Trung Quốc và lịch sử khoa học thế giới 1450-1770 (phần 1)
Hầu hết các bức tranh ngày nay về sự trỗi dậy của khoa học thường là một vài phiên bản của câu chuyện “thành công” của nền khoa học Tây Âu và “thất bại” của các nền khoa học khác trên thế giới. Giờ đây chúng ta buộc phải đánh giá lại xem lịch sử khoa học toàn cầu cần được viết lại như thế nào.
Các nhà sử học đã miêu tả giai đoạn 1450-1770 chủ yếu trong các khung tham chiếu của châu Âu, kể cả khi những tường thuật của họ nhấn mạnh vào các chủ đề mang tính so sánh. Do sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản, của cuộc cách mạng chính trị, và của nền khoa học hiện đại ở những đất nước công nghiệp hóa của Tây Âu đã trở thành tiêu biểu trong câu chuyện trung tâm mà các nhà sử học kể về thời kỳ này, họ đã không điều tra xem những tương tác giữa châu Á và các nước đầu hiện đại ở châu Âu đã phát triển như thế nào từ năm 1500 dưới góc nhìn của châu Á. Ví dụ, hầu hết các bức tranh ngày nay về sự trỗi dậy của khoa học thường là một vài phiên bản của câu chuyện “thành công” của nền khoa học Tây Âu và “thất bại” của các nền khoa học khác trên thế giới.
Trong hơn một thế kỷ, châu Âu đã tung hô sự thành công của nền khoa học phương Tây và mặc định sự thất bại của khoa học ở các nơi khác. Từ năm 1954, nhà hóa sinh và chuyên gia về lịch sử khoa học Trung Quốc Joseph Needham đã nhấn mạnh sự trỗi dậy của khoa học hiện đại chỉ duy nhất ở châu Âu, nhưng đồng thời cũng công nhận những thành tựu của khoa học và kỹ thuật truyền thống của Trung Quốc trước năm 1600. Trong các thập kỷ kể từ khi Needham trả lời câu hỏi đầy tính khiêu khích của mình- “vì sao đất nước Trung Hoa tiền hiện đại đã không phát triển khoa học hiện đại?”, chúng ta đã phải ngày càng thừa nhận rằng sự tập trung của chúng ta vào sự “thất bại” của Trung Quốc trong việc phát triển nền khoa học của mình lên thành một nền khoa học hiện đại là một cách tiếp cận thú vị theo cảm tính nhưng lại là một cách chép sử sai lầm. Giờ đây chúng ta buộc phải đánh giá lại xem lịch sử khoa học toàn cầu cần được viết lại như thế nào.
Trung Quốc trước khoa học hiện đại của các đế quốc
Các nước châu Âu cho rằng họ vượt trội hơn về công nghệ so với các nước khác từ sau năm 1500, nhưng Trung Quốc không bao giờ đồng ý với quan điểm này cho đến khi họ chứng kiến tận mắt tác động của cuộc cách mạng công nghiệp trên các chiến trường thế kỷ 19 ở Đông Á. Ngược lại với Trung Quốc, nơi người bản địa vẫn nằm trong sự kiểm soát chính trị, chế độ thuộc địa của Anh đã thiết lập một chương trình nghị sự cho các nghiên cứu tự nhiên ở Nam Á. Quyền lực đế quốc của Anh sau năm 1700 đã bức chế các điều khoản về tương tác xã hội, văn hóa và chính trị giữa người bản xứ và người phương Tây ở Ấn Độ. Theo đó, những kiến thức mới được sắp xếp và phân loại theo tiêu chuẩn thực hành khoa học có thẩm quyền của Anh. Các dạng kiến thức thuộc địa chuyển thành các báo cáo, ghi chép thống kê, lịch sử, từ điển địa lý, bộ luật pháp lý, và các bách khoa toàn thư, xui khiến giới tinh hoa của Ấn Độ trở thành một phần công cụ trong kế hoạch thâu tóm chính trị và văn hóa của Anh. Những người bản xứ thuộc địa dần thu nhận đủ kinh nghiệm thực tiễn để hiểu cách thu thập, nghiên cứu và giải thích các kiến thức tự nhiên.
