Trò chuyện từ Nam Cực

TS Nguyễn Trọng Hiền, khoa học gia của cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), được biết đến như khoa học gia người Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực. Hiện anh đang làm việc tại mảnh đất băng giá này. Nhân sự kiện tạp chí Physics World bình chọn IceCube, trạm quan sát neutrinos ở Nam Cực, là thành tựu đột phá của ngành Vật lý năm 2013, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện cùng TS Nguyễn Trọng Hiền từ mảnh đất xa xôi này.

Thưa TS Nguyễn Trọng Hiền, tạp chí Physics World đã bình chọn thành tựu Vật lý đột phá năm 2013 cho trạm Quan sát Neutrinos Nam Cực IceCube (The IceCube South Pole Neutrino Observatory) vì thành tích quan sát được các neutrino vũ trụ năng lượng cao (high-energy cosmic neutrinos). Được biết anh hiện đang công tác tại Nam Cực, ngay sát cạnh trạm quan sát IceCube.Vậy anh có bình luận gì về sự kiện này?

Thí nghiệm hay đài thiên văn IceCube là công trình khoa học lớn nhất tại Nam Cực, và mất gần 20 năm mới hoàn tất (kể luôn cả những thí nghiệm đi trước như Amanda, v.v).

Tôi nghĩ chúng ta cũng nên chúc mừng kết quả bước đầu của IceCube, bởi nó đánh dấu sự khởi đầu của thiên văn neutrino. Đây là loại hình thiên văn mới, khác với thiên văn cổ truyền dùng bức xạ điện từ, như quang phổ, hồng ngoại, vi ba, vô tuyến, quang tuyến X, gamma…

Tôi cho rằng, chuyện có tồn tại các nguồn neutrino trong vũ trụ thì không có gì ngạc nhiên, nhưng Physics World có lẽ hơi vội khi gọi nguồn neutrinocủa IceCube là “cosmic”, tức là ngoài thiên hà của chúng ta. Điều cầnthiết là phải xác định dịch chuyển đỏ (redshift) của nguồn. Tôi không rõ là IceCube đã làm chuyện này chưa.

Độ phân giải góc của IceCube là 0,4 độ thì tôinghĩ khó mà xác định nguồn bằng việc theo dõi bằng các quan sát cổtruyền. Người ta đã phát hiện neutrinos từ các vụ nổ siêu sao đã lâu. Supernova 1987A là một ví dụ. Chỉ là ở mức năng lượng khác với IceCube mà thôi. Kiểu như sử dụng hai loại kính, thiên văn radio (radio telescope) so với thiên văn quang học (optical telescope) trong bức xạ điện từ.

Tôi cho rằng việc Physics World gọi khám phá của IceCube là đột phá của năm còn là một ghi nhận về phương thức quan trắc thiên văn mới. Quả thực đây là một nỗ lực thực nghiệm đáng kể, dầu những người đứng ngoài có khuynh hướng “nghi ngờ” giá trị khoa học của những cố gắng này. Chúng không nhất thiết hứa hẹn sẽ được đền bù với kết quả xứng đáng.

Trong lịch sử, thường người ta có thiết bị quan trắc/đo đạc mới thì sẽ thu được phát hiện khoa học mới, mang tính bứt phá. Cho nên cũng dễhiểu khi nhiều người, trong trường hợp này là Physics World, đã lạc quan với IceCube. Bản thân tôi, sau 20 năm theo dõi nhóm này, thì tôi nghĩ khó mà kỳ vọng IceCube sẽ sớm mang lại một kết quả khoa học thực sự là đột phá. Hay có lẽ chúng ta phải kiên nhẫn hơn, các nhà thiênvăn neutrino còn đang trong thời kỳ mày mò.

Biết đâu cách thiết kế của IceCube đã có những độc đáo riêng, và họ sẽ nhanh chóng phát hiện thêm nhiều nguồn, nền, hay “vật thể” như vậy nữa, và không chừng các nguồn hay vật thể phát hiên bởi IceCube được xác định là từ thời vũ trụ ban sơ, hay từ thời lạm phát, v.v. Biết đâu đấy. Hy vọng thiên nhiên sẽ đối đãi không tệ với IceCube, và chúng ta chúc họ nhiều may mắn.


