Trung Quốc: Bài toán phát triển và ô nhiễm
Chiến dịch xây dựng thêm nhiều nhà máy điện đốt than tại Trung Quốc đang lật nhào thành quả nhiều năm kiểm soát ô nhiễm và làm nhiễm bẩn bầu không khí của Trung Quốc và các quốc gia láng giềng.
Để giải quyết tình trạng thiếu điện kéo dài, Trung Quốc buộc phải xây dựng thêm nhiều nhà máy điện mới. Tuy nhiên, việc tiếp tục xây dựng các nhà máy điện của chính phủ Trung Quốc nhằm đáp ứng sự thiếu hụt về năng lượng lại đang gây ra các vấn đề khác. Phần lớn các nhà máy điện tại đây, cả cũ và mới, sử dụng than nên chúng thải ra ngày càng nhiều bụi than và dioxit lưu huỳnh (SO2) vào không khí. Được biết dioxit lưu huỳnh gây ra mưa axít cũng như nhiều chứng bệnh hô hấp.
Ô nhiễm không khí từ lâu đã là một vấn đề ở Trung Quốc. Tuy nhiên, tình hình trở nên tồi tệ hơn khi vào năm 2003, lượng SO2 phát thải đạt tới mức 21,6 triệu tấn. Đó là lần đầu tiên kể từ năm 1998, lượng SO2 vượt ngưỡng 20 triệu tấn, làm cho mục tiêu giảm lượng khí này xuống còn 18 triệu tấn của chính phủ Trung Quốc tới năm 2005 dường như ngoài tầm với. Dan Millison, chuyên gia môi trường thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết: ”Chất lượng không khí được cải thiện trong một vài năm qua nhưng chiều hướng này hiện đã hoàn toàn bị đảo ngược”.
Đáng ngại hơn là gió không chỉ mang chất độc này đi khắp Trung Quốc mà còn tới các quốc gia lân cận như Hàn Quốc và Nhật Bản, thậm chí là tới cả… Bắc Mỹ. Do vậy, ngoài tác hại mà nó có thể gây ra đối với sức khoẻ của chính người dân Trung Quốc, ô nhiễm không khí còn có nguy cơ làm mối quan hệ của Trung Quốc đại lục với các đối tác thương mại quan trọng trở nên phức tạp hơn. Hồng Kông cũng đang gánh chịu ô nhiễm không khí do gió đưa tới từ đại lục. Tại các nước giàu có nằm cạnh Trung Quốc, sự quan ngại của công chúng về môi trường đã tăng lên trong những năm gần đây và nhiều người cho rằng lỗi chính của sự tàn phá môi trường chính là mức tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, phong trào môi trường vẫn còn sơ khai và có ít tác động tới một chính phủ đang chú trọng tới việc duy trì sự tăng trưởng kinh tế. Mặc dầu vậy, cũng đã có một số quan chức bắt đầu nói về ”chất lượng chứ không phải số lượng” của tăng trưởng và thước đo ”GDP xanh”. Chất lượng tăng trưởng và GDP xanh có ý nghĩa rộng hơn sản lượng. Tuy nhiên, những tiếng nói như vậy quá nhỏ bé trước thực trạng thiếu điện mà các quan chức lo sợ có thể kìm hãm kinh tế tăng trưởng. Mặc dù Trung Quốc sản xuất nhiều điện hơn so với mọi quốc gia khác (chỉ sau Mỹ), song vẫn không thể đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Nhu cầu sử dụng điện tăng tới mức kỷ lục 15,4% vào năm 2003 đã vượt xa khả năng cung cấp.
Bầu không khí nhiều nơi ở Trung Quốc đã có lúc “không thể thở được” |
Từ đầu năm 2003, chính phủ Trung Quốc đã dỡ bỏ cơ chế kiểm soát kế hoạch hoá và cho phép đầu tư mới để thúc đẩy sản lượng điện. Tới cuối năm 2004, nước này mong đợi sản lượng điện tăng tới 421.810 megawatt hay tăng 19,5% so với cuối năm 2002. Cứ cho là chi phí xây dựng trung bình vượt quá ngưỡng 1 triệu đô la/Megawatt thì ước tính chi phí xây dựng các nhà máy mới trong năm 2003 và 2004 sẽ là gần 70 tỷ đô la. Gần 3/4 sản lượng điện tăng thêm trong năm 2003 và 2004 là do các nhà máy nhiệt điện tạo ra. Nhà máy nhiệt điện chủ yếu sử dụng than. Sở dĩ Trung Quốc thích các nhà máy điện đốt than là do chi phí xây dựng tương đối thấp và có nguồn tài nguyên dồi dào.
Xie Zhenhua, Giám đốc Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia cho biết: ”Sự thật là than vẫn là nguồn năng lượng chính tại Trung Quốc”. Mặc dù các nhà máy điện đốt khí và điện hạt nhân cũng được lập kế hoạch xây dựng song phải tới năm 2006, những dự án lớn đầu tiên mới được triển khai. Theo những dự đoán lạc quan nhất, nhà máy điện đốt than vẫn tiếp tục cung cấp phần lớn điện năng cho Trung Quốc trong ít nhất hai thập kỷ nữa.
