Thủy chung với khoa học
Có thể có người hỏi: “nhà khoa học không thuỷ chung với khoa học thì thuỷ chung... với cái gì?” Đó không phải là câu hỏi khó trả lời hiện nay. Song với GS Phạm Lợi Vũ, dù không thực sự hiểu lắm về những nghiên cứu của ông, vẫn có thể thấy rõ tình yêu rất “chân thành” của ông dành cho Vật lý Toán phi tuyến.
Đó là bài “Initial boundary-value problem for Korteweg–de Vries equation on the positive quarter–plane” (Bài toán biên đối với phương trình Korteweg–de Vries trên phần tư mặt phẳng dương) đăng ngày 1/3/2007 trên tạp chí “Journal of Nonlinear Mathematical Physics” của nhà xuất bản khoa học rất có uy tín Atlantis.
Bài báo trên nghiên cứu vấn đề do ông tự đặt ra trong một công bố khác của ông từ năm 2000. Năm 2003, thấy nghiên cứu “có thêm chút kết quả”, ông gửi đăng, song phản biện nhận xét còn một số khía cạnh của bài toán chưa giải quyết được nên chưa chấp nhận công bố. Năm 2006, sau khi vượt qua được những khó khăn có tính nguyên tắc, ông lại tiếp tục gửi đăng. Phản biện yêu cầu tiếp tục sửa chữa một vài thiếu sót. Tháng 8/2006, bài báo được chấp nhận. “Công bố ở nước ngoài chỉ khác thế thôi…”, ông vừa nói vừa giở ra cho tôi xem tập thư từ trao đổi giữa ông với ban biên tập. “ Mình nhận được ý kiến của những chuyên gia hàng đầu trên cùng lĩnh vực. Bình thường mỗi bài báo được hai phản biện không nêu danh người kiểm tra và đánh giá. Nếu ý kiến trái ngược nhau thì ban biên tập mời phản biện thứ ba (adjudicator). Không nghiêm túc không được. Nếu gửi đăng trong nước, hầu như không thể nhận được ý kiến nhận xét xác đáng”, ông nói.
Bản thảo bài báo sắp đăng |
Tôi đọc lướt báo cáo của một phản biện gửi Ban biên tập: “This problem is difficult and has been open for a long time. In recent years there has been a lot of interesting in solving it . . . However the method used by the author in this paper is different, and it appears to be correct . . .I think this paper would be of interest to anybody studying boundary value problems for intergral PDE’s, and that it should be published after the revisions proposed above.” (Bài toán này khó và để ngỏ từ lâu. Mấy năm gần đây, nó thu hút rất nhiều người
giải… Tuy nhiên phương pháp được tác giả sử dụng ở đây là khác và thể hiện đúng đắn. Tôi nghĩ bài báo này sẽ rất thú vị cho những ai nghiên cứu bài toán biên đối với phương trình tích phân-đạo hàm riêng, và nó nên được đăng sau quá trình duyệt lại như đề nghị ở trên).
“Bài báo nào không đạt tiến bộ so với các tác giả khác, nghĩa là không có kết quả khoa học mới thì họ từ chối đăng. Bài báo nào thấy có thể đăng nhưng chứng minh chưa chặt chẽ, thì họ góp ý phải sửa chỗ này, phải sửa chỗ kia, cho đến khi được sửa xong mới chấp nhận đăng. Phản biện của họ đều đang nghiên cứu có kết quả. Họ không sử dụng phản biện không có kết quả nghiên cứu công bố trong những năm gần nhất. Ở ta rất nhiều thành viên trong ban biên tập tạp chí khoa học cả chục năm rồi không có kết quả nghiên cứu nghiêm chỉnh”.
“Anh xem, người ta in chỉ số tác động ISI mới nhất (the lastest ISI Impact factor) ở ngay bìa Tạp chí để đánh giá chất lượng tạp chí… , và chỉ số trích dẫn (Science Citation Index) bài báo của tác giả…”, rồi ông tiếp, “so với đồng nghiệp cùng chuyên ngành trên thế giới, tôi ở mức “trung bình khá”.
