Lời tòa soạn: Giới khoa học và các cơ quan truyền thông ngày càng quan tâm nghiên cứu tin giả vì nó đang lan truyền rộng rãi, với những phương thức khó nắm bắt trên cả truyền thông chính thống và mạng xã hội, gây hậu quả khôn lường về kinh tế và chia rẽ xã hội sâu sắc. Các nhà nghiên cứu thông tin cho rằng, chính tin giả về Covid-19 phát tán nhiều chẳng kém đại dịch, nên giới khoa học và quản lý không chỉ tập trung tìm ra giải pháp ứng phó về y tế mà còn phải tìm mọi cách chặn đứng tin giả. Thậm chí, khảo sát của PEW research còn cho thấy 80% người Mỹ được hỏi cho biết họ đọc tin giả, tin sai sự thật khi bệnh dịch bắt đầu lan truyền. Loạt bài về tin giả của tác giả Nguyễn Hồng Hải Đăng sẽ cùng gợi mở ra những cuộc thảo luận học thuật chính xung quanh vấn đề mới này.
Nguồn ảnh minh họa: South China Morning Post.
Thế nào là tin giả?
Tin giả, dịch sang tiếng Việt từ cụm từ fake news, được dùng rộng rãi trên truyền thông các nước nói tiếng Anh, là vấn đề nổi cộm trong truyền thông mạng xã hội trong những năm gần đây. Fake news đã trở thành từ cửa miệng của Tổng thống Mỹ Donald Trump mỗi khi ông không hài lòng với các tổ chức truyền thông chính thống và cũng thông dụng trong giao tiếp hằng ngày khi chúng ta hoài nghi về độ đáng tin và chính xác của thông tin. Tuy nhiên, đằng sau cụm từ tưởng chừng rất đơn giản này là vấn đề phức tạp về khái niệm: tin như thế nào thì là “giả”, và dựa trên cơ sở nào ta có thể phân biệt được thật, giả?
Bởi vì nếu không phân biệt được thì chính người đọc tin hằng ngày sẽ không biết đâu là “thật”, “giả hoàn toàn” hoặc sai sự thật, bị bóp méo tới mức nào để tránh rơi vào trạng thái hoang mang, có cách ứng xử. Thông tin sai lệch sức khỏe, như thông tin sai về phương thức chữa trị Covid-19 hay thông tin phản khoa học về vaccine, có thể mang hậu quả nguy hiểm đến tính mạng con người. Còn đối với nhà làm quản lý thông tin, phân biệt được cũng là để đưa ra chính sách quản lý phù hợp hơn với từng dạng thông tin. Trên thực tế, thông tin sai lệch với mục đích gây hại đến các nhóm thiểu số và gây nên phân cực chính trị cũng là vấn đề nổi cộm trong quản lý thông tin trên môi trường internet hiện nay.
Tuy thế, nếu chỉ sử dụng cụm từ ‘tin giả’ chung chung thì vẫn là khái niệm mang tính quy chụp, thiếu chính xác, và dễ gây nhiễu tư duy cho người dân, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng thông tin. Trong nghiên cứu thông tin (information) ở khối nước nói tiếng Anh, các nhà nghiên cứu thường đặt vấn đề về tin giả thông qua hai khái niệm chính: “thông tin sai lệch” (misinformation) và “tin dắt mũi” (disinformation). Tiền tố ‘mis-’ trong tiếng Anh diễn tả ý sai lệch vô ý thức; tiền tố ‘dis-’ trong tiếng Anh diễn tả ý phản nghĩa, trái ngược, tách rời. Sự phân biệt này là quan trọng, vì trong nghiên cứu học thuật về thông tin hiện nay, thông tin sai lệch và tin dắt mũi được xem như hai khái niệm tách biệt: misinformation – thông tin có thể sai lệch do vô ý hoặc disinformation – cố ý với mục đích gây rối và gây bất ổn chính trị, nhưng cả hai đều mang lại những hậu quả nghiêm trọng.
Vậy, những thể loại thông tin nào được xem là tin dắt mũi? Tin dắt mũi là những thông tin cố ý sai lệch với mục đích và chức năng đánh lừa đối tượng tiếp nhận thông tin. Những ví dụ cụ thể của tin dắt mũi trong đời sống thường ngày bao gồm quảng cáo sai lệch, tuyên truyền chính trị, ảnh bị chỉnh sửa thay đổi để tạo thông tin sai, giấy tờ giả mạo, hay thậm chí là bản đồ giả nhằm gây khó khăn cho việc định hướng khi đi lại. Có thể thấy rằng các hình thức biểu hiện tin dắt mũi là không hề mới; thông tin sai lệch, lừa lọc đã tồn tại từ rất lâu. Vấn đề mới được đặt ra với mạng xã hội là tốc độ lan truyền, hình thức lan truyền đa phương tiện, và tầm lan rộng của tin dắt mũi đến các đối tượng thường chịu hậu quả nặng nề nhất.
