Tính Sáng tạo liên quan với đa văn hóa và khoan dung?

Công nghệ và thế giới “phẳng” làm giảm thiểu sự khác biệt giữa các nước về truy cập thông tin và khả năng sản xuất hàng hóa. Hơn kém nhau bây giờ là: dùng thông tin đó để sáng tạo ra cái gì có giá trị nhất và thiết kế ra sản phẩm mới có giá trị vượt trội so với hàng hóa thông thường. Bị cạnh tranh bởi các nước đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ và các nước phát triển truy tìm và phát huy tối đa thế mạnh cốt lõi (core competence) của họ - đó là Tính Sáng Tạo (creativity).

Các yếu tố thúc đẩy tính sáng tạo
Trong khi nghiên cứu về các vùng, thành phố thuận lợi cho việc phát triển công nghệ cao, GS Richard Florida, Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) đã đưa ra khái niệm về “Giai tầng Sáng tạo” (creative class). Đó là giới khoa học, kỹ sư, giáo sư, văn nghệ sỹ, diễn viên, nhà thiết kế, kiến trúc sư, các học sỹ, nhà nghiên cứu, các nhà tư tưởng, nhà báo… Ngoài ra, họ còn là những người làm các nghề mang tính sáng tạo (TST), ví dụ: nghề y tế, luật pháp, quản lý kinh doanh, công nghệ cao… Những người này có thể nghĩ ra những phương pháp, sản phẩm nổi trội nhưng lại không nằm trong danh mục công việc của họ. Cái mà người ta muốn họ làm là: suy nghĩ theo cách riêng của họ. Họ đưa các giải quyết độc đáo và nhiều nhận xét khác biệt. Họ đến từ nhiều nghề, nhưng đều có cái chung, đó là: tính Sáng tạo, tính Cá nhân, sự Khác biệt và sự Xuất sắc. Họ đem lại giá trị sáng tạo cho xã hội. TST càng có giá trị, giai tầng sáng tạo càng phát triển.


Nhà đồng sáng lập Microsoft, Paul Allen, thời trẻ là một hippie say mê Rock. Ông đã lập bảo tàng tưởng niệm ca sĩ Jimi Hendrix.

