Trong những giấc mơ thời gian
Liệu con người, và các dạng sống khác, có cần biết đến thời gian trong quá trình tồn tại?
Thời gian là một trong những bí ẩn bậc nhất của con người mà cho đến nay vẫn chưa được trả lời một cách toàn vẹn. Thoạt nghe thì tưởng chừng như phản trực giác nhưng thật ra, vô cùng khó để hiểu về thời gian, và lý giải nó còn khó gấp bội. Thời gian vô hình, vô tướng, chưa ai mô tả trực quan được hình dạng của thời gian, chưa ai kìm giữ được mũi tên thời gian… Điều đó làm chúng ta nhớ đến sự tương đồng của ẩn số tự nhiên này với những áng mây mà theo nhà triết học mỹ học và lịch sử nghệ thuật Pháp Hubert Damisch “Mây là một vật thể vô diện nhưng không vì thế mà không có thực chất… Và dẫu mây vô diện nhưng lại hữu hình”.
Thời gian tồn tại khách quan với chính thế giới vẫn sử dụng nó như một khái niệm miêu tả trình tự chuyển động hay thời gian phụ thuộc vào cảm nhận của con người? hay thời gian chỉ là một ảo ảnh?
Có những câu hỏi được trả lời nhưng cũng có câu hỏi thì không. Trong khi khoa học loay hoay lật xuôi lật ngược các câu hỏi, nhìn vào các khía cạnh khác nhau của nó để lý giải thì văn chương lại chỉ quan tâm đến sự thú vị khơi gợi của những câu hỏi không dễ dàng được trả lời. Vào tháng giêng năm 1940, nhà thơ Đoàn Phú Tứ, người đỗ tú tài ban Triết học tám năm trước, đã đăng một thi phẩm trên số Tết báo Ngày nay và lập tức ghi danh mình vào lịch sử thi ca Việt Nam.
“…Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh…”
Dẫu không xác thực được bất cứ thông tin nào về thời gian, ngoài việc khoác thêm cái cảm giác mơ hồ, phiêu lãng cho người đọc giữa một không gian bồng bềnh ảo mộng của quá vãng, Màu thời gian của Đoàn Phú Tứ gợi ra câu hỏi tương phản với xúc cảm ấy “đâu là tính chất của thời gian?”, “thời gian tác động đến con người như thế nào”?… Những câu hỏi như thế đưa người ta trở về với câu hỏi nguyên thủy, vốn lơ lửng trong không gian triết học và vật lý kể từ thời cổ đại đến nay, “thời gian là gì”?
Đúng là người ta không thấy được chân tướng của thời gian mà chỉ “cảm nhận” được thông qua những biểu hiện mà thời gian đặt dấu ấn. Nhưng thời gian có phải chỉ co hẹp lại vừa vặn trong phạm vi các đại lượng đo lường mà chúng ta vẫn dùng để khuôn định thế giới và các vật thể trong đó, hiển thị qua dòng chảy nhỏ giọt của cát trong cái đồng hồ cát cứ một thời khắc nhất định lại trống rỗng một đầu, cái nhích chậm chạp của kim giờ kim phút trên mặt đồng hồ hiện đại, hay thứ để xác lập ra những phân đoạn mà chúng ta gọi là quá khứ – hiện tại – tương lai? hay còn là cái gì đó còn có ý nghĩa hơn với sự sống?
Trôi dạt giữa những câu hỏi như vậy, chúng ta rơi vào Những giấc mơ của Einstein (bản dịch Lê Chu Cầu) nơi giáo sư vật lý Alan Lightman kết hợp cả cách tiếp cận khoa học và văn chương, rọi qua vô số thấu kính hướng vào thế giới, mỗi chiếc cho ta thấy thế giới ở một khung thời gian đặc biệt.
Vậy chúng ta có thể tìm thấy trong đó câu trả lời cho câu hỏi muôn thuở “thời gian là gì” không?
