Trung Quốc và lịch sử khoa học thế giới 1450-1770 (phần 2)

Thay vì chỉ nói về sự ưu việt của châu Âu- Mỹ trong khoa học kỹ thuật và đưa ra giả định về tinh thần bài khoa học ở các triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, ta cần nhận thấy mối quan tâm của Trung Quốc với khoa học tự nhiên thể hiện trong cách họ tìm hiểu và thực hành các môn học này.

Các môn học cổ đại ở Trung Quốc

Khi người châu Âu đặt chân đến Trung Quốc trong kỷ nguyên khám phá, lĩnh vực tri thức được họ coi trọng nhất- được gọi là scientia (có nghĩa là sự hiểu biết)- không phải là khoa học tự nhiên mà là triết học tự nhiên. “Science” (khoa học) là một từ tiếng Pháp Trung cổ đồng nghĩa với “kiến thức chính xác và có hệ thống”, chuyển thể sang tiếng Latin, từ này trở thành “scientia”. Giới học giả và tinh hoa châu Âu thời đầu hiện đại dùng từ này để chỉ hai chuyên ngành là triết học đạo đức và triết học tự nhiên theo trường phái của Aristotle. Chế độ học tập trong nhà trường bao gồm bảy môn khoa học trung cổ: ngữ pháp, logic, thuật hùng biện, số học, âm nhạc, hình học, và thiên văn học. Bảy môn học này được gọi là “liberal arts” (tạm dịch là các môn khai phóng, nghĩa là các lĩnh vực tri thức cơ bản cần thiết cho những con người tự do), được dùng trong nền giáo dục La Mã để chuẩn bị cho việc đào tạo chuyên sâu hơn ở các ngành triết học, y học, hoặc luật. Bảy môn học cơ bản của châu Âu được coi là nền tảng học vấn, có vai trò tương tự như trong quan niệm cổ điển về sáu môn nghệ thuật của Trung Quốc cổ đại là lễ, nhạc, bắn cung, đánh xe ngựa, thư pháp, và toán pháp.

Thời Phục hưng, các học giả châu Âu kết hợp những thành tựu kiến thức cổ điển của người Hồi giáo với thần học Thiên Chúa, thứ tự ưu tiên những môn học theo trường phái Aristotle là: 1) logic, 2) toán học, 3) khoa học tự nhiên, 4) triết học đạo đức, và 5) triết học siêu hình (metaphysics). Chế độ này được sử dụng lại trong chương trình học (gọi là Ratio Studiorum) của các trường Dòng Tên ở Tây Âu. Các giáo sĩ Dòng Tên truyền bá các môn vũ trụ học, vật lý, và khí tượng học trường phái Aristotle tại Trung Quốc thông qua lý thuyết về kiến thức này của họ.  

Các triều đại sau này của Trung Quốc cũng ưu tiên nghiên cứu toán học bởi nó phục vụ cho các ngành khoa học chính xác tiền hiện đại, như các môn thiên văn, địa lý, bản đồ, và thuật giả kim theo những cách khác nhau. Giới học giả cũng áp dụng những khái niệm theo chủ nghĩa tự nhiên về âm- dương và thuyết ngũ hành để giải thích những thay đổi tự nhiên của vạn vật. Những lý giải duy lý hoặc trừu tượng về các sự vật, hiện tượng tự nhiên là đặc trưng của các nền khoa học tiền hiện đại trên khắp thế giới, đặc biệt là với truyền thống nghiên cứu về tự nhiên của giới tinh hoa Trung Quốc.   

Cho đến năm 1600, châu Âu đã vượt trội châu Á trong các kỹ thuật sản xuất đồng hồ, đinh vít, đòn bẩy, và ròng rọc để sử dụng trong quá trình cơ giới hóa nông nghiệp và sản xuất công nghiệp. Tuy vậy, trong thế kỷ 17 và 18, người châu Âu vẫn phải tìm đến những bí quyết sản xuất tơ, dệt vải, làm đồ sứ và sản xuất chè quy mô lớn từ Trung Quốc. Ngược lại, trí thức Trung Quốc từ trước năm 1800 cũng vay mượn từ châu Âu những ký hiệu đại số mới (có nguồn gốc từ Ấn Độ và Ả Rập), hệ thống vũ trụ học lấy Trái đất là trung tâm của Tycho, hình học Euclide, lượng giác cầu, logarith số học và lượng giác.