Bản đồ Nam Cực.Chúng tôi đáp máy bay quân sự Hoa Kỳ từ Christchurch, New Zealand, bay dọc đường kinh tuyến (đây là đường ngắn nhất) để vào Nam Cực, sau khi dừng tại thị trấn Mc Murdo, vùng ven biển của châu Nam cực.

Cột Mốc Nam Cực – 2013 và 2014. Mỗi Năm khối băng trên toàn châu lục trượt chừng mươi mét. Ngươi ta phải phải làm cột mốc mới để đánh dấu Nam Cực khi sang năm mới. Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


Anh có thể mô tả cho chúng tôi một chút về trạm quan sát IceCube được không? Chúng tôi muốn biết trạm quan sát thiên văn này khác so với các trạm quan sát truyền thống như thế nào? Và đặc biệt là vì sao người ta lại phải đưa nhau xuống tận Nam Cực để xây đài quan sát đó? Tại sao không phải là ở một nơi nào khác, mà lại phải ở Nam Cực. Tôi được biết neutrino rất khó bị bắt giữ, vì hầu như không tương tác với vật chất. Nhưng dường như nước đá có một vai trò đặc biệt nào đó đối với việc nắm bắt hạt neutrino trong các thí nghiệm này. Có phải đó là lý do để IceCube được xây dựng ở Nam Cực?

IceCube nằm vùi sâu hơn cả cây số dưới mặt băng, phủ khắp bên dưới diên tích một cây số vuông của khu băng tuyết trắng xoá như anh thấy trong hình. Cái gọi là đài thiên văn neutrino chỉ thế – đồng không mông quạnh. “Thành tích đột phá 2013” của Physics World đấy. Trung tâm điều khiển trên mặt đất của IceCube nằm về phía góc trên bên trái hình (đằng sau người từ xa đang chạy đến). Về phía bên phải của IceCube là quần thể đài thiên văn vi ba, gồm đài thiên văn Nam Cực (SPT), có đường kính 10m, là kính thiên văn lớn nhất châu lục. Rồi đến đài thiên văn BICEP và Keck ngay sát bên. Các anh chị có thể đoán thấy tác giả bức ảnh này ở đâu trong hình không?

Neutrino tương tác với các electrons trong trái đất (hết thảy mọi thứ, kể cả đất, nước và nước đá) và sinh ra các hạt muon hay electron. Những hạt này di chuyển với tốc độ vô cùng lớn, khiến các electrons xung quanh co giật và phát ra tia sáng – tia sáng này còn gọi là Cerenkov, tên một nhà vật lý Nga – và đây là tín hiệu để phát thiện neutrino. Người ta thường dùng nước hay nước đá vì môi trường này ánh sáng truyền đi được dễ dàng (đất cũng sinh ra tia cerenkov, nhưng bị đất hấp thụ trở lại trước khi truyền đến ống nhân quang). Lớp băng ở Nam cực dày đến ba cây số, và rộng gần bằng châu Úc, là điều kiện lý tưởng nhất trên mặt đất để lập đài thiên văn neutrino.

Khác với những đài thiên văn cổ truyền, IceCube không những chỉ nhìn lên trời mà còn nhìn xuống đất, hay xuyên qua lòng đất.”Bầu trời” mà IceCube quan sát không chỉ là bầu trời xanh Nam Cực trong hình, mà còn là bầu trời từ phía bên kia lòng đất. Tức là bầu trời trên Bắc Cực. IceCube gom gần như toàn bộ quả đất làm hệ cảm ứng, cộng thêm với ống nhân quang (photo-multiplier tube) nằm ở bên dưới mặt băng Nam Cực để chụp ảnh vũ trụ ở Bắc Cực. Phải dùng cả đất trời mới nắm lấy được vài dăm hạt neutrino nhỏ bé. Có vẻ như phải dùng cái toàn thể mới cảm nhận được cái không [thể].

Như bị nhuốm phải chất thiền phảng phất trong công việc họ làm, có nhà vật lý đã thốt lên, “Neutrino physics is largely an art of learning a great deal by observing nothing” (tạm dịch, “Vật lý neutrino phần lớn là một nghệ thuật học được nhiều bằng cách quan sát cái không [gì cả]”).