Khi điều tra, xếp hạng các thành phố, khu vực ở Mỹ theo TST, khả năng Đổi mới công nghệ (Innovation), phát triển công nghệ cao, Florida đã phát hiện những điều lý thú về các yếu tố thuận lợi cho TST và đưa ra Chỉ số sáng tạo (Creativity Index) để đánh giá TST của các thành phố, vùng miền ở Mỹ. Trong đó, Florida thấy rằng: TST có mối tương quan thuận, ví dụ: với các hoạt động vui chơi giải trí-văn hóa đường phố (nhất là về đêm), với các điểm biểu diễn ca nhạc, các triển lãm nghệ thuật, các nhà hát kịch, các quán café, quán ăn nhỏ, các nghệ sỹ biểu diễn trên đường phố nơi không mấy phân biệt giữa người biểu diễn và khán giả…
Cộng đồng sáng tạo thường tìm đến những nơi có “rào cản” kinh tế-xã hội thấp nhất, những nơi mà người ta có thể dễ dàng ổn định cuộc sống, nơi có nhiều cơ hội việc làm khác nhau (GS Florida gọi là những cộng đồng “cắm điện là sài” – Plug-And-Play Communities). Họ thường không chỉ dừng ở các yêu cầu sinh sống vật chất bình thường mà có những cách sống với những nét riêng biệt. Florida phát hiện ra rằng những nơi thuận lợi cho TST cũng là những nơi người đồng tính thường định cư (chính vì điều này mà giới chuyên môn gọi đây là Chỉ số Đồng tính – Gay Index). Tương tự, TST cũng tương đồng với chỉ số “Nghệ sỹ” (Bohemian Index) giành cho thị hiếu của các nghệ sỹ, nhà văn, họa sỹ… Người có TST, không phân biệt dân tộc và xu hướng giới tính, thường thích những nơi không thành kiến, khoan dung với sự khác biệt. Bản thân những người có TST và năng khiếu thường tự nhìn nhận họ là những người “ngoài lề’ (outsider) của cuộc sống bình thường. Người có TST thường hay muốn có sự đa dạng (diversity) và Florida coi đây là sự đặc trưng cơ bản nhất của họ. Họ thích những luồng tác động khác nhau, thích nghe nhiều loại nhạc khác nhau, thích dùng ẩm thực của những nền văn hóa khác nhau. Họ thích gặp, giao tiếp với những người khác họ để trao đổi quan điểm, tranh luận… Cộng đồng với TST thích những hoạt động vui chơi giải trí-văn hóa đường phố (nhất là về đêm). Họ thích các hoạt động thể thao ngoài trời hơn là giải trí thụ động trong nhà. Họ đánh giá cao tính chân thực (Authenticity) và tính duy nhất (Uniqueness) như các công trình lịch sử, các làng mạc nguyên sơ. Họ thích sự hòa trộn giữa các khu phố cổ với những mẫu mốt hiện đại. Điều này làm TST rất phù hợp với môi trường đa văn hóa, đến những công đồng đa sắc tộc mà Mỹ là một ví dụ điển hình. GS. Florida cho rằng không phải ngẫu nhiên mà thung lũng Silicon lại ở California, nơi có tính đa dạng cao và tập trung nhiều cộng đồng đa văn hóa. Chỉ số dồng tính, chỉ số “nghệ sỹ” và tính đa dạng văn hóa đều có cái chung: đó là lòng khoan dung đối với những cá tính dị biệt và sự khuyến khích khả năng sáng tạo độc lập trong mỗi con người, điều mang lại sự thịnh vượng trí tuệ cho mỗi xã hội, quốc gia.
Mỹ làm gì để nuôi dưỡng tính sáng tạo?

“Think different” (Nghĩ khác) – Khẩu hiệu nổi tiếng một thời của hãng máy tính Apple.

Các trường đại học được chuyển mạnh từ việc học tập và giải quyết vấn đề (problem solving) sang việc tích cực khám phá (Discovery) và áp dụng tri thức (Application Of Knowledge). Họ đưa trường đại học từ mô hình dạy học (mang tính truyền đạt) sang môi trường khám phá của phòng thí nghiệm hay môi trường thử nghiệm của kỹ sư. Họ cho rằng đã đến lúc chúng ta-giới khoa học-công nghệ-cần học cách tiếp cận phi logic, mang tính cảm nhận không suy luận của các lĩnh vực có TST cao nhất, đó là Âm nhạc, Hội họa, Điêu khắc, Kiến trúc, Thơ văn… để có thể đưa sự phát triển thăng hoa của thời Phục hưng đến với loài người lần nữa, khi mà kỹ nghệ (Engineering) như là một lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật bên cạnh hội họa, âm nhạc… Khi việc xử lý các thông tin logic đã trở nên dễ dàng thì TST, Trí tưởng tượng mới là quyết định. Sự phát triển chuyên môn sâu, nhấn quá mạnh vào tư duy logic (trong khi các bản năng cảm nhận khác bị sao nhãng) như những “phần mềm” cóp nhặt, không tương thích với “phần cứng”và các phần mềm khác, đến một lúc nào đó, sẽ kìm hãm tính “thông minh” (tức là TST) và dẫn đến những mâu thuẫn hệ thống. TST nảy nở tốt nhất trong con người toàn diện. Vì vậy, các công ty ngày càng coi trọng chỉ số EQ-sự mách bảo của Trái tim-chứ không chỉ IQ-sự sáng suốt của Trí tuệ. 
Nhân tài-những người có TST cao-từ khắp nơi trên thế giới là cái đích mà Mỹ ngắm tới qua chế độ nhập cư cởi mở, các học bổng tại các trường đại học hàng đầu, cơ hội ở lại làm việc, trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, những quỹ và những nhà tài trợ say mê với các ý tưởng mới đầy mạo hiểm (đến mức bị coi là “điên rồ” ở Tây Âu), qua sự khoan dung, cởi mở đối với các nền văn hóa-tín ngưỡng xa lạ và các cá tính dị biệt… Họ cố ý đưa vào tổ công tác những thành viên từ các nền văn hóa, chuyên môn khác nhau để nhằm thu được những ý tưởng khác nhau nhất, có tầm “quét” rộng nhất các tình huống. Hầu như không ý tưởng nào bị coi là điên rồ.
Người ta cũng khoan dung hơn với các cá tính của người tài như thích nói và làm ngược số đông, tính khắt khe, tính cầu toàn, tính hướng nội, ít giao thiệp, ghét hình thức và sự gò bó, ghét tụ hội, thích sự riêng tư, thiếu kiên nhẫn, ít thể hiện mình, đãng trí… Người tài thích sự thách thức và các việc làm có ý nghĩa lớn, tác động đến nhiều người (Tháp Maslow). Đó là điều các công ty hàng đầu luôn tìm cách đáp ứng.