Vai trò của Dòng Tên trong việc phát triển khoa học Trung Quốc

Những cáo buộc, rằng giới trí thức Trung Quốc không tò mò về khoa học châu Âu trong thế kỷ 17 và 18 là không đúng sự thật. Các giáo sĩ Dòng Tên đã nghĩ ra một cách tiếp cận mang tính điều chỉnh linh động ở Trung Quốc, đó là tập trung vào toán học và thiên văn học; cách tiếp cận này khác hẳn phương pháp truyền bá mà họ sử dụng ở Nhật Bản, Ấn Độ, Ba Tư, Đông Nam Á và cả Châu Mỹ. Để lấy được lòng tin của nhà vua và giới trí thức, Matteo Ricci (1552- 1610) và các môn đồ của mình đã ưu tiên các môn nghiên cứu tự nhiên và toán học thiên văn trong thời kỳ cuối nhà Minh- đầu nhà Thanh, chính vì họ nhận ra giới trí thức và các hoàng đế Trung Quốc quan tâm đến những lĩnh vực này. Họ cũng nhận thấy mối quan tâm đó sẽ giúp cải thiện môi trường văn hóa, là bước đệm để cải đạo người Trung Quốc thành người Thiên Chúa giáo.  

Thất bại của hội truyền giáo Dòng Tên và những người châu Âu khác đối với việc truyền bá các kiến thức khoa học và toán học trong và sau triều vua Khang Hy trị vì có nguyên nhân không phải chỉ là sự không quan tâm của Trung Quốc, mặc dù đúng là vua Ung Chính ít quan tâm tới khoa học hơn cha của mình. Sự thiếu hiểu biết của Trung Quốc về những phát triển khoa học trong thế kỷ 18 ở châu Âu một phần là kết quả của sự sụp đổ của Dòng Tên và các trường của họ ở châu Âu trong thế kỷ 18, khiến cho sự truyền bá khoa học tới Trung Quốc bị đứt đoạn và người Trung Quốc không có được thông tin về những xu hướng khoa học mới ở châu Âu. Ví dụ, sự sụp đổ của Dòng Tên đã trì hoãn thông tin từ châu Âu về vai trò của giải tích toán học như công cụ cơ bản của các kỹ sư, và vai trò mang tính nền móng của cơ học trong vật lý gần một thế kỷ. 

Năng lực kỹ thuật của các giáo sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc trong thế kỷ 18 bao gồm từ những phương pháp khảo sát cho đến chế tạo súng thần công. Họ cũng giới thiệu cho Trung Quốc hệ thống ròng rọc, đồng hồ mặt trời, kính thiên văn, bơm nước, nhạc cụ, đồng hồ, và các thiết bị cơ học khác. Kẻ thù của Dòng Tên ở châu Âu đã cáo buộc rằng các giáo sĩ Dòng Tên tự biến mình trở nên hữu ích cho Trung Quốc để phục vụ lợi ích cá nhân chứ không phải nhân danh Thiên Chúa giáo. Thêm vào đó, các vua chúa, quan lại, và các gia đình trí thức Trung Quốc rất chuộng hàng hóa sản xuất phương Tây- điều này được phản ánh rõ trong văn hóa vật chất trong các tiểu thuyết thời nhà Thanh như Hồng Lâu Mộng. 

