Toán học với sự độc lập

Sống độc lập, sống như chính mình, trở thành một thử thách không dễ vượt qua. Trước bối cảnh ấy, phải chăng toán học, với tư cách là “triết học của tự nhiên” – theo tinh thần của Galileo, Kant, Russell và nhiều triết gia khoa học khác – chính là một môi trường đặc biệt góp phần giúp con người vượt qua thử thách kia?

Bìa Album Galois của nghệ sĩ Vincent Rubinetti, lấy cảm hứng từ cuộc đời của nhà toán học Évariste Galois

Trong thời đại – khi tri thức ngày càng chuyên môn hóa và phức tạp, còn con người bị cuốn theo vô vàn áp lực và định hướng bên ngoài – từ xã hội, truyền thông, đến các hệ tư tưởng không ngừng đua tranh quyền thống trị – thì khả năng độc lập trở thành một phẩm chất thiết yếu để giữ gìn phẩm giá và tự do nội tâm. Song, độc lập không chỉ là một thái độ sống, mà còn là một năng lực tư duy: khả năng suy nghĩ mạch lạc, có hệ thống, biết phản biện và dám chịu trách nhiệm về suy nghĩ của mình. Trong khi đó, mỗi cá thể lại luôn phải hóa thân vào các vai diễn xã hội. Vì thế, sống độc lập, sống như chính mình, trở thành một thử thách không dễ vượt qua. Trước bối cảnh ấy, phải chăng toán học, với tư cách là “triết học của tự nhiên” – theo tinh thần của Galileo, Kant, Russell và nhiều triết gia khoa học khác – chính là một môi trường đặc biệt góp phần giúp con người vượt qua thử thách kia?

Toán học – tạo nền cho tư duy độc lập: Không giống như nhiều lĩnh vực khác, nơi những suy nghĩ nông nổi, nửa vời vẫn có thể được chấp nhận một cách cảm tính, toán học buộc người học phải suy nghĩ thấu đáo. Không thể lập luận hời hợt, không thể che giấu sự mơ hồ – mỗi kết luận phải dựa trên tiền đề rõ ràng, mỗi bước suy diễn phải đảm bảo quy tắc logic nghiêm ngặt, và tất nhiên không có chỗ cho ngụy biện. Học toán, chính là học cách tư duy chính xác, không ảo tưởng, không quẩn quanh, không dựa dẫm – đó là nền móng đầu tiên cho một tư duy độc lập.

Toán học – khơi dậy tư duy phản biện: Toán học không chỉ dạy cách tìm lời giải, mà còn rèn luyện khả năng đặt câu hỏi đúng và hiểu bản chất vấn đề. Một bài toán không chỉ đòi lời giải, mà còn khơi dậy những câu hỏi: Tại sao lại đặt bài toán như vậy? Liệu kết luận có còn đúng khi điều kiện thay đổi? Có cách tiếp cận nào khác đơn giản và hiệu quả hơn?… Người học toán giỏi hẳn cũng phải là người không dễ chấp nhận những điều – chỉ vì “người khác đã nói thế”. Họ được rèn luyện để nghi ngờ hợp lý, kiểm tra logic, và tự tin khi lập luận của mình đủ vững chắc. Vì thế, trong một thế giới ngập tràn thông tin sai lệch, định kiến và tuyên truyền, thái độ phản biện – được tôi luyện từ tư duy toán học – trở thành hàng rào tinh thần chống lại mọi thao túng và áp đặt. Toán học dạy con người không chỉ cách nghĩ đúng, mà còn dám nghĩ khác, miễn là có lý do xác đáng và cơ sở vững chắc. “Cốt lõi của một trí tuệ độc lập không nằm ở điều nó nghĩ, mà nằm ở cách nó suy nghĩ”– Christopher Hitchens.