Hì hì… nghe cứ như thiệt. Những câu nói văn vẻ thế này, nói như nhà thơ Lê Đạt khi ông nói về thơ Hoàng Cầm, là chỉ để anh… “tán gái!”. Cái đám vật lý nhà nghề – và hy vọng là cũng không đến nỗi nhà quê – bọn tôi cho rằng “văn chương chữ nghĩa” chỉ “khéo là trò chơi” thôi. “Được nhiều?” “Học được nhiều?” Hơn 20 năm qua các thí nghiệm về neutrino ở Nam Cực không dạy chúng ta điều gì mới cả. Chúng tôi mong phát hiện bước đầu của IceCube trong năm 2013 không chỉ là một tin giật gân để vớt vát với các cơ quan cấp kinh phí khoa học, mà còn là một cố gắng nghiêm túc để dẫn đến những kết quả cụ thể trong 20 năm tới. Điều chắc chắn là trong thời gian tới, các nghiên cứu về neutrino sẽ có những bước nhảy vọt mới, cho dù có mặt IceCube hay không.

Theo anh, ngành “thiên văn neutrino” mà IceCube là khởi đầu có thể giúp chúng ta hiểu biết gì hơn về vũ trụ? Và đâu là những khó khăn mà lĩnh vực nghiên cứu này dự đoán sẽ gặp phải trong tương lai? Những nghiên cứu về thuộc loại này có hứa hẹn một ứng dụng cụ thể nào không, hay chỉ để thỏa mãn trí tò mò của con người. Trong một góc nhìn rộng hơn, sự phát triển của “thiên văn neutrino” có giúp gì cho việc giải quyết những bài toán quan trọng nhất của Vật lý hiện giờ, chẳng hạn việc hiểu được nguồn gốc và số phận của vũ trụ, hay tìm kiếm một lý thuyết thống nhất được hai lý thuyết lượng tử và tương đối?

Có những nơi, như trung tâm mặt trời chẳng hạn, việc quan trắc theo phương thức cổ điển (tức là điện từ như đã nói ở trên) sẽ không hiệu quả, vì ánh sáng thông thường bị hấp thu hay phát tán gần hết. Nhưng neutrino từ trung tâm mặt trời có thể được truyền đi thông suốt và dễ dàng. Tương tự, ta có thể tưởng tượng rằng với neutrino thì quan trắc vùng bên trong quasars, lỗ đen – cho đến bây giờ vẫn là một bí ẩn – có thể hiệu quả hơn. Dùng phương thức cổ điển ta chỉ có thể thấy vũ trụ sớm nhất là khoảng 400,000 tuổi. Tức là bằng việc quan sát bức xạ nền vi ba, ta chỉ có thể thấy Big Bang đến ngần ấy tuổi chứ không thể sớm hơn được. Bởi trước đó vũ trụ là một khối plasma như vùng trung tâm mặt trời. Muốn thu thập dữ kiên về vũ trụ ở giai đoạn trước đó, tức là lúc vũ trụ từ 400,000 năm trở về khoảng chừng một giây tuổi, thì phải dùng neutrino. Còn muốn trước đó nữa, thì ta dùng sóng hấp dẫn – đây lại là một đài thiên văn khác nữa mà tôi hy vọng sẽ có dịp nói đến sau này.

Cho đến gần đây, người ta không kỳ vọng là “thiên văn neutrino” sẽ nhất thiết cung cấp những dữ liệu quan trọng về giai đoạn phôi thai của Vũ trụ. Bởi những ước đoán cho thấy là năng lượng của chúng khá thấp, và khó phát hiện ra.

Thiên nhiên vốn đầy rẫy những bất ngờ. IceCube được chế tạo để quan sát bầu trời phương bắc là chính, nhưng trong những năm đầu, các thiết bị của họ liên tục bị ô nhiễm bởi các neutrino với năng lượng khá cao từ bầu khí quyển phía nam bán cầu. Mối ô nhiễm này tưởng đã kết liễu chương trình khoa học của IceCube. Có lẽ như một động thái tuyệt vọng, các nhà khoa học IceCube quyết định xem thử các hạt neutrino đến từ bầu trời phía nam có số nào năng lượng lớn hơn cái đám neutrino ồn ào từ không khí hay không?

