…Tôi là sản phẩm của cả hai nền văn hóa

Trong diễn từ đọc tại tiệc chiêu đãi những người nhận giải Nobel năm 1957, GS Dương Chấn Ninh nhấn mạnh, trên nhiều phương diện, ông là sản phẩm của cả hai nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây, trong hài hòa lẫn xung đột. Ông hãnh diện về di sản văn hóa Trung Hoa mà ông được thừa hưởng cũng như rất hãnh diện vì đã hiến mình cho khoa học hiện đại, một phần của nền văn minh nhân loại có nguồn gốc phương Tây.

Giới thiệu

Trong bài viết này, tôi xin sử dụng lại cái tên Chen Ning Yang cho tiện thay vì Dương Chấn Ninh, vì tên gọi theo tiếng Anh đã thông dụng trong khoa học, trong các thuyết, định luật mang tên ông, như thuyết Yang-Mills, phương trình Yang-Baxter, định lý Lee-Yang…

C.N. Yang sinh ngày 1 tháng 10 năm 1922 tại Hefei, tỉnh Anhwei (Anhui), TQ. Yang không phải xuất thân từ “số không”, mà là con của một giáo sư toán, K.C. Yang, từng tốt nghiệp Ph.D tại Đại học Chicago rồi trở về TQ giảng dạy tại Đại học Tsing Hua (Thanh Hoa, Bắc Kinh) rồi sau đó tại Southwest Associated University (Liên kết Tây Nam), Kunming, tỉnh Yunan.

GS Dương Chấn Ninh, người gốc Trung Hoa đầu tiên đoạt giải Nobel

Trong thời gian học trung học, Yang đã có dịp làm quen với thuyết (biểu diễn) nhóm ở bố, khiến ông sớm chú ý đến thuyết nhóm và vấn đề đối xứng trong vật lý. 1942 ông tốt nghiệp đại học Southwest Associated và được thâu nhận tiếp tục theo học chương trình sau cử nhân hai năm tại đại học Tsing Hua. Tại đây ông được học thêm đối xứng và cơ học thống kê, là những hướng nghiên cứu xuyên suốt đời ông sau này. Ông tự học vật lý theo sở thích riêng. A. Einstein, P.A.M. Dirac và E. Fermi là những nhà vật lý được ông ngưỡng mộ nhất. Trong khi chờ đợi đi Hoa Kỳ ông học thêm lý thuyết trường.

Yang thừa hưởng một nền giáo dục đại học rất tốt, và được sống trong không khí đại học hàn lâm. Về nhân văn ông được học các tác giả cổ điển bậc nhất của nền văn học TQ khiến ông thấm nhuần nền văn hóa tinh hoa Trung Hoa sâu đậm. Trong Vật lý, Yang được học ở những thầy tài giỏi trong đó có nhiều vị đã từng tốt nghiệp ở nước ngoài, như GS Zhao Zhong-Yao (tốt nghiệp Celtech), GS Wu You-Xun (từng hợp tác với K.A. Compton ở Đại học Chicago), Zho Pei-Yuang (Tsing Hua), C.S.Wang (tốt nghiệp tại Anh quốc), Ta-You Wu (ĐH Bắc Kinh). Sau này khi vào trường ở Hoa Kỳ, Yang thuật lại ông không cảm thấy thua thiệt gì, ngược lại, chẳng hạn trong ngành cơ học thống kê, ông thấy tại TQ mình đã học được nhiều hơn, tỉ mỉ hơn ở Hoa Kỳ.(1)  

Thực ra đại học Trung Hoa vào đầu thế kỷ 20 đã có sự phát triển mạnh mẽ với kỳ vọng lớn từ luồng gió mới của châu Âu, Đức, Pháp rồi Hoa Kỳ. đó là những giá trị của tinh thần đại học như tự trị đại học, tự do hàn lâm, lấy khoa học làm trọng tâm phát triển, nhưng đồng thời đẩy mạnh phần giáo dục nhân văn cổ điển. Người mang luồng gió mới đó là Cai Yuanpei (Thái Nguyên Bồi), người đã từng học ở Pháp, Đức nhiều năm liền. Nhiều nhân vật nổi tiếng nước ngoài có sức truyền cảm hứng đã đến nói chuyện trước cộng đồng sinh viên và giáo sư TH: nhà toán học và triết học Bertrand Russell từ Anh quốc, các nhà giáo dục John Dewey và Paul Monroe từ Hoa Kỳ, nhà thơ và tư tưởng Rabinath Tagore từ Ấn Độ. Nhưng chương trình “xây dựng một nền móng văn hóa mới cho quốc gia” đã không thành công do sự phân hóa xã hội ngày càng sâu sắc và ác liệt. Cho đến khi Mao Trạch Đông lên nắm chính quyền trên toàn lục địa năm 1949 thì đại học theo tinh thần khai phóng phương Tây cũng chết theo, và chỉ còn là công cụ tuyên truyền của chính trị thôi, hay bị phá nát.

