Trái đất vừa trải qua năm năm nóng nhất
Là đánh giá tổng quan toàn diện về mức độ và tốc độ biến đổi của khí hậu toàn cầu, dựa trên những dữ liệu mới nhất từ các lĩnh vực khoa học khí hậu, “Tuyên bố về Tình trạng Khí hậu toàn cầu” của tổ chức Khí tượng thế giới cho thấy nồng độ khí nhà kính vẫn đang tiếp tục tăng và năm năm qua là quãng thời gian nóng nhất từng được ghi nhận từ trước đến nay.
Một năm kỷ lục
Nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2019 đã cao hơn 1,1oC so với mức nhiệt ở thời kỳ tiền công nghiệp. Năm 2016 là năm duy nhất nóng hơn năm vừa qua, tuy nhiên năm này diễn ra vào cuối giai đoạn El Nino cực đoan. Các khu vực đặc biệt nóng, bao gồm các vùng của Australia, Alaska, Bắc Nga, Đông Âu và Nam Phi, có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trung bình 2oC.
Nguyên nhân chủ yếu cùa những biến đổi khí hậu do con người gây ra nằm ở sự gia tăng khí nhà kính trong bầu khí quyển. Nồng độ của ba loại khí nhà kính mạnh nhất bao gồm carbon dioxide (CO2), methane (CH4) và nitrous oxide (N2O) hiện vẫn tiếp tục tăng lần lượt ở mức là 147%, 259% và 123% so với mức được đo vào năm 1750 ở thời kỳ tiền công nghiệp. Lượng khí thải carbon dioxide toàn cầu từ nhiên liệu hóa thạch đã đạt mức cao kỷ lục là 36,6 tỉ tấn.
Lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực thì ở mức nhỏ nhất kể từ năm 2002, sau sự tan vỡ bất thường vào đầu mùa xuân của xoáy cực Nam Cực.
Nhiều chỉ báo khác về biến đổi khí hậu quy mô lớn cũng đã tiếp tục thể hiện các xu hướng dài hạn trong năm 2019, trong đó bao gồm hàm lượng nhiệt của đại dương toàn cầu. Mực nước biển trung bình toàn cầu cũng đạt một mức cao mới vào năm 2019, trong khi lượng băng ở Bắc Cực và Nam Cực thấp hơn mức trung bình. Khối lượng băng cũng đã giảm trong 32 năm liên tiếp.
Các vụ cháy và hạn hán ở Australia
Báo cáo đã xác nhận tình trạng hạn hán đang diễn ra tại Australia và những điều kiện thời tiết gây cháy khác thường vào cuối năm là hai trong những sự kiện khí hậu toàn cầu quan trọng nhất trong năm vừa qua.
Năm 2019 là năm đầu tiên Australia phá vỡ cả hai kỷ lục nóng nhất và khô hạn nhất trong lịch sử thời tiết từng được ghi nhận ở quốc gia này. Trong tháng 12, chỉ số nguy hiểm về mức độ cháy rừng tích lũy hàng tháng – một chỉ báo về thời tiết gây cháy rừng nghiêm trọng – đạt mức cao nhất từng được ghi nhận ở Queensland, New South Wales, Nam Australia và lãnh thổ thủ đô Australia. Có một số vụ cháy kéo dài hơn hai tháng.
Mùa hè khô hạn ở Tasmania đã góp phần gây ra các đám cháy trong tháng 1 và tháng 2/2019 ở khu vực trung tâm và khu vực phía tây mà bình thường vốn ẩm ướt. Đây là lần thứ 2 trong vòng bốn năm qua, các đám chảy xuất hiện ở những khu vực từng hiếm khi xảy ra cháy.
Những cơn sóng nhiệt và lốc xoáy
Hai đợt sóng nhiệt bất thường đã xuất hiện vào mùa hè ở châu Âu. Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan và Anh đã dẫn đến mức nhiệt cao nhất trong lịch sử của mình. Cả Bỉ và Hà Lan đều lần đầu tiên đạt nhiệt độ 40oC, trong khi đó Pháp đạt mức nhiệt độ 42,6oC.
Australia đã có những đợt sóng nhiệt khắc nghiệt ở cả đầu năm và cuối năm, còn ở Nam Mỹ, mức nhiệt cũng đã vượt quá 30oC về phía Nam Tierra del Fuego.
Những cơn lốc xoáy nhiệt đới là một trong những hiện tượng thời tiết có khả năng tàn phá lớn nhất. Idai là cơn bão lốc có ảnh hưởng nghiêm trọng nhất khi đổ bộ vào Mozambique và Zimbabwe vào giữa tháng Ba và cướp đi sinh mạng của hơn 900 người. Dorian, một trong những cơn bão mạnh nhất từng xuất hiện ở vùng đất ở Bắc Đại Tây dương, đã phá hủy Bahamas còn cơn bão Hagibis đã gây nên một trận lụt hiếm có tại Nhật Bản với lượng mưa hàng ngày lên tới hơn 900mm. Bắc Ấn Độ Dương cũng đã ghi nhận một mùa bão mạnh nhất từ trước đến nay.
Nhìn về tương lai
Các dự báo khí hậu toàn cầu đã cho thấy ở tất cả các kịch bản, nhiệt độ trái đất sẽ tiếp tục tăng lên và những năm như năm 2019 sẽ trở thành “chuẩn mực” trong thập kỷ này.
Báo cáo được đưa ra nhằm cung cấp thông tin các quyết định về việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.
Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2020-03-years-warmest.html