Trước ngày chuyển đổi
"Nếu không có đề án hay đề án không được duyệt thì sáp nhập vào đơn vị hành chính công lập được không?", "Viện Công nghệ môi trường có chức năng nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu phát triển công nghệ (50:50), vậy theo Nghị định 115, chúng tôi thuộc nhóm nào?", "Tổng Công ty Viễn thông Quân đội có lĩnh vực hoạt động chính là kinh doanh viễn thông, KHCN cũng là một lĩnh vực hoạt động của Tổng công ty, như vậy có được gọi là tổ chức hoạt động KHCN hay không?", v.v...
Trên đây chỉ là một số trong hàng trăm bản câu hỏi gửi Vụ Tổ chức của Bộ KH&CN đề nghị hướng dẫn việc thực hiện quy chế tự chủ của các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Hơn nửa năm, kể từ khi Nghị định 115 của Chính phủ ban hành, nhiều viện, trung tâm KHCN vẫn trong tình trạng băn khoăn, chờ đợi. Thời hạn 30/9/2006 để trình Đề án chuyển đổi đã tới gần mà nhiều nơi vẫn chưa xác định được mình có thuộc diện chuyển đổi hay không? Nếu chuyển đổi thì theo hình thức nào, tổ chức khoa học và công nghệ tự trang trải kinh phí hay doanh nghiệp khoa học và công nghệ? Theo ông Trần Văn Tùng, Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ KH&CN, có khoảng 30% bản câu hỏi về đơn vị mình có thuộc diện chuyển đổi hay không, điều này cho thấy không ít các đơn vị vẫn thụ động trong việc xác định “ta là ai”. Ông Tùng cho biết, sắp tới Bộ KH&CN sẽ ban hành một quyết định đưa ra tiêu chí phân loại các tổ chức KH&CN cùng một thông tư hướng dẫn sáp nhập, giải thể. Song điều quan trọng nhất, nói như Bộ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Văn Phong, không phải là việc xác định “ta là ai?” mà là “ta muốn làm ai?”
Nghị định 115 quy định, những tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chiến lược, chính sách thì không chuyển đổi. Một số ý kiến cho rằng rất khó phân tách rạch ròi giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng (Xem bài “Cơ bản và Ứng dụng – Có phân định được rạch ròi?” của GS Trần Xuân Hoài – Tia Sáng số 15/8). TS Nguyễn Xuân Khiển, Viện trưởng Viện Nghiên cứu địa chất và khoáng sản cũng cho rằng việc xếp chung nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu chính sách là không hợp lý. Những kết quả nghiên cứu ứng dụng của viện ông đều kế thừa kết quả nghiên cứu cơ bản trước đó. Viện của TS Khiển còn một ban đào tạo sau đại học cho toàn ngành, giờ cũng chưa biết xếp vào đâu.
Viện trưởng Viện Kỹ thuật nhiệt đới Lê Xuân Hiền cho rằng các thời hạn chuyển đổi mà Nghị định 115 và thông tư hướng dẫn đề ra quá cứng nhắc. “Đáng lẽ ra phải thảo luận, phải tạo ra “sân chơi” cùng luật lệ rõ ràng trước. Các tổ chức KHCN hoạt động trong đó một thời gian, tự thấy mình phù hợp với hình thức nào thì chuyển đổi theo hình thức đó. Không nên dùng biện pháp hành chính”.
Song, dù có những thắc mắc về cách thức tiến hành, hầu hết đều công nhận rằng việc cơ chế tự chủ là “rất đúng đắn” và việc chuyển đổi là “tất yếu”.
Mừng và lo
Gặp một số nhà nghiên cứu trẻ để hỏi cảm tưởng của họ về cơ chế tự chủ, sau một thoáng ngập ngừng, mọi câu trả lời đều là “mừng”. Có thể chưa nói ra hết lo lắng, song có thể thấy tất cả họ đều muốn chứng tỏ sự cứng cỏi trước cuộc sàng lọc lớn. Tuy nhiên, với nhiều người quản lý trung tâm, viện nghiên cứu, vừa phải bảo đảm chất lượng nghiên cứu khoa học, vừa phải đối mặt với chuyện “cơm áo gạo tiền” của đơn vị mình thì lại là nỗi lo thật sự. GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long cho biết, nếu chỉ nghiên cứu khoa học thì viện của ông đã có thành công với các giống lúa, ngô lai, hoa quả năng suất cao, tất cả đều có khả năng thương mại hóa. Nhưng, “đưa các kết quả nghiên cứu đó ra thị trường là mất bản quyền ngay”. Tới đây Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long sẽ chuyển sang hình thức tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí, nỗi lo lớn nhất của GS Chí Bửu là một khi “chạy theo tiền”, nhà khoa học sẽ đánh mất chất lượng nghiên cứu, thậm chí bỏ luôn nghiên cứu.
Cùng “sợ mất nhân tài” như GS Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Dược liệu, TS Nguyễn Thượng Dong còn một nỗi lo khác về cơ sở vật chất. “Sân chơi” liệu có công bằng không khi mà mỗi bên bước vào với một điểm xuất phát khác nhau? Các đơn vị nghiên cứu có cơ sở vật chất kém sẽ khó bề hoạt động hiệu quả để có kinh phí giữ người tài, mất người tài lại càng khó hoạt động hiệu quả. TS Dong ví việc chuyển đổi tổ chức và hoạt động giống như con gái đi lấy chồng, vậy “bà mẹ” nên chăng cho “con gái” một khoản “hồi môn”?