Trở lại chuyện của C.N. Yang. Cuối năm 1945 Yang, lúc đó 23 tuổi, sang Hoa Kỳ và kỳ vọng được học với Enrico Fermi. Nhưng ông đã thất vọng khi biết rằng Fermi đã rời Columbia và bặt tăm âm tín. Sau một cuộc truy tìm kiệt sức cuối cùng ông biết rằng Fermi đang làm việc ở Đại học Chicago. Tại đây Yang đăng ký học vật lý hạt với Edward Teller, một ngành lúc đó còn rất mới mẻ, và sau khi tốt nghiệp tiến sĩ (1948) với Teller ông làm trợ lý cho Fermi một năm, đồng thời tiếp tục theo dõi ngành cơ học thống kê riêng cho mình.

Yang có một nhận xét có tính cách nhận thức luận, là phong cách nghiên cứu của Fermi và Teller, rõ nhất ở Fermi, là xuất phát từ các hiện tượng vật lý trước, chứ không phải từ nguyên lý hay lý thuyết trước, tức theo phương pháp qui nạp (inductive), hơn là đi từ các nguyên lý, tức theo phương pháp diễn dịch (deductive), trong khi tại TQ Yang chỉ được giáo dục theo phương pháp diễn dịch thôi. Đây là nhận xét rất thú vị và sắc bén, vì đó cũng chính là cuộc chiến giữa hai phương pháp 400 năm trước giữa Galilei người đại diện cho phương pháp qui nạp có tính chất xây dựng (constructive) và khám phá những lý thuyết mới, và Nhà thờ công giáo La Mã cùng với giới thần học – triết học theo Aristote đại diện cho phương pháp diễn dịch xuất phát từ những nguyên lý bất khả xâm phạm (tabu) làm tiên đề(2). Nói chung, như một quy luật, quyền lực nào, hay thể chế giáo dục nào có tính chất bảo thủ đều dùng loại tư duy diễn dịch từ các nguyên lý tabu của mình để biện minh sự tồn tại, bất chấp thực tiễn khoa học từ cuộc sống xung quanh, hay nói như Goethe, họ bám víu vào “lý thuyết lúc nào cũng xám xịt” trong khi “cây đời thì vẫn mãi mãi xanh tươi”.

C.N.Yang có rất nhiều đóng góp to lớn trong nhiều ngành của vật lý học thế giới. Nổi bật nhất là khám phá đã từng gây sửng sốt của ông và đồng nghiệp T.D. Lee, cũng là một Hoa kiều, về sự không bảo toàn đối xứng gương ở vật lý các tương tác yếu (nonconservation of parity in weak interactions only); tương tác này là một trong bốn tương tác căn bản của vũ trụ. Đây là một bài toán nóng trong những năm 1953-1956, được biết dưới cái tên “θ-τ puzzle” (3). Năm 1956 hai ông, sau khi tính toán vất vả nhiều tuần liền, Yang và Lee, công bố một bài báo tiên đoán sự bất đối xứng gương trong các hiện tượng vật lý tương tác yếu, và cho rằng tất cả những thí nghiệm trước đây về sự phân rã bêta (b-decay) là quá đơn giản để có thể kiểm tra tính bảo toàn đối xứng. Hai ông đề nghị một số thí nghiệm mới để kiểm chứng điều đó. Wolfgang Pauli bình luận ý kiến táo bạo của Yang và Lee khi nói rằng ông không tin “Thượng đế là một người thuận tay trái yếu”.

Chien-Shiung Wu 1912-1997), người phụ nữ đặc biệt đã kiểm chứng một cách thông minh sự vi phạm bảo toàn đối xứng gương của Yang và Lee.