Và sau vài năm mày mò, họ đã may mắn tìm thấy một số hạt neutrino mà họ gọi là neutrino vũ trụ, với năng lượng cao hơn cả một triệu lần những hạt neutrino ồn ào trong khí quyển. Các nhà khoa học IceCube cho rằng khả năng mà những phát hiện của họ bắt nguồn từ thời Big Bang là thấp. Họ phỏng đoán rằng chúng có lẽ bắt nguồn từ những vật thể gần với thiên hà chúng ta hơn. Một trong những giả thiết lạ lùng nhất cho rằng những hạt neutrino năng lượng cao phát đi từ quầng vật chất tối bao phủ chung quanh thiên hà – đây chỉ là phỏng đoán và cho đến nay ta vẫn chưa biết hay kiểm nghiệm được. Nếu điều này trở thành hiện thực, thì đây đúng là kết quả bứt phá, mang tính cách mạng trong vũ trụ học. Và sẽ giúp chúng ta tiếp cận bản chất của vật chất tối ở góc độ hoàn toàn mới!

Tôi vẫn nghĩ con đường để thiên văn neutrino đi đến mục tiêu đó hẳn còn xa. Tiềm năng khoa học của thiên văn neutrino thì rất lớn, mà hiệu quả quan trắc hiện tại thì vẫn còn thấp. Ở trên ta nói là IceCube phải dùng cả trái đất mới thấy được vài dăm hạt neutrino. Có người còn đùa là chắc phải dùng đến cả thiên hà… nói thế để hiểu được mức độ khó khăn của việc quan sát neutrino. (Tiềm năng lớn mà hiệu quả thấp – người Việt mình chắc dễ dàng thông cảm điều này!)

Tôi hy vọng rằng trong tương lai gần, sẽ có những nghiên cứu độc lập để làm sáng tỏ thêm những tia neutrino vũ trụ của IceCube.

Việc một người ở Hà Nội, một người ở Nam Cực, mà lại trò chuyện được với nhau, dù là trò chuyện qua mạng internet, thì cũng là một việc ngoài dự đoán của rất nhiều người. Vậy anh có thể cho biết bằng cách nào mà kết nối được internet từ Nam Cực để giữ được liên lạc với toàn cầu?

Tại đây việc liên hệ với thế giới bên ngoài có phần giới hạn, một phần vì đa số các vệ tinh viễn thông theo quĩ đạo địa tĩnh (geo-synchroneous), tức là quĩ đạo song song với đường xích đạo, và vì thế chúng nằm dưới đường chân trời nếu nhìn từ Nam Cực. Các vệ tinh viễn thông ở Việt Nam là theo quĩ đạo này.

May mắn cho chúng tôi là có vệ tinh GOES, vốn là một vệ tinh cũ kỹ của Hoa Kỳ và người ta gần như là bỏ không. Quĩ đạo GOES bị lệch xuống phía nam bán cầu chừng 5 giờ một ngày nên Nam Cực dùng để liên hệ với thế giới bên ngoài. Một số ít vệ tinh theo quĩ đạo nhật tĩnh đồng tốc (sun-synchronous) – tức là quĩ đạo dọc theo kinh tuyến và vì thế Nam Cực có thể thấy được. Nói chung việc thông tin hơi chậm chạp, và khá đắt đỏ (cho trạm Amundsen-Scott, không phải cho bản thân người sử dụng).

Hôm nay là chủ nhật, 22/12.Tại trạm Amundsen-Scott chúng tôi có buổi nói chuyện khoa học vào mỗi tối chủ nhật. Tiêu đề tối nay là gì, anh thử đoán được không? “Những quan trắc về tia neutrino vũ trụ của IceCube (IceCube Observations of vosmic Neutrino)”. Chứ còn gì nữa!

Bài nói chuyện khá lý thú – John Kelly, người trình bày – đã rất cẩn thận với các dữ liệu mới của IceCube. Tôi đã học khá nhiều điều qua buổi nói chuyện của John.

Hiện anh đang làm gì tại Nam Cực? Anh có thể mô tả thêm về cuộc sống của các nhà khoa học ở đó cho chúng tôi biết không? Ngoài thời gian làm việc thì các anh còn làm gì khác, hoặc có trò giải trí gì khác không? Quả thực chúng tôi rất tò mò về cuộc sống của các anh ở đó. Và nếu được, xin anh cho biết, điều gì níu chân các anh ở vùng đất xa xôi giá lạnh đó?

Tôi hiện đang làm việc tại trạm Amundsen-Scott (Amundsen-Scott South Pole Station). Theo chương trình, tôi sẽ còn làm việc ở đây gần tháng nữa, với các thí nghiệm về bức xạ nền vi ba.

