Tránh tư biện và cực đoan trong nghiên cứu KHXH

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn, giảng viên Khoa Lịch sử - Trường ĐH KHXH&NV- ĐH Quốc gia Hà Nội, chia sẻ về hành trình 13 năm theo đuổi hướng nghiên cứu lịch sử quan hệ giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia khu vực và thế giới thời kỳ tiền cận đại cùng quan điểm nghiên cứu của mình.

Khởi đầu nghiệp nghiên cứu lịch sử thông qua nguồn tư liệu khảo cổ học, giảng viên trẻ Hoàng Anh Tuấn sau đó chuyển sang khai thác tư liệu lưu trữ của các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh. Bản luận án tiến sỹ dưới tựa đề “Silk for Silver: Dutch – Vietnamese Relations, 1637-1700” được bảo vệ thành công tại ĐH Leiden (Hà Lan) năm 2006 và một năm sau được NXB Hoàng gia Brill (Leiden/Boston) ấn hành.

Anh cho biết, anh không phải là người Việt Nam đầu tiên tìm đến các Lưu trữ Quốc gia Hà Lan (La Haye) và Thư viện Quốc gia Anh (London). Từ các thập niên 1980 và 1990, những người thầy danh tiếng của anh như GS Phan Huy Lê và GS Nguyễn Quang Ngọc đã quan tâm tìm hiểu và bước đầu nghiên cứu hai khối tư liệu lưu trữ Hà Lan và Anh kể trên. Đặc biệt, GS Phan Huy Lê đã mang về hàng trăm tấm microfiche sao chụp tư liệu của Công ty Đông Ấn Hà Lan, còn GS Nguyễn Quang Ngọc đã sao được một phần khối tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh và các bản đồ cổ… Một số bài khảo cứu về tư liệu và giới thiệu hoạt động của các Công ty Đông Ấn châu Âu ở quốc gia Đại Việt cũng đã được các giáo sư công bố trong thời gian này, góp phần soi sáng những trang sử bị lãng quên và khích lệ giới nghiên cứu trẻ dấn thân khai thác hệ thống những nguồn sử liệu phương Tây vô cùng quý giá này.

Với sự giúp đỡ và khích lệ của các thầy, từ tháng 12/2001 đến 12/2006, anh học tiếng Hà Lan cổ để khai thác gần hai vạn trang tư liệu viết tay của Công ty Đông Ấn Hà Lan và hơn một nghìn trang tư liệu của Công ty Đông Ấn Anh liên quan đến các vương quốc Đàng Ngoài và Đàng Trong thế kỷ XVII. Anh chia sẻ: “Chữ Hà Lan cổ giờ đây gần như tử ngữ nên rất khó; học và đọc gần năm năm nhưng nhiều chỗ vẫn phải hỏi thầy hướng dẫn…”

Các báo cáo thương mại trong gần hai vạn trang tư liệu viết tay liên quan đến Việt Nam của Công ty Đông Ấn Hà Lan được viết rất chi tiết, chứa đựng nhiều thông tin về xã hội Đại Việt thế kỷ XVII: từ đời sống thường nhật của cư dân, tình hình sản xuất, các biến động chính trị trong cung vua và phủ chúa, hoạt động tôn giáo, các sự kiện bang giao với các quốc gia lân bang… PGS. Hoàng Anh Tuấn cho biết, sự mật tập thông tin khiến anh nhiều khi bị choáng ngợp, nhất là những thông tin mới lạ không như chúng ta vẫn thường quan niệm. Tuy nhiên, trong khuôn khổ bản luận án, anh chỉ tập trung sâu vào quan hệ chính trị và các hoạt động thương mại giữa Công ty Đông Ấn Hà Lan với triều đình Lê – Trịnh. Anh đặc biệt quan tâm đến các thông tin phản ảnh sự phát triển mang tính bùng nổ của nền kinh tế hàng hóa Đàng Ngoài: giá mua/bán tơ lụa từng năm, số vốn đầu tư hằng năm vào Đàng Ngoài, những lực lượng buôn bán chính, kim ngạch xuất khẩu (tơ lụa, gốm sứ, vàng, xạ hương…) và nhập khẩu (bạc, tiền đồng, hương liệu, xa xỉ phẩm…). “Sự trù mật về thông tin từ nguồn tư liệu lưu trữ và sự nghiêm khắc của các giáo sư hướng dẫn ở ĐH Leiden góp phần định hướng quan điểm sử học thực chứng của tôi về sau,” anh Tuấn nói.

