Trung tâm Xuất sắc trong chính sách nông nghiệp vì nông dân của Úc

Phát triển nông nghiệp là một nhân tố quan trọng của nước Úc - một quốc gia non trẻ với tổng hợp hơn 100 sắc dân, đa văn hoá, không có “làng nghề” truyền thống nào, chỉ nhập khẩu công nghệ nước ngoài mà 100 năm sau đã trở thành một nước giàu mạnh, xây dựng được một nơi có đời sống tốt nhất thế giới, xuất khẩu hầu hết các mặt hàng quan trọng kể cả dịch vụ giáo dục...

Diện tích nông nghiệp: Úc châu là một lục địa có diện tích 768 triệu ha (7,680,000 km2), rộng gấp 23 lần so với Việt Nam (332,600 km2). Tuy rộng như vậy nhưng chỉ có vùng ven biển – nơi có lượng mưa tương đối khá: 1200mm/năm – mới có thể sống được, cho nên nông nghiệp Úc mới sử dụng khoảng 46 triệu ha (18 triệu ha trồng trọt và 28 triệu ha đồng cỏ) trong đó chỉ có khoảng 4 triệu ha là nông nghiệp thực sự có tưới tiêu. Như vậy nhìn chung Úc chỉ sử dụng chưa đến 1% diện tích đất có thể canh tác của mình.
Lực lượng nông dân: Úc châu có dân số khoảng 21,5 triệu người. Tuy lực lượng lao động trong nông nghiệp chỉ có khoảng 400,000 người, chiếm 4% lực lượng lao động toàn quốc, nhưng chỉ số tự cung của Úc cao nhất thế giới (Bảng 1). Nông dân Úc đã sản xuất một lượng lương thực và vải vóc không những đủ nuôi 21 triệu dân mình mà còn có thể cung cấp thêm cho 56 triệu người. Tính trung bình, một nông dân Úc có thể nuôi 190 người. Đây là con số kỷ lục, chưa có nông dân một nước nào trên thế giới có thể sánh được, kể cả Hoa Kỳ.
Nông dân Úc có trình độ giáo dục cao, khoảng 31% có bằng đại học hoặc cao đẳng (trung bình toàn quốc 52%). Thống kê cho thấy nông dân nào có trình độ chuyên môn cao thì có thu nhập cao (85.024 đô la Úc/năm) so với người không có chuyên môn (58.768 đô la Úc/năm). Cũng thế, hộ nông dân nào chịu khó tham gia các buổi tập huấn chuyên môn thì có lợi tức 68.102 đô la Úc/năm, cao hơn hẳn so với hộ không được tập huấn 39.788 đô la Úc/năm. Mặt bằng chung về thu nhập đầu người (GDP) của Úc là 37.298 đô la Úc (2007).

Bảng 1. Chỉ số tự cung (%) các ngành nông nghiệp của một số nước trên thế giới vào năm 1998 (FAO, 2000).

Quốc gia

Ngũ cốc

Khoai

Đậu

Rau  qủa      

Thịt

Sữa1

Dầu ăn   

Chỉ số tự cung

Úc châu

341

97

169

103

171

212

156

178

Canada

155

133

188

60

119

106

141

128

Hoa Kỳ

140

98

149

98

108

96

123

116

Pháp 

201

100

108

90

109

114

84

115

Anh

107

79

38

53

84

95

46

  72

Nhật Bản

27

83

6

83

54

70

14

  48

1) Gồm sữa và các phó sản như bơ, pho mát…

Sản lượng nông nghiệp:
Trị giá sản lượng tại nông trại – farm gate của nông nghiệp của Úc vào năm 2004/05 là 39,46 tỷ đô la Úc, chiếm 3% tổng sản lượng quốc gia (GDP). Úc phát triển và sản xuất hầu hết các mặt hàng nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, xuất khẩu đến 65% nông sản với kim ngạch khoảng 25,6 tỷ đô la Úc (Bảng 2). Tất cả mặt hàng nông sản của Úc đều nhắm vào chính sách hướng đến xuất khẩu của Chính phủ trong đó việc nghiên cứu và phát triển thành công ngành lúa nước được xem là một trong những trường hợp ngoạn mục đáng để Việt Nam tham khảo.

Bảng 2. Giá trị tại nông trại (farm-gate) một số ngành nông sản và xuất khẩu của Úc, 2007.