Loại tin dắt mũi
Định nghĩa
Ví dụ
Lời nói dối gây hại (malicious lies)
Thông tin sai lệch được tạo ra với mục đích hãm hại một đối tượng cụ thể, nhằm mang lại lợi ích thương mại, cá nhân, hoặc chính trị cho đối tượng lan truyền thông tin
Lời đàm tiếu vô căn cớ, tin đồn thất thiệt, đả kích các đối tượng chính trị mà không có căn cứ
Thông tin hình ảnh đánh lạc hướng
(visual disinformation)
Hình ảnh gây hiểu lầm với chức năng tạo dựng câu chuyện sai lệch
Hình ảnh bị chỉnh sửa, bản đồ giả, hoạ đồ, đồ thị thiếu chuẩn khoa học nhằm tạo nên đánh giá thông tin sai
Tin dắt mũi đúng
(true disinformation)
Tin dắt mũi mang tính chất đúng, hoặc nhấn mạnh một phần sự thật, nhưng lại gây hiểu lầm hoặc hiểu sai
Các bài báo ‘giật tít’ nhằm thu hút chú ý của người xem tin với tiêu đề gây hiểu lầm, các hình thức PR quan hệ công chúng mang tính ‘nhào nặn’ sự thật theo hướng có lợi cho cơ quan và doanh nghiệp
Tin dắt mũi gây hiệu ứng phụ (side-effect disinformation)
Thông tin gây hiểu sai, dù người đưa tin không cố ý lừa lọc người nhận thông tin
Trong một nghiên cứu nổi tiếng vào năm 2004, G.S. Halavais của ĐH Arizona State University thử nghiệm chèn thông tin sai lệch vào các bài viết trên Wikipedia và đo lượng thời gian các thông tin này được phát hiện ra bởi các biên tập viên trên trang này.
Tin dắt mũi mang tính thích nghi (adaptive disinformation)
Thông tin sai lệch mang lại lợi ích có hệ thống cho người đưa tin hoặc một đối tượng chính trị xã hội nào đó
Ở các quốc gia dân chủ, truyền thông đại chúng phân chia theo truyền thông và truyền thông cánh hữu; kênh Fox News ở Mỹ thường đưa tin sai lệch theo cách có lợi cho đảng Cộng Hoà (cánh hữu) ở Mỹ
Tin dắt mũi vị tha (altruistic disinformation)
Thông tin sai lệch với mục đích mang lại lợi ích cho đối tượng tiếp nhận thông tin
Bác sĩ nói dối bệnh nhân về tình trạng bệnh nhằm giúp bệnh nhân lạc quan hơn, chính phủ lượt bỏ chi tiết về khủng hoảng chính trị, kinh tế, xã hội, nhằm ngăn ngừa hoảng loạn đám đông
Tin dắt mũi gây bất lợi (detrimental disinformation)
Thông tin sai lệch được đưa ra với mục đích cứu vãn một tình thế khác
Bệnh nhân ngại đưa ra thông tin đúng về sức khoẻ của mình (chế độ dinh dưỡng, chế độ tập thể thao, loại thuốc họ đang sử dụng) cho bác sĩ, cung cấp thông tin sai lệch và có thể gây hại cho bản thân.
Tóm tắt các loại tin dắt mũi, dựa theo Fallis (2015), What is disinformation? Library Trends, 63(3). https://doi.org/10.1353/lib.2015.0014.
Bảng tóm tắt các loại tin dắt mũi bên dưới cho thấy việc xác định tin giả hay thật là không hề đơn giản: việc định đoạt giả – thật phụ thuộc rất nhiều vào việc người tiêu thụ thông tin có am hiểu rộng hơn về bối cảnh thông tin hay không, và vào việc người tiêu thụ thông tin có cơ sở để đặt nghi vấn về nội dung thông tin được truyền tải hay không. Các yếu tố này đòi hỏi thời gian và sự tham gia xử lý thông tin có chiều sâu mà không phải người tiếp nhận thông tin nào cũng sẵn sàng dành ra. Tình huống toàn bộ dân chúng đều phải dành phần lớn thời gian vào việc tranh luận và phân tích bối cảnh, tính xác thực, và độ đáng tin của thông tin mà họ nhận được là bất khả thi, chưa kể đến việc không phải lúc nào toàn cảnh bức tranh lớn về nhiều vấn đề khoa học và xã hội phức tạp cũng có thể sẵn sàng được đưa đến với công chúng.
