Trung Quốc ve vãn chuyên gia điện hạt nhân Đức
Sau khi Đức quyết định đoạn tuyệt với năng lượng nguyên tử thì TQ tăng cường ve vãn chuyên gia hạt nhân của Đức. “Chúng tôi mời các chuyên gia tới nghiên cứu và làm việc”, Xu Yuming, Phó tổng thư ký Hiệp hội Năng lượng hạt nhân (CNEA) đã nói như vậy trong cuộc trao đổi với báo Frankfurt (F.A.Z).
Ông Xu đã tiết lộ, TQ dự kiến chi mỗi năm khoảng 80 tỷ NDT (9 tỷ Euro) cho năng lượng hạt nhân. Ông được đánh giá là một trong những nhân vật quan trọng nhất của ngành hạt nhân TQ. Hiện TQ có 13 nhà máy điện nguyên tử đã đi vào hoạt động, 28 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng “chiếm 46 % các dự án hạt điện nhân thế giới”. Đến năm 2015 TQ sẽ đưa công suất từ 10,8 lên 40 Gigawatt (GW). Đến năm 2020 có thể lên đến 80 GW. Ông Xu tỏ ra băn khoăn, các nhà chế tạo Đức có thể thu được nhiều lợi từ kế hoạch phát triển mạnh mẽ này. “Tuy nhiên nếu như thiếu những kinh nghiệm từ thị trường nội địa thì điều này sẽ khó khăn hơn”. Các dự án đang diễn ra hiện nay có sự tham gia của nhiều chuyên gia Hoa Kỳ và Pháp, nhưng các nhà đầu tư Đức “tỏ ra không tích cực lắm”.
Đầu tiên là công nghệ gene, sau đó là tàu đệm từ Transrapid, giờ đến điện nguyên tử
Theo cách nhìn của TQ thì việc người Đức rút ra khỏi lĩnh vực năng lượng hạt nhân là sự tiếp tục tự nguyện rút lui ra khỏi một lĩnh vực công nghiệp có nhiều triển vọng, cũng như trước đó nước Đức vì lý do chính trị đã rút lui khỏi công nghệ gene và làm tàu đệm từ. Tàu đệm từ Transrapid của Đức rốt cuộc chỉ chạy trên tuyến đường từ trung tâm Thượng Hải tới sân bay của thành phố này. Theo kế hoạch tuyến đường này sẽ kéo dài tới Hàng Châu nhưng vì thiếu sự hậu thuẫn cũng như quyết tâm mạnh mẽ của Đức nên tháng 10 vừa qua TQ đã tự xây dựng mới tuyến đường sắt cao tốc nối liền hai thành phố.
Ông Xu bảo vệ khuynh hướng tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân bất chấp thảm họa Fukushima. Ông nói Chính phủ TQ đã cho kiểm tra chặt chẽ vấn đề an toàn ở tất cả các nhà máy điện nguyên tử hiện có cũng như các công trình đang được xây dựng. Và theo các báo cáo khoa học nguy cơ động đất và sóng thần xảy ra cùng một lúc đã bị loại trừ. Các nhà máy điện hạt nhân của TQ tiếp tục được xây dựng ở ven biển. Tuy vậy, việc phê duyệt các lò phản ứng mới đã bị hoãn lại.
Theo chuyên gia Xu thì TQ không thể chối bỏ năng lượng hạt nhân vì lí do năng lượng cũng như sinh thái. Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới vào năm 1978 lượng tiêu thụ năng lượng ở TQ đã tăng gần sáu lần. Ông Xu đề cập đến tình trạng thiếu điện do giá than trên thị trường tăng vọt: “Sự thiếu điện sẽ ngày càng trầm trọng hơn nếu như chúng tôi không khai thác năng lượng nguyên tử”. Đồng thời ông cũng khẳng định nước này vẫn phải tiếp tục cắt điện: “Trong tương lai gần chúng tôi không thể bảo đảm sẽ có đủ điện”. Cả các doanh nghiệp nước ngoài ở TQ cũng đang khốn khổ vì tình trạng cắt điện hiện nay.
HOÀI TRANG Text: F.A.Z. 26. 5. 2011