Tiêu chuẩn Halal: Mở ra những thị trường mới cho doanh nghiệp Việt Nam
Thị trường còn bỏ ngỏ
Khi đến thăm một đất nước xa lạ, du khách thường quan tâm đến vấn đề gì nhất? Với những người theo đạo Hồi, câu trả lời có lẽ là thực phẩm. Theo quy định của đạo Hồi, họ chỉ được phép sử dụng các thực phẩm đạt tiêu chuẩn Halal – tiếng Ả Rập có nghĩa là “được phép”, trái với Haram (bị cấm). Thoạt nghe có vẻ xa lạ song Halal là một thị trường lớn đang thu hút sự chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới. Với quy mô khoảng 5000 tỷ USD/năm và có xu hướng ngày càng tăng, ước tính đến năm 2025, thực phẩm có chứng nhận Halal sẽ chiếm 20% tổng giá trị thực phẩm tiêu thụ trên toàn cầu.
“Các sản phẩm Halal có phạm vi rất rộng, không chỉ riêng thực phẩm như chúng ta thường nghĩ, bao gồm các mặt hàng khác như dược phẩm, mỹ phẩm, thời trang, du lịch, tài chính… Có thể thấy, Halal đang trở thành một ngành kinh tế ngày càng quan trọng”, ông Trần Quốc Dũng, Giám đốc Trung tâm Chứng nhận phù hợp (QUACERT), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ KH&CN), nhận xét trong một tọa đàm do tạp chí Chất lượng Việt Nam tổ chức gần đây.
Không ít người cho rằng, các tiêu chuẩn về Halal dường như mang nhiều ý nghĩa tôn giáo hơn là tập trung về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn, thịt lợn được coi là Haram nên người theo đạo Hồi không được ăn thịt lợn, còn thịt cừu thì được phép. Tuy nhiên, thịt cừu của người theo đạo Hồi cũng phải giết mổ theo một số nguyên tắc như người giết mổ phải là người Hồi giáo, trước khi giết mổ, họ phải gọi tên của Allah, phải tiến hành nhanh chóng, ít gây đau đớn cho con vật, phải rút hết máu ra khỏi thịt…
Cách hiểu như vậy chưa hoàn toàn đúng. Những tiêu chí có phần khắt khe đã giúp Halal trở thành biểu tượng của chất lượng cao. “Tiêu chuẩn Halal sẽ giúp các doanh nghiệp nâng cao hệ thống quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, tạo ra các sản phẩm tốt, có lợi cho sức khỏe. Hầu hết khách hàng đều nhận thức được và đánh giá cao doanh nghiệp áp dụng tiêu chuẩn này. Do vậy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng không theo đạo Hồi cũng thích sử dụng sản phẩm Halal. Việc đạt được chứng nhận Halal sẽ trở thành một trong những lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp”, bà Hồ Thị Loan, Giám đốc Kinh doanh Công nghiệp, Công ty Cổ phần Nafoods Group, một trong những doanh nghiệp đã xuất khẩu sản phẩm trái cây sang các quốc gia Hồi giáo, chia sẻ.
Có thể thấy, thị trường Halal là một miếng bánh đầy hấp dẫn. Hàng loạt quốc gia đã tìm cách chiếm phần ở thị trường này. Tiêu biểu như Malaysia đã lên kế hoạch làm chủ ngành công nghiệp Halal 2.0, Thái Lan đặt mục tiêu trở thành một trong những nước sản xuất thực phẩm chế biến Halal lớn nhất thế giới. Những quốc gia phát triển như Nhật Bản cũng xác định Halal là một trong những nguồn thu chính của nền kinh tế. Úc có tham vọng trở thành nhà cung cấp thịt bò Halal lớn nhất cho thị trường Trung Đông. Còn Hàn Quốc đặt mục tiêu trở thành một trong những điểm đến chính của khách du lịch Hồi giáo.
Con đường bước vào thị trường Halal có vẻ khá rộng mở với Việt Nam. Do hạn chế về khả năng tự cung cấp lương thực và thực phẩm, các quốc gia ở khu vực Trung Đông có nhu cầu nhập khẩu lớn các loại nông sản, thủy hải sản – những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam. Một lợi thế khác của Việt Nam là nằm gần những thị trường Halal lớn như Indonesia.
Tuy nhiên, thực tế vẫn cách xa những kỳ vọng. Theo nhận định của những người trong ngành, giá trị xuất nhập khẩu của Việt Nam vào thị trường Halal toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng. Mỗi năm Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal cho các sản phẩm chính là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nhu cầu của các quốc gia Hồi giáo với các sản phẩm của Việt Nam ước tính có giá trị khoảng 34 tỷ USD, song hiện nay, chúng ta mới chỉ đạt được khoảng 10,5 tỷ USD.