Tôi đến Nam Cực lần đầu vào năm 1992. Lần thứ nhì là 1993, rồi tôi ở quá mùa đông 1994 (gần 12 tháng ở Nam Cực). Lần trước đây là hồi 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm loài người đặt chân đến Nam Cực. Tôi xuống đây có lẽ gần chục lần rồi, tôi không nhớ chắc con số.

Báo chí Việt Nam hay đăng tin một số người Việt mình đến Nam Cực. Thực ra, đa số những anh chị này chỉ đến vùng ven biển châu Nam Cực (tức là Antarctica). Theo như tôi biết cho đến ngày hôm nay – tháng 12/2013 – vẫn chưa có một công dân Việt Nam mang hộ chiếu Việt Nam đặt chân đến South Pole, tức là vĩ độ -90, tức là Nam Cực. Bởi một phần vì các chuyến đi vào đến Nam Cực rất tốn kém. Nếu bạn đọc có thông tin gì khác xin hãy đính chính dùm.

Từ vùng ven biển châu Nam Cực đến Nam Cực cách nhau hơn 1,300km đường chim bay. Ngày trước sự khác biệt này là rất lớn, nhiều người đã thiệt mạng trên con đường đến Nam Cực. Ngày nay thì dễ dàng hơn nhiều, hằng năm người ta tải hằng triệu tấn dầu vào đến tận Nam Cực bằng xe tải; hay bọn tôi, những nhân viên được sự bảo trợ của Cơ quan Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ, chỉ mất ba giờ bay từ ven biển châu Nam Cực bằng máy bay quân sự của Hoa Kỳ.

Những người muốn đi du lịch Nam Cực thì phải thông qua các dịch vụ du lịch tư nhân. Hồi 2011, nhân dịp kỷ niệm 100 năm, có nhiều đoàn du lịch vào Nam Cực. Chi phí cho mỗi chuyến đi như thế rất cao, tốn khoản 70 đến 100 nghìn đô la cho mỗi người. (Các “đại gia” trong nước nếu muốn lập kỷ lục là “Công dân Việt Nam đầu tiên đặt chân đến Nam Cực” vẫn còn cơ hội!)

Nhân đây tôi cũng xin nói thêm. Tôi không phải là người Việt đầu tiên đến Nam Cực. Người Việt đầu tiên đến Nam Cực là anh Bùi Văn Hiền, anh là chuyên viên về truyền thông cho trạm Amundsen-Scott, và ở quá mùa đông vào năm 1987-88.

Gởi anh bức hình tôi chụp sáng chủ nhật 15/12/2013 (giờ New Zealand) để anh hình dung thêm về cuộc sống ở đây. Sáng hôm đó có cuộc chạy việt dã, hay marathon, tại Nam Cực. Cuộc đua bắt đầu ở nơi đánh dấu trục quay của trái đất (geographic south pole), gần bên lá cờ Mỹ ở trong hình. Mọi người đang tề tựu dần ở đó. Nhiệt độ bên ngoài chừng -27 C.
 


Các nhà khoa học chuẩn bị cuộc chạy việt dã (marathon) tại Nam Cực sáng chủ nhật, 15/12/2013. Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.

Ngoài những công việc hằng ngày, toàn bộ mọi sinh hoạt chúng tôi đều ở trong trạm. Một tấm hình hơn vạn câu chữ, có lẽ cách tốt nhất là gởi anh vài tấm hình về những sinh hoạt thường nhật ở đây để anh tiện hình dung.


Uống whisky với các học trò. Từ trái sang: Sarah Kernasovskiy (Stanford), Grant Teply (Caltech), NTH, Kirit Karkare (Harvard). Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


Trong thời gian ở Nam Cực, tuy có đồng nghiệp, nhưng rõ ràng cuộc sống ở đó khác hẳn so với cuộc sống xã hội ở Mỹ hay ở Việt Nam. Đó có thể coi là một hoàn cảnh rất đặc biệt. Và vì vậy tôi nghĩ hành xử của con người, thói quen làm việc, tâm tư, ước vọng, quan niệm về ý nghĩa của cuộc sống… đối với các anh cũng khác so với những người đang sống trong một xã hội nhộn nhịp. Trong hoàn cảnh đặc biệt đó, con người có trở nên đặc biệt không, thưa anh?