Bên cạnh đó, khái niệm thông tin sai lệch (misinformation) thường được hiểu là thông tin mang tính sai do lỗi sai phạm, sự tắc trách, hoặc định kiến vô thức của người đưa tin. Tin dắt mũi cũng có những tính chất này, nhưng điểm khác nhau mấu chốt giữa tin dắt mũi và thông tin sai lệch là tin dắt mũi xuất phát từ chủ ý lừa lọc của đối tượng đưa tin. Tuy vậy, người đọc thông thường lại rất khó xác định được chủ ý này.
Hậu quả của một môi trường thông tin có nhiều thông tin sai lệch và tin dắt mũi là việc người đón nhận thông tin dèm pha, đồn thổi những hoài nghi và tin đồn theo cách không mang tính xây dựng. Tuy tranh luận thông tin và hoài nghi có cơ sở là điều rất cần thiết cho việc duy trì thực đơn thông tin lành mạnh hằng ngày của mỗi người, sự bão hòa thông tin sai và tin dắt mũi hướng những tranh luận và hoài nghi đáng có này theo chiều hướng tiêu cực và vô ích. Sự hình thành các thuyết âm mưu – biểu hiện cực điểm của việc hoài nghi và đồn thổi thiếu cơ sở – là một phần hậu quả của môi trường thông tin thiếu cấu trúc đánh giá thông tin vững chắc và thiếu tính minh bạch.
Thông tin sai lệch lan truyền thế nào trên mạng xã hội?
Dù có rất nhiều bất cập trong việc định nghĩa chính xác thông tin sai lệch và tin dắt mũi, các nhà nghiên cứu thông tin đã và đang thực hiện các nghiên cứu điện toán dò xét và theo dõi cơ cấu lan truyền một số loại thông tin sai lệch như thông tin sai lệch chính trị và thông tin sai lệch sức khỏe. Cần nói thêm, thông tin sai lệch về sức khỏe thường được đánh giá là dễ phân biệt và dễ xác định hơn thông tin sai lệch chính trị do ba yếu tố chính: (1) thông tin sai lệch sức khỏe thường nhận được đánh giá sai/đúng với tỉ lệ đồng tình cao trong giới chuyên gia, (2) sự hiện diện của các tổ chức sức khỏe quốc tế mang uy tín cao thường giúp việc xác nhận tin đúng/sai diễn ra với tốc độ nhanh và độ tin cậy cao, và (3) các vấn đề sức khỏe cấp bách thường thúc đẩy việc các cơ quan chính phủ can thiệp sửa lỗi tin sai với thiện chí, dễ kêu gọi được sự hợp tác của người dân. Thông tin sai chính trị thường mang tính chủ quan và gây nhiều tranh cãi hơn; các bài tiếp theo trong loạt bài tin giả sẽ bàn sâu hơn về vấn đề này.
Sự kiện thông tin sai lệch chính trị được nghiên cứu nhiều nhất tính đến thời điểm hiện nay là sự kiện Chính phủ Nga can thiệp vào tổng bầu cử Mỹ vào năm 2016. Cơ quan nghiên cứu Internet (Internet Research Agency – IRA) của Nga, trụ sở tại Saint Petersburg, do tỉ phú Yevgeny Prigozhin – một nhân vật thân tín với tổng thống Nga Vladimir Putin tài trợ, đã chịu trách nhiệm chính trong việc thâm nhập và lan truyền tin dắt mũi với mục đích chính trị dưới dạng các tài khoản giả mạo trên Twitter và Facebook nhằm gây ảnh hưởng đến tình hình nội vụ của Mỹ từ năm 2014. Nghiên cứu mới nhất xuất bản trên tờ Harvard Misinformation Review do Deen Freelon và Tetyana Lokot thực hiện cho thấy chiến lược đả kích của IRA trong việc can thiệp vào bầu cử Mỹ vào năm 2016 tập trung vào việc gây gièm pha, tấn công, và đấu tố các nhóm liên kết chính trị – xã hội với nhau, đặc biệt là ba nhóm: người có xu hướng bảo thủ, người có xu hướng dân chủ, và người da đen tại Mỹ. Đặc biệt, các tài khoản giả mạo được chế tạo bởi IRA thường phổ biến các câu chuyện bịa đặt (bao gồm cả những sự kiện chưa bao giờ xảy ra trong thực tế) song song với các câu chuyện có thật và những ý kiến chính trị mang tính cực đoan. Chiến lược này gây nhiễu thông tin, làm dư luận hoang mang, khó xác nhận đúng sai, và hằn sâu mâu thuẫn xã hội ở Mỹ.