Xây dựng tiêu chuẩn Halal
“Chìa khóa” để “mở cửa” các thị trường này là chứng nhận Halal. Với một số doanh nghiệp như Nafoods, đây không phải là rào cản quá lớn. “Do đặc thù sản phẩm cũng như tìm được đúng đơn vị tư vấn, cung cấp chứng nhận ngay từ đầu nên chúng tôi hầu như không gặp khó khăn trong việc tiếp cận và áp dụng tiêu chuẩn này”, bà Hồ Thị Loan cho biết. “Sản phẩm nước ép và trái cây đông lạnh của Nafoods là những sản phẩm tự nhiên, nguyên chất, quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng nên dễ dàng được cấp chứng nhận Halal. Nhưng với các sản phẩm có bổ sung thêm đường như trái cây sấy, hoặc một số sản phẩm đóng hộp khác thì khó hơn. Chẳng hạn nguyên liệu đường do đơn vị khác sản xuất cũng phải có chứng nhận Halal, tổ chức cấp chứng nhận Halal này cũng phải được thừa nhận bởi đơn vị cấp chứng nhận Halal cho Nafoods”.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng “xuôi chèo mát mái” như vậy. Hầu hết đều cho rằng, việc có được chứng nhận Halal đòi hỏi một quy trình khá phức tạp và tốn kém. Họ phải đáp ứng các điều kiện cơ bản như có hệ thống kiểm soát sản xuất phù hợp tiêu chuẩn Halal; đào tạo nhân lực; đánh giá nội bộ việc áp dụng tiêu chuẩn Halal; tách riêng dây chuyền sản xuất Halal và Haram. Các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm liên quan đến động vật (không bao gồm thủy sản) bắt buộc áp dụng các yêu cầu nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra, họ vẫn phải chịu sự giám sát sau chứng nhận thông qua việc xem xét các yếu tố bảo đảm chất lượng và thử nghiệm mẫu sản phẩm. “Chi phí đầu tư cao, quá trình đạt chứng nhận đòi hỏi thời gian, công sức, tài chính là thách thức cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bản thân nhà máy cũng phải đạt chuẩn GMP, ISO, HACCP trong khi vùng nguyên liệu cũng cần các chuẩn Global GAP, Organic”, bà Bà Lê Thị Phượng, Giám đốc kinh doanh Công ty Cổ phần Mekong Herbals, trả lời trong một bài viết trên tạp chí Kinh tế Việt Nam.
Bản thân các quy định về Halal vốn đã khắt khe, song mỗi quốc gia Hồi giáo lại có các tiêu chuẩn khác nhau về Halal, khiến các doanh nghiệp xuất khẩu càng thêm khó khăn. Mỗi chương trình chứng nhận sản phẩm dịch vụ Halal chỉ áp dụng cho một hoặc một nhóm khu vực quốc gia nhất định và chưa có cơ chế thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp theo nguyên tắc “đánh giá một lần, cấp một chứng chỉ, có giá trị khắp nơi”. Điều này dẫn đến sự hình thành nhiều cơ quan cấp giấy chứng nhận Halal trên toàn thế giới với mức độ được công nhận quốc tế khác nhau, làm tăng chi phí đối với các doanh nghiệp muốn chứng nhận sản phẩm Halal, đồng thời khiến người tiêu dùng nghi ngại về tính chính xác, độ tin cậy của các chứng nhận này.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Việt Nam. “Hiện nay có 18 tổ chức chứng nhận lĩnh vực Halal tại Việt Nam. Mặc dù họ có quảng bá có năng lực cấp chứng chỉ đánh giá nhưng hầu hết không được thừa nhận hay công nhận. Điều này có thể gây náo loạn thị trường cấp chứng chỉ Halal, thậm chí ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường Hồi giáo. Nếu tiêu chuẩn Halal không đảm bảo, họ sẽ cấm doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu, nhưng khi một doanh nghiệp bị cấm thì cả ngành hàng đó cũng bị cấm”, ông Mohamed Omar, Tổng giám đốc Văn phòng Chứng nhận Halal HCA, cho biết. “Trường hợp này xảy ra cũng giống như Nhật Bản 5 năm về trước có đến 100 tổ chức chứng nhận gây náo loạn thị trường, làm cho các doanh nghiệp không xuất khẩu được. Cuối cùng Chính phủ Nhật Bản phải ra tay dẹp loạn, hiện nay có một vài tổ chức được công nhận thì các hoạt động mới diễn ra bình thường”.
Trong bối cảnh các quốc gia Hồi giáo chưa có bộ tiêu chuẩn chung cho Halal, Việt Nam sẽ xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về Halal như thế nào? “Rất khó để xây dựng tiêu chuẩn đáp ứng được tất cả thị trường, cho nên, định hướng của chúng ta là ưu tiên xây dựng tiêu chuẩn phù hợp với các thị trường lớn và tiềm năng với Việt Nam”, ông Trần Quốc Dũng cho biết. “Ngoài việc đã ban hành năm tiêu chuẩn về Halal, hiện nay chúng tôi đang tiến hành thành lập Trung tâm Chứng nhận Halal quốc gia để hỗ trợ cho các doanh nghiệp đạt được các chứng chỉ và đưa sản phẩm vào các thị trường Halal. Ngoài việc thực hiện các hoạt động chứng nhận, trung tâm này sẽ giúp tăng cường hợp tác quốc tế, thừa nhận các kết quả đánh giá sự phù hợp với các tổ chức, cơ quan quản lý về Halal của các nước Hồi giáo khác nhau. Đó cũng là nơi đào tạo, nâng cao năng lực cho các tổ chức chứng nhận cũng như cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam”.
Thanh An – Thùy Trang
(Bài đăng ở Báo KH&PT số 48)