Cả giới vật lý hoài nghi sự bất đối xứng gương, vì đã quá quen thuộc với tính đối xứng rất đẹp trong vật lý, trong điện từ hay tương tác mạnh chẳng hạn. Người ta không tin rằng tự nhiên lại vận hành (behaviour) khác nhau (qua hàm số sóng) ở những hệ thống tọa độ chỉ khác nhau qua một phép đối xứng gương (thay đổi các dấu của tọa độ). Rõ ràng khó tin. Nhưng chỉ nửa năm sau, đầu 1957, Chien-Shiung Wu đại học Columbia, một nữ chuyên gia nổi tiếng về sự phân rã bêta, cũng là người gốc Trung Quốc(4), như có một bàn tay vô hình sắp xếp, đã dùng thí nghiệm với phương pháp đặc biệt để kiểm chứng ý tưởng mới của Yang và Lee, và bà đã chứng minh sự tiền giả định nói trên là sai. Công bố kết quả của bà cho thấy sự bất đối xứng gương là không chối cãi được trong phân rã bêta! Bà Wu cho thấy hàng ngàn electron phát ra từ cobalt trong mỗi giây đồng hồ phần lớn chỉ đi về một hướng, không đối xứng phải-trái. Đó là một cú sốc gây sửng sờ cho cộng đồng vật lý thế giới. Thượng đế quả thuận tay trái yếu mà con người đến nay không biết đến. Nhưng đó mới chỉ một trường hợp của tương tác yếu của b-decay. Giới vật lý tại các phòng thí nghiệm khác nhau thi đua đi tìm sự bất đối xứng, đã xác nhận tính bất đối xứng gương trong tất cả các tương tác yếu đúng như Yang và Lee tiên đoán. Một bứt phá cơ bản lý thuyết trong vật lý! Tất cả lý thuyết khoa học giả định trên đối xứng đều phải được xem xét lại.

Cuối năm, 1957, Ủy ban Nobel Stockholm công nhận nóng giải Nobel vật lý cho hai ông Yang và Lee, với một khoảng cách thời gian ngắn nhất chưa từng có giữa khám phá và giải Nobel. Lúc đó Yang mới vừa 35 tuổi! Tòa Đại sứ Trung Hoa lục địa của Mao Trạch Đông tại Thụy Điển tìm cách để đưa ông về nước. Nhưng Yang từ chối, muốn tiếp tục ở lại Hoa Kỳ để nghiên cứu khoa học, như ông nói trong bài Diễn từ dưới đây. Bảy năm sau, 1964, ông nhập quốc tịch Mỹ, sau khi đã sử dụng hộ chiếu Đài Loan nhiều năm liền để không gặp khó khăn trong việc đi lại. Tên đầy đủ của ông là Chen-Ning Franklin Yang. Sở dĩ có thêm cái tên Franklin là vì sau khi đọc tự truyện của Benjamin Franklin ông quá ngưỡng mộ nên quyết định lấy thêm tên Franklin.

Yang và Lee chứng tỏ người Trung Hoa cũng có thể nắm bắt khoa học hiện đại phương Tây không thua kém nếu được phát triển trong môi trường văn hóa, khoa học thuận lợi. Đây là thành công bứt phá thứ nhất của người Trung Hoa, thứ ba của người châu Á, sau giải Nobel vật lý 1949 cho nhà vật lý học Nhật Bản Hideki Yukawa của đại học hoàng gia Kyoto, và giải Nobel cho nhà vật lý Ấn độ Sir Chandrasekhara Venkata Raman năm 1930 trước đó.

Định mệnh nghiệt ngã của Trung Hoa thế kỷ 19 vẫn còn để lại những cơ may cho một số tài năng được ươm mầm đường hoàng và vươn lên, trong đó có C. N. Yang và một số tài năng xuất sắc khác, để rồi khi thăng hoa thành các đại thụ, họ trở về để góp sức xây dựng một vương quốc băng hoại về tinh thần sau cả nghìn năm mệt mỏi và tan nát vì phong kiến, nội chiến và chuyên chính. Yang là  một người rất có ảnh hưởng và uy tín trong giới khoa học Hoa Kỳ. Thực tế Yang là người nổi tiếng đầu tiên về thăm Trung Quốc năm 1971 khi quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ bắt đầu tan băng, có nhiều nổ lực để giúp cộng đồng vật lý TQ xây dựng lại không khí nghiên cứu và học thuật đã bị phá hủy bởi cuộc cách mạng văn hóa quá khích. Ông cùng với một cộng đồng Hoa kiều mạnh mẽ ở Hoa Kỳ làm cầu nối cho quan hệ văn hóa khoa học Hoa-Mỹ ngày càng phát triển. Không phải ông chỉ giúp cho Trung Hoa lục địa mà ông còn cộng tác thân thiện với Đài Loan, Hồng Kông, Hàn Quốc từ thời xa xưa trước đó khi các quốc gia này còn thù địch với TQ trong cuộc chiến tranh lạnh.