Không có đường tắt
Những bài báo công bố QT của GS Vũ xếp thành chồng |
Nhà khoa học “trung bình khá” Phạm Lợi Vũ hiện vẫn là “kiện tướng công bố quốc tế”, đứng thứ hai trong ngành Cơ học ở Việt Nam (theo TSKH Phạm đức Chính ở Viện Cơ học).
” Tiêu chuẩn quốc tế của ISI (có chỉ số trích dẫn (Science Citation Index) hoặc chỉ số trích dẫn mở rộng( Science Citation Index Expanded) về bài báo nghiên cứu cơ bản chưa được chấp nhận ở Việt Nam. Nhiều “quyền chức khoa học” (từ của ông) từ lâu không nghiên cứu, không công bố trên các tạp chí có uy tín mà vẫn hướng dẫn nghiên cứu sinh. Đề tài nghiên cứu cơ bản của họ khi nghiệm thu đều xếp loại từ khá đến xuất sắc mà không có, hoặc có rất ít bài công bố quốc tế…”
Tôi cho ông biết, tới đây Quỹ KH&CN sẽ ưu tiên tài trợ cho những đề tài theo chuẩn mực quốc tế chứ không theo kiểu “phân bổ kinh phí” nữa. Ông vẫn không dứt khỏi mạch chuyện:
“Làm luận án tiến sĩ ở Hàn Quốc tối thiểu phải có hai, ở Philippines phải có một bài báo công bố quốc tế. Với chương trình đào tạo 20.000 tiến sĩ, chỉ cần mỗi người có một bài báo quốc tế, khoa học Việt Nam sẽ mạnh. Nhưng nếu vẫn giữ tiêu chuẩn như hiện nay thì chúng ta chỉ sản xuất ra một lượng tiến sĩ giấy khổng lồ”.
“Không hiểu sao tiêu chuẩn tính điểm để phong giáo sư và phó giáo sư ở ta lại cộng điểm công bố quốc tế với công bố trong nước? So sánh hai đại lượng không cùng “thứ nguyên” – nghĩa là so sánh một sản phẩm khoa học đích thực với một sản phẩm chưa biết chất lượng thế nào là vô nghĩa!”
Không còn lo phong giáo sư, làm tiến sĩ (vì ông đã có các học hàm học vị đó từ hàng chục năm nay rồi!), động lực nào thúc đẩy một người ngoại 70 vẫn cặm cụi với công việc vừa lao tâm khổ tứ, vừa… không có tiền (hiện ông không nhận “tiền đề tài” nữa) như vậy?
“Vui buồn của người làm khoa học là do cái hay dở lao động nghề nghiệp tạo ra” – Ông đáp. Trên bàn ông là bản thảo bài báo sắp gửi đăng tạp chí quốc tế nữa của ông, đó là tập vở nháp, dày, nhằng nhịt công thức.
“Cũng có thời gian tôi nghiên cứu ứng dụng để “kiếm tiền cho vợ đi chợ”. Nhưng cả đời tôi đeo đuổi nghiên cứu cơ bản. Tôi đi từng bước và đi không nghỉ để tìm ra cái mới. Tôi quan niệm: không có “đi tắt đón đầu” trong việc nghiên cứu.
“Điều kiện nghiên cứu và gửi đăng quốc tế bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều. Thời trước, muốn gửi bài ra nước ngoài thì phải gửi cho Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước duyệt đã. Có ai đi Liên Xô là lại nhờ họ “xách tay” bài báo đi. Bây giờ gửi bài dễ dàng, tài liệu cũng sẵn, ở trong nước thiếu tài liệu tham khảo thì nhờ Thư viện ở phố Lý Thường Kiệt tìm kiếm mua hộ ở nước ngoài . . .”