Ngành hàng

Giá trị ngành,

X triệu đô la Úc

Xuất khẩu,

X triệu đô la Úc

Tỉ số xuất khẩu,

%

Bò + Thịt bò

  7.331

  5.364

73

Ngũ cốc

  6.319

  5.000

79

Rau hoa quả

  5.630

  1.150

20

Rượu nho

  5.500

  2.700

49

Sữa + phó sản

  4.600

  2.000

43

Lông cừu

  3.889

  2.800

72

Bông vải

  1.700

  1.500

88

Đường

  1.208

     980

81

Tổng cộng

39.460

25.600

65

 

Trung tâm Xuất sắc về ngành Bò thịt

Bài học về Nhập khẩu, Chuyển giao và Ứng dụng công nghệ cao
Úc là một quốc gia có đất rộng người thưa, ít mưa khô hạn, một quốc gia non trẻ, chưa có một ngành nghề nào gọi là truyền thống, kể cả nông nghiệp – vốn là nền văn minh cổ xưa nhất của loài người. Cho nên có thể nói tất cả các cây, con và công nghệ sản xuất hiện đang sử dụng trong nông nghiệp Úc hiện nay đều có nguồn gốc nhập khẩu. Chính vì vậy việc nhập khẩu lúc nào cũng phải trả lời hai câu hỏi: i) Nhập để làm gì và nhập vào đâu? và ii) Làm sao để công nghệ nhập khẩu này tức khắc hữu dụng cho nước Úc?  
Nơi tiếp nhận giống và công nghệ: Trung tâm Xuất sắc – Ngay từ đầu Úc đã xây dựng các Viện/Trung tâm nghiên cứu để nhập khẩu giống và công nghệ để nghiên cứu, kiểm chứng, ứng dụng đại trà và chuyển giao công nghệ. Để yểm trợ cho các Viện/Trung tâm làm tốt vai trò mình, trên bình diện quốc gia, Úc đã lập Hội đồng Nghiên cứu Úc (Australian Research Council, ARC) để xây dựng chiến lược và cung cấp kinh phí cho các nghiên cứu khoa học. Hội đồng ARC lập ra một danh sách những hạng mục ưu tiên có lợi cho quốc gia và đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải lập dự án theo sát danh sách ưu tiên này nếu muốn nhận tài trợ. Hội đồng Nghiên cứu Úc nhận ngân sách từ Chính phủ; ví dụ như năm 2007, ARC nhận 572 triệu đô la Úc, chiếm 9,2% trong tổng số kinh phí 6,2 tỷ đô la Úc mà Chính phủ đã dành cho nghiên cứu và phát triển khoa học kỹ thuật. Tuy nhiên đối với những ngành mới, đặc biệt quan trọng đến sự phát triển ngay tức khắc của đất nước – gọi là các ngành mũi nhọn, Úc xây dựng thêm những Trung tâm Xuất sắc (Centre of Excellence) để tiếp nhận công nghệ cao, nghiên cứu, cải thiện, ứng dụng và chuyển giao từ A đến Z cho nông dân hoặc giới kinh doanh. Trung tâm Xuất sắc (TTXS) là một trong những đầu tư chiến lược của Úc, có một tổ chức và tư duy khác với Viện/Trung tâm nghiên cứu. Bộ Nông nghiệp NSW đã xây dựng 11 TTXS đều khắp trong bang. Mỗi TTXS phụ trách một ngành hàng nông nghiệp đặc biệt trên một vùng sinh thái thích hợp để giải quyết dứt điểm những khó khăn của ngành hàng. Ví dụ như vùng lục địa miền tây bắc ở Narrabri có khí hậu khô, nóng nên có TTXS về ngành Bông vải và Cải dầu (Narrabri Centre of Excellence for Cotton and Oilseeds), vùng miền bắc gần duyên hải ở Armidale có khí hậu khô nhưng mát mẽ hơn nên có TTXS về ngành Bò thịt (Armidale Beef Industry Centre), vùng miền trung duyên hải ở Gosford có khí hậu ôn hoà, gần thị trường lớn Sydney nên có TTXS Tiếp thị và ngành Làm vườn nhà kính (Centre of Excellence for Market Access and Greenhouse Horticulture), hoặc vùng lục địa rộng mênh mông miền tây nam ở Yanco có khí hậu mùa hè khô, nóng, ánh sáng chan hòa nên có TTXS về Lúa gạo và dẫn thủy nhập điền (Centre of Excellence for Rice and Irrigation). Hình thức tổ chức trên đã giúp Bộ Nông nghiệp NSW nghiên cứu giải quyết ngay tức khắc nhiều vấn đề theo từng ngành hàng nông sản vừa cục bộ vừa có tính thời sự quốc tế, làm tiền đề thúc đẩy cho việc xuất khẩu. Chính ở những TTXS này, các công nghệ cao đã được nhập nội và nghiên cứu. Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt GAP (gọi là “FreshCare” cho rau quả, “CattleCare” cho thịt tươi, “GrainCare” cho ngũ cốc) cũng bắt đầu từ những TTXS này, tạo nên thương hiệu về an toàn vệ sinh thực phẩm, gia tăng sức cạnh tranh cho xuất khẩu, mang về cho Úc một kim ngạch 25,6 tỷ đô la Úc cho một ngành nông nghiệp có trị giá tại nông trại khoảng 39,5 tỷ đô la Úc/năm.

