Trò lừa Sokal thứ hai và những tranh cãi chính trị trong lòng học giới Mỹ
Đầu tháng 10, nhóm ba nhà nghiên cứu đã công bố trên tạp chí online Areo về việc họ đã thành công trong việc đăng 7 bài báo khoa học ngụy tạo để “vạch trần” những gì họ gọi là “ngụy tạo học thuật” (grievance studies) trong khoa học xã hội và nhân văn. Việc này đã làm dấy lên những tranh luận ủng hộ và cả những phê phán mang tính chính trị.
Nhóm ba nhà khoa học Mỹ Pluckrose, Lindsay, và Boghossian. Nguồn: Areo Magazine
Trò lừa táo bạo
Từ tháng 6/2017 đến tháng 8/2018, ba nhà nghiên cứu Mỹ là Helen Pluckrose – biên tập tạp chí điện tử Areo; James Lindsay – một nhà toán học độc lập; và Peter Boghossian – phó giáo sư ngành triết, Đại học bang Portland (PSU) đã viết và xuất bản 20 bài báo ngụy tạo và tìm cách đăng tải chúng lên các “tạp chí có bình duyệt danh tiếng.”
Một số bài báo tiêu biểu của nhóm bao gồm một nghiên cứu ngụy tạo về “phản ứng con người với văn hóa cưỡng bức và tập tính đồng giới của chó” tại các công viên thành phố Portland. Bài báo này được đăng trên tạp chí nghiên cứu về giới Gender, Place and Culture. Một bài báo khác sử dụng lại một phần nội dung của hồi ký Hitler Mein Kampf – bao gồm cả tiêu đề “Cuộc tranh đấu của chúng ta là cuộc tranh đấu của tôi” – để trông có vẻ như đang kêu gọi cho công lý nữ quyền. Trong khi đó, một bài báo khi phê phán thiên văn học hiện đại mang bản chất “phân biệt giới tính” và “Tây phương”, đòi hỏi “chiêm tinh học nữ quyền, chiêm tinh học đồng giới, và bản sắc tộc người” phải được coi là một bộ phận của khoa học thiên văn.
Để thực hiện các bài viết này, nhóm tự nhận đã thực hiện một nghiên cứu “dân tộc chí phản ánh” mô phỏng “ngôn ngữ và phong cách” viết của các chuyên gia trong khối ngành KHXH&NVvà các tạp chí, sau đó xây dựng cấu trúc bài viết: bắt đầu từ việc đặt ra một vấn đề đạo đức hoặc lý thuyết, sau đó họ bóp méo lập luận và trích dẫn nhiều nghiên cứu trong ngành để đưa ra một kết luận vô lý về logic hay phi đạo đức.
Trong 20 bài, nhóm tuyên bố xuất bản thành công 7 bài với 4 bài đã được xuất bản online và 3 bài đang chờ xuất bản. Cho đến trước khi công bố, nhóm vẫn còn 7 bài báo nữa đang trong quá trình bình duyệt. Tuy vậy, kế hoạch bị gián đoạn do một nhà báo của tờ Wall Street Journal, Jillian Kay Melchior, bắt đầu đặt dấu hỏi về một số bài viết mới được đăng trong mùa hè của nhóm.
Chính thức công bố ngày 2/10, trò lừa nhanh chóng được truyền thông và internet đặt tên là “Sokal thứ hai” để so sánh với Sự kiện Sokal từng xảy ra cách đó hơn 20 năm. Yascha Mounk, giảng viên chính trị tại Đại học Harvard, tung hô trên The Atlantic rằng đây là “sự hài hước… đồng thời chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng trong học giới”.
Nhớ lại “Sự kiện Sokal” 1996
Năm 1996, nhà vật lý Alan Sokal tại Đại học New York trở nên nổi tiếng nhờ xuất bản một bài báo ngụy tạo trên tạp chí Social Text. Bài báo mang tên “Vượt qua các Ranh giới: Hướng đến nghiên cứu Chú giải sự biến đổi của lý thuyết Hấp dẫn Lượng tử” đã ngụy tạo, bóp méo các lý thuyết hậu hiện đại để “chứng minh” rằng “tồn tại vật lý về bản chất là một kiến tạo xã hội và ngôn ngữ.”
Sokal gây tiếng vang vì Social Text là một tạp chí có vị thế trong giới nghiên cứu văn hóa theo trường phái hậu hiện đại ở Tây Âu và Bắc Mỹ. Sử dụng chính lập luận các nhà tư tưởng hậu hiện đại nổi tiếng khi đó, ông tập trung phê phán vào sự lạm dụng các thuật ngữ khoa học tự nhiên (các khái niệm như “phi tuyến tính”, “tương đối”, “hỗn loạn”…) của trường phái này, và nỗ lực của họ nhằm can thiệp vào phương pháp nghiên cứu như việc áp đặt luận giải về “diễn ngôn”, “kiến tạo xã hội” lên ngôn ngữ khoa học tự nhiên: “Bất kỳ ai tin rằng các định luật vật lý chỉ có giá trị là ‘quy ước xã hội’ xin mời đến thử ‘vượt qua các quy ước’ đó từ cửa sổ chung cư nhà tôi. (Tôi sống trên tầng hai mươi mốt),” Sokal bình luận.
Hơn 20 năm sau, nhóm Boghossian giành được sự chú ý của truyền thông nhưng lại khởi đầu cho một cuộc tranh cãi mới.