Tự học, tự nghiên cứu
Tình cờ tôi được biết ông Nguyễn Đình Thư, người bạn của ông từ khi còn trẻ. Ông Thư là người cùng trải nghiệm cơn khát vọng học tập với ông Vũ: “Hồi mới giải phóng miền Bắc, hai đứa đi qua cổng trường cấp ba, thấy thèm quá, thế là mua sách giáo khoa. Ban ngày đi làm, tối cả hai lại cùng về giải bài tập. Mà sách vở hồi ấy hiếm lắm”. Năm 1959, họ tốt nghiệp lớp 10 phổ thông theo diện thí sinh tự do”, ông Thư kể. Ông Vũ sinh năm 1934, nhà nghèo, hồi nhỏ học ở Hương Canh quê mẹ, sau tản cư, 16 tuổi tòng quân, làm liên lạc cho phòng quân y. Ở bộ đội, ông Vũ được học đến lớp 6, sau đó được học 9 tháng ở khu học xá Việt Nam tại Nam Ninh. Học chưa hết lớp 7, cấp trên điều ông về Ty Giáo dục Hà Đông làm công tác xóa mù chữ. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, năm 1961, ông được cử đi học trường Bổ túc ngoại ngữ Gia Lâm, sau đó được đi học ở Liên Xô, đến năm 1966 mới về nước. (Lẽ ra ông Thư cũng cùng đi Liên Xô với ông Vũ, nhưng bị “ách” lại chỉ vì mẹ từng cho thuê một gian nhà, trở thành “thành phần bóc lột”. “Mà tính ra tiền thuê chưa bằng 50.000 đồng/tháng bây giờ”).
Bài báo quốc tế đầu tiên được đăng khi ông Vũ đang sơ tán trong rừng. Đó là quãng năm 1966 – 1970, khi ông là giáo viên ĐH Sư phạm Việt Bắc, tờ Journal Referativ của Liên Xô đăng tóm tắt kết quả nghiên cứu mới của ông đã đăng trong trong Tập san Toán – Lý. Ông bảo vệ luận án Tiến sĩ ở Viện Toán Kiep (Ukraine).Trong luận án của ông có những dòng nhận xét như sau: “…Luận án đã sáng tạo ra một phương hướng nghiên cứu mới trong lý thuyết những bài toánngược hai chiều, đã phát triển những phương pháp về bài toán ngược. Đây là một công trình hiếm có, là một tấm gương đối với những người làm toán trẻ tuổi. Đề tài nghiên cứu hiện đại, những kết quả của luận án có thể sử dụng và phát triển ở các lĩnh vực vật lý lý thuyết, toán ứng dụng…”. Nhận xét trên sẽ là hoàn toàn sáo rỗng cho bao “tiến sĩ hữu nghị” khác nếu như ông cũng “bỏ ngang”. Nhưng nó sẽ hoàn toàn xác đáng nếu ông vẫn tiếp tục đi theo con đường nghiên cứu tự vạch ra.
Làm việc ở các Viện nghiên cứu chuyên ngành ông đều có kết quả nghiên cứu công bố Quốc tế. Khi là cán bộ Viện các khoa về Trái đất kết quả nhiên cứu của ông đăng ở Selected works of Geophysics 59 Publishing House Nauka Dumka Ukraine (1974), Acta Geophysica Polonica 26 (1978), . . .
Khi là cán bộ Viện Cơ học kết quả nghiên cứu của ông đăng ở Acta Geophysica Polonica 35 (1987), J. Mathematische Nachrichten 127 (1986), 141 (1989), J. Inverse Problems 7 (1991), 10 (1994), Bollettino dell UnioneMatematica Italiana (7) 7-B (1993), Southeast Asian Bulletin of Mathematics 19 (1995), Vietnam Journal of Mathematics 23 (1995), Acta Applicandae Mathematicae 40 (1995), 49 (1997), Rendiconti dell Istituto Lombardo A 129 (1996) , . . .
Kết quả nghiên cứu của ông từ khi về hưu (năm 2000) được công bố trên Vietnam Journal of Mathematics 28 (2000), Southeast Asian Bulletin of Mathematics 24 (2000), J. Inverse Problems 17 (2001), 21 (2005), Acta Applicandae Mathematicae 84 (2004), Journal of nonlinear Mathematical Physics 14 (2007).
Ông còn phải thực hiện một bài báo nữa để khép kín chuỗi những kết quả khoa học. Tiếp đến ông phải làm việc với Nhà xuất bản khoa học Quốc tế về việc xuất bản cuốn sách về Lý thuyết Soliton thuộcVật lý–Toán phi tuyến hiện đại trên cơ sở những kết quả khoa học đã công bố trên các Tạp chí có đầy đủ Impact factor và Science Citation Index.