Toán học – rèn luyện tính tự chủ trong tư duy: “Không ai có thể suy nghĩ thay bạn. Họ chỉ có thể dẫn dắt bạn”– Jean-Paul Sartre. Không giống những lĩnh vực có thể dựa vào cảm xúc hay quyền uy học thuật, toán học là vùng đất mà chỉ có lý trí của chính bản thân mới dẫn đến đáp án cuối cùng. Dù là giải một bài tập thông thường của học sinh phổ thông, hay khám phá những cấu trúc sâu xa của nhà toán học – chủ thể luôn phải tự thân dấn bước, phải đối mặt với vấn đề bằng chính năng lực của mình. Không ai có thể suy nghĩ thay, cũng như, không có chỗ cho sự thỏa hiệp. Chính điều này đã rèn luyện nên tính tự chủ và kỷ luật nội tâm, giúp con người quen với việc không trông chờ tri thức được “ban phát” từ bên ngoài. Và vì vậy, toán học không chỉ là công cụ mài giũa lý trí, mà còn là hành trình bồi dưỡng sức khỏe tinh thần – giúp con người tự đề kháng trước mọi áp lực đồng hóa tư tưởng.

Những nhà toán học lớn – biểu tượng của tự do và độc lập tinh thần: Lịch sử toán học là một minh chứng sống động cho tinh thần độc lập. Euclid, sống ở thời chưa có khoa học hiện đại, đã kiến tạo cơ sở hình học, như một tòa tư tưởng được xây nên từ cẩm thạch logic. Descartes, nhà sáng lập hình học giải tích, đồng thời là triết gia chủ nghĩa duy lý, người từng viết: “Tôi tư duy, nên tôi tồn tại” – một biểu hiện minh triết của tinh thần tự lập. Galois, thiên tài đoản mệnh, không được giới học thuật thừa nhận lúc sinh thời, đã khai sinh lý thuyết Galois trong cô độc, giữa định kiến và áp lực xã hội. Perelman, người giải bài toán thiên niên kỷ, đã từ chối mọi vinh quang, tiền bạc và danh vọng. Với ông, chân lý tự thân là đủ – một thái độ sống thanh cao, cứng cỏi và phi thường. Từ Euclid đến Perelman, những con người ấy đã cho thấy: toán học, khi đạt đến đỉnh cao, không còn là những con số – mà là một khẳng định của tự do và nhân cách.

Toán học – môi trường để rèn luyện bản lĩnh: Trong một thế giới đầy biến động, nơi con người dễ bị cuốn theo những trào lưu bề nổi, bị dẫn dắt bởi truyền thông và các hệ tư tưởng áp đặt, thì khả năng suy nghĩ độc lập, tự do nội tâm và bản lĩnh phản biện trở nên quý giá hơn bao giờ hết. Những phẩm chất ấy không thể có chỉ nhờ lời kêu gọi đạo đức hay những hành động mang tính hình thức theo phong trào, mà phải được rèn luyện qua thực hành tư duy nghiêm túc và bền bỉ. Chính trong bối cảnh đó, toán học nổi bật như một môi trường lý tưởng – một “trường học đặc biệt” – nơi con người học cách suy nghĩ chính xác, lập luận chặt chẽ, lao động độc lập, dám đối diện với sự thật khách quan, và không sợ đi ngược với đám đông nếu lý lẽ đủ xác đáng. “Nếu bạn muốn sai, vậy cứ đi theo đám đông đi” – Socrates.

Toán học – đường dẫn con người đến với chính mình: “Toán học là một hình thức thiền định về trật tự” – Descartes. Học toán không chỉ là để giải các bài toán, mà còn là học cách đứng vững bằng lý trí của chính mình giữa những xáo trộn và cám dỗ. Khi con người rèn luyện tư duy logic, kỷ luật trí tuệ và khả năng tự giải quyết vấn đề, họ cũng đang bồi dưỡng cho mình một nhân cách độc lập – biết suy xét, biết hoài nghi, biết dừng lại, và chịu trách nhiệm với bản thân. Toán học vì thế không chỉ là công cụ phục vụ khoa học kỹ thuật, mà còn là trường học của tinh thần tự do, là con đường dẫn con người đến với chính mình – bằng sự khúc chiết của tư duy, sự trong sáng của lý trí, và sự khiêm nhường trước lẽ phải và chân lý. Chính quá trình này đã nuôi dưỡng trong tâm hồn mỗi người học một tâm thế vững vàng – không ngừng tìm kiếm chân lý, nhưng cũng luôn biết lắng nghe và chấp nhận những giới hạn của bản thân. Và từ chính con đường ấy, họ sẽ tìm thấy bản ngã tự do, tỉnh táo và kiên định giữa dòng đời biến động.