Những chiều kích thời gian
E là chúng ta đã quá kỳ vọng. Thay vào việc trả lời thẳng vào câu hỏi này, Alan Lightman đi sâu vào những điều mình tưởng tượng, thử tái lập quá trình tư duy về thời gian và không gian của Einstein trong khi thiết lập thuyết tương đối hẹp, một lý thuyết phá bỏ tính tuyệt đối của thời gian trong cơ học cổ điển Newton đã ngự trị thế giới khoa học suốt hai trăm năm. Những giấc mơ của Einstein không phải là một cuốn tiểu sử về Einstein, nó là một tập hợp những giả thuyết, những điều có thể xảy ra trong bộ não thiên tài của Einstein trong năm 1905, khi ông còn là một nhân viên trẻ mới ngoài hai mươi đang đảm nhiệm công việc kiểm tra các bằng sáng chế tại ở Bern, Thụy Sĩ, và bão não về một lý thuyết có thể làm thay đổi thế giới. Vì vậy, ngay từ đầu, cuốn sách đã nhuốm màu hư cấu.
Đây là cuốn sách đầu tay của Lightman, được xuất bản vào năm 1993, khi ông đã là giáo sư ở MIT, giảng dạy cả vật lý và nhân văn. Hai thập niên có lẻ trước, ông thuộc nhóm các nhà lý thuyết trẻ vây quanh Kip S. Thorne (Nobel 2017) và có luận văn tiến sĩ với tiêu đề “I. Time-dependent accretion disks around compact objects. II. Theoretical frameworks for analyzing and testing gravitation theories” (Những đĩa bồi phụ thuộc thời gian quanh các vật thể compact. II. Các khung lý thuyết cho phân tích và thử nghiệm các lý thuyết hấp dẫn). Đó là lý do mà Những giấc mơ của Einstein đậm đặc những lý thuyết về thời gian và không gian, được diễn tả một cách hấp dẫn qua những mộng cảnh mà chàng trai trẻ Einstein bước vào hằng đêm.
Giờ đây, chúng ta biết rằng Einstein đã rút ra thuyết tương đối hẹp từ điện động lực học Maxwell (tương tác điện từ), ghi nhận vận tốc ánh sáng không đổi, giống như cách cơ học lượng tử ghi nhận hằng số Planck. Hệ quả của thuyết tương đối hẹp là thời gian chỉ là tương đối giống không gian và đúng với mọi trường hợp. Một thập niên sau, từ thuyết tương đối hẹp, Einstein đã viết nên thuyết tương đối rộng và cả hai lý thuyết đều mô tả hình học không gian và thời gian của thế giới thực. “Là người vĩ đại nhất trong vật lý hiện đại, Einstein đã đưa ra thuyết Tương đối rộng và vật lý của vũ trụ. Trong lý thuyết của Einstein, không gian ba chiều và thời gian đồng biến với nhau thành một không thời gian (space time) và cái không thời gian này không phải cứng nhắc như trong vật lý cổ điển của Newton mà có thể uốn cong. Nó phụ thuộc vào vật chất, năng lượng và chuyển động của vật chất; việc phụ thuộc như vậy nên không thời gian có thể cong. Nói ra thì có vẻ khó hình dung nhưng thực ra nó lại dễ hình dung”, giáo sư vật lý lý thuyết Đào Tiến Khoa (Viện NLNTVN) trao đổi trong bài trình bày “Einstein, Oppenheimer, Landau et. al. và vật lý sao neutron”.
Đó là câu chuyện mà ngày nay chúng ta biết là thành công nhưng Einstein đã phải vật lộn rất nhiều để có được kết cục ấy. Có lẽ, lúc đó ông đã tính toán được sự không phù hợp giữa cơ học cổ điển Newton với các phương trình Maxwell, cái đúng của thí nghiệm Michelson–Morley về vận tốc ánh sáng không đổi, như các nhà vật lý lý thuyết đã biết nhưng ông đã suy nghĩ về thời gian như thế nào? Đây là chỗ để Lightman đặt các giả định – mỗi giấc mơ hằng đêm, dù cách quãng không liên tục, cũng đủ để Einstein của ông khám phá những phiên bản khác nhau của thời gian, hay nói theo ngôn ngữ vật lý là những giả thuyết khác nhau về thời gian, và đẩy những con người ở Bern vào vô số tình huống sống trớ trêu, vô số số phận khác biệt một cách phi lý với thực tại của họ.