Ví dụ, nhà sử học Gyan Prakash mô tả cách đế quốc Anh đã dàn dựng nền khoa học ở Ấn Độ thông qua các bảo tàng, triển lãm và các dự án của chính phủ. Những dàn dựng đó trình bày khoa học như một dấu hiệu phổ quát của sự hiện đại, làm gia tăng quyền lực thực dân trong thế kỷ 19 thông qua việc giáo dục giới tinh hoa bản địa theo những dạng kiến thức khoa học và lịch sử tự nhiên được chấp nhận. Những người được giáo dục theo kiểu phương Tây này coi khoa học và công nghệ hiện đại như một hệ thống có giá trị và có ích hơn, có thể làm giàu thêm truyền thống bản địa của Ấn Độ. Giới tinh hoa Ấn Độ cũng thỏa hiệp lại những điều khoản về sự cai trị khoa học và kỹ thuật của Anh mà họ chấp nhận. Họ tạo ra một môi trường đàm luận lai ghép giữa khoa học và dân tộc, coi Kinh Vệ-đà (Vedas) cổ xưa của đạo Hindu là gốc rễ của các hình thức khoa học và hiện đại. Với nguồn lực từ đế quốc, trí thức Ấn Độ thích hợp hóa khoa học và uốn nắn lại những truyền thống riêng của mình dưới ánh sáng của những lý tưởng khoa học hiện đại.
Khác với Ấn Độ, Trung Quốc thời kỳ cận đại không thừa nhận sự ưu việt tự xưng của châu Âu về khoa học và tôn giáo ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự tương tác của họ từ sau những năm 1580. Một lý do mà chúng ta có được những miêu tả chi tiết về tình trạng trong các nhà tù ở Trung Quốc trong thế kỷ 16, 17 là vì những người nhập đạo theo lệnh của các dòng Augustinian, Dominican, Franciscan và Dòng Tên (Jesuit) đã ghi lại những bản tường thuật này sau khi triều nhà Minh (1368-1644) giam giữ một số giáo sĩ của họ. Nhưng trên thực tế, người Trung Quốc và Mãn Châu thời nhà Thanh (1644-1911) đã xúi giục các chuyên gia của Dòng Tên trở thành tay sai của triều đình trong bộ máy quan lại để gia tăng chiến lược kiểm soát chính trị và văn hóa của mình, sử dụng những kỹ thuật toán học, thiên văn, quân sự và khảo sát tân tiến nhất. Như vậy, dưới góc độ lịch sử, sẽ là sai lầm nếu ta đánh giá thấp những nỗ lực của Trung Quốc trong việc học hỏi kiến thức phương Tây của những giáo sĩ Dòng Tên trong thế kỷ 16, 17, 18.
Hầu hết các ghi chép của phương Tây miêu tả việc mở rộng của đế quốc Anh đã xung đột như thế nào với một triều đại nhà Thanh coi Trung Hoa là tâm điểm thế giới và dửng dưng với kiến thức khoa học. Nhưng cách nhìn này cần được sửa đổi. Ta không nên xem bức thư nổi tiếng của vua Càn Long (trị vì năm 1736-1795) gửi vua George III năm 1793, từ chối các món đồ, dụng cụ phương Tây như một tuyên ngôn của một triều đại Mãn Châu hoàn toàn xa rời thực tế. Vua Càn Long không dứt khoát bác bỏ công nghệ phương Tây. Triều đình của ông chỉ đơn giản là không công nhận tính độc đáo của những dụng cụ thiên văn, ví dụ như mô hình hệ mặt trời, mà đoàn mệnh sứ Macartney mang đến Trung Quốc. Mặt khác, Càn Long cực kỳ hứng thú với mô hình tàu chiến được trang bị đại bác mà đại sứ Macartney giới thiệu. Không hay biết về cuộc cách mạng công nghiệp đang diễn ra ở châu Âu, vua Càn Long đã sử dụng rộng rãi các giáo sĩ Dòng Tên châu Âu để chế tạo đại bác, thuê họ làm kiến trúc sư, nhà thiên văn học.
Sau khi các giáo sĩ Dòng Tên giúp cho lịch nhà Thanh có thể hoạt động chuẩn xác, vua Càn Long không thấy mô hình vũ trụ của Macartney là quá tuyệt vời nữa. Những hoàng đế sau đó khi đối mặt với sức mạnh hỏa lực quân sự của Anh trong hậu quả của cuộc chiến tranh Nha phiến (1839-1842) đã phải đối phó với một hoàn cảnh công nghệ hoàn toàn khác. Người Trung Quốc đã kết hợp đại số và hình học, đưa nghiên cứu tự nhiên vào thành một phần của giáo dục cổ điển, nhưng sự phát triển liên tục của khoa học và công nghệ ở châu Âu đã khiến Trung Quốc phải dựa dẫm vào các môn khoa học hiện đại được giới thiệu bởi các nhà truyền giáo Tin Lành trong bối cảnh lịch sử mới của thời kỳ hậu Napoleon ở châu Âu sau năm 1815.