Toán học – giúp hiểu mình và hiểu người: Đơn cử, trong một lớp học toán, quá trình giải bài tập và trao đổi ý kiến không chỉ đơn thuần là hành trình tìm lời giải, mà còn là dịp để các thành viên nhận ra nhau qua lăng kính của tư duy. Lớp học trở thành một sân chơi trí tuệ với những luật lệ nghiêm ngặt, nơi tư duy logic và cách lập luận được đặt lên hàng đầu. Trong môi trường ấy, toán học đóng vai trò như một thước đo tương đối khách quan – không dựa vào lời nói hay ngoại hình, mà dựa trên năng lực tư duy và chính kiến của mỗi cá nhân. Nhờ đó, mỗi người có cơ hội nhận ra rõ hơn điểm mạnh, điểm yếu của bản thân cũng như của bạn cùng lớp – tức là giúp biết mình, biết người; không phải bằng cảm tính, mà bằng lý trí sáng suốt và tinh thần phê phán. Chính trải nghiệm sống động này đã góp phần hình thành và phát triển phẩm tính độc lập, trong cởi mở và đối thoại – điều rất cần thiết khi con người phải đối mặt với những thử thách trong cuộc sống. “Sự thấu hiểu thực sự bắt đầu khi ta nhìn từ góc độ của người khác” – Henry David Thoreau.

Giáo dục toán học – sứ mệnh nuôi dưỡng tư duy độc lập: “Giáo dục không phải là đổ đầy một cái thùng, mà là thắp sáng một ngọn lửa” – William Butler Yeats. Toán học, với bản chất luôn gắn liền với phẩm tính độc lập, cần được gìn giữ và nuôi dưỡng để không bị mai một trước những áp lực đồng hóa trong giáo dục và xã hội. Để phẩm chất quý giá ấy được phát triển bền vững, vai trò của giáo dục toán học là vô cùng quan trọng. Một nền giáo dục không khuyến khích học sinh tự đặt câu hỏi, kiểm tra lại lời giải, hoặc so sánh các cách tiếp cận khác nhau thì chưa thể thực sự khơi dậy tư duy độc lập. Ngược lại, nếu người thầy biết khơi gợi tinh thần tranh luận, khuyến khích những câu hỏi “vì sao”, và tạo điều kiện cho học sinh tự khám phá định lý thay vì chỉ tiếp nhận kiến thức có sẵn, thì việc học toán sẽ không còn là quá trình tiếp thu thụ động, mà trở thành hành trình rèn luyện bản lĩnh tư duy – độc lập, cẩn trọng và tự tin – những phẩm chất ngày càng cần thiết cho mỗi cá nhân và cho cả xã hội.

“Khoa học là hành trình đi tìm chân lý – không phải là một trò chơi để chiến thắng ai cả”– Linus Pauling. Toán học, tự bản thân nó, không đòi hỏi lòng trung thành với bất kỳ quyền lực hay sự giáo điều nào – mà chỉ đòi hỏi ở sự trung thực của tư duy và lòng can đảm đối diện với chân lý. Trong hành trình chạm tới cái đúng, người học toán buộc phải vượt qua thói quen dựa dẫm, sự nông cạn dễ dãi, và cả nỗi sợ hãi bị sai. Chính quá trình đó, âm thầm nhưng kiên định, mài giũa con người trở nên sắc sảo hơn trong lý trí, kiên cường hơn trong bản lĩnh, và tĩnh tại hơn trong nội tâm. Những điều ấy không tạo ra sự khác biệt ồn ào, nhưng nuôi dưỡng một nền tảng thâm hậu – nền móng cho bản lĩnh và tự do.

Và vì thế, giữa một thời đại đầy bất trắc và xáo trộn, toán học vẫn tiếp tục giữ vai trò như một ngọn hải đăng – không phải để dẫn dắt người ta đi theo một hướng duy nhất, mà để soi sáng con đường mà họ tự lựa chọn và tự bước đi, bằng chính trí tuệ của mình.□

* Bài đã đăng Tia Sáng số 13/2025

Tác giả

(Visited 55 times, 55 visits today)