Theo anh Tuấn, trong nghiên cứu lịch sử hải thương Việt Nam thế kỷ XVI – XVIII, nguồn sử liệu trong nước chú trọng nhiều đến đời sống cung đình, đời sống chính trị hơn là đời sống kinh tế – xã hội, vì vậy các nguồn tài liệu lưu trữ phương Tây (công ty Đông Ấn, phái đoàn truyền giáo, các nhà du hành…) có thể coi là nguồn tài liệu quý giá, bổ khuyết cho khối tài liệu trong nước. “Nghiên cứu thực chứng không loại trừ khả năng nhìn rộng. Một nghiên cứu sử học mang tính khái quát không thể tách rời các nguồn sử liệu, bởi sử liệu là nền móng để nhà sử học đứng trên đó mà nhìn xa và rộng hơn. Xa rời phương pháp sử học thực chứng dễ dẫn người ta đến tư biện hóa nghiên cứu của mình.” Cùng với quan điểm đề cao “thực chứng”, anh cũng đặc biệt quan tâm đến góc nhìn “toàn cầu”: “Các sự kiện lịch sử mấy khi tồn tại biệt lập, đặc biệt là trong kỷ nguyên giao lưu toàn cầu từ sau thế kỷ XVI, các sự kiện càng có xu hướng liên đới mật thiết với nhau (truyền giáo, dòng chảy tiền tệ quốc tế, di dân, dịch bệnh…)”.

Những năm tháng theo đuổi định hướng nghiên cứu về khảo cổ học biển và lịch sử thương mại biển đã tạo điều kiện để PGS.TS Hoàng Anh Tuấn đi sâu tìm hiểu vị trí và vai trò của Việt Nam trong lịch sử giao thương khu vực Đông Á, đặc biệt là trong hệ thống thương mại mang tính toàn cầu ở các thế kỷ XVI – XVIII: “Việt Nam là một mắt xích rất quan trọng trong hệ thống thương mại liên hoàn của thế giới thời kỳ tiền cận đại. Chẳng hạn, trong thế kỷ XVII, nếu không có nhịp cầu thương mại với Đàng Ngoài, Công ty Đông Ấn Hà Lan khó mà đạt được thành công về thương mại như nó từng có bởi nguồn tơ lụa Đàng Ngoài chính là chìa khóa để người Hà Lan mở cửa thị trường bạc của Nhật Bản – mặt hàng quyết định sự thành bại của nền mậu dịch Hà Lan ở phương Đông”.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng: “Xét từng góc độ cụ thể, Việt Nam trong lịch sử có thể chưa là một thế lực đại dương theo nghĩa có những đội tàu quy mô dọc ngang các vùng biển khu vực. Tuy nhiên, điều đó không thể phủ nhận vị trí và vai trò của Việt Nam trong hệ thống giao thương khu vực và thế giới trong lịch sử. Trước hết, tự thân vị trí địa lý mang tính cầu nối giữa Đông Bắc Á và Đông Nam Á đã làm cho Việt Nam trở nên quan trọng trong các hoạt động giao thương khu vực. Thứ hai, Việt Nam luôn có những thương phẩm xuất khẩu hấp dẫn thương nhân ngoại quốc (tơ lụa, gốm sứ, quế, xạ hương…). Thứ ba, vị trí địa lý và điều kiện lịch sử nếu được hỗ trợ bởi các chính sách mang tính cởi mở và phóng khoáng của các triều đại (Lý, Mạc, Lê-Trịnh, chúa Nguyễn) thì Việt Nam có thể vươn ra dự nhập vào các mạng lưới giao thương khu vực và quốc tế”.

Đặt trong bối cảnh giao thương khu vực thời kỳ tiền cận đại, PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng việc đề cao quá mức sự chi phối hoặc đóng góp của người phương Tây hay người phương Đông trong hệ thống hải thương quốc tế đều dễ dẫn đến những trạng thái “cực đoan” bởi sự ảnh hưởng hay chi phối của từng cộng đồng người luôn thay đổi ở từng giai đoạn cụ thể và ở từng khu vực khác nhau: “Khi người phương Tây mới tìm đến phương Đông (thế kỷ XVI) hệ thống hải thương của người phương Đông đã được vận hành ổn định suốt nghìn năm. Từ đầu thế kỷ XVII – XVIII, vai trò của người phương Tây mới tăng lên và đến thời kì thực dân về sau thì trở nên lấn lướt”.

PGS.TS Hoàng Anh Tuấn cho rằng, mặc dù triển vọng của các ngành KHXH của Việt Nam không quá rộng mở hay quá tươi sáng, nhưng về cơ bản, cơ hội phát triển khá rõ rệt đối với những ai thực sự chuyên tâm với lĩnh vực nghiên cứu của mình. Riêng các nhà khoa học trẻ, theo anh, nên sớm xác định cho mình một định hướng nghiên cứu (dựa vào cảm nhận khoa học của cá nhân hoặc dựa vào tư vấn chuyên môn của những người thầy), đặt mục tiêu cụ thể cho từng chặng đường nghiên cứu và luôn có sự điều chỉnh một cách linh hoạt. Cùng với đó là nỗ lực cải thiện ngoại ngữ để có thể tiếp cận các nguồn tư liệu gốc cũng như nỗ lực tích lũy kiến thức lịch sử, văn hóa… góp phần nhìn nhận vấn đề thấu đáo và toàn diện hơn. Bản thân anh, sau 13 năm kiên trì một hướng nghiên cứu, đã trở thành tác giả của hai sách chuyên khảo và nhiều công bố quốc tế có chỉ số ISI và Scorpus.

Tác giả

(Visited 4 times, 1 visits today)