Với TS Nguyễn Xuân Khiển, Nghị định 115 tạo “cả cơ hội lẫn thách thức”. Viện Nghiên cứu địa chất có nhiều quan hệ với đối tác nước ngoài, trước kia muốn xuất ngoại, có khi cán bộ Viện phải xin phép trước cả nửa năm. Có cơ chế tự chủ, những thủ tục hành chính nhiêu khê sẽ giảm được nhiều. Viện có cả nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu cơ bản, nỗi lo của TS Khiển là nhánh nghiên cứu cơ bản sẽ dần bị mai một: “Khi thành lập, viện chúng tôi có mục đích là nghiên cứu cơ bản, đến năm 2000 mới bắt đầu có nghiên cứu ứng dụng trên cơ sở kế thừa nghiên cứu cơ bản. Có cơ bản mới có ứng dụng. Giờ phân tách ra, những người nghiên cứu cơ bản sẽ rất khó sống. Kết quả nghiên cứu của họ không bán được, sớm ra cũng phải 5-10 năm sau mới dùng. Nếu cứ theo cơ chế thị trường, e những người nghiên cứu cơ bản sẽ “nhảy” hết sang làm ứng dụng. Đáng sợ nhất là không có đội ngũ khoa học đầu ngành. Không cẩn thận thì chỉ còn toàn người kém mới nghiên cứu cơ bản”. Tiếp đến là lo chuyện khấu hao tài sản. Viện Nghiên cứu địa chất được nhà nước đầu tư nhiều máy móc rất đắt, chúng không thể thiếu nhưng cũng không mấy khi dùng. Không mấy khi dùng, nhưng tiền “nuôi” máy vẫn cần, khấu hao tài sản vẫn tính, “khoản này nếu không được nhà nước giúp thì không thể tự chủ được”.
Vụ trưởng Vụ tổ chức Bộ KH&CN Nguyễn Quân cũng cho biết, “việc sử dụng quyền hạn tự chủ và tài sản của Nhà nước giao cho nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh như thế nào cho có hiệu quả” là nỗi “lo lắng đầu tiên” của các tổ chức KHCN khi chuyển đổi.
Ba trong một
Có người gọi đùa vai trò người lãnh đạo đơn vị khoa học sau khi chuyển đổi là “ba trong một”: nhà khoa học, nhà quản lý, nhà kinh doanh. Với những người chuyên tâm cho khoa học, làm quản lý đã là “việc chẳng đừng”, nói gì đến bươn chải trên thương trường. Viện trưởng Viện khoa học công nghệ Đặng Đình Kim thẳng thắn: “Tôi không thích kinh doanh, mà cũng không có khả năng kinh doanh”. Trong khoa học, một là một, hai là hai; trong kinh doanh lại biến hóa khôn lường. Viện trưởng Nguyễn Xuân Khiển kể một kinh nghiệm khó cười nổi: Lần đó Viện Nghiên cứu địa chất tham gia đấu thầu tìm chất phụ gia xi-măng, luận chứng khoa học làm rất tốt, hội đồng khoa học đánh giá cao. Ông chỉ đạo phải đưa giá thật sát, chỉ 200 triệu đồng. Ban đầu không cần lãi nhiều mà cần khẳng định uy tín. Kết quả, trúng thầu là một đơn vị đưa giá… 400 triệu! Chất lượng thầu của đơn vị này không hơn, nếu không muốn nói là kém Viện. Sau này hỏi han mới biết, “chủ thầu” được trên rót cho đúng 400 triệu. “Nếu chọn thầu 200 triệu, 200 triệu trên giao chúng tôi biết tiêu đi đâu?”
TS Đỗ Huy Định, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển phụ gia và sản phẩm dầu mỏ nhận xét “quyền tự chủ (cho thủ trưởng) theo Nghị định 115 còn cao hơn cả quyền tự chủ của giám đốc doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp cử cấp phó đi nước ngoài còn phải báo cáo tổng giám đốc”. Đúng là trên giấy tờ, thủ trưởng các tổ chức KH&CN được quyền sắp xếp, điều chỉnh bộ máy đơn vị, được quyết định số biên chế và quyết định tuyển dụng… Song thực tế họ cũng chịu rất nhiều hệ lụy. Một viện trưởng bức xúc, viện của ông có 250 người, sắp tới thực hiện chuyển đổi, cần nhiều lắm là khoảng 200 người. Những người còn lại – từ “con ông cháu cha” trên ấn xuống đến những cán bộ chờ hưu đã hoàn toàn lạc hậu với kĩ thuật mới – giờ có cơ chế nào để đưa họ ra, mà đâu dễ một lúc gạt ra tất cả?
Sau khi chuyển đổi, các nhà khoa học sẽ phải làm việc với thanh tra, thuế vụ… là những việc họ không hề thông thạo. Vì thế mà TS Nguyễn Thượng Dong đề nghị phải tạo ra một cơ chế làm việc riêng cho các tổ chức KHCN tự trang trải kinh phí hay các doanh nghiệp khoa học.