Ban đầu, người Trung Quốc đòi hỏi mức độ chuyên môn về thiên văn cao hơn so với Ricci có thể cung cấp, bởi những nhu cầu của nhà Minh tập trung vào việc dự đoán thiên thực dựa vào thời gian tuần hoàn chứ không phải cách xác định ngày tháng tuyến tính cho Phục Sinh như ở phương Tây. Những nhà cải cách lịch Gregory (đặt theo tên của Đức Giáo Hoàng Gregory XIII) những năm 1570 đã không chú tâm đến thiên thực, họ ưu tiên xây dựng một nền vũ trụ học tiên tiến hơn. Các giáo sĩ Dòng Tên ở Trung Quốc đã đi xa hơn cả thuyết địa tâm (geocentric) của Ptolemy sau khi Ricci qua đời và trở nên thông thạo hệ thống địa nhật tâm (geoheliocentric) mới của Tycho. Tuy vậy, khi đã đạt được việc này, công việc của các giáo sĩ Dòng Tên trong Cục Thiên văn- lịch lại mang tính vận hành kỹ thuật hơn là nghiên cứu khám phá.  

Được trang bị bằng các tri thức và phương tiện kỹ thuật phát kiến bởi Tycho Brahe và đồng sự, các giáo sĩ Dòng Tên chỉ giải quyết những vấn đề họ được thuê để làm. Họ đã không theo kịp với những phát triển khoa học mới hơn ở châu Âu, là sản phẩm của những giáo sĩ Bắc Âu theo đạo Tin Lành ngoài Giáo Hội. Do đó, vào cuối thế kỷ 19 hệ thống Tycho vẫn được sử dụng để đào tạo các nhà thiên văn học thời nhà Thanh ở Trung Quốc. Các hoàng đế Mãn Thanh đã sao lại những mô hình tổ chức dịch thuật mà các trí thức nhà Minh như Từ Quang Khải (1562-1633) đã xây dựng với sự giúp đỡ của Matteo Ricci và Lý Chi Tảo (1565-1630).

Trong thế kỷ 18, việc sự đồng thuận của Dòng Tên tan vỡ trùng hợp với sự tự lực ngày càng lớn của Trung Quốc trong đào tạo toán học và quan niệm mặc định rằng tri thức từ châu Âu thực ra cũng có gốc gác từ tri thức Trung Hoa cổ đại. Dưới sự bảo trợ của triều đình, giới trí thức đã năng cấp toán học từ một kỹ năng bình thường vào những năm 1700 lên thành một lĩnh vực kiến thức quan trọng bổ trợ cho tri thức cổ điển vào năm 1800. Điều trớ trêu trong thất bại về phát triển toán học và khoa học của Dòng Tên của Pháp là, tuy các giáo sĩ Dòng Tên của Pháp có trao đổi với Leibniz (1646-1716)- người đã phát minh ra phép tính vi tích phân mà các kỹ sư người Pháp đã áp dụng trong thế kỷ 18 nhưng chính các giáo sĩ Dòng Tên, chứ không phải người Trung Quốc, đã không nhìn thấu phép đếm cơ số nhị phân ẩn sau những biểu tượng bí ẩn của trật tự 64 quẻ trong Kinh Dịch – một tác phẩm kinh điển của cổ học Trung Hoa. 

Đoàn mệnh sứ Macartney 1793

Năm 1793, những người lãnh đạo của đoàn mệnh sứ Macartney muốn làm nổi trội vai trò lịch sử của họ so với các giáo sĩ Dòng Tên trước đó bằng cách giới thiệu Vương Quốc Anh và bản thân họ như những nhà sản xuất hàng đầu châu Âu và những giáo viên hăng hái, sẵn sàng truyền lại những kiến thức khoa học mới của mình cho triều đình Mãn Thanh và giới trí thức Trung Quốc. Ngài Macartney (1737-1806) tin rằng những món quà mà ông mang tới, đặc biệt là mô hình hệ mặt trời, phức tạp hơn nhiều so với các hỗn thiên nghi địa tâm (một dụng cụ quan trắc thiên văn), đồng hồ cơ, và kính thiên văn mà các giáo sĩ Dòng Tên giới thiệu trước đây. Ông cũng cho rằng những món quà đó sẽ có thể thuyết phục vua Càn Long tin vào địa vị thống trị của Anh trong khoa học và công nghệ.   