Nếu lật giở từng chương, mỗi chương là một giấc mơ, chúng ta sẽ bắt gặp trong mỗi giấc mơ ấy là một khái niệm vật lý về thời gian. Ví dụ trong đêm 19 tháng tư năm 1905, giấc mơ về người đàn ông mặc áo măng tô da dài đứng trên ban công tầng bốn, đang phân vân có nên đi gặp người phụ nữ mình yêu không. Lightman đã đưa ra ba tình huống thời gian khác nhau, mỗi tình huống dẫn đến một tương lai khác nhau của cuộc đời – một không gặp lại nàng mà bù khú với bạn bè, gặp một người đàn bà xinh xắn khác, hai là đến thăm nàng và sống hoàn toàn vì tình yêu ấy, ba là gặp lại nàng nhưng họ hờ hững với nhau. Dường như đây là những sự kiện hoàn toàn riêng rẽ nhưng đó lại là thế giới mà chuỗi sự kiện diễn ra đồng thời bởi mỗi vật thể có thể tham dự vào ba chiều tương lai. “Mỗi tương lai chạy trên một chiều. Mỗi tương lai đều có thật”. Ở đây, thế giới không còn là thế giới của ba chiều không gian, một chiều không gian nữa mà là nơi chốn của ba chiều thời gian. Nếu ba chiều thời gian có vẻ như gây ra nhiều mâu thuẫn về cả lý thuyết và thực nghiệm cho các nhà vật lý thì ngược lại, nó đem đến nhiều suy tưởng văn chương thú vị “Tại mỗi điểm ra quyết định, thế giới sẽ được tách thành ba thế giới với những con người ấy nhưng họ chọn những lối sống khác nhau. Cuối cùng, con số thế giới được sinh ra bất tận”.
30 giấc mơ trải dài trong ba tháng là 30 khái niệm thời gian được “thầy phù thủy” Lightman chưng cất và gia giảm, thêm bớt nhiều yếu tố khác nhau. Trong đó, không thiếu những giấc mơ về vòng lặp thời gian, về khả năng xuyên không từ tương lai trở lại quá khứ, ngày tận thế, phi thời gian, phi ký ức, phi tương lai, phi quá khứ, sự bất tử, thời gian không liên tục, thời gian cục bộ, thời gian cứng nhắc, thời gian trong mối quan hệ với sự kiện, thời gian với vận tốc… Mỗi giấc mơ như một khối nam châm có từ trường đặc biệt hút độc giả, nhất là khi nó ẩn chứa một nghịch lý. Ví dụ trong giấc mơ ngày 29/4, mọi người đều cố sống cố chết chọn nhà ở trên núi cao bởi “độ cao trở thành biểu tượng của địa vị”, bởi càng sống trên cao càng trẻ hơn. Nỗi sợ ở dưới thấp bắt nguồn từ phát hiện của các nhà khoa học “càng sống xa trung tâm trái đất thì thời gian càng trôi chậm hơn”.
Trên thực tế, nó cũng liên quan đến một một thí nghiệm tưởng tượng từ thuyết tương đối hẹp về các cặp song sinh, hay còn gọi là nghịch lý sinh đôi: một người có một chuyến du hành vũ trụ bằng tên lửa tốc độ cao, khi trở về nhà đã phát hiện ra người anh em sinh đôi của mình trên Trái đất đã già đi nhiều hơn. Dù các nhà vật lý coi nghịch lý sinh đôi là hệ quả của việc áp dụng sự giãn nở thời gian và nguyên lý tương đối một cách sai lầm và ngây thơ nhưng cái suy luận tưởng tượng ấy đã kích hoạt rất nhiều dòng chảy cảm xúc của con người nghệ sĩ – triết gia trong Lightman để tạo ra một giấc mơ tưởng chừng phi lí nhưng có thể có lý trong thế giới văn chương.
