Trung tâm Vật lý Lý thuyết Quốc tế Abdus Salam: Một cơ hội quý báu cho Việt Nam 

LTS: Nhân ngày lễ Tri ân các nhà giáo của Việt Nam 20/11, và kỷ niệm 38 năm ngày mất của nhà khoa học giành giải Nobel Abdus Salam (29/1/1926 - 21/11/1996), Tia Sáng giới thiệu về con người, sự nghiệp của Abdus Salam cũng như những đóng góp của ông cho khoa học thế giới, đặc biệt trong thúc đẩy nghiên cứu khoa học ở các nước thuộc thế giới thứ ba và Việt Nam thông qua Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP).

Các GS. Abdus Salam, Paolo Budinich (từ trái sang) và Robert Oppenheimer (ngoài cùng bên phải) tham dự cuộc họp đầu tiên của Hội đồng khoa học của ICTP tại trụ sở IAEA ở Viena vào tháng 5 năm 1964 (nguồn từ ICTP).

Kể từ ngày ra đời, Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP) đã trở thành đất hứa cho các nhà khoa học thuộc thế giới thứ ba, trong đó có Việt Nam. Mối quan hệ lâu dài với ICTP đã đem lại một cơ hội hội nhập quốc tế quý báu cho Việt Nam ngay từ khi đất nước còn nhiều khó khăn.  

Với tôi, ICTP là một mối lương duyên đặc biệt. Có lẽ, với hầu hết các nghiên cứu sinh, năm cuối của chương trình đào tạo tiến sỹ là năm bận rộn nhất nhưng cũng là năm nhiều kỷ niệm nhất. Một trong những việc quan trọng chúng tôi cần làm là tìm và đăng ký các chương trình đào tạo nghiên cứu sau tiến sỹ. Và thường nửa năm sau đó, chúng tôi sẽ biết được mình tiếp tục làm việc ở đâu. Tháng 3/2007, tôi nhận được học bổng nghiên cứu sau tiến sỹ của Trung tâm Vật lý lý thuyết Quốc tế Abdus Salam (ICTP) ở Trieste, Ý. Trước đó, thầy hướng dẫn nghiên cứu tiến sỹ của tôi, giáo sư Thierry Martin, đã khuyên tôi nên lựa chọn ICTP hơn là một nhóm nghiên cứu nhỏ nào đó ở châu Âu.  

Tại sao ICTP được cộng đồng vật lý quốc tế đánh giá cao như vậy? ICTP được thành lập cách đây 60 năm tại Trieste, Ý, bởi nhà vật lý đoạt giải Nobel Abdus Salam, hợp tác với nhà Vật lý người Ý Paolo Budinich. Với niềm tin khoa học là di sản chung của nhân loại, Salam quyết tâm tạo ra một trung tâm nghiên cứu quốc tế, nơi các nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới có thể gặp gỡ và các mối quan hệ hợp tác mới nở rộ. Sinh ra ở Pakistan và dành phần lớn sự nghiệp của mình ở Anh, giáo sư Salam tin rằng tình trạng chảy máu chất xám ảnh hưởng đến các nước đang phát triển có thể được giải quyết bằng cách phá vỡ sự cô lập khoa học mà các nhà khoa học làm việc ở Nam bán cầu thường gặp phải, đặc biệt là vào thời điểm đó, do sự khan hiếm nguồn lực và khả năng hợp tác tại địa phương.

Ý tưởng về ICTP của giáo sư Salam đã nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ Ý, Liên Hợp Quốc và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) với tư cách là những nhà tài trợ sáng lập. Từ trọng tâm ban đầu là vật lý lý thuyết về năng lượng cao, trong suốt 60 năm lịch sử đi đầu trong khoa học, các mối quan tâm nghiên cứu của ICTP đã phát triển thành một loạt các chủ đề nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà vật lý và toán học từ các quốc gia khó khăn, xác định các hướng đi mới trước thời đại. Việc lựa chọn Trieste, một thành phố có vị trí chiến lược của Ý, nơi có lịch sử được xác định bởi các ranh giới chính trị thay đổi, tượng trưng cho cam kết của ICTP đối với hợp tác quốc tế thông qua khoa học. Cam kết này đã được củng cố khi UNESCO chỉ định ICTP là viện loại một về xây dựng năng lực khoa học cho các nước đang phát triển.


Trong suốt 60 năm lịch sử đi đầu trong khoa học, các mối quan tâm nghiên cứu của ICTP đã phát triển thành một loạt các chủ đề nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của các nhà vật lý và toán học từ các quốc gia khó khăn, xác định các hướng đi mới trước thời đại.

