Thuốc kháng sinh phát sáng hiển thị ổ viêm nhiễm
Khi bề mặt của của khớp nhân tạo bị viêm nhiễm, trong trường hợp xấu nhất sẽ phải tháo ra để thay thế. Các nhà nghiên cứu đang tìm cách phát hiện nhanh những trường hợp viêm nhiễm với sự hỗ trợ của kháng sinh có khả năng phát sáng nhờ huỳnh quang.
Đồng tác giả của bài báo, nhà nghiên cứu Knut Ohlsen thuộc Viện phân tử sinh vật học truyền nhiễm thuộc Đại học Würzburg, giải thích, “khi sự viêm nhiễm này phát tán thì có khi phải phẫu thuật, tháo bỏ những vật cấy ghép”. Việc xử lý thay thế thường khó khăn, phức tạp và mất nhiều thời gian bởi vậy các nhà nghiên cứu muốn phát hiện sớm mầm mống vi khuẩn gây viêm nhiễm bằng cách sử dụng thuốc kháng sinh huỳnh quang.
Loại kháng sinh gắn kết với một chất tạo mầu đánh dấu vi khuẩn và với một máy chụp ảnh chuyên dụng mà người ta có thể nhận biết chúng từ bên ngoài, theo trình bầy của nhóm nghiên cứu do nhà nghiên cứu Maarten van Dijl thuộc Đại học Groningen (Hà Lan) phụ trách. Trong các thí nghiệm với chuột thì những mô bị viêm nhiễm hiển thị rõ mầu vàng cam khác với những chỗ không bị viêm nhiễm.
Các nhà khoa học đã dùng thuốc kháng sinh Vancomycin, đã được thử nghiệm có kết quả tốt đối với sự nhiễm khuẩn ở các mô mềm. Họ gắn thuốc với chất mầu phản quang. Sau đó, người ta tiêm vào chuột các loại vi khuẩn khác nhau chuyên gây viêm nhiễm cơ bắp. Hai ngày sau khi bị nhiễm bệnh, những con chuột thí nghiệm được tiêm một lượng nhỏ thuốc kháng sinh phát quang. 24 tiếng đồng hồ sau đó, trên cơ thể xuất hiện những vùng có mầu vàng cam, là nơi thuốc kháng sinh tiếp xúc với vi khuẩn – tuy nhiên sự hiển thị này ở các vật gây bệnh khác nhau cũng khác nhau, chẳng hạn các loại vi khuẩn Staphylococcus aureus thì phát hiện rất rõ nhưng ở các loại vi khuẩn có cấu trúc khác như Escherichia coli thì sự hiển thị không tốt.
Sự phát huỳnh quang kéo dài ít nhất khoảng 24 tiếng đồng hồ, vì lượng kháng sinh thấp và các vi khuẩn không bị tiêu diệt, theo nhà khoa học Jan Maarten van Dijl. Những tín hiệu mầu đầu tiên xuất hiện vài tiếng đồng hồ sau khi tiêm vi khuẩn.
Sự kết hợp giữa phương pháp hiện hình ảnh và huỳnh quang ở tầng mô trên cùng ở con người đã có kết quả, điều này được tập thể các nhà nghiên cứu chứng minh qua thử nghiệm trên xác người. Vật cấy ghép bị viêm nhiễm và phủ một lớp kháng sinh đã hiện hình nhờ mầu sắc. Qua nghiên cứu lâm sàng lần đầu tiên ở người, chất này sẽ được tiếp tục phát triển.
Nhà nghiên cứu van Dijl nhấn mạnh, cho đến nay chưa thể nhìn sâu vào lớp mô ở sâu bên dưới, và cần nghiên cứu về tính tương thích của chất cản quang. Điều tích cực, theo đánh giá của các chuyên gia, là phương pháp này không cần can thiệp về phẫu thuật và cũng không bị tác động của tia xạ – và những hình ảnh mà phương pháp này hiển thị là hình ảnh thật diễn ra đúng thời điểm đó.
Xuân Hoài dịch