Trung tâm Xuất sắc về giống cây trồng

Nơi triển khai việc ứng dụng công nghệ – Chính sách nông nghiệp vì nông dân: Úc có một nền nông nghiệp đại điền (130.000 nông trại quản lý một diện tích 46 triệu ha, trung bình một nông trại có diện tích = 354 ha), du nhập công nghệ nước ngoài, nông dân đủ mọi sắc dân khác nhau với cung cách thực hành nông nghiệp khác nhau, cho nên chính sách nông nghiệp hợp lý mới chính là yếu tố quan trọng phát triển thành công nền nông nghiệp. Úc có chính sách kinh tế thị trường hướng đến xuất khẩu – Market driven and export-oriented, và một ngành nông nghiệp vì nông dân nên Chính phủ có chủ trương ít can thiệp vào việc quản lý doanh nghiệp của nông dân, giảm thiểu tối đa những luật lệ ràng buộc trong sản xuất kể cả hệ thống thuế má, hải quan. Chính phủ cũng có chính sách giúp nông dân nâng cao sức cạnh tranh – nhất là cạnh tranh quốc tế. 
Chủ trương chính sách nông nghiệp vì nông dân vì Chính phủ hiểu rằng: Nông dân mới là thành phần chủ lực trong sản xuất, cũng là chủ lực trong việc bảo vệ môi trường, để xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, có lợi cho toàn xã hội. Để củng cố chính sách này, năm 1997 Úc thực hiện thêm chương trình “Một nền nông nghiệp Úc tiên tiến – Agriculture Advancing Australia” có mục đích giúp nông dân ổn định tính bền vững trong nông nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, để qua đấy nâng cao thu nhập cho nông dân, tránh hiện tượng bỏ đất lên thành phố. Chương trình này gồm có những điểm nổi bật như sau:

Ông Isaburo (Jo) Takasuka Matsuyama, cựu dân biểu Nhật Bản, người trồng thành công lúa Nhật tại Úc năm 1914. 

* Hỗ trợ tài chính cho nông dân trong các chương trình giáo dục và đào tạo về kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên;
* Hỗ trợ nông dân thay đổi ngành nghề cho hợp với thay đổi trong thực tế;
* Hỗ trợ nông dân nâng cao kỹ năng về quản lý tài chính;
* Tư vấn cho nông dân tình hình tài chính trong và ngoài nước;
* Hỗ trợ tài chính cho nông dân về các dịch vụ tư vấn của chuyên gia, cũng như tổ chức các lớp tập huấn để nâng cao năng lực phát triển kỹ năng;
* Hỗ trợ tài chính cho các hộ nông dân đặc biệt gặp khó khăn;
* Cải thiện thông tin giúp nông dân nắm vững biến động thị trường trong và ngoài nước.
Để cải thiện chính sách hướng đến thị trường ngày càng thay đổi, Chính phủ Úc đã ủy nhiệm cho một nhóm tư vấn (2004) định hướng và xây dựng chiến lược cho ngành nông nghiệp và thực phẩm. Nhóm này đã kiến nghị Chính phủ 4 giải pháp cần điều chỉnh như sau:
* Chính phủ phải giúp nông dân có khả năng đáp ứng nhanh các yêu cầu mới của thị trường  và chuỗi cung ứng;
* Chính phủ phải giúp nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh;
* Chính phủ phải hỗ trợ nông dân về kỹ năng quản lý tài nguyên thiên nhiên;
* Chính phủ chỉ nên đóng vai trò hỗ trợ, không can thiệp, và bảo đảm việc xây dựng một môi trường kinh doanh tốt nhất, thông thoáng nhất để các doanh nghiệp tự do hoạt động, tăng mạnh sức cạnh tranh.

