Decision No. 279/NN-BVTV/QD dated on February 27, 1997. Hanoi: Ministry of Agriculture and Rural Development.

MARD (2019). List of pesticides permitted and banned for uses. Decision No. 10/2019/TT-BNNPTNT dated on Sept 20, 2019. Hanoi: Ministry of Agriculture and Rural Development.

Untung, Kasumbogo. 1998. Achievements in Pesticide Application for Agricultural Use and in Residue Control in Indonesia. In Seeking Agricultural Produce Free of Pesticide Residues. Edited by I.R. Kennedy, J.H. Skerritt, G.I. Johnson, and E. Highley. The proceedings of an International Workshop held in Yogyakarta, Indonesia 17 – 19 February, 1998. Australian Center for International Agricultural Research, Canberra.

Wilson, C. and C. Tisdell (2001). “Why farmers continue to use pesticides despite environmental, health and sustainability costs.” Elsevier: Ecological Economics 39: 449-461.

Tác giả

(Visited 28 times, 1 visits today)