Dưới đây là bài diễn văn của GS C.N. Yang trong buổi tiệc chiêu đãi Nobel năm 1957 với nội dung rất đáng trân trọng và suy nghĩ cho chúng ta. Xin giới thiệu.

Diễn từ

Kính thưa Vua, Hoàng hậu, và các thành viên gia đình hoàng gia,

Thưa Quý Bà, Quý Ông

Trước hết, cho phép tôi cám ơn Quỹ Nobel và Hàn lâm viện khoa học Thụy Điển về lòng mến khách ân cần mà Bà Dương và tôi sung sướng được hưởng. Tôi cũng muốn đặc biệt cám ơn Giáo sư Karlgren về sự trích dẫn của ông và đoạn văn của ông bằng tiếng Hoa, mà khi nghe qua tôi thấy ấm lòng.

Thể chế tặng thưởng giải Nobel bắt đầu vào năm 1901. Trong cùng năm, một biến cố trọng yếu khác xảy ra có tầm quan trọng lịch sử to lớn. Nó đã, một cách trùng hợp, có ảnh hưởng quyết định lên dòng đời của tôi, và có tác động đến sự tham gia hiện tại của tôi vào buổi lễ liên hoan Nobel năm 1957. Với sự cho phép của Quý Vị, tôi xin dành đôi phút để đi vào một chút đề tài này.

Vào cuối hậu bán thế kỷ qua (thế kỷ 19), tác động của ảnh hưởng lan rộng của nền văn hóa và hệ thống kinh tế phương Tây đã gây ra một cuộc xung đột nghiêm trọng tại Trung Hoa. Câu hỏi được thảo luận nóng bỏng là văn hóa phương Tây nên được truyền bá vào Trung Hoa tới mức độ nào. Tuy rồi, trước khi một giải pháp được đạt đến, lý trí nhường chỗ cho xúc cảm, và trong những năm thập kỷ 1890, nổi lên những nhóm được gọi là Nghĩa Hòa Đoàn trong tiếng Hoa, hay Boxers tiếng Anh, tự cho rằng họ có thể thuần túy bằng xương thịt chống cự lại các loại vũ khí hiện đại. Hành động điên rồ và ngu muội của họ chống lại những người phương Tây tại Trung Hoa đã kêu quân đội của nhiều quốc gia châu Âu và của Hoa Kỳ vào Bắc Kinh năm 1900. Sự kiện được gọi là Chiến tranh Nghĩa Hòa Đoàn (Boxer War), và được đặc trưng ở hai phía bởi những cuộc giết chóc dã man và cướp bóc đáng hổ thẹn. Theo những phân tích cuối cùng, sự việc xảy ra được xem như có nguồn gốc từ biểu hiện xúc cảm của tâm trạng tuyệt vọng và giận dữ của một dân tộc Trung Hoa kiêu hãnh khi phải chịu sự áp bức ngày càng gia tăng từ bên ngoài và sự tham nhũng suy đồi từ bên trong. Sự kiện đó trong lịch sử được xem như sự chỉnh lý một lần rốt ráo cho cuộc tranh luận về việc văn hóa phương Tây nên được truyền bá vào Trung Hoa tới mức độ nào.

