Tình bạn góp phần kéo dài tuổi thọ

Bạn muốn sống lâu? Hãy sống tích cực, ăn uống khoa học và luyện tập hợp lý. Nhưng quan trọng không kém là hãy xây dựng và củng cố những mối quan hệ bạn bè. Thêm một lý do để chúng ta nhấc điện thoại gọi điện cho bạn bè: nghiên cứu tại Úc cho thấy, mối quan hệ bền chặt với những người bạn thân không chỉ giúp chúng ta vui vẻ về tinh thần hay phong phú về mặt xã hội, mà còn giúp chúng ta khoẻ mạnh và sống lâu hơn.

Mới đây Lynne Giles, Gary Andrews, Mary Luszcz (Đại học Flinders) và Gary Glonek (Đại học Adelaide) phát hiện ra rằng, tình bằng hữu kéo dài tuổi thọ. Từ 1992, họ nghiên cứu môi trường xã hội, sức khoẻ, lối sống và tuổi thọ của 1477 người trên 70 tuổi và nhận thấy, tình bạn kéo dài tuổi thọ nhiều hơn quan hệ với con cái hay với họ hàng.    
Nguyên nhân thực sự của tác dụng tăng tuổi thọ đó là gì? Đó không chỉ là mối tương giao tinh thần; quan trọng hơn, sự giúp đỡ giữa những người bạn thường là tự nguyện, thoải mái và không gây cảm giác nghĩa vụ hay can thiệp. Trong lúc không ai có thể chọn bố mẹ hay con cái, thì với bạn bè, chúng ta có thể lựa chọn những người phù hợp để kết giao và chia sẻ.
Cụ thể hơn, tình bạn cải thiện cả sức khoẻ thế chất và tinh thần: Căng thẳng và trầm cảm giảm; chức năng tim mạch và tiêu hoá cải thiện, huyết áp ổn định. Ngoài lợi ích cá nhân, tình bạn cũng có lợi cho tập thể. Dường như quan hệ xã hội có vai trò quan trọng trong quá trình tiến hoá bộ não, như nhà nhân học và tâm lý học tiến hóa Robin Dunbar (Đại học Liverpool, nước Anh) phát hiện vài năm trước. Ông thấy kích thước não bộ và qui mô nhóm bạn ở khỉ có tương quan với nhau. Số cá thể trong nhóm càng lớn, não của từng cá thể càng lớn. Con người có bộ não phức tạp nhất vì nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân có các quan hệ xã hội phong phú nhất.
Đó là lý do Dunbar đưa ra giả thuyết “bộ não xã hội”. Theo ông, sự phát triển các cấu trúc xã hội gia tốc sự tiến hoá bộ não. Đó là vì khi lượng cá thể trong nhóm tăng, khả năng xử lý thông tin về từng cá thể của não cũng phải tăng tương ứng. Chúng ta có thể có nhiều nhóm bạn; chúng có cấu trúc không hoàn toàn ngẫu nhiên mà hợp thành các vòng tròn đồng tâm. Trong cùng là nhóm bạn thân nhất, với khoảng 3-5 người. Ta thường chia sẻ với họ về mọi vấn đề. Khi gặp khó khăn, họ khuyên giải hay nâng đỡ ta. Và thành viên trong nhóm gặp nhau hàng tuần.
Vòng tròn tiếp theo gồm 12 – 20 người. Quan hệ ở vòng này kém bền chặt hơn, nhưng vẫn duy trì được mối quan tâm chung. Tiếp theo là nhóm 30 – 50 người, với quan hệ lỏng lẻo hơn, nhưng vẫn gặp gỡ nhau tuy không thật thường xuyên. Dunbar tin rằng đó chính là qui mô các nhóm săn bắt – hái lượm thời tiền sử. Ông cũng cho rằng ít nhất còn hai nhóm nữa với qui mô lớn hơn (số lượng tương ứng khoảng 150 và 500 người) nên quan hệ cũng lỏng lẻo hơn nhiều. Tuy nhiên số cá thể trong các nhóm này chưa quá lớn so với khả năng ghi nhớ và xử lý của bộ não, nên từng cá thể vẫn có thể biết một số thông tin về các cá thể khác trong nhóm. Các nhóm qui mô lớn hơn nữa thường chỉ quan hệ với nhau theo tư cách các “tập thể” độc lập, vì các cá thể giữa các nhóm khó biết về nhau, do số lượng đã vượt khả năng xử lý của bộ não.
Dunbar nhận thấy giữa hai nhóm kế tiếp nhau, số cá thể thay đổi khoảng 3 lần. Đó cũng chính là cách tổ chức quân đội. Ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, đơn vị chiến đấu nhỏ nhất là tiểu đội với khoảng 12 – 15, trung đội khoảng 30 – 40, còn đại đội khoảng 120 – 150 người. Đó là số lượng được duy trì từ thời cổ đại cho tới ngày nay. Ngoài các lý do kinh tế – chính trị – quân sự, điều đó cũng phù hợp với khả năng xử lý tối đa của bộ não.
                                     

(Theo Scientific American Mind)
Đỗ Kiên Cường

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)