Facebook bị cáo buộc liên quan đến việc Nga tung tin để can thiệp chính trị của nước Mỹ, và giám đốc của Facebook đã phải tham gia phiên họp ngày 1 tháng 11 năm 2017 trước Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ. Trong ảnh là một nhân viên đang đưa ra các thông tin giả lan truyền trên facebook trước kỳ bầu cử năm 2017. Nguồn ảnh: nbcnews.
Sự kiện thông tin sai lệch sức khỏe thu hút nhiều nghiên cứu nhất hiện nay là hiện tượng chống tiêm vaccine toàn cầu. Trong một nghiên cứu mới cũng được xuất bản trên tờ Harvard Misinformation Review, nhóm nghiên cứu tại trường University of Pennsylvania (Mỹ) và trường Simon Fraser (Canada) khảo sát gần 2,500 người Mỹ và cho thấy rằng thông tin sai lệch về những tác hại của vaccine là khá phổ biến, trong đó 18% người khảo sát tin rằng vaccine có thể gây ra chứng tự kỉ, 15% tin rằng vaccine chứa độc tố, 20% tin rằng cha mẹ có thể tuỳ ý lựa chọn thời điểm tiêm chủng vaccine mà không dựa trên hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, và 19% tin rằng miễn dịch do nhiễm bệnh tốt hơn miễn dịch do tiêm chủng vaccine. Các thông tin này hoàn toàn sai và không có căn cứ khoa học. Đặc biệt, nghiên cứu này cho thấy dường như người Mỹ tiêu thụ thông tin về vaccine trên các kênh truyền thông đại chúng như TV hay báo chí có xu hướng trả lời đúng các thông tin liên quan tới vaccine hơn là người chỉ tiếp thu thông tin về chủ đề tài này trên mạng xã hội.
Ở một nghiên cứu nhìn vào nhóm tin thuyết âm mưu, nhóm nghiên cứu người Ý tại Trường Nghiên cứu Cao cấp IMT, Đại học Sapienza, và Đại học Boston, Mỹ cho thấy rằng người tiêu thụ và chia sẻ các thuyết âm mưu trên Facebook thường lan truyền các thông tin này với người có cùng sở thích và thế giới quan mang tính đồng điệu với các thuyết âm mưu, và phớt lờ toàn bộ các thông tin trái chiều khác. Nghiên cứu xuất bản ở tạp chí PNAS vào năm 2015 này còn cho thấy, khung giờ vàng cho việc lan truyền các ‘thuyết âm mưu’ là trong vòng 2 tiếng sau khi thông tin này được đăng tải. Sau khung giờ này, sự lan truyền của các thuyết này giảm mạnh; tuy nhiên nếu các thuyết âm mưu này sống được lâu, tuổi thọ cao thì lại cũng lôi kéo được nhiều khán giả. Điều này trái ngược với các thông tin khoa học, vì không phải thông tin khoa học nào tuổi thọ càng cao đều càng được nhiều người rộng rãi biết đến.
Vài vấn đề mở
Trước tình hình thông tin sai lệch và tin dắt mũi đang ngày càng gây nên nhiều vấn đề xã hội phức tạp, nhiều vấn đề mở được đặt ra trong việc quản lý và khắc phục hiện tượng này. Vấn đề mở lớn nhất là việc buộc các trang mạng xã hội chịu trách nhiệm về thông tin sai lệch được truyền bá trên dịch vụ của họ. Facebook, sau khi chịu nhiều điều tiếng bê bối liên quan đến sự kiện Cambridge Analytica đồng thời xảy ra trong loạt sự kiện tổng bầu cử năm 2016, đang dần có nhiều động thái cải thiện chính sách sàng lọc và gỡ bỏ thông tin sai lệch hoặc tin dắt mũi trên dịch vụ của mình, dù vẫn còn rất nhiều bất cập. Việc Facebook đóng cửa giao diện lập trình ứng dụng (API) và chỉ trao quyền truy cập dữ liệu nghiên cứu cho một vài dự án mà Facebook phê duyệt cũng gây ra nhiều tranh cãi và phê bình trong giới học thuật. Ngoài ra, việc các công ty mạng xã hội như Facebook lập luận rằng họ là công ty công nghệ (technology) chứ không phải là công ty truyền thông (media) cũng là một thủ thuật mà Facebook hiện đang sử dụng để né tránh các trách nhiệm pháp lý liên quan đến việc dung túng tin sai trên dịch vụ của mình. Các vấn đề mở này sẽ được thảo luận thêm trong các kì sau trong loạt bài về tin giả. □