Cuộc sống ở đây khá đặc biệt. Mỗi ngày dài sáu tháng, rồi mỗi đêm dài sáu tháng. Tức là nói về mặt địa lý và khí hậu. Nhưng còn lại thì không đến nỗi. Ở đâu thì cũng do nơi bản thân mình mà. Chúng tôi cố gắng thiết lập một nhịp sống bình thường, tức là mỗi 24 giờ đồng hồ vẫn ba bữa ăn. Tối về có ti vi, có mạng internet rồi đi ngủ. Chúng tôi có thể điện thoại với người thân bạn bè ở quê nhà. Cách đây hơn 20 năm, lúc tôi mới xuống lần đầu thì không được như thế.

Bọn chúng tôi vẫn vậy, toàn dân tứ tán. Tôi nghĩ không có gì đặc biệt hơn những đám dân tứ tán khác đâu. Có người đến đây bởi lòng thoáng đãng, bởi sự say mê về một miền đất lạ. Có người chỉ tìm lấy một nhịp sống lặng lẽ, riêng biệt. Một số người thì ham thực hiện những đề án khoa học. Những người trẻ tuổi hơn thì vì nhu cầu thực tiễn khác. Hôm trước tôi hỏi một người, “Cô xuống đây mấy lần rồi?”, “Đây là lần đầu.”, “Thích không?” “Cũng thế”. “Thế năm tới xuống nữa không?” “Chắc là không. Mà để xem, nếu cần tiền…”

Thi thoảng tôi va vào một người bạn cũ, có đứa vui mừng kêu ngay tên mình rồi ôm chầm lấy, có đứa tay chỉ mặt miệng lắp bắp cái tên Việt lâu ngày không gọi… hơn 20 năm chứ chẳng ít. Tôi cũng đã từng gặp vài người Việt nơi này, họ là những kỹ sư hay chuyên viên của công ty thầu (Mỹ) các công trình hạ tầng phái đến. Có một chị, bố mẹ chị người ở Ninh Bình, đã hai lần từng ở Nam Cực qua mùa Đông. Chị ở tân tiểu bang Alaska. Có một anh lần đầu bắt gặp tôi trong hành lang, đã lịch sự chào hỏi bằng tiếng Việt, “Có phải anh là Bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền không?” Anh bảo là có thấy hình của tôi trên tường truyền thống của trạm. Tôi phì cười bảo “Dr.” ở đây là tiến sĩ chứ không phải bác sĩ. Tôi không biết chữa bệnh đâu. Anh bảo rằng anh công tác ở McMurdo, công ty chỉ gọi anh xuống Nam Cực vài hôm thôi, và anh bảo anh hơi “rét” miền đất Nam Cực, một lần thôi chắc anh sẽ không xuống nữa. Tôi kể anh nghe rằng trên bức tường truyền thống có hình của ba người Việt đã ở quá mùa đông trong trạm. Anh xem thấy rất hoan hỉ và tự hào.

Lúc này hầu hết các công trình hạ tầng đã hoàn tất, có lẽ vì thế mà trong những chuyến đi gần đây tôi không còn được gặp đồng hương người Việt mình nữa.

Cuộc sống cách biệt nơi đây có thể làm chúng tôi dễ dàng giúp nhau hơn, thông cảm với nhau nhanh hơn. Ít trộm cắp vặt. Tụi tôi gìn giữ môi trường rất tốt. Mọi rác rưởi đều được phân loại và mang về lại. Tinh thần tiết kiệm năng lượng rất cao. Ở đây chúng tôi phải dùng xăng dầu để nấu nước đá nên mỗi tuần chúng tôi chỉ được tắm hai lần, và mỗi lần chỉ được 2 phút. Không giống như quê mình, nước non thừa thãi đến ngập lụt (cười).


Vườn Rau Nhà Kính, Nam Cực. Mỗi tháng thu hoạch được hàng chục ký rau, cà chua, dưa chuột. Nhà Kính là nguồn cung cấp rau xanh chủ lực cho trạm hè năm nay (2013-14). Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


Gần đây người ta nói nhiều đến biến đổi khí hậu và hiện tượng ấm nóng toàn cầu. Anh có nhận thấy những dấu vết của hiện tượng này ở Nam Cực không, thưa anh?

