Thưởng khuyến khích bài báo khoa học

Hình thức thưởng tiền mặt cho các bài báo khoa học trình độ cao đang được mở rộng. Các nhà khoa học Hàn Quốc được nhận 3000USD từ chính phủ khi họ công bố trên các tạp chí uy tín. Con số đó vẫn là nhỏ so với Trung Quốc, nơi mà một số nhà khoa học có thể nhận được mười lần nhiều hơn thế.

Khi các cơ quan nghiên cứu và các quốc gia phấn đấu để có được uy tín quốc tế, người ta hy vọng rằng phần thưởng công bố sẽ giúp ích. Tuy vậy cũng có những lo ngại đối với việc dùng chỉ một vài tiêu chí để đánh giá kết quả nghiên cứu khoa học.
Bộ KH&CN Hàn Quốc thưởng 3000USD cho tác giả chính bài báo đăng ở một tạp chí hàng đầu. Kế hoạch là nhằm nâng cao tinh thần các nhà khoa học, giúp thúc đẩy phát triển khu vực KHCN của đất nước – Young Nam Lin, phó giám đốc Vụ khoa học cơ bản của Bộ cho biết. Một ủy ban 10 người gồm cả các quan chức của Bộ và các nhà khoa học chọn ra danh sách các tạp chí.
Các việc làm tương tự cũng đã có ở các nước khác. Ở Pakistan, từ năm 2002, các nhà khoa học có thể nhận từ 1.000 tới 20.000USD theo chỉ số trích dẫn của các công bố. Một nửa số tiền thưởng phục vụ cho công tác nghiên cứu, một nửa là cho thu nhập cá nhân.
Ở Trung Quốc việc thưởng được giành cho quyền chủ động của các cơ quan khoa học. Chẳng hạn ĐH Nông nghiệp Bắc kinh có thể thưởng tới 50.000USD cho bài báo có chỉ số trích dẫn cao. Đối với Viện Lý-Sinh thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, tác giả có công bố ở các tạp chí có chỉ số trích dẫn từ 3-5 được thưởng 250USD /điểm, và ở tạp chí có chỉ số trích dẫn cao hơn 10 được 875USD/điểm. Bài báo đăng ở Nature, Science, hay Cell được thưởng 31.000USD – Viện cũng đã có được một số bài báo đăng ở các tạp chí đó trong vài năm gần đây.
Những người ủng hộ việc thưởng cho rằng điều đó giúp bù cho lương thấp của các nhà khoa học trong nước họ. Mức thưởng 1000USD chẳng hạn bằng 3 tháng lương của một giảng viên Đại học Pakistan. Nhờ sáng kiến thưởng, số các bài báo khoa học đã tăng mạnh – Atta ur-Rahman, Chủ tịch Ủy ban chính phủ Pakistan về đào tạo Đại học cho biết.
Những người phê bình thì nói rằng tăng số bài báo chưa hẳn đã tốt hơn. Một nhà vật lý ở ĐH Islamabad phát biểu: Các nhà nghiên cứu ở các ĐH vội vã công bố, và trong khi vội vã thì bỏ qua đạo đức khoa học. Ông nghi ngờ rằng điều đó có thể làm tăng số bài chất lượng thấp: ngụy tạo kết quả và bịa đặt số liệu như dư luận đã biết. Một số khác cho rằng hệ thống thưởng làm giảm giá trị công việc của họ. Những bào báo tốt là sản phẩm của cả mồ hôi, niềm vui, và cả đau xót –  một nhà sinh học ở ĐH quốc gia Seoul phát biểu. Nếu việc đó được tính bằng 3000USD – tôi cảm thấy bị xúc phạm. Yuan Tseh Lee, nhà hóa học giải thưởng Nobel và là Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học Đài Loan cũng đồng ý như vậy: Có rất nhiều áp lực lên các nhà khoa học để được biết đến ở Trung Quốc. Nếu bạn chỉ nhằm có nhiều tiền và nổi tiếng, bạn sẽ làm bản thân và các sinh viên của bạn khốn khó.
Một phần vì các lo ngại đó, Viện sinh học Thượng Hải tạm ngừng chương trình thưởng. Tuy nhiên chủ tịch ĐH Nông nghiệp Bắc Kinh lập luận rằng hiện nay phần thưởng là cần thiết, đặc biệt ở Trung Quốc hệ thống XHCN làm cho rất khó có cách khác để khuyến khích cho lao động khoa học nỗ lực lớn, tuy 10 năm nữa tình hình có thể sẽ khác.
Peter Cotgreave, Giám đốc một Viện nghiên cứu ở London cho rằng, hệ thống thưởng là có ưu điểm, ít nhất cũng vì rằng những người trên thực tế xét thưởng là các phản biện khuyết danh của các bài báo khoa học – độc lập đối với phần thưởng. Có thể một số nhà khoa học bị bỏ qua khi bài báo chất luợng tốt của họ bị từ chối bởi các tạp chí có uy tín, nhưng thật khó mà tin rằng công việc chất lượng tồi mà lại được thưởng. Nhà khoa học chỉ có chiến thắng khi họ phải đủ mạnh để công bố được ở các tạp chí khoa học có uy tín, như Science và Nature.

PDC, theo Nature, N. 441, tr. 792, 2006

Tác giả

(Visited 3 times, 1 visits today)