Trong những giấc mơ mà mình vẽ lên, Lightman đã khéo léo lồng ghép những khái niệm đâu đó xuất hiện trong những trang sách giáo khoa mà nhiều người đã được học nhưng dưới một vỏ bọc mới, hài hước và châm biếm. Ở giấc mơ ngày 18 tháng sáu, hàng vạn vạn người đã hành hương tới Rome. “Họ chờ đến lượt được đặt chân vào Ngôi đền thời gian. Họ chờ tới lúc được cúi đầu trước Đồng hồ vĩ đại”. Sự thành kính với thời gian trong giấc mơ này ít nhiều được Lightman trích rút ra từ lý thuyết của Newton, khi cho rằng vũ trụ song hành với sự tồn tại một đồng hồ chủ (master clock). Newton cảm nhận dòng chảy thời gian và đồng thời cảm nhận được hướng chảy của thời gian đó về tương lai. Thời gian của Newton tồn tại một cách độc lập với bất cứ ai, nó tiến triển với tốc độ nhất quán với mọi người và mọi thứ trong suốt vũ trụ. Điều này phù hợp với nhận thức và trải nghiệm hằng ngày của mọi người về thời gian. Do vậy, sự hài hước đã nảy ra: ai cũng phát sốt lên vì căm phẫn cái đồng hồ vĩ đại “định lượng thời gian trôi qua, nó đặt thước kẻ và compa lên độ dài của lòng ham muốn, nó đo chính xác khoảnh khắc của một đời người. Nó như có phép, không thể chấp nhận được vì phản tự nhiên”.
Nỗi suy tư về thân phận con người
Những chiều kích thời gian, không ít trong số đó là một giả thuyết, một đề xuất của các nhà vật lý, cũng là những khả thể mang tính triết học về sự tồn tại của những thế giới, những xã hội mà chúng ta chưa từng biết nhưng chịu sự tác động của các thước đo thời gian đó. Và đằng sau những chiều kích vật lý là những suy nghĩ sâu sắc hơn về bản chất của sự sống trên Trái đất này, hơn nữa là sự hiện hữu của con người trong một xã hội đầy rẫy phức tạp: nếu sống trong những điều kiện thời gian đó thì con người sẽ ra sao? Con người liệu có hạnh phúc hơn? liệu có cơ hội để có cuộc sống dễ chịu hơn? có thể sống khác đi? có thể vượt thoát khỏi những giới hạn xã hội đang đặt ra? có dám cắt bỏ những đủ đầy vật chất và danh vọng để vươn lấy ước mơ của mình không? Bởi nói như nhà văn Nguyễn Bình Phương “một ngôi nhà đầy đủ tiện nghi là một cạm bẫy, nó giam cầm chúng ta, nó thu nhỏ chúng ta lại, làm chúng ta cạn kiệt dần đi, và khiến đôi chân trở nên thừa thãi trong khi đôi cánh không hề mọc ra. Tự do thường biến mất bởi đủ đầy”.
Vô số những câu hỏi như vậy đã âm thầm vang lên trong những giấc mơ ở Bern, nơi về đêm Einstein sống một cuộc sống khác những biểu hiện của một công chức mẫn cán, chuyên lặp đi lặp lại các nguyên tắc trong thẩm định, kiểm tra các hồ sơ đăng ký bảo hộ sáng chế. Nếu ông bằng lòng với một cuộc sống “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, không suy tư về những chiều không gian và thời gian nằm ngoài cơ học cổ điển của Newton thì có lẽ, ông sẽ không phải là người ghi danh trong lịch sử thế giới và đặt nền tảng cho hiểu biết về vũ trụ bao la này, nơi xảy ra những hiện tượng kì vĩ, nơi “có rất nhiều cặp sao neutron tồn tại song song, nó tương tác với nhau, cùng nhau nhảy một điệu valse vĩnh cửu của vũ trụ. Lúc này, không thời gian quanh đó bị xáo trộn, bị cong đi – vật chất lớn chuyển động, nó sinh ra một làn sóng lan truyền trong vũ trụ, giống như thể ta ném hòn đá to vào ao. Không thời gian bị méo đi rất kinh khủng bởi những va chạm như thế” như chia sẻ của giáo sư Đào Tiến Khoa.