Úc là một quốc gia duy nhất trên thế giới có trọn một châu lục: châu Đại Dương. Liên bang Úc cũng vừa thành lập vào năm 1901, tính đến nay mới được 108 năm nên không có một thành phố nào, một ngành kỹ nghệ nào có truyền thống lâu đời đến “1000 năm”. Nhưng không phải vì thế mà Úc không có những cái “nhất” so với thế giới dù tất cả khoa học kỹ thuật, công nghệ của Úc đều ngoại nhập. Úc đã biết cách nhập, kiểm nghiệm, chuyển giao và ứng dụng, đã biết dùng trí tuệ của người nước khác thành hành động của nước mình, biến một châu lục khô khan thành một trong những đất nước giàu có, có thu nhập bình quân đầu người cao hơn cả nước Anh, Đức và Pháp. Úc được xếp hạng ba về chỉ số phát triển con người (Liên Hiệp Quốc, 2007) và hạng sáu về chỉ số chất lượng cuộc sống (The Economist, 2005). Nước Úc còn nắm giữ một kỷ lục chưa có nước nào có. Đó là hầu hết các thành phố lớn của Úc đều nằm trong “top 10” những thành phố có đời sống tốt nhất thế giới: Melbourne (hạng 2), Perth (hạng 4), Adelaide (hạng 7) và Sydney (hạng 9). 

Bài học về việc phát huy sức mạnh tiềm ẩn: Trung tâm Xuất sắc Lúa gạo Yanco
Thị trường nhập khẩu thế giới về gạo là 10 tỷ USD/năm. Chính vì vậy mà tuy dân Úc chỉ sử dụng có 10 kg gạo/người/năm (Việt Nam sử dụng 329kg gạo/người/năm), Úc vẫn nghiên cứu và phát triển ngành lúa nước bằng cách xây dựng TTXS Lúa gạo ở Yanco, là nơi có khí hậu, đất đai thích hợp cho việc trồng lúa nước, để sau đó biến vùng này thành vựa lúa của nước Úc, sản xuất 1,35 triệu tấn gạo trên 145.000 ha (năng suất trung bình 9,3 tấn gạo/ha), và xuất khẩu hơn 85% lượng gạo sản xuất, mang về cho đất nước khoảng 400 – 500 triệu đô la Úc/năm.
Vốn là một vùng khô hạn, vũ lượng mỗi năm chỉ khoảng 300 – 500mm, nhưng vì khí hậu, đất đai rất thích hợp cho nông nghiệp nên Chính phủ Úc đã xây dựng một hệ thống kênh đào dài đến 50.000 km chạy chằng chịt khắp vùng, hình thành vùng MIA (Murrumbidgee Irrigation Area). Từ khi có hệ thống nước, vùng MIA trở nên vựa lúa, vựa rau quả trái cây, và cũng là vựa rượu vang của Úc.
Lúa nước được người Trung Quốc du nhập vào Úc những năm 1850 trong thời kỳ tìm vàng.   Nhưng phải đến những năm đầu của thế kỷ 20, một vị cựu dân biểu Nhật Bản, ông Isaburo (Jo) Takasuka Matsuyama, di dân sang Úc, mới trồng thành công giống lúa Nhật Bản (Oryza sativa L. var. japonica) ở Swan Hill vào năm 1914. Các nhà nghiên cứu ở Nông trại Thí nghiệm Yanco thuộc Bộ Nông nghiệp NSW đã không bỏ lỡ cơ hội, tiếp nhận hạt giống từ gia đình Matsuyama, miệt mài nghiên cứu, tạo giống mới… khởi đầu cho một ngành mà chỉ 50 năm sau đem lại cho đất nước và nông dân Úc một nguồn lợi lớn lao. Sự thành công của ngành lúa nước của Úc như vậy nhờ ở việc các nhà nghiên cứu đã am hiểu thị trường to lớn của thế giới về lúa gạo nên đã phát huy sức mạnh tiềm ẩn của vùng Yanco, và xây dựng thành công ngành lúa nước do sự kết nối chặt chẽ của “bốn nhà” Chính phủ – chuyên gia – doanh nghiệp – nông dân.
Ngày nay, tượng của ông Matsuyama được dựng ngay trước Trung tâm Xuất sắc Lúa gạo ở Yanco, biểu hiện lòng tri ân sâu sắc của người Úc đối với một người (Nhật) đã đem đến cho họ một ngành lúa nước an toàn chất lượng cao, góp sức vào nền kinh tế nông nghiệp đáng tự hào của đất nước.
——
* Đại học Nông nghiệp Hà Nội, Việt Nam
Đại học Bách khoa Hoàng gia Melbourne RMIT, Úc

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)