Trầm cảm và con mắt người ngoài cuộc
Xa lánh những kỷ niệm tích cực và chỉ nhớ lại chúng với con mắt của người ngoài cuộc: đó là một trong những rối loạn kỳ lạ nhất của những người mắc bệnh trầm cảm.
Buồn bã kiểu bệnh lý, thờ ơ, chậm chạp khi quyết định, mất cảm hứng hành động: khi có nhiều yếu tố nói trên cùng xuất hiện ở một người, thì đó là dấu hiệu của trầm cảm. Nhưng căn bệnh này còn có một đặc điểm khác: nó không chỉ khiến người bệnh rời xa những người thân xung quanh, mà còn xa lánh chính bản thân người đó. Bởi vì trí nhớ của họ vốn đã bị kém đi và thường ưu tiên cho những kỷ niệm đau buồn. Khi nhớ lại những kỷ niệm này, điều tệ hơn là người bệnh lại nhìn chúng với còn mắt của người chứng kiến bên ngoài, chứ hoàn toàn không phải người trong cuộc. Hiện tượng đặc biệt này thường được những người mắc bệnh trầm cảm kể ra và nó là một trong những rối loạn kỳ lạ nhất trong số các rối loạn về trí nhớ. Đây cũng chính là chủ đề của nhiều nghiên cứu mới đây trong lĩnh vực trí nhớ.
Người bị trầm cảm thường bị ảnh hưởng tới trí nhớ, đặc biệt là các hồi ức về những kỷ niệm |
Ngay từ những năm 1960, các nghiên cứu khoa học đầu tiên nhằm xếp loại những thiếu hụt trong trí nhớ ở những người mắc bệnh trầm cảm đã được thực hiện. Năm 1964, Afred Friedman thuộc Đại học Philadelphia đã làm các nghiên cứu so sánh những người mắc bệnh trầm cảm nặng với những người bình thường[1]. Bệnh nhân và người thường được xếp đôi theo giới tính, tuổi, trình độ xã hội/học vấn, tôn giáo, nơi sinh và tình trạng hôn nhân. Tất cả phải trải qua một loạt các thử nghiệm, bao gồm 39 thử nghiệm khác nhau nhằm khám phá các chức năng của trí nhớ ngắn hạn cũng như dài hạn, khả năng trừu tượng, khả năng lập luận logic, các cảm nhận về sự khéo léo, sự nhanh nhạy về chức năng vận động tâm thần và khả năng tập trung. Kết quả: những bệnh nhân trầm cảm thường có trí nhớ ngắn hạn kém và giảm khả năng duy trì sự tập trung hoặc khả năng tập trung về một vấn đề gì đó. Tuy nhiên, các khả năng khác thì giống nhau giữa nhóm người bệnh trầm cảm và người bình thường. Những kết quả này đã được khẳng định thêm nhiều lần trong suốt 30 năm sau đó.[2]
3 dạng thiếu hụt
Rồi thì các nhà tâm lý học thần kinh đã cùng liên kết với nhau để tìm cách xác định chu kỳ bị ảnh hưởng trong tiến trình ghi nhớ người bệnh trầm cảm. Liệu đó có phải là giai đoạn giải mã, đóng vai trò ghi nhận và gìn giữ thông tin? Hay là giai đoạn hợp nhất cho phép sự lưu trữ tạm thời hoặc vĩnh viễn thông tin? Hay giai đoạn tái tạo thông tin, vốn là bằng chứng tồn tại của trí nhớ? Hay gồm nhiều giai đoạn trong số chúng?
Não của người trầm cảm |
Để biết được điều này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng một phương pháp, trong đó đại để là yêu cầu các bệnh nhân học một danh sách các từ vựng và tái tạo lại chúng trong nhiều bài tập khác nhau. Rồi họ đem so sánh kết quả thu được với những người không mắc bệnh. Những nghiên cứu đa dạng khác nhau được thực hiện cho thấy nổi lên 3 loại khiếm khuyết chính.
Thứ nhất, những người bệnh trầm cảm rất khó khăn trong việc sắp xếp các đồ vật trong danh sách (thí dụ như việc sắp nhóm những từ cùng một thể loại như tên các loại hoa quả, dụng cụ…). Hơn nữa, khi được đề nghị tái tạo lại danh sách các đồ vật đó, họ thường kể tên ra ít hơn so với những người bình thường không mắc bệnh. Cuối cùng, họ lại có thiên hướng nhớ một danh sách các đồ vật có giá trị xúc cảm tiêu cực hoặc trung tính hơn là những đồ vật mang lại giá trị xúc cảm tích cực. Còn một điều là nếu những người bị bệnh trầm cảm thực sự khó khăn trong việc tái tạo lại các thông tin đã được cung cấp, thì những khó khăn đó lại phụ thuộc vào cách người ta đặt câu hỏi cho họ để đánh giá khả năng nhớ của họ. Trên thực tế, chính cách đặt câu hỏi này, bản thân nó có thể ngăn chặn hoặc tạo điều kiện cho việc tiếp cận đến lối dẫn tới những kỷ niệm.