Ở ngay Nam Cực (vĩ độ -90, hi hi… để bạn đọc bớt nhầm lẫn hai địa danh “Nam Cực” và “Châu Nam Cực) thì không thấy có biến đổi gì rõ rệt. Ở đây chúng tôi có dữ liệu khí tượng từ 1957 và cho đến hôm nay. Ở vùng ven biển châu Nam Cực thì có dấu hiệu thay đổi lớn. Hằng năm số lượng băng tan hay biến mất là đáng kể.

Nói đến Nam Cực là tôi nghĩ ngay đến chim cánh cụt. Nhưng trong bức ảnh anh gửi, chúng tôi không thấy bóng dáng của chú chim nào. Anh có kỷ niệm đặc biệt nào với loài chim này, hay với thiên nhiên của Nam Cực, trong thời gian công tác ở đây không, thưa anh?

Gởi anh vài tấm ảnh về loài chim cánh cụt có tên gọi là Adelie, mõm ngắn và lưng màu đen, cao gần bằng đầu gối người (khác với loài Hoàng Đế hay Emperor, mõm dài và to cao hơn với lưng màu xanh đen, vốn được biết đến nhiều hơn). Đây là loài thú rất thân thiện với người, và nhìn vô cùng sống động.

Đa phần các loài thú đều sống ở ven biển châu lục khoảng vĩ độ 77 nam, nhờ nhiệt độ ở đây ấm hơn. Ở ngay tại Nam Cực, vĩ độ 90 Nam, không có một loài động thực vật nào sống nổi.

Tôi chụp bức ảnh này lúc dừng chân ở McMurdo, một thị trấn nhỏ gần một ngàn người ở vùng ven biển. Hiếm khi thấy được lũ chim cánh cụt ở McMurdo. Hơn 20 năm qua, chỉ một lần tôi ghé Phố Mc và được thấy lũ chim và được đến gần với chúng như thế (chỉ trong một sải tay). Chúng thường theo tàu phá băng, mở ra vùng nước mới và là cơ hội mới để chúng săn lùng thức ăn. Các tàu phá băng đi mở đường trước để các tàu vận tải mới có thể cập vào bờ, cung cấp thiết bị hậu cần cho cả châu lục. Hôm tôi ghé thị trấn này, chiếc tàu phá băng Oden của Thuỵ Điển vừa cập bến. Và may mắn bắt gặp mấy chú Adelie đang đú đởn quanh Lán Scott – một di tích lịch sử ở Nam Cực. Nơi đây Scott và đồng đội đã ở qua mùa đông chuẩn bị thực hiện chuyến đi định mệnh hồi 1911-1912.

Hồi đầu thế kỷ trước, chim cánh cụt là nguồn thực phẩm cho các nhà thám hiểm tiên phong. Ngày nay Hiệp ước Châu Nam Cực nghiêm cấm gắt gao việc xâm phạm đến tất cả các loài vật tại châu Nam Cực.
 


Hình 5: Chim cánh cụt ở Nam Cực. Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


Còn nhớ mỗi lần đi trượt tuyết trước đây, giữa một trời tuyết trắng bao la tinh khiết, trong tôi có một cảm xúc rất lạ. Tâm hồn như được gột rửa, tươi mới. Giữa cái lạnh cắt da, sự sống như trào lên trong từng hơi thở. Không rõ anh có những cảm giác này? Giữa một vùng tuyết trắng mênh mông như vậy, anh có nghĩ gì về thân phận con người, về mối quan hệ giữa con người và tự nhiên? Hay đó chỉ đơn thuần là công việc, đến rồi đi, như bao công việc khác?

Thân phận con người, và mối liên hệ giữa con người và tự nhiên? Lâu quá rồi tôi không còn nghĩ đến những điều này nữa. Anh hỏi làm tôi lại nhớ những bài hát của Trịnh Công Sơn. Chẳng hiểu vì sao. Hồi hai mươi, ba mươi tuổi, chúng tôi đắm chìm trong những bài hát của anh ấy. (Tôi vẫn tự hào xưng mình là người đầu tiên đưa nhạc Trịnh Công Sơn đến Nam Cực mà!) Tôi không hiểu niềm say mê ấy là do những cảm xúc mà Trịnh Công Sơn đã đem nén vào trong giai điệu, hay cái bối cảnh, cái thân phận con người trong thời chiến cũ. Trịnh Công Sơn đã hát rất hay.

