Tìm nhà tài trợ phát triển công nghệ
Các nghiên cứu ở giai đoạn hình thành và phát triển công nghệ sơ khai trong phòng thí nghiệm để chứng minh ý tưởng kinh doanh và nhận dạng thị trường tương lai còn là lĩnh vực thường gây tranh cãi nhiều về lực lượng tổ chức thực hiện và nguồn đầu tư tài chính. Người thì coi giai đoạn này là việc làm của doanh nghiệp, người thì muốn hất trả lại cho trách nhiệm của nhà nước. Thực tế, nguồn tài trợ cho giai đoạn công nghệ sơ khai với rủi ro cao này chiếm tỷ lệ không cao và các công ty đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) không phải là nhà tài trợ chính. Một ví dụ cụ thể, trong số 266 tỷ USD đầu tư cho hoạt động R&D ở Mỹ năm 1998, ước tính tối đa chỉ có 37 tỷ USD (14 % tổng đầu tư) được dành cho giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai. Năm 1998, nước Mỹ có trên 600.000 doanh nghiệp mới được thành lập với khoảng 450.000 doanh nghiệp sản xuất và 20.000 doanh nghiệp start up. Trong đó, chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp nhận được vốn mồi cho giai đoạn ươm tạo và khoảng 1000 doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư từ các quỹ ĐTMH. Tổng số vốn đầu tư cho giai đoạn này từ các quỹ ĐTMH chỉ chiếm có 4%. Câu hỏi đặt ra là vậy phần lớn số tiền đầu tư cho R&D nước Mỹ chảy vào đâu và tại sao các công ty ĐTMH lại không “mạo hiểm” đầu tư vào giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai? Dựa và kết quả thăm dò và phân tích thực tiễn, các nhà kinh tế Mỹ đã đưa ra các lý giải sau:
Ước tính, đầu tư của khu vực công nghiệp cho giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai khoảng 13 tỷ USD, chiếm đến 34% tổng số vốn đầu tư của giai đoạn này. Tuy nhiên, xét về tỷ trọng chung trong tổng đầu tư của khu vực công nghiệp, con số dành cho giai đoạn này chỉ khoảng 7,3% (trong tổng số 266 tỷ USD cho R&D nói trên, đầu tư của khu vực công nghiệp là 180,4 tỷ USD). Tỷ lệ này cũng khác nhau trong các ngành sản xuất và thường tập trung vào các ngành công nghiệp có áp dụng nhiều công nghệ mới như: hóa chất và vật liệu mới (33%), sinh học và dược phẩm (13%), điện tử (11%), viễn thông (10%). Điều ngạc nhiên là trong lĩnh vực phần mềm máy tính tỷ lệ này chỉ xấp xỉ 0%!
Số liệu thu được từ các doanh nghiệp được điều tra và phỏng vấn cho thấy, tuyệt đại đa số chi phí nghiên cứu (86%) được các doanh nghiệp tập trung nâng cấp các công nghệ và sản phẩm hiện có nhằm đáp ứng tốt hơn đòi hỏi hiện tại của thị trường
Lý giải điều này, GS Branscomb của ĐH Harvard phát hiện một xu thế rất lý thú. Tốc độ phát triển rất nhanh của khoa học đã giúp tích hợp tri thức của nhiều lĩnh vực khoa học vào trong một công nghệ, tạo ra tính phức hợp liên ngành của công nghệ và làm ngắn lại vòng đời của sản phẩm. Dưới sức ép cạnh tranh rất cao của thị trường, các doanh nghiệp phải tận dụng tối đa tri thức sẵn có để giảm giá thành và hoàn thiện tính năng sản phẩm (chất lượng, kiểu dáng). Do vậy, phần đầu tư đổi mới công nghệ của doanh nghiệp thường tập trung vào việc thường xuyên cải tiến, nâng cấp công nghệ (incremental improvement).
Đây là phát hiện mới, khác biệt với kết luận hơn nửa thế kỷ trước đây của Joseph Schumpeter, nhà kinh tế học nổi tiếng người Áo, (1883-1950) về vai trò của công nghệ đột phá (disruptive technology) trong việc tạo ra đổi mới đột biến (radical innovation) tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế thông qua việc tạo ra hàng loạt sản phẩm mới, ngành nghề mới.