Vì sao chúng ta lại đánh giá thấp những thành tựu của Trung Quốc trước năm 1800? Chủ yếu là vì trong cuộc chiến tranh Trung- Nhật từ năm 1894 đến 1895, quân đội và hải quân Nhật đã đánh bại hoàn toàn các lực lượng vũ trang của triều đình Mãn Thanh. Từ đó, những người yêu nước và học giả của cả Trung Quốc và Nhật Bản đều cho rằng Nhật Bản thời Minh Trị (1868-1911) vượt trội hơn hẳn so với Trung Quốc thời nhà Thanh về khoa học và công nghệ hiện đại trước năm 1894. Thật ra, trước cuộc chiến này, nhiều nhà quan sát đương thời cho rằng quân đội và hải quân nhà Thanh mạnh hơn, cho dù nếu chỉ tính về quân số. Sau năm 1895, mỗi bên đều viết lại lịch sử của mình để công nhận chiến thắng của Nhật Bản hay than khóc cho thất bại của nhà Thanh. Đối với người Trung Quốc và Mãn Châu, cuộc chiến Trung- Nhật đã biến công cuộc tự cường (Self- Strengthening Reforms) của nhà Thanh từ năm 1865 đến 1895 thành một thảm họa khoa học công nghệ.
Không gì có thể phủ nhận câu chuyện về thắng lợi của chủ nghĩa đế quốc phương Tây và Nhật Bản nhờ vào khoa học công nghệ trước Trung Quốc. Nhưng ta cũng cần nghe một câu chuyện ẩn đằng sau mối quan tâm lâu đời của người Trung Quốc với thế giới tự nhiên, y học, thương mại, thủ công mỹ nghệ- tất cả đều đặt nền móng cho những tương tác với khoa học, công nghệ và y học châu Âu sau năm 1600.
Hệ lý thuyết truyền thống cuối thời nhà Minh trong bối cảnh mở rộng thương mại
Quan lại thời nhà Minh (1368-1644) lo ngại về việc duy trì nền kinh tế nông nghiệp thời cuối triều đại này. Nguồn lực kinh tế dựa vào sức sản xuất của một hệ thống tích hợp sông- kênh- hồ và thuế đất- hàng hóa- lao động thu từ các nông trại tư trên hơn 1300 quận, nơi khoảng 90% dân số Trung Quốc, tức là khoảng 150 triệu người sống vào năm 1600. Bắt đầu từ năm 1381, triều đình đã phân cấp toàn bộ dân số theo các loại địa vị kinh tế xã hội khác nhau để xác định thuế và đánh giá cơ hội tiếp cận với các cuộc kiểm tra dân sự và quân sự. Được sửa đổi vào năm 1391, công tác đồ sộ này đo đạc những tài nguyên kinh tế nằm trong sự cai quản của nhà Minh, cân bằng sự phân bổ thuế đất (trả bằng hiện vật), và nhận sự phục vụ lao động công bằng từ tất cả các hộ gia đình.
Phỏng theo các mô hình cổ điển trong Chu Lễ (còn gọi là Chu quan hay Chu quan kinh)- bộ sách xuất hiện vào thời Chiến Quốc ghi chép về chế độ quan lại và những tập tục lễ nghi thời Chu, thường được các vị vua chúa sử dụng như kim chỉ nam trong các cuộc cải tổ, sự phân nhóm các hộ gia đình thành nhóm nông dân, bình dân, lính tráng, thợ thủ công, và thương nhân phản ánh vị thế xã hội của mỗi gia đình trong xã hội nhà Minh thời kỳ đầu và lượng lao động mà mỗi gia đình có thể cung cấp cho triều đình. Các công việc được tổ chức theo các đơn vị làng- hộ gia đình gồm 110 hộ trong một cộng đồng. Một gia đình thương gia phải cung cấp được hàng hóa theo yêu cầu; một gia đình quân đội phải đóng góp ít nhất hai binh sĩ phục vụ cho quân đội; gia đình nghệ nhân phải cử một thợ làm việc cho xưởng của triều đình. Tuy vậy, đến thế kỷ 16, khoảng cách rộng giữa lý thuyết và việc thực hành thu thuế của nhà Minh đã làm giảm đáng kể tầm kiểm soát của triều đình đối với kinh tế. Các thị trường khu vực dần chuyển sang sử dụng bạc trong những giao dịch lớn để trả tiền đất và thuế lao động, vượt ra ngoài tầm kiểm soát trực tiếp của triều đình.