Cuộc chiến chấm dứt năm 1901, khi một hòa ước được ký kết. Ngoài những điều khoản khác, hòa ước quy định Trung Hoa phải bồi thường cho các lực lượng phương Tây một khoản tiền khoảng năm trăm triệu lượng bạc, một con số gây choáng váng trong những ngày ấy. Khoảng mười năm sau đó, trong một nghĩa cử rất Mỹ, Hoa Kỳ quyết định trả lại Trung Hoa số phần tiền của họ. Tiền được sử dụng để lập một quỹ để tài trợ cho một đại học, Đại học Thanh Hoa, và một chương trình học bổng cho sinh viên để du học tại Hoa Kỳ (5). Tôi là người hưởng lợi trực tiếp từ cả hai đề án này. Tôi đã lớn lên trong một môi trường biệt lập thiên về hàn lâm của campus của đại học này, nơi cha tôi là một giáo sư, và được hưởng một tuổi thơ yên tĩnh, điều mà đáng tiếc là phần lớn người Trung Hoa thế hệ tôi không được hưởng. Sau đó tôi được hưởng một chương trình học hai năm sau cử nhân đầu tiên tuyệt vời tại chính đại học này, và rồi có thể theo đuổi công việc nghiên cứu của tôi tại Hoa Kỳ bằng một học bổng của cùng quỹ học bổng nói trên.

Khi tôi đứng đây hôm nay để kể cho Quý Vị về những chuyện này, tôi có ý thức sâu sắc rằng tôi, trên nhiều phương diện, là sản phẩm của cả hai nền văn hóa Trung Hoa và phương Tây, trong hài hòa lẫn xung đột. Tôi phải nói rằng tôi rất hãnh diện về nền di sản văn hóa Trung Hoa của tôi cũng như rất hãnh diện tôi đã hiến mình cho khoa học hiện đại, một phần của nền văn minh nhân loại có nguồn gốc phương Tây, mà tôi đã cống hiến và sẽ tiếp tục cống hiến việc nghiên cứu của tôi cho nó.

C.N.Yang, 1957

(1) Bà Chien-Shiung Wu (nhân vật quan trọng đã đưa Yang đến đỉnh cao vinh quang của sự nghiệp được nói dưới đây) trong một bài phát biểu kỷ niệm sinh nhật thứ 70 của CN Yang năm 1992 tại Đại học quốc gia Tsing Hua Đài Loan đã phát biểu như sau về tài sản tinh thần mà Yang đã thừa hưởng trong thời thanh thiếu niên tại TQ như một hành trang vô giá: “Đối với một cậu bé sáng chói, một thanh niên lỗi lạc, có được một môi trường tổ ấm học thuật để nuôi dưỡng, lại có những bậc thầy hiếm hoi và những nhà vật lý tài giỏi nhất dạy và chăm sóc trong suốt những năm đại học và sau đại học, ngay cả những năm chiến tranh khủng khiếp, thì đó là những điều kiện tốt nhất để ông phát triển thành một cây cổ thụ cao ngất.” Yang vừa yêu khoa học, vừa yêu văn hóa TH.

(2) Xin xem thêm “Lời mở đầu: Galilei và Chúng ta” trong sách “Galileo Galilei hay là Eppur si muove”, revised version, sắp ra mắt của tác giả NXX. GS Phạm Xuân Yêm cũng cho biết đã đọc ở đâu đó nhận định của CN Yang, rằng chính quan điểm tư duy theo lối diễn dịch này đã làm cho khoa học TQ không phát triển được. Tác giả bài viết cám ơn GS PXY nhiều thông tin quý báu, và đọc lại bản thảo nhiều lần.

(3) Xin xem thêm bài viết “E = mc², θ-τ puzzle, sao quá ngại ngùng?” của GS Phạm Xuân Yêm trong link http://www.diendan.org/khoa-hoc-ky-thuat/e-mc2-th-t-puzzle-sao-qua-ngai-ngung/

(4) Bà Chien-Shiung Wu (1912-1997) từng tham gia Đề án Manhattan, được gọi một cách vinh danh là “First Lady of Physics” hay một “Marie Curie Trung Hoa”.

(5) Phía TH chấp nhận thành lập Đại học Tsing Hua và quỹ học bổng du học Hoa Kỳ trên cơ sở Hoa Kỳ đề nghị sẽ xóa bớt một phần nợ choTrung Hoa và trả phần còn lại để làm quỹ. Năm 1949 khi Mao Trạch Đông nắm chính quyền, chủ tịch Mei Yi-Qi của Đại học Tsing Hua và nhiều giáo sư của trường này di tản qua Đài Loan và thành lập ở đó Viện Công nghệ Hạt nhân Quốc gia năm 1955, sau này trở thành Đại học quốc gia Tsing Hua của Đài Loan. Như vậy có hai đại học quốc gia Tsing Hua, một tại TQ, một tại Đài Loan.

 

Tác giả

(Visited 23 times, 1 visits today)