Nhớ tự do
Ghi nhận này đến một cách tự nhiên, sau khi người ta tiến hành các phép thử được gọi là “nhớ tự do” hay các phép thử “nhận biết lại”. Đối với phép thử “nhớ tự do”, người ta đưa cho những người tham gia thí nghiệm một danh sách các từ, sau đó yêu cầu họ tái tạo lại ngay lập tức danh sách các từ này: “Những từ có trong danh sách tôi vừa đưa cho quí vị là gì nhỉ?”. Còn đối với phép thử “nhận biết lại”, người ta lại đưa ra hai câu hỏi khác: “Quí vị đã nhìn thấy từ này trong danh sách đó không nhỉ?”, hay: “Trong hai từ này, từ nào quí vị đã thấy trong danh sách?”.
Khi làm các bài tập dạng thứ hai, các bệnh nhân trầm cảm ít nhiều có kết quả giống với những người đối chứng trong thí nghiệm. Ngược lại, kết quả của họ tệ hơn nhiều trong các phép thử thứ nhất, “nhớ tự do”[3]. Dường như điều này là do trong các phép thử “nhận biết lại”, câu hỏi thường đưa ra một chỉ số cụ thể, trong khi phép thử “nhớ tự do” thì không có chỉ số nào cả.
Nhưng đó chưa phải đã hết. Các bài tập phép nhớ tự do với những câu hỏi kiểu như: “Bạn hãy nhớ đến một kỷ niệm vui cách đây 5 năm” lại khiến các bệnh nhân trầm cảm ở giai đoạn kịch phát nhớ đến các kỷ niệm tự thuật với rất ít các chi tiết rõ ràng [4]. Trí nhớ tự thuật của họ, hay nói cách khác là khả năng tái tạo lại các thông tin cá nhân liên quan tới các sự kiện mang tính tự thuật (thí dụ một lần gặp gỡ) và các chi tiết tự thuật (nơi sinh, tên các bạn cùng học…) đã bị tổn thương.
Những chi tiết bị lãng quên
Một bệnh nhân béo phì nhớ lại những kỷ niệm xưa |
Năm 2006, nhóm nghiên cứu của chúng tôi đã làm sáng tỏ một số nét đặc thù của các rối loạn này[5]. Trong khi nghiên cứu, chúng tôi đã đề nghị các bệnh nhân trong viện và những người không bị bệnh trầm cảm cùng nhớ lại càng chi tiết càng tốt (thời gian, không gian và các sự kiện cụ thể…) các sự kiện hạnh phúc (sinh nhật hay lúc sinh con), cũng như các sự kiện bất hạnh (cái chết của người thân, bệnh tật) xảy ra trong các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của họ (1, 5 hay 10 năm trước thời điểm thí nghiệm).
Trái ngược với người bình thường, các bệnh nhân trầm cảm chủ yếu đưa ra các kỷ niệm tích cực hoặc tiêu cực một cách chung chung. Thí dụ đối với một buổi lễ sinh nhật, người bệnh trầm cảm chỉ nhớ là có một buổi lễ, có nhiều người đến dự hoặc có một chiếc bánh ngọt lớn…, nhưng không thể nhớ chính xác những người đến dự là ai, những gì đã xảy ra trong buổi lễ đó, thậm chí không nhớ cả cảm xúc của họ trong buổi lễ đó như thế nào. Đứng về mặt lâm sàng, dường như các rối loạn về trí nhớ tự thuật ở người trầm cảm báo trước một diễn tiến xấu về mặt ngắn hạn, và nguy cơ tự tử cũng tăng cao. Nếu xem xét rằng trí nhớ tự thuật đóng góp bao nhiêu vào việc hình thành lên nhân cách của một người thì có lẽ chẳng ngạc nhiên khi biết rằng các rối loạn trí nhớ loại này tương đồng rất nhiều với các hành vi thái quá.
Năm 2000, Martin Conway thuộc Đại học Leeds và Kit Pleydell-Pearce thuộc Đại học Bristol cùng đưa ra một mô hình liên quan đến sự liên hệ nhằng nhịt giữa nhân cách cá nhân với trí nhớ tự thuật. Mô hình này cho rằng việc nhớ đến một kỷ niệm tự thuật phải trải qua một tiến trình tái tạo lại tích cực. Sự tái tạo lại kỷ niệm sử dụng các chất liệu tự thuật thuộc 3 mức độ chi tiết tăng dần: các kiến thức liên quan tới một giai đoạn sống (thí dụ: khi tôi còn sinh viên), một sự kiện chung (khi tôi đến cửa hàng bánh Pizza cùng với các anh của tôi) và các chi tiết cụ thể của một sự kiện (buổi lễ do cha tôi tiến hành).
