Trung Quốc, nước xuất khẩu công nghệ điện hạt nhân lớn nhất thế giới

Trung Quốc (TQ) là nước đang có quy mô xây dựng và xuất khẩu điện hạt nhân (ĐHN) lớn nhất toàn cầu. Sau đường sắt cao tốc, đến lượt ĐHN trở thành tấm danh thiếp thứ hai về “TQ sáng tạo”, được các nhà lãnh đạo nước này thân chinh đem đi khắp thế giới để chào hàng.

Bản thiết kế tổ máy phát ĐHN “Hoa Long 1” (Hualong One) của TQ được coi là thành tựu tự chủ sáng tạo mới trong công nghệ ĐHN thế hệ III, có tính an toàn, tiên tiến và kinh tế, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 85%, tỷ suất khả dụng vào nhà máy ĐHN đạt 90%. Thành tựu này dựa trên kết quả hơn 30 năm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng và vận hành ĐHN của TQ, có tham khảo các ý tưởng công nghệ tiên tiến về ĐHN thế hệ III của thế giới.

Để phục vụ công tác xuất khẩu tổ máy ĐHN “Hoa Long 1”, TQ đã huy động hơn 200 doanh nghiệp trong nước tham gia việc chế tạo và xây dựng tổ máy này, mỗi tổ máy cần đến hơn 80.000 thiết bị; qua đó tạo ra 150.000 việc làm. Nếu xét tới việc cung ứng nhiên liệu hạt nhân và các dịch vụ tiếp theo thì mỗi một tổ máy ĐHN có thể tạo ra giá trị bằng 100 tỷ NDT (1 NDT = 0,161 USD).

Công nghệ ĐHN của TQ đã được nhiều nước chấp nhận bởi nó tuân theo tiêu chuẩn an toàn cao nhất của quốc tế trong các khâu thiết kế, thẩm định, xây dựng, vận hành.

Cho tới nay, TQ đã đưa vào sử dụng 19 tổ máy ĐHN, chưa hề xảy ra bất kỳ vụ việc nào gây thiệt hại về người hoặc làm ô nhiễm môi trường.

Xét theo các chỉ tiêu tính năng vận hành của Hội Các nhà khai thác hạt nhân thế giới (World Association of Nuclear Operators, WANO), các tổ máy ĐHN TQ đang vận hành phổ biến đạt được mức tương đối tốt, một số đạt mức tiên tiến thế giới, cá biệt được xếp hàng đầu. Sau sự cố Fukushima, Cục An toàn hạt nhân TQ đã nêu ra yêu cầu khi thiết kế tổ máy ĐHN phải xét tới yếu tố đề phòng các thiên tai ở mức nặng nhất như động đất mạnh nhất và mưa lớn nhất.

Hội Hạt nhân Thế giới (World Nuclear Association) cho biết, đến năm 2020, toàn thế giới sẽ có thêm 160 tổ máy ĐHN với vốn đầu tư 160 tỷ USD.

Thị trường ĐHN quy mô lớn như vậy sẽ tạo cơ hội cho TQ thực thi chiến lược xuất khẩu công nghệ ĐHN. Mới đây TQ đã ký với Pakistan một hợp đồng lớn trị giá 15 tỷ USD, xuất khẩu sang nước này năm tổ máy, đều dùng công nghệ “Hoa Long 1”. Trong dịp công ty ĐHN Areva (Pháp) tái cơ cấu, đã có ba công ty TQ tỏ ý quan tâm tới công nghệ và nghiệp vụ của Areva. TQ sẽ tham gia đấu thầu dự án ĐHN khổng lồ của Nam Phi, mở thầu vào cuối tháng 7/2015. Thái Lan, Indonesia cũng đã quan tâm tới “Hoa Long 1”. Hiện Thái Lan đã bắt đầu tiến hành độc lập đánh giá công nghệ này.

Tháng Sáu vừa qua, China General Nuclear Power Group (CGN) đã ký thỏa thuận với Trung tâm Năng lượng ASEAN để đào tạo cán bộ ĐHN cho ASEAN. CGN đã mở văn phòng đại diện tại Thái Lan, Việt Nam nhằm đẩy mạnh hợp tác về ĐHN.

 

Tác giả

(Visited 2 times, 1 visits today)