Mượn câu chuyện về Einstein và các giả thuyết khác nhau về thời gian, Lightman đã vẽ ra bức tranh về vô số thế giới mà con người chịu sự chi phối của các nguyên tắc vận hành khác nhau. Liệu chúng ta sẽ hành xử như thế nào trong thế giới phi nhân quả, khi người ta dần dần nhận ra nỗi đau khổ của việc không thể phân biệt đâu là nhân, đâu là quả, đâu là tương lai, đâu là quá khứ? Những vụ án như giết người giữa ban ngày trên quảng trường Wein, trộm tranh quý hay uống rượu trong nhà thờ “phải chăng những hành vi phạm pháp trên đã xảy ra không đúng về thời gian? Hay có lẽ những đạo luật mới lại thúc đẩy những đạo luật mới hơn là ngăn chặn”? Liệu chúng ta sẽ sống như thế nào, nếu vũ trụ quy tụ trở lại một điểm, sau khi ngừng giãn nở như giả thuyết vụ Co lớn (Big Crunch) và khi đó thế giới sẽ vĩnh viễn tàn lụi? Ngày tận thế ấy, trong cái nhìn hài hước của Lightman, không đến nỗi tăm tối như địa ngục. Ngược lại, nó mở ra một cơ hội mới để con người tận dụng quãng thời gian ít ỏi còn lại, sống tốt hơn: trẻ con khoái tỉ vì trường học đóng cửa, tha hồ ném đá thia lia, vung tiền mua kẹo cam thảo; các nhà máy đóng cửa, quốc hội đình chỉ họp bởi “buôn bán, sản xuất làm gì khi thời gian còn lại ngắn ngủi như thế”; trong quán cà phê, người ta thoải mái trò chuyện với tinh thần “bàng bạc một chút tự do”; một số ít chạy đôn chạy đáo làm việc thiện hầu chuộc tội lỗi… “Một thế giới chỉ còn tồn tại có một tháng nữa thôi là một thế giới bình đẳng… Vị trí xã hội còn quan trọng gì nữa. Trong một thế giới chỉ còn một ngày nữa tồn tại thì ai chẳng như ai”.
Những giấc mơ của Einstein về thời gian, thực ra bao hàm cả những giấc mơ mà ai đó thuở đầu đời cũng từng khao khát về một tương lai tốt đẹp sẽ được nếm trải… Nhưng rồi cuộc đời với những biến động không thể biết trước đã đưa mỗi người tới một cảnh huống khác nhau và những hành xử khác nhau. Người đàn ông trong giấc mơ ngày mồng mười tháng năm hẳn không thể biết rằng 10 năm sau ngày ngồi đối diện cùng cha bên bàn ăn, mình đã phải hối tiếc vì “lúc ấy mình không nói nổi rằng mình thương cha. Trên bàn ăn giờ bày hai cái đĩa, hai cái ly, hai cái nĩa như ở buổi chiều tối hôm ấy. Ông định ăn nhưng không nuốt nổi, mà chỉ khóc nức nở”. Trong một thế giới nhiều nỗi ân hận như thế, thảm kịch của nó là “không ai hạnh phúc”, “mỗi người đều cô đơn”. Bởi “một cuộc sống trong quá khứ không thể có phần trong hiện tại. Ai mắc kẹt trong dòng chảy thời gian thì sẽ mắc kẹt trong cô đơn”.