Tái dựng kiểu chéo
Theo Conway, vào lúc gợi nhớ ra một kỷ niệm tự thuật, người nhớ phải đưa ra quan hệ đồng thời và theo cách phối hợp các thông tin cá nhân liên quan tới 3 mức độ nói trên, các kỷ niệm do vậy không được lưu trữ như vốn có trong trí nhớ dài hạn mà được sắp xếp lại vào thời điểm được gợi nhớ[6]. Khái niệm tái dựng lại trí nhớ kéo theo, trong lúc tái tạo lại một kỷ niệm, việc chúng ta sử dụng các thông tin sẵn có trong trí nhớ để tái tạo lại một kỷ niệm bao gồm nhiều phần khác nhau từ sự trải nghiệm ban đầu. Các tiến trình tái tạo lại này cực kỳ phức tạp và đặc biệt là phụ thuộc vào trạng thái tình cảm của đối tượng, vào động cơ ở thời điểm nhớ lại và vào bối cảnh của sự gợi nhớ kỷ niệm…
Thế nhưng, trong nghiên cứu được đề cập tới bên trên[5], chúng tôi nhận thấy ở các bệnh nhân trầm cảm trong giai đoạn kịch phát không chỉ có các kỷ niệm lờ mờ mà còn bị rối loạn trong việc tái dựng lại kỷ niệm.
Đó là cái gì? Đó là khả năng tái dựng lại một trải nghiệm bằng hình ảnh giống như trải nghiệm đã diễn ra khi thông tin được ghi nhận ban đầu.
Tóm lại, khi chúng ta nhớ lại một sự kiện mới xảy ra mà chúng ta có tham dự, chúng ta nhớ lại cả bức tranh toàn cảnh, trong đó có sự kiện đó. Nhưng ở thời điểm ngày càng xa thì chúng ta lại có xu hướng nhớ lại sự kiện này theo cách của một người nhìn từ bên ngoài, như xem một bộ phim vậy.
Dường như những bệnh nhân trầm cảm luôn có cái nhìn của khán giả đối với những kỷ niệm tích cực, điều này gợi cho chúng ta thấy rằng những kỷ niệm này không quan trọng bằng cái tôi của chủ thể. Sự xa lánh càng đúng hơn đối với những kỷ niệm tích cực nhưng cách xa thời điểm hiện tại. Và điều này cũng được nhận thấy ở cả các bệnh nhân đang lành bệnh, không còn triệu chứng của trầm cảm nữa. Trong một nghiên cứu công bố vào năm 2008, trong đó chúng tôi so sánh 20 bệnh nhân đang lành bệnh với 20 người mạnh khỏe, chúng tôi đã chứng tỏ được rằng họ vẫn giữ khoảng cách với các kỷ niệm tích cực ngay cả nhiều tháng sau khi họ bị trầm cảm[7].
Điều này khiến chúng tôi đặt câu hỏi là liệu có một ảnh hưởng “nhiễm độc não” mà căn bệnh trầm cảm gây ra cho vỏ não? Chúng tôi biết rằng ở các bệnh nhân trầm cảm, hoạt động ở một số vùng não bộ đã bị thay đổi (đọc thêm phần Não của người trầm cảm). Chúng tôi cũng biết rằng các thuốc trị trầm cảm, hay các liệu pháp nhận thức thường có tác dụng để bình thường hóa lại các hoạt động này ở vỏ não. Và thông thường, sự “bình thường hóa” này hay đi kèm với việc giảm các rối loạn trí nhớ. Vấn đề là sự tồn tại dai dẳng của “cái nhìn khán giả” ở những người đang lành bệnh khiến chúng ta có thể ngờ rằng não của những người bệnh này vẫn chưa trở về trạng thái ban đầu vốn có của nó trước khi bị trầm cảm.
Hơn nữa, một số bệnh nhân, đặc biệt là những người bị tái trầm cảm thường thấy các rối loạn về trí nhớ của mình nặng thêm tại các thời điểm bị trầm cảm. Thí dụ, các bệnh nhân trầm cảm mà trước đó từng bị bệnh có rối loạn về trí nhớ tự do nặng hơn các bệnh nhân lần đầu bị trầm cảm[8]. Trong khi chưa có các nghiên cứu dài hạn đối với các bệnh nhân, những kết quả nói trên thực sự đã củng cố cho giả thuyết rằng có một ảnh hưởng “nhiễm độc não”do trầm cảm gây ra, đặc biệt ở những người liên tục bị rơi vào các đợt trầm cảm.
Hoàng An dịch La Recherche 7-8/2009
————–
* Philippe Fossati là Giáo sư Đại học Paris VI, Bác sĩ điều trị tâm thần người lớn tuổi tại Bệnh viện Pitié-Salpêtrière và là thành viên tại Trung tâm xúc cảm CNRS USR 3246
1. A.S Friedman, Journal of Abnormal and Social Psychology, 69, 237, 1964
2. R.G Brown et al., Psychological Medecine, 24, 829, 1994; M. P. Austin et al, Psychological Medecine, 29, 73, 1999.
3. P. Fossati et al., Psychiatry Research, 89, 171, 1999.
4. M. William et al., psychological Bulletin, 133, 122, 2007
5. C. Lemogne et al., Conciousness and Cognition, 15, 258, 2006.
6. M. A Conway et C. W. Pleidell-Pearce, Psychological Review, 107, 261, 2000
7. L. Bergouignan et al., Behavious Research anh Therapy, 46, 322, 2008.
8. P. Fossati et al., Journal of Psychiatric Research, 38, 137, 2004.