Trong 30 năm, sóng nhiệt gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD

Những tổn thất kinh tế nặng nề do biến đổi khí hậu không còn là một viễn cảnh xa vời. Mới đây, một nghiên cứu trên tạp chí Science Advances đã phát hiện ra rằng những đợt sóng nhiệt từ hiện tượng ấm lên toàn cầu đã gây thiệt hại hàng nghìn tỷ USD kể từ những năm 1990. Trong đó, những quốc gia nghèo nhất và phát thải ít nhất lại là những nước phải hứng chịu nhiều tác động nhất.

Nắng nóng khắc nghiệt gây thiệt hại kinh tế lên đến 6,7% GDP ở các nước nghèo. Nguồn: iStock.com

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Dartmouth đã kết hợp các dữ liệu kinh tế mới và chuyên sâu của các khu vực trên toàn thế giới với nhiệt độ trung bình trong năm ngày nóng nhất (một phép đo cường độ nhiệt thường được sử dụng) cho từng khu vực trong mỗi năm. Họ phát hiện ra rằng từ năm 1992–2013, các đợt nắng nóng cũng trùng với những thay đổi trong tăng trưởng kinh tế. Nhóm nghiên cứu ước tính, những thiết hại của nhiệt độ cao đối với sức khỏe con người, năng suất và sản lượng nông nghiệp có thể lên đến 16 nghìn tỷ USD.

Những phát hiện này đã cho thấy cần thiết phải có ngay các chính sách và công nghệ để bảo vệ người dân trong những ngày nóng nhất trong năm, đặc biệt là ở những quốc gia có khí hậu oi bức và có nền kinh tế dễ bị ảnh hưởng nhất.

“Việc đẩy nhanh các biện pháp thích ứng cho những giai đoạn nóng nhất trong mỗi năm sẽ mang lại lợi ích kinh tế ngay bây giờ”, Christopher Callahan – tác giả thứ nhất và là nghiên cứu sinh tiến sĩ về địa lý tại ĐH Dartmouth, cho biết. “Chúng ta không nên chỉ nhìn vào số tiền phải chi cho các biện pháp thích ứng, mà phải nghĩ đến cái giá của việc không làm gì cả. Nghiên cứu của chúng tôi đã xác định được cái giá phải trả khi không làm gì như vậy, và đó là một cái giá không hề rẻ”.

Theo Justin Mankin – tác giả chính và là trợ lý giáo sư địa lý tại ĐH Dartmouth, đây là một trong những nghiên cứu đầu tiên xem xét cụ thể những ảnh hưởng của sóng nhiệt đến giá trị kinh tế. “Cái giá thực sự của biến đổi khí hậu cao hơn rất nhiều so với những gì mà chúng ta tính toán từ trước đến nay”, Mankin nói.

Các mô hình khí hậu và các nghiên cứu trước đây đã tính đến sóng nhiệt cũng như các hiện tượng thời tiết cực đoan khác do biến đổi khí hậu gây ra, ví dụ như sự xuất hiện ngày càng dày đặc hơn của lũ lụt, cũng như bão với cường độ mạnh hơn. Tuy nhiên, theo Callahan, sóng nhiệt có một đặc trưng riêng. Chúng xảy ra trong khoảng thời gian ngắn hơn hạn hán và nhiệt độ của những ngày nóng nhất trong năm cũng được dự báo sẽ tăng nhanh hơn nhiều so với nhiệt độ trung bình toàn cầu (khi hoạt động của con người tiếp tục gây ra biến đổi khí hậu).

“Sóng nhiệt là một trong những hậu quả trực tiếp và hữu hình nhất của biến đổi khí hậu mà con người có thể cảm nhận được, song các tính toán của chúng ta về tác động của biến đổi khí hậu hiện tại và tương lai vẫn chưa đánh giá đúng mức hiện tượng này”, Callahan nói.

Kết quả nghiên cứu cũng làm nổi bật các vấn đề về công bằng khí hậu và bất bình đẳng. Theo đó, các quốc gia nghèo nhất trên thế giới đã và sẽ phải gánh chịu nhiều nhất những hậu quả kinh tế của thời tiết khắc nghiệt, cũng như những chi phí cho biện pháp thích ứng. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia này đóng góp ít nhất vào việc gây ra biến đổi khí hậu.

Các nhà khoa học phát hiện ra, trong khi thiệt hại kinh tế do các hiện tượng nắng nóng khắc nghiệt chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trên đầu người đối với các khu vực giàu có nhất thế giới, thì con số này lại lên đến 6,7% ở các khu vực có thu nhập thấp. Thêm vào đó, nghiên cứu cũng cho thấy ở một mức độ nào đó, một số khu vực giàu có ở châu Âu và Bắc Mỹ – vốn nằm trong số những nơi phát thải carbon nhiều nhất thế giới – về mặt lý thuyết có thể còn thu được lợi ích kinh tế trong giai đoạn thời tiết ấm hơn.

Bởi vậy, theo Mankin và Callahan, các quốc gia phát thải chính trên thế giới nên đóng góp phần lớn chi phí thích ứng với hiện tượng sóng nhiệt, đồng thời cần phải hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp xây dựng các nền kinh tế phát thải thấp. □

Mỹ Hạnh dịch

Nguồn: https://phys.org/news/2022-10-driven-climate-global-economy-trillions.html

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)