Trần Huân – Người đi tìm ánh sáng nguyên thủy

Năm 2014 là một năm đáng nhớ cho giới thiên văn Việt Nam với việc ba bài báo chính công bố kết quả đo đạc độ phân cực bức xạ nền vũ trụ – câu hỏi lớn của vũ trụ học quan sát – từ các thí nghiệm BICEP21, SPT2, POLARBEAR3 đều có sự đóng góp của người Việt: Luong-Van trong SPT, Nguyễn Trọng Hiền trong BICEP2, và đặc biệt là POLARBEAR tuy không có tên người Việt nào trong danh sách tác giả nhưng lại có phần đóng góp quan trọng của đài quan sát mang tên Huan Tran, vinh danh nhà nghiên cứu Trần Huân.

Trần Huân sinh năm 1974 tại Việt Nam và cùng gia đình đến Mỹ khi mới bảy tháng tuổi. Anh trải qua thời thơ ấu cùng với năm anh chị em khác tại thành phố Saint Cloud yên bình bên bờ sông Missisippi thuộc tiểu bang Minnesota. Tốt nghiệp xuất sắc nhất trường trung học Saint Cloud Tech High, anh được chọn để đọc diễn văn bế giảng. Sau đó anh chọn trường đại học Saint Cloud ở quê nhà để theo đuổi đam mê thiên văn. Tốt nghiệp xuất sắc ngành vật lý thiên văn, anh được học bổng để theo học tiến sĩ tại trường Princeton cũng giống như hai nhà thiên văn gốc Việt trước đó là Trịnh Xuân Thuận và Nguyễn Trọng Hiền. Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ vào năm 20024, anh chuyển đến Đại học California, Berkeley để làm việc trong nhóm bức xạ nền vũ trụ. Huân là người đề xuất và là giám đốc dự án POLARBEAR đo đạc độ phân cực của bức xạ nền vũ trụ.

Kính thiên văn cho dự án được xây dựng trên đỉnh núi Sierra, California để dễ dàng thử nghiệm hệ thống và thiết bị. Tháng 9 năm 2009, kính đã được hoàn chỉnh sau hơn sáu năm miệt mài chế tạo của Huân và cộng sự. Huân là người đặt dấu ấn vào tất cả các bộ phận của kính, thậm chí anh còn tự tay mình sơn nó.  Anh viết entry cuối cùng trên blog của mình như sau: “Tôi nghe nói rằng năm nay là năm tổ chức kỷ niệm 400 năm phát minh ra kính thiên văn. Tôi hy vọng rằng POLARBEAR cũng có sức ảnh hưởng giống Galileo”5. Tuy nhiên, giữa tháng 12 năm 2009, hai tuần trước giáng sinh, trong một đợt bão tuyết, Huân lên đài quan sát để thực hiện một số kiểm tra cuối cùng trước kì nghỉ lễ và trước khi kính được đưa tới đặt ở Chile. Điều kiện bão tuyết khắc nghiệt và không khí loãng trên đỉnh núi cao đã làm anh chết ngạt trong lúc ngủ. Huân đã ra đi ngay sau khi đài thiên văn POLARBEAR được hoàn thành và chuẩn bị sứ mạng khoa học mang tính cách mạng của mình.

Năm 2010, kính được dời đến sa mạc Atacama, Chile, gần với vị trí của đài giao thoa ALMA do điều kiện khí quyển tối ưu ở đây. Để tưởng nhớ Huân, đồng nghiệp đã thống nhất đặt tên cho kính là kính thiên văn Huan Tran. Chỉ hai năm sau đó, thí nghiệm POLARBEAR trên kính thiên văn Huan Tran, độc lập với SPT,  đã đo đạc được độ phân cực B-mode gây ra do hiện tượng thấu kính trọng trường. BICEP2 ngay sau đó đã công bố đo đạc được độ phân cực B-mode nguyên thủy.

Huân đã ra đi nhưng dấu ấn của anh trong ngành vũ trụ học quan sát cũng như trong tâm trí gia đình, bạn bè và đồng nghiệp vẫn còn đó. Người ta sẽ vẫn còn nhắc đến anh như một nhà tiên phong trong lĩnh vực vũ trụ học quan sát.

Nguyễn Quang Vinh tổng hợp

Tư liệu tham khảo:

1. http://arxiv.org/abs/1307.5830

2. http://arxiv.org/abs/1403.3985

3. http://arxiv.org/pdf/1403.2369v1.pdf

4. Luận văn của Trần Huân: http://wwwphy.princeton.edu/cosmology/mintweb/publications/tran.pdf

5. http://mountainpolarbear.blogspot.ca/2009/09/polarbear-telescope-assmebly-is.html

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)