Ngày nay, ở nước Mỹ, những ý tưởng đổi mới mang tính đột phá nhưng nằm ngoài tầm năng lực chủ chốt hay lợi ích trước mắt của doanh nghiệp thường phải đối mặt với thử thách về tài chính. Các doanh nghiệp thường không sẵn lòng hỗ trợ cho các loại đổi mới làm nảy sinh các thách thức lớn cho dây chuyền sản xuất hiện có hoặc đòi hỏi thay đổi căn bản phương thức sản xuất hay yêu cầu phải đầu tư thêm nhiều hạ tầng mới. Gordon Moore, nhà sáng lập ra Công ty Intel cho rằng một trong những lý do thành công của Intel là biết cắt giảm các nghiên cứu không cần thiết để nâng cao hiệu quả đầu tư cho R&D. Tiến sỹ Bruce Griffing, Công ty GE, cũng thừa nhận rằng Phòng thí nghiệm điện tử Trung tâm do ông làm Giám đốc cũng tập trung chủ yếu vào việc nâng cấp sản phẩm không có nhiều rủi ro kỹ thuật.
Trong điều kiện Việt Nam, khi đóng góp của khối doanh nghiệp cho hoạt động nghiên cứu còn chưa cao (ước tính khoảng 30% tổng đầu tư xã hội) và khi trình độ nghiên cứu nhằm tạo ra những công nghệ đột phá cấp quốc tế còn rất hạn chế thì việc doanh nghiệp đầu tư vào phát triển công nghệ sơ khai là khó xảy ra, tính cả theo giá trị và tỷ lệ đầu tư.
Công ty đầu tư mạo hiểm không muốn mạo hiểm
Thực tiễn ở nước Mỹ chỉ ra rằng, các công ty ĐTMH không xông pha vào nơi mạo hiểm nhất – phát triển công nghệ sơ khai – như người ta thường nghĩ.
Về bản chất, các công ty ĐTMH sinh ra không phải nhằm mục đích vì khoa học hay đổi mới công nghệ. Chúng được sinh ra vì mục đích kinh doanh. Trách nhiệm của các công ty ĐTMH là kiếm lợi tối đa cho các nhà đầu tư. Theo ngôn ngữ kinh doanh, hoạt động của các công ty ĐTMH cũng không ngoài việc mua thấp bán cao. Cho nên, khi “mạo hiểm” đầu tư vào công nghệ cao, công nghệ hoàn toàn mới thì mục tiêu cuối cùng cũng không ngoài sự “hy vọng” vào tính đột phá của công nghệ sẽ mang lại lợi nhuận tối đa cho họ. Trong trường hợp đó, các công ty ĐTMH cũng dễ thiên về phương án đầu tư vào các công nghệ ở giai đoạn phát triển sản phẩm tương đối hoàn chỉnh với các tính năng kỹ thuật và chất lượng có thể nhận biết rõ.
Phân bổ các nguồn đầu tư cho giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai. Nguồn Branscomb và Auerswald 2003 |
Đã có ý kiến cho rằng, lưu lượng vốn và các nguồn tài chính chuyên đầu tư rủi ro đã tăng nhanh trong thập kỷ qua và đủ để cung cấp cho các dự án công nghệ cao. Vì vậy, có thể cắt giảm sự đầu tư của ngân sách nhà nước cho giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai. Về vấn đề này, Bill Joy, thủ lĩnh về công nghệ của Công ty Sun Microsystems lưu ý rằng, vài năm trước đây, một ý tưởng chưa xuất sắc cũng đã được cấp vốn, còn hiện nay, năm 2001, tình thế đã bị đảo ngược, các ý tưởng tuyệt vời cũng không còn tìm thấy nguồn vốn tài trợ nữa.
Nên chẳng có gì ngạc nhiên nếu các nhà công nghệ vẫn kêu thiếu vốn khi vốn ĐTMH lại trong tình trạng nhàn rỗi. Con số 100 tỷ USD quỹ ĐTMH được giải ngân ở Mỹ năm 2000 và 37 tỷ USD được giải ngân năm 2001, trong khi số vốn nhàn rỗi không được giải ngân ở mức kỷ lục là 70 tỷ USD để rồi năm 2002 phải vội vàng trả lại các nhà đầu tư vì e sợ ứ đọng vốn cũng đã nói lên điều này.