Phát huy tính sáng tạo về công nghệ
Đối với nhiều nước có điểm xuất phát thấp về khoa học-công nghệ và đang công nghiệp hóa, việc hiệu quả nhất là phát huy TST về công nghệ ở nơi làm ra nhiều của cải nhất cho xã hội-đó là tại các doang nghiệp (DN), đặc biệt là các DN nhỏ và vừa. Cần phổ quát hóa ý thức về công nghệ, sáng tạo trong ứng dụng công nghệ cho các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, vì họ thiếu khả năng đầu tư cho công nghệ.
Để đưa TST vào DN cần các cơ sở Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ (technology business incubator). Ươm tạo doanh nghiệp công nghệ là đào tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ, đặc biệt là các doanh nghiệp mới thành lập về các kỹ năng cần thiết để tồn tại, phát triển trên thị trường. Việc hướng doanh nghiệp vào áp dụng công nghệ không những là nhân tố hiệu quả nhất để tồn tại trong cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hóa mà còn giúp các doanh nghiệp hòa vào trong các chuỗi cung cấp trên thế giới. Trung tâm ươm tạo doanh nghiệp công nghệ hỗ trợ, tư vấn chuyên sâu cho doanh nghiệp về công nghệ, trong việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất-kinh doanh, VD: các hiểu biết về chuỗi cung cấp, công nghiệp phụ trợ, mạng lưới hậu cần toàn cầu, mạng lưới cung cấp toàn cầu, thuê khoán ngoài, quy trình sản phẩm từ ý tưởng, nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, tiếp thị, kinh doanh, tìm lợi thế cạnh tranh, sở hữu trí tuệ, liên minh chiến lược, quy luật, phương thức và xu thế vận hành của các dòng công nghệ, vốn trong thời gian tới… Các doanh nghiệp công nghệ được hỗ trợ để phát triển thuận với thị trường, đặc biệt trong thời kỳ bắt đầu của hội nhập.     
Sự đổi mới, TST trong các DN không chỉ về khoa học-công nghệ mà còn cả về khoa học quản lý, quy trình sản xuất, tổ chức sản xuất, marketing, vận hành mạng lưới hậu cần công nghiệp, thiết lập liên minh chiến lược, vv.
Trung tâm tài năng (Centres of Excellence) là mô hình phù hợp để phát triển TST. Mô hình này có thể là sự kết hợp của đào tạo và nghiên cứu, nghiên cứu lý thuyết và nghiên cứu ứng dụng, chuyên ngành và đa ngành, khoa học tự nhiên-công nghệ, khoa học về cuộc sống, khoa học quản lý và khoa học xã hội… Rất nên có các Trung tâm tài năng với sự tham gia của giới khoa học, doanh nhân, sinh viên, Việt Kiều, chuyên gia nước ngoài… Có nhiều chuyên gia, doanh nhânViệt Kiều, giới chuyên môn nước ngoài thể hiện nguyện vọng muốn làm trong các tổ chức không-vì-lợi nhuận (Not-For-Profit) về hỗ trợ, tư vấn công nghệ, kinh doanh ở Việt Nam nhưng chưa tìm ra nơi thích hợp.
Cầu thị với TST còn thể hiện ở sự rộng lòng khoan dung, thậm chí còn chào đón những suy nghĩ, cách đặt vấn đề, cách làm, cá tính khác biệt mà ta chưa quen. Những người chuyên môn, có thể chưa được mọi người yêu mến vì cá tính, cách sinh hoạt, nhưng chưa chắc đã là người vô ích. Họ có thể là những người với đầy TST. Trường hợp một viện nghiên cứu ở TP Hồ Chí Minh gần đây tuyên bố sẽ có một viện trưởng Việt kiều bên cạnh một viện trưởng hiện tại phải chăng là một trong những bước đi theo hướng này?
Hỗ trợ TST còn thông qua việc sẵn sàng thay đổi các cách quản lý, các cơ chế cũ, mang nặng tính hình thức, duy thành tích… Các cơ chế hành chính cứng nhắc, không đặt lòng tin vào con người và có thể bóp nghẹt TST.
Để làm các điều trên và cho những bước tiếp theo, chúng ta rất cần một chương trình canh tân (Innovation Program) mà mọi người, đặc biệt là các DN, cần thực sự tâm huyết, lấy đó làm phương sách tồn tại và phát triển-rất giống như chương trình Quản lý chất lượng tổng thể (Total Quality Management) do Fleming đề xướng và đã góp phần phục hồi và thay đổi hoàn toàn nước Nhật vào những năm 1950-1960.