Phải mất nhiều năm để giải quyết tình trạng ô nhiễm
Tại một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, ông Xie đã thông báo một số chính sách mà Cục Bảo vệ Môi trường Quốc gia đang soạn thảo để giảm tác động của các nhà máy điện đốt than đối với chất lượng không khí. Những chính sách đó bao gồm yêu cầu mọi nhà máy mới phải lắp đặt thiết bị khử SO2, tăng cường giám sát các nhà máy hiện tại và tạo động lực để giảm thiểu lượng khí phát thải. Đó là những biện pháp đáng khen ngợi và nếu được thực thi nghiêm túc, chúng có thể góp phần giảm ít nhất 3/4 lượng khí phát thải từ nhà máy mới. Tuy nhiên, lượng khí phát thải vẫn tăng!
Các nhà hoạch định kinh tế vẫn tập trung vào việc xây dựng thêm nhiều nhà máy điện, coi đó là giải pháp tốt nhất đối với tình trạng thiếu điện. Tuy nhiên, một số nhà quan sát chỉ ra rằng có những sự chọn lựa khác như tiết kiệm, tăng hiệu suất sử dụng và hoàn chỉnh mạng lưới truyền tải điện. Chúng sẽ góp phần giảm chênh lệch giữa cung và cầu.
Nhiều quan chức trong khu vực muốn thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu lượng khí ô nhiễm tràn tới nước họ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng bởi Trung Quốc đã trở thành đầu tàu tăng trưởng kinh tế quan trọng nhất đối với khu vực. Năm 2003, chỉ riêng Trung Quốc đã đóng góp hơn 2/3 vào sự tăng trưởng hàng xuất khẩu của Nhật Bản và là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hàn Quốc.
Một số nhà bảo vệ môi trường Nhật Bản đổ lỗi cho Trung Quốc về việc làm chất lượng không khí tồi tệ hơn ở đảo quốc này. Mitsutoshhi Hayakawa, Giám đốc điều hành Liên minh Các Công dân Bảo vệ Khí quyển và Trái đất cho biết lượng khí phát thải gia tăng ở Trung Quốc đang ảnh hưởng tới Nhật Bản dưới dạng mưa axít và Tokyo ”đang nỗ lực” tìm ra giải pháp song ”nỗ lực đó là chưa đủ”.
Keiko Segawa thuộc Cục Môi trường Toàn cầu, Bộ Môi trường Nhật Bản, cho rằng: ”Khó có thể đánh giá liệu xu hướng gia tăng khí thải ở Trung Quốc có làm cho chất lượng không khí ở Nhật Bản xấu đi hay không”. Một số mô phỏng cho thấy 10-30% lượng SO2 có trong nước mưa ở Nhật Bản bắt nguồn từ Trung Quốc. Theo mô hình này, nếu Trung Quốc giảm lượng khí phát thải, lượng SO2 trong nước mưa cũng sẽ giảm.
Makoto Nakao, giám đốc Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JBIC) cho biết: ”Chúng tôi coi ô nhiễm môi trường, bao gồm cả khí phát thải, là một vấn đề toàn cầu và sẽ hỗ trợ chính phủ Trung Quốc giải quyết vấn đề”. Ngân hàng này đã cho Trung Quốc vay 1,3 tỷ USD trong mười năm qua để giảm khí thải từ các nhà máy điện. Tuy nhiên, các tổ chức đơn phương như JIBC và tổ chức đa phương như ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ có thể cho vay khi các chính phủ yêu cầu. Millison cho biết: ”ADB sẵn sàng tài trợ các dự án phát triển năng lượng bền vững song chúng tôi không thể buộc mọi người vay tiền”. Do vậy, thách thức là thuyết phục để Bắc Kinh đưa ra đề nghị, yêu cầu các tổ chức trên giúp giảm lượng khí thải.
Những người đang hợp tác với các quan chức môi trường Trung Quốc cho biết họ đang nỗ lực xây dựng quan hệ ở cấp khoa học và cấp cao đồng thời thu thập đủ bằng chứng để thuyết phục các quan chức Trung Quốc hành động. Một quan chức giấu tên trong chính quyền Hong Kong nói: ”Cách tốt nhất mà chúng tôi làm không phải là ngồi chỉ tay mà là chia sẻ giữ liệu với các nhà chức trách đại lục”.
Ngoài ra, còn có một số tổ chức khác đang nỗ lực giải quyết vấn đề này. Các bộ trưởng môi trường của Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản gặp nhau hàng năm cũng như tiến hành các nghiên cứu chung nhằm đưa ra các chính sách cụ thể. Theo Boo Kyung Jin, thuộc Viện Kinh tế Năng lượng Hàn Quốc, vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới ”đang trở nên tồi tệ hơn theo từng năm. Tuy nhiên, chắc phải mất vài năm nữa mới có giải pháp hợp tác”.
Nguồn tin: T.L (Theo FEER 8.7.2004)