Nhà tài trợ hảo tâm- người trước dẫn dắt người sau
Số liệu điều tra phân tích ở Mỹ cho thấy, doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất cho các giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai. Kế đến là các nguồn đầu tư từ chương trình nghiên cứu của chính phủ (29%) và các nhà tài trợ hảo tâm giàu có (25%).
Nhà tài trợ hảo tâm giàu có (angel investor) là tên gọi do Giáo sư Jeffery Sohn, đại học New Hampshire đặt ra theo cách gọi tên các nhà giàu hảo tâm đã tài trợ cho hoạt động của Nhà hát Broadway trước đây. Các nhà đầu tư hảo tâm ở nước Mỹ, họ là ai? Phần lớn trong số họ chính là những người đã từng “đi lên” từ công nghệ sơ khai, đang thành đạt, có nhiều kinh nghiệm trong thương trường với linh cảm tốt của người từng mạo hiểm, tự nguyện làm Mạnh Thường Quân cho những người đi sau. Ước tính, riêng nước Mỹ hiện nay đã có khoảng 250.000 nhà đầu tư hảo tâm với số vốn hàng năm lên tới 10-20 tỷ USD. Trong số những nhà đầu tư hảo tâm lớn nhất của nước Mỹ hiện nay phải kể đến Bill Gates (Microsoft); Mitch Kapor (Lotus) và Fred Gibbons (Software Publishing).
Chỉ với sự phát triển của nền kinh tế, Việt Nam mới có thể xuất hiện nhiều Mạnh Thường Quân trong nuôi dưỡng các ý tưởng sáng tạo.
Ngân sách nhà nước- phương thuốc không thể thiếu
Như vậy, ngoài nguồn vốn của doanh nghiệp từ phía bờ kinh doanh nhằm mục tiêu duy trì và tìm kiếm sự thành công cho riêng mình trong tương lai, để vượt biển Đác Uyn, từ phía bờ sáng tạo không thể vắng mặt nguồn đầu tư quan trọng từ ngân sách chính phủ. Đầu tư từ các chương trình nghiên cứu của chính phủ Mỹ cho giai đoạn phát triển công nghệ sơ khai chiếm tỷ lệ 29%, đứng thứ 2 sau đầu tư của doanh nghiệp và chiếm khoảng 1/10 ngân sách nghiên cứu của chính phủ. Ngân sách này không chỉ đóng vai trò nguồn lực chia sẻ rủi ro và là liều thuốc an thần giúp các doanh nghiệp và nhà đầu tư thoát khỏi tâm lý e ngại khi đầu tư vào giai đoạn chuyển hóa ý tưởng công nghệ nhạy cảm này. Hơn thế nữa, ngân sách chính phủ còn đảm nhiệm vai trò phục vụ xã hội và thể hiện sự cam kết, sự quyết tâm của nhà nước vượt qua trở ngại của đấu tranh sinh tồn vì mục tiêu đảm bảo nhịp độ tăng trưởng kinh tế lâu dài trong tương lai.
Quá trình chọn lọc tự nhiên để đổi mới công nghệ là tất yếu. Đây không chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn của những đam mê, khát vọng sáng tạo mà còn là cuộc đấu tranh với những quy luật của thương trường và các quan điểm quản lý khác nhau. Nói cách khác, chỉ có sự kết hợp chặt chẽ giữa khả năng sáng tạo khoa học và kinh nghiệm kinh doanh, giữa khát vọng làm giàu và ý chí chấp nhận rủi ro cộng với sự hợp tác đầy cảm thông và tin cậy lẫn nhau giữa nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và chính phủ mới có thể đưa ý tưởng khoa học đến thành công.
ảnh trên cùng: những nhà đầu tư hảo tâm lớn nhất của nước Mỹ hiện nay phải kể đến Bill Gates (Microsoft); Mitch Kapor (Lotus) và Fred Gibbons (Software Publishing)