Chỉ số Đồng tính, Chỉ số “Nghệ sỹ” và Tính đa dạng văn hóa đều có cái chung: đó là Lòng khoan dung đối với những cá tính dị biệt và sự khuyến khích khả năng sáng tạo độc lập trong mỗi con người, điều mang lại sự thịnh vượng trí tuệ cho mỗi xã hội, quốc gia.

Khác với 20 năm trước, khi sinh viên Mỹ phải mặc những bộ complet xịn nhất và cố dấu các biểu hiện nào đó của khác biệt về văn hóa nhằm cho các nhà tuyển dụng thấy rằng họ phù hợp với nề nếp công ty; Ngày nay, Florida chỉ ra: các công ty Mỹ đang cố gắng để phù hợp với lối sống của sinh viên! Trilogy-một công ty hàng đầu về IT của Mỹ-lại trải thảm đỏ mời chào một anh chàng sinh viên thủ khoa của Carnegie Mellon nhưng với khuyên tai, xăm mình như một rocker thực thụ (và còn dùng anh ta để phỏng vấn, tuyển dụng các sinh viên khóa sau). Khi được Florida hỏi vì sao tuyển anh chàng này, Triology trả lời “Đơn giản, vì anh ta là một ngôi sao nhạc rock!”.  Các công ty công nghệ cao, nơi STS quyết định tính cạch tranh của họ, hiểu rằng: sự đa dạng, các năng khiếu đa ngành là lương thực nuôi sống TST. Các trường đại học nổi tiếng, các viện nghiên cứu đầy tính hàn lâm, các công ty, các tổ chức… của Mỹ rất thích tuyển dụng những ngôi sao, những vận động viên thể thao, những người nổi tiếng, những hoa hậu, MC… vì họ mang lại sự khác biệt, tính nổi trội và là mầm mống cho TST. Trong hai người có cùng năng lực chuyên môn, thường người nổi trội về thể thao hay theo đuổi một đam mê văn hóa-nghệ thuật nào đó sẽ được chọn tuyển. Vì vậy, nếu bạn xin việc hay xin học ở một trường đại học ở Mỹ, đừng ngại cho họ biết rằng: bạn là một túc cầu gia có hạng, một đệ tử trung thành của môn nhảy hip-hop hay một người say mê thơ Đường.

Đinh Thế Phong

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)