Trọng tâm sứ mệnh của ICTP là cam kết đảm bảo cho khoa học phát triển như một nỗ lực thực sự mang tính toàn cầu, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu từ khắp nơi trên thế giới, bất kể các rào cản địa chính trị. Trong suốt quãng thời gian tồn tại và phát triển của mình, ICTP đã giúp đào tạo hơn 4500 sinh viên và nhà nghiên cứu từ 108 quốc gia đang phát triển thông qua các chương trình đào tạo và học bổng khác nhau như chương trình sau đại học, hoặc chương trình cộng tác viên. Hai chương trình này được giáo sư Salam tạo ra ngay từ khi Trung tâm mới thành lập và cho phép các nhà nghiên cứu làm việc tại các quốc gia đang phát triển đến học tập/thăm ICTP, từ đó duy trì các mối quan hệ chính thức lâu dài với Trung tâm, một môi trường khoa học năng động và kích thích nghiên cứu. Hiện ICTP đã phát triển thành một mạng lưới toàn cầu với năm viện nghiên cứu ở bốn lục địa, quy tụ khoảng gần 6.000 nhà khoa học mỗi năm, 50% trong số đó từ Nam bán cầu.

Trong suốt 60 năm lịch sử của mình, chương trình Cộng tác viên ICTP đã trao hơn 3.000 học bổng Cộng tác viên cho các nhà khoa học đến từ khắp nơi trên thế giới và nhờ vậy, tôi có thể đến ICTP nghiên cứu nhiều lần. Kể từ năm 1970 đến nay, có hơn 1.500 nhà khoa học Việt Nam đã được tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo và giáo dục do ICTP tổ chức. Với tôi, thật may mắn khi trở thành một cái tên trong danh sách đó và may mắn hơn khi đã hai lần được nhận học bổng này. Có thể nói chắc chắn rằng, chương trình này rất quan trọng đối với sự nghiệp nghiên cứu của những nhà khoa học như tôi.

Lần đầu tiên, tôi đến ICTP là vào ngày 1/10/2007 để bắt đầu chương trình nghiên cứu sau tiến sỹ. Sau khi tìm hiểu, trò chuyện, tôi quyết định làm việc dưới sự hướng dẫn của GS. Mikhail Kiselev. Vào thời điểm đó, GS. Kiselev cũng mới bắt đầu xây dựng nhóm nghiên cứu của mình tại phòng Vật lý Ngưng tụ và Thống kê của ICTP. Từ đó, chúng tôi cùng bắt đầu vào một hướng nghiên cứu mới: Vật lý Kondo điện tích. Thực sự, khi đó tôi cũng không nghĩ rằng chủ đề này sẽ là trọng tâm nghiên cứu của mình nhưng thời gian cho thấy, các bài báo đánh dấu sự nghiệp khoa học của tôi đều được viết với sự hợp tác của GS. Kiselev.

Cuối tháng 9/2010, tôi rời Trieste để tiếp tục nghiên cứu sau tiến sỹ tại Khoa Vật lý, Đại học Cincinnati, Mỹ. Trong thời gian này, tôi phải tham gia giải thích kết quả thực nghiệm và đồng thời, tôi cũng ấp ủ ước mơ tìm hiểu và xây dựng phương pháp boson hóa không cân bằng. Cả hai thử thách này dường như vượt quá khả năng của tôi. Vì vậy, tôi quyết định trở về nước vào tháng 10/2012, khi có nhiều ý tưởng vẫn còn đang ấp ủ trong tâm trí. 

TS. Nguyễn Thị Kim Thanh cùng GS Mikhail Kiselev bên dưới bức chân dung của GS. Abdus Salam tại ICTP.

Trở về nước, đối mặt với nhiều vấn đề khó khăn, đặc biệt là vấn đề tài chính, tôi thực sự trăn trở về lựa chọn có nên tiếp tục theo con đường nghiên cứu khoa học hay từ bỏ tất cả ước mơ vật lý của mình để trở thành giáo viên phổ thông ở một trường tư thục nào đó để ổn định cuộc sống. Thế rồi vào dịp lễ Giáng sinh năm 2013, tôi có viết thư chia sẻ với giáo sư Kiselev về ý định của mình. Ông trả lời tôi khá nhanh ngay sau đó khi nói rằng sẽ rất lãng phí nếu tôi từ bỏ nghiên cứu vật lý, trong khi bản thân ông tin tưởng tôi sẽ thành công trên con đường nghiên cứu này và hy vọng những khó khăn trong hiện tại về tài chính sẽ sớm qua. Với mong muốn tôi tiếp tục nghiên cứu về Vật lý Kondo điện tích, ông đã đề xuất nối lại hợp tác của chúng tôi, và sẽ cố gắng thu xếp để mời tôi đến ICTP làm việc một tháng mỗi năm. Nhờ sự động viên đặc biệt quan trọng này, tôi quyết định tiếp tục theo đuổi tình yêu vật lý và các bài toán nghiên cứu còn đang bỏ ngỏ. 