Không phải là Sokal ?
Đây không phải lần đầu tiên nhóm Boghossian cố gắng lặp lại Sự kiện Sokal. Năm ngoái, họ cũng đã công bố việc đăng một bài báo khác lên tạp chí Cogent Social Sciences –tuy vậy không gây được tiếng vang do người ta phát hiện tạp chí được đăng bài là một tạp chí trả tiền không tên tuổi.
Cũng tương tự, các tạp chí được cho đăng lần này cũng không phải các tạp chí quan trọng trong ngành, trừ tờ Hypatia và Sex Roles. 6 bài viết đã không qua được vòng bình duyệt: Các tạp chí xã hội học đều từ chối các bài báo nhóm gửi. Một bài báo được nhóm quảng bá về “nữ quyền trong giáo dục” – khuyên giáo viên nên “dạy cho các nam sinh bài học về nữ quyền bằng cách bắt nạt lại hay bắt trói nam sinh trên sàn nhà” – đã bị từ chối 3 lần và sau cùng không thể xuất bản.
Nhóm bị phê phán vì chỉ tập trung cố gắng xuất bản càng nhiều bài báo càng tốt. Họ cũng cố ý làm giả các số liệu điều tra có thực để đánh lừa hệ thống bình duyệt. Ngoài ra, thay vì tấn công vào một lý thuyết và phương pháp nghiên cứu cụ thể nào, họ lại tấn công vào một hệ thống ngành khoa học nhân văn rất bao quát.
Trên tờ The Chronicle, PGS. Karl Steel từ Đại học Thành phố New York gọi công bố của nhóm Boghossian “đơn giản không phải là nỗ lực nghiêm túc” và chỉ ra các vấn đề: Phạm vi thực hiện quá hẹp; quá tập trung vào việc phơi bày điểm yếu của nghiên cứu giới hay tộc người – là các lĩnh vực hiển nhiên dễ bị thiên kiến. Thử nghiệm của nhóm được thiết kế “nghèo nàn” và mục tiêu tấn công nhắm vào những ngành nghiên cứu không thực sự nghiêm túc – khiến ông cho rằng đây không phải hành động anh hùng học thuật mà là một sự hèn nhát. “Họ tự chứng minh rằng mình không đáng được tin cậy”.
GS. Carl T. Bergstrom, Đại học Washington cũng chung nhận định này: “Để phê phán một cách hiệu quả một lĩnh vực học thuật, anh phải đi vào hệ thống lý thuyết trung tâm, các giả định chính, các phương pháp được chấp nhận rộng rãi, và các kết luận chính của lĩnh vực đó. Sau đó anh phải chỉ ra sự sai sót, không mạch lạc, hay phi lý. Đáng tiếc là các tác giả đã chọn lối đi khác”.
Khoa học là vũ khí chính trị
Nhiều nhà nghiên cứu khác lo lắng rằng sự kiện này sẽ giúp tiếp tay cho các nhóm chính trị cực hữu đang tìm cách phủ nhận toàn bộ các tiến bộ mà nghiên cứu giới hay nghiên cứu về các nhóm yếu thế mang lại. Điều này rất nguy hiểm trong bối cảnh nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc về chính trị, mà chủng tộc và giới là các vấn đề gây tranh cãi mạnh mẽ.
“Dù trò đùa của Sokal rất thông minh, ông đã không bận tâm đến cách thế giới ngoài học thuật tiếp nhận sự việc”, Ellen Schrecker, cựu giáo sư lịch sử Đại học Yeshiva chia sẻ trên The Chronicle nhân kỷ niệm 20 năm sự kiện: “… ông không nhìn rộng ra thực tế là khoa học đã và đang bị tấn công. Chế giễu thuyết giải cấu trúc thì thú vị, nhưng nếu lấn sang khoa học về biến đổi khí hậu thì mọi chuyện sẽ khác.” Sokal, tác giả của trò lừa năm 1996, cũng nhận ra thực tế đó. Ông thừa nhận: “Có một dòng chảy phản trí thức mạnh mẽ tồn tại trong văn hóa Mỹ, có xu hướng coi thường các nhà trí thức và tìm mọi cớ để chê cười họ. Đó là mặt tiêu cực.”
Nhóm Pluckrose và Boghossian cũng bị nghi ngờ giúp “cổ động cho luận điểm của phe cực hữu học thuật”, vô tình hay cố ý, nhà nghiên cứu Cas Mudde đặt nghi vấn. Với Boghossian, bất chấp việc ông tự tuyên bố mình là một người cánh tả, nhà báo của tờ The Guardian Jason Wilson chỉ ra ông có những liên hệ và cảm tình với một số nhóm sinh viên cực hữu tại trường PSU nơi ông làm việc.
Tương lai của sự kiện “Sokal thứ hai” này sẽ ra sao? Các thành viên của nhóm bày tỏ sự lo lắng về tương lai – Pluckrose nghĩ rằng cô sẽ khó có thể được nhận học tiến sĩ, Lindsay và Boghossian tin rằng mình sẽ có thể bị phạt hay mất việc và trở thành “ăn mày học thuật”. Nhưng những khả năng này khó xảy ra. Thiệt hại thật sự có lẽ thuộc về giới học thuật Mỹ, vốn luôn phải đấu tranh chống lại ảnh hưởng của chính trị trong nghiên cứu.
Tuấn Quang tổng hợp
Nguồn: The Chronicleof Higher Education, Areo, The Atlantic, The Washington Post,