Trong Lược sử thời gian, Stephen Hawking lý giải ba chiều mũi tên thời gian – mũi tên nhiệt động lực học, được phân biệt bằng sự phát triển của entropy (trạng thái mất trật tự, ngẫu nhiên hoặc không chắc chắn của một hệ kín), mũi tên vũ trụ học được phân biệt bằng sự giãn nở của vũ trụ, mũi tên tâm lý học hiển thị sự chấp nhận của chúng ra về một dòng chảy không thay đổi – còn Lightman, ông chỉ muốn đặt thêm chiều xã hội bên cạnh chiều thời gian để nhìn thấu con người. Số phận của một con người, một gia đình, một thế hệ, một xã hội hay cả trái đất này, có là gì so với vũ trụ đã trường tồn 13,8 tỉ năm. Từ hỗn mang đột sinh biết bao nhiêu vật chất không bền mà sự sinh tồn ngắn ngủi chỉ đủ để ươm mầm cho những vật chất bền tồn tại. Đó là con đường tạo ra những nguyên tố và sự sống trên Trái đất này… Thế mà chúng ta lại phí hoài thời gian?
Trên con đường trở thành nhà văn, Lightman đã đặt cho mình rất nhiều câu hỏi về con người, về thế giới tinh thần mà theo ông khó có thể trả lời đầy đủ bằng khoa học. “Toán học và khoa học vô cùng trái ngược với những mơ hồ và mâu thuẫn của con người. Thế giới con người này không có gì tất định và logic cả. Con người làm tôi bối rối”, Lightman viết trên Nature vào năm 2005. “Sau đó tôi nhận ra là những mơ hồ và phức tạp của tâm lý con người đã trao cho văn chương hư cấu, và có lẽ là nghệ thuật, sức mạnh của nó”.
***
Lightman tin rằng, khoa học đem lại nhiều thứ cho nghệ thuật. Nhớ lại câu trả lời của Salman Rushdie trong một buổi nói chuyện ở MIT vào cuối năm 1993 “Nhiều nhà văn trong thế hệ chúng tôi đã cảm thấy theo nhiều cách, sự vượt trội trên thế giới này được đặt trên nền tảng khoa học”, ông cho rằng, khoa học luôn luôn là suối nguồn của những ý tưởng mới còn nghệ thuật thì phát triển trên các ý tưởng đó.
Những cảm nhận mới về con người và thế giới đã dẫn lối ông. Ở cuộc phỏng vấn NYT hay The Guardian, Lightman đều kể rằng, vào một đêm hè không trăng ở Maine, ông đã lạc giữa các vì sao khi trèo lên một con thuyền nhỏ ngoài đảo, tắt động cơ và nằm xuống giữa màn đêm câm lặng. Trong thoáng chốc, ông đã cảm thấy mình như đang rơi vào cái vô cùng. “Thế giới của tôi chợt biến mất trong bầu trời đầy sao. Con thuyền phân rã, cơ thể cũng phân rã… Tôi cảm thấy không chỉ kết nối với các ngôi sao mà còn với cả tự nhiên, và hòa nhập với toàn thể vũ trụ. Tôi tan biến vào cái thực tại màu nhiệm”.
Trong không gian chồng lấn giữa vật lý và văn chương, Lightman thấu được cái năng lực kỳ lạ của con người với cả lý trí và phi lý, rời rã và nồng nhiệt, thận trọng và vượt thoát, khao khát cả sự tất định lẫn bất định, tìm kiếm những câu hỏi có thể trả lời và những câu hỏi mà câu trả lời thì vô định. Lightman viết trên Nature “Trong trường hợp của mình, tôi luôn luôn cảm thấy những cận kề này như một căng thẳng sáng tạo cần thiết cho công việc của tôi, một cơn quặn thắt liên tục trong gan ruột, một cảm giác thưởng thức đầy bất an”.□
Tài liệu tham khảo:
Cao Chi. “Vũ trụ đột sinh: Bức tranh toàn cảnh về vật lý hiện đại”. Tinh vân, Nhã Nam và NXB Tri thức.
Alan Lightman. “A tale of two loves”. Nature|Vol 434 | 17/3/2005
Bài đăng Tia Sáng số 5/2024