Tôi bắt đầu quay trở lại ICTP vào tháng 2/2014 để nối tiếp mạch nghiên cứu. Với những nhà nghiên cứu như chúng tôi, làm việc cùng nhau trong khi sống ở các châu lục khác nhau là một thách thức. Mặc dù chúng tôi có thể trao đổi ý tưởng với nhau qua internet nhưng không có gì hiệu quả bằng các cuộc thảo luận trực tiếp để trao đổi ý tưởng và mở ra hướng đi mới trong khoa học. Để có được sự hợp tác diễn ra tốt đẹp trong 17 năm vừa qua phần lớn là nhờ vào việc nhiều lần giáo sư Kiselev và tôi đã gặp gỡ – chủ yếu là ở ICTP và một số nơi theo các chương trình mà ICTP tham gia tổ chức.

Câu chuyện của tôi, một nhà nghiên cứu trong những bước đi đầu của sự nghiệp, chỉ là một trong số nhiều câu chuyện mà các nhà khoa học Việt Nam nhiều thế hệ khi may mắn được gia nhập mái nhà chung ICTP. 

Theo thời gian, lịch sử hợp tác khoa học đáng tự hào của ICTP và Việt Nam còn tiến xa hơn nữa, nhờ vào nhiều hoạt động khoa học mà ICTP tổ chức tại Việt Nam và việc thành lập hai viện khoa học UNESCO loại hai tại Việt Nam, đó là Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo sau đại học về Toán học Quốc tế và Trung tâm Vật lý Quốc tế. Cả hai đều do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thành lập dưới sự bảo trợ của UNESCO. 

ICTP cũng đã ghi nhận sự xuất sắc của nghiên cứu Việt Nam bằng cách trao tặng cho một số nhà khoa học của chúng ta những giải thưởng quan trọng mà ICTP dành cho các nhà khoa học giỏi nhất trên toàn thế giới. Gần đây nhất, nhà vật lý lỗi lạc Đàm Thanh Sơn đã được trao tặng Huy chương Dirac, giải thưởng dành cho nhà khoa học có những đóng góp đáng kể cho vật lý lý thuyết và là một trong những danh hiệu danh giá nhất trong lĩnh vực này, và nhà toán học Phạm Hoàng Hiệp đã nhận được Giải thưởng Ramanujan, giải thưởng dành cho các nhà toán học trẻ ở các quốc gia đang phát triển. 


ICTP đã phát triển thành một mạng lưới toàn cầu với năm viện nghiên cứu ở bốn lục địa, quy tụ khoảng gần 6.000 nhà khoa học mỗi năm, 50% trong số đó từ Nam bán cầu. Kể từ năm 1970 đến nay, có hơn 1.500 nhà khoa học Việt Nam đã được tham gia các hội nghị, hội thảo, chương trình đào tạo và giáo dục do ICTP tổ chức.

Để ghi nhận mối quan hệ đối tác chặt chẽ này, ICTP đang tổ chức một sự kiện dành cho nhiều cựu sinh viên Việt Nam cũng như các nhà hoạch định chính sách, diễn ra vào ngày 29 và 30/11/2024 tại Hà Nội. Đây sẽ là một phần trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ICTP và sẽ có sự tham dự của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam, những người đã có sự gắn bó với ICTP. Để thể hiện tầm quan trọng của ICTP đối với cộng đồng khoa học Việt Nam, hai nhà khoa học Việt Nam sẽ là diễn giả chính: nhà toán học Ngô Bảo Châu, người đoạt Huy chương Fields danh giá năm 2010 và nhà vật lý lý thuyết Đàm Thanh Sơn, người đã được ICTP trao tặng Huy chương Dirac danh giá vào năm 2018.

Có thể nói, sự phát triển mạnh mẽ của cộng đồng vật lý và toán học tại Việt Nam trong những năm qua có phần đóng góp không nhỏ của ICTP. Từ góc độ của mình, tôi nghĩ rằng mỗi người tham gia sự kiện kỷ niệm 60 năm thành lập ICTP tổ chức ở Hà Nội đều có mối quan hệ chặt chẽ với ICTP: họ đều có cuộc sống thay đổi sau thời gian họ ở ICTP – hoặc làm việc với các nhà khoa học thuộc ICTP. Tôi hy vọng rằng bằng cách nêu bật những câu chuyện thành công này, chúng ta sẽ có thêm hiểu biết về tầm ảnh hưởng của tổ chức này đối với khoa học tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới, từ đó giúp nhiều nhà nghiên cứu trẻ được hưởng lợi từ môi trường nghiên cứu tuyệt vời của ICTP.□

Bài đăng Tia Sáng số 22/2024

Tác giả

  • Nguyễn Thị Kim Thanh

    TS. Nguyễn Thị Kim Thanh làm việc tại Viện Vật lý, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam. Chị đã giành giải thưởng Tạ Quang Bửu 2024 với công trình “Thermoelectric Transport in a Three-Channel Charge Kondo Circuit”, xuất bản trên tạp chí Physical Review Letters.

    View all posts
(Visited 26 times, 20 visits today)