“Đêm mẹ ngồi cầu kinh, tường trắng im lìm
Đêm con nằm không ngủ,
Nghe mỏi mòn thêm
Ngày tháng ưu phiền
Tóc mẹ trắng như bông
Đêm chờ…
Đêm Mẹ ngồi ngẩn ngơ, tưởng ngóng trông gì
Đôi khi lời ru nhỏ
An ủi ngày qua,
Ngày tháng bây chừ
Bao người đã ra đi,
Không về…”

Âm hưởng da diết. Chẳng phải ở Huế hay nơi đâu ở quê nhà, hay trong những đêm mưa lặng lẽ, mới thấy da diết thế. Ở Nam Cực với cái lạnh khô khốc, nhạc của lão vẫn níu kéo, da diết đến lặng cả thân người.

Hi hi… thiệt là tào lao. Đang ngày trắng đêm trắng thế này mà tôi lại nói chuyện “Đêm chờ, bao người đã ra đi, không về…” Có lẽ cái ý nghĩ về thân phận con người mà anh hỏi làm tôi lan man thế. Con người và thiên nhiên ư? Thiên nhiên Nam Cực mãi mãi lạnh lùng, nghiệt ngã. Tôi thường nghĩ đến cảm giác nhỏ nhoi, lẻ loi mà những nhà thám hiểm tiên phong đã nếm trải. Tôi đã kinh qua nỗi vô hạn đến kinh sợ của thiên nhiên, dầu là không phải ở Nam Cực. Nên chi tôi cảm thông sâu sắc với niềm vô vọng tột cùng mà những nhà thám hiểm đã phải đối diện hằng ngày trên đoạn đường họ đi về cực Nam của trái đất.

Thì cũng có nghĩa là mình cảm nhận được điều kỳ diệu sâu xa của cuộc sống. Có lẽ, như cảm xúc mà anh Dương đã chia sẻ, mỗi cơ hội được đứng chiêm ngưỡng tạo hoá là như mỗi lần mình được sống, được tươi mới lại. Và tâm hồn như được nghe gọi, rằng hãy nhận lãnh, hãy thưởng thức thời khắc của mình.

Quả thật, đến nơi này nhiều lần rồi mà tôi vẫn choáng ngợp trước vẻ đẹp bao la của đất trời nơi đây. Trong những lúc bề bộn công việc, tôi vẫn thường tự nhắc nhở mình đừng quên là đang ở Nam Cực. Được dịp, như lúc này chẳng hạn, tôi vẫn dành vài giờ pha trà uống và ngồi im lìm nhìn ra khoảng không mênh mông bên ngoài. À, tôi quên nói. Trà Bắc Thái hẳn hoi đó nghe, của người bạn mua từ Hà Nội gởi cho – anh Dương thấy đó, như vầy thì có phải tôi đúng là người sang nhất… Nam Cực không?
 


Buổi tiệc cuối cùng – các bạn trong trạm ngồi tán chuyện gẫu đêm trước khi rời Nam Cực (5 tháng 1, 2014). Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


Ồ, như vậy thì anh đúng là người sang nhất Nam Cực. Mà có khi còn hơn thế nữa. Như tôi đây, đang ở ngay đất Bắc, mà giờ tìm được một chỗ để ngồi uống trà Bắc Thái và im lìm nhìn ra khoảng không mênh mông bên ngoài là điều rất khó. Nhưng chuyện này ta sẽ nói sau. Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện thú vị này.

Mót số hình ảnh chụp tại Nam Cực
 


Nhóm BICEP/Keck trước Đài Thiên Văn Keck (2013).
Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.



Cùng với Zeeshan Ahmed trong cuộc đua vòng quanh thé giới tại Nam Cực (2013). Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.


 


Kéo xăng dầu vào Nam Cực. Mỗi năm Nam cực tiêu thụ gần 1.5 triệu lít xăng dầu. Người ta mang xăng dầu vào Nam Cực bằng hai ngả. Một nữa bằng máy bay. Và một nữa bằng xe tải. Xăng được chứa trong những túi hay bọng như trong hình rồi dùng xe đặc chế đi tuyết để kéo vào. Ảnh: Nguyễn Trọng Hiền.

Tác giả

(Visited 6 times, 1 visits today)