Nhưng cả Macartney lẫn nhà cơ khí và toán học trong đoàn của ông là James Dinwiddie (1746-1815) đều không để ý đến sự kiện Công ty Đông Ấn của Anh đã từng mua lại mô hình vũ trụ do Đức chế tạo tại một cuộc đấu giá và trang trí lại nó theo phong cách Á Đông để phù hợp với thị trường Trung Quốc. Chỉ khi ông đi thăm quan các khu vườn xa hoa trong cung điện nhà Thanh và được chiêm ngưỡng các quả cầu, mô hình vũ trụ, đồng hồ, máy phát nhạc tự động được chế tạo với tài nghệ tinh xảo, thì ông mới bắt đầu nhận ra những hạn chế của các món quà mà mình mang đến. Các nhà bác học ở London trước đó đã chế nhạo những món quà mà nước Anh định tặng cho Trung Quốc, coi đó là một nỗ lực tầm thường để khắc phục sự thâm hụt lớn trong thương mại của Anh ở Trung Quốc. Có người từng đề xuất việc giới thiệu máy móc thay vì các món đồ trưng bày, nhưng ý tưởng này bị gạt bỏ do Anh lo sợ rằng người Trung Quốc thông minh sẽ nhanh chóng học được cách chế tạo những máy móc mà họ xuất khẩu, điều mà người Mỹ đã từng làm.   

Vì vậy, Macartney đã không giới thiệu cho Trung Quốc những ròng rọc, bơm khí, các dụng cụ hóa học và điện, hay các mô hình động cơ hơi nước của Watt mà ông mang theo. Họ cũng không giới thiệu cả đồng hồ hàng hải mà Macartney mang theo như một món quà dự phòng. Đồng hồ hàng hải là một công cụ xác định kinh độ mới, hiệu quả hơn nhiều so với phương pháp khảo sát của Dòng Tên mà nhà Mãn Thanh sử dụng để xác định các lãnh địa của mình. Các đồng hồ hàng hải này sau đó được trả lại cho Công ty Đông Ấn của Anh hoặc được giao cho Dinwiddie – người đã giảng giải về dụng cụ này và trình bày một vài thí nghiệm cho các nhà buôn người Trung Quốc tại Xí Nghiệp Anh ở Quảng Châu. Macartney cho rằng nếu Dinwiddie ở lại để giảng dạy lâu hơn thì chắc chắn ông có thể thu được một khoản học phí lớn từ các học viên Trung Quốc. 

Kết luận

Ngày nay, nhìn vào lịch sử phát triển lâu dài của nghiên cứu tự nhiên ở Trung Quốc từ năm 1600, chúng ta cần ghi nhận những bước phát triển nhất định của khoa học hiện đại ở Trung Quốc, mặc dù sự phát triển đó gặp không ít trở ngại và thất bại. Thay vì chỉ nói về sự ưu việt của châu Âu- Mỹ trong khoa học kỹ thuật và đưa ra giả định về tinh thần bài khoa học ở các triều đại phong kiến cuối cùng ở Trung Quốc, ta cần nhận thấy mối quan tâm của Trung Quốc với khoa học tự nhiên thể hiện trong cách họ tìm hiểu và thực hành các môn học này. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần nhận thấy tiến trình phát triển một số ngành công nghiệp có nền tảng cơ giới hóa ở Trung Quốc kể từ năm 1860, tuy diễn ra chậm hơn so với tiến trình công nghiệp hóa ở Châu Âu trong thế kỷ 19 nhưng cũng không kém phần đáng kinh ngạc (hết).

Khánh Minh biên dịch

Nguồn:http://www.princeton.edu/~elman/documents China_and_the_World_History_of_Science.pdf

Phần 1 “Trung Quốc và lịch sử khoa học thế giới 1450-1770”:

http://tiasang.com.vn/Default.aspx?tabid=111&CategoryID=2&News=8614

Tác giả

(Visited 94 times, 1 visits today)