Hệ thống thuế của một nền kinh tế có đạo đức mà nhà Minh xây dựng hướng đến cuộc sống làng quê những năm 1400 đã trở nên lỗi thời vào đầu những năm 1600, khi dân số Trung Quốc tăng từ 65 triệu lên 150 triệu người và nền kinh tế trở nên thương mại hóa hơn. Nền kinh tế nhà Minh được biến đổi bởi một cuộc cách mạng nông nghiệp, trong đó ở các tỉnh ven biển phía Nam, sản xuất bông đã thay thế cho gạo. Sự thâm nhập của tiền bạc từ Thế giới Mới (New World), đặc biệt là từ châu Mỹ, đã khiến cho nền kính tế nhà Minh thế kỷ 16 mang tính chất tiền tệ nặng hơn. Sau đó vào thế kỷ 17, tiền bạc từ Nhật Bản nhập vào lại tiếp tục tiền tệ hóa nền kinh tế Trung Quốc. Như vậy, Trung Quốc bắt đầu đối mặt với một thị trường toàn cầu, ngược lại hẳn với những đơn vị công thương mang tính khu vực trước đó. Ngay từ những năm 1570, chính phủ nhà Minh đã phải cúi đầu chấp nhận và thông qua cải cách thuế chuyển hệ thống thuế đất và phục vụ lao động thành một hệ thống tiền tệ duy nhất, trả bằng bạc.
Khi dân số Trung Quốc tiếp tục tăng, tầm ảnh hưởng của bộ máy hành chính khá ổn định của 1350 tòa quận của triều đình lại giảm sút. Tương tự như vậy, giới trí thức triều Minh lo lắng không biết hệ lý thuyết chính thống cổ điển có còn đại diện được cho những nguyên tắc phổ quát của kiến thức trong thời kỳ mà hàng hóa và các đồ vật trong nước được biến thành các hiện vật thể hiện sự giàu sang, có thể được mua bằng bạc nhập từ nước ngoài. Một nhà trí thức thời Minh là Viên Hoàng (1533-1606) đã vạch ra những giằng co giữa đạo đức và sự sung túc bằng cách tạo ra một phép tính đạo đức mới để đo đạc sự giàu có, ghi lại những việc làm tốt và xấu để từ đó khen chê.
Tuy giới trí thức thời cuối triều Minh vẫn đặt hiểu biết của con người trong một lý thuyết cổ điển về tri thức, lượng và tốc độ trao đổi mọi thứ trên thị trường đã tăng theo cấp số nhân. Giới tinh hoa nhà Minh đã trải một sự thay đổi dứt khoát, rời xa những lý tưởng truyền thống về tính hiền triết, đạo đức và sự thanh đạm. Trong một nền kinh tế thị trường liên vùng miền đặc biệt rộng lớn, giới quý tộc và tầng lớp thương gia thượng lưu đã biến việc nghiên cứu vô tư các sự vật hiện tượng để trau dồi đạo đức thành sự tiêu dùng các đồ vật để đạt được những thỏa mãn về cảm xúc và sức khoẻ. Ví dụ, các họa sĩ thời Minh trình bày sự sành sỏi về đồ cổ của người thời kỳ đó qua một thể loại tranh gọi là “Nghiên cứu đại thể cổ vật” (Bogu-tu). Những bức tranh thể loại này phác họa giới tri thức như những nhà sưu tập các đồ vật tinh xảo.
Nghề buôn bán đồ cổ thời cuối nhà Minh đặc biệt dựa vào sự thịnh vượng kinh tế lan tràn khắp đồng bằng sông Trường Giang. Ở đó và một số nơi khác, các thương gia và trí thức sử dụng những nguồn lực tài chính ngày càng tăng của mình để cạnh tranh địa vị xã hội thông qua mức tiêu dùng dễ thấy. Trong các chuyến du ngoạn của mình, họ tìm kiếm các tác phẩm nghệ thuật cổ xưa, những bản thảo đầu tiên, những phiên bản hiếm có, và những món đồ gốm sứ tráng lệ. Họ trả những khoản phung phí quá mức khi tìm được những món đồ mình muốn. Sự nâng cao giá trị của những đồ thủ công mỹ nghệ cổ đã gây ra sự gia tăng sản xuất đồ nhái, đồ giả, và đồng, ngọc, gốm sứ cổ giả mạo. Sự trói buộc với việc sở hữu đồ vật của những nhà chơi đồ cổ thời kỳ này đã thách thức những quan niệm đã thành nguyên tắc của cả kiến thức chính thống và chủ nghĩa xét lại. (Còn tiếp)
Khánh Minh dịch
Nguồn: http://www.princeton.edu/~elman/documents/China_and_the_World_History_of_Science.pdf