Từ kiến trúc mở đến tinh thần mở
Ngoài “thị trường mở”, có lẽ khái niệm “mở” được nhắc đến nhiều nhất là “mã nguồn mở”. Hai khái niệm khác, không kém phần quan trọng, nhưng ít được nhắc hơn là “kiến trúc mở” (của Internet) và “tinh thần mở” (open-mindedness). Xét về nhiều mặt, có một mối liên hệ sâu sắc giữa mã nguồn mở, kiến trúc mở, và tinh thần mở. Có thể nói các khái niệm mở này đóng vai trò thiết yếu cho sự phát triển và hội nhập của Việt Nam (hay bất kỳ quốc gia nào khác) trong thế kỷ 21.
Trong bài “sự dịch chuyển của mẫu hình mã nguồn mở” (open source paradigm shift), Tim O’Reilly, Giám đốc điều hành – CEO của nhà xuất bản kỹ thuật O’Reilly– lập luận rằng phong trào mã nguồn mở và mã nguồn miễn phí là một sự dịch chuyển mẫu hình của công nghệ và khoa học máy tính. Khái niệm dịch chuyển mẫu hình trong khoa học đầu tiên được triết gia Thomas Kuhn mô tả trong quyển sách lừng danh “Cấu trúc của các cuộc cách mạng khoa học”. Đại khái, Kuhn lý luận rằng khoa học không phát triển tuyến tính mà thỉnh thoảng có các bước nhảy vọt khổng lồ gọi là một lần dịch chuyển mẫu hình. (Ví dụ: Newton và Einstein đánh dấu hai bước nhảy vọt của vật lý).
Không ở tầm mức như các định luật Newton hay thuyết tương đối, nhưng quả thật phong trào mã nguồn mở về căn bản đã định hình lại ngành công nghiệp phần mềm thế giới và các mô hình kinh doanh của họ; phá hủy (hoặc cân bằng lại) các thế lực trong thế giới công nghệ thông tin (CNTT); làm giảm khoảng cách và sự phụ thuộc công nghệ của các nước chậm phát triển đến các chàng khổng lồ. Phong trào này truyền cảm hứng cho một loạt các phong trào “kiến thức mở” khác như phong trào wiki và các thư viện trực tuyến, chia sẻ tiến độ nghiên cứu công nghệ sinh học và y học, phong trào chia sẻ các nội dung điện tử qua bằng sáng tạo công (Creative Commons License). Mã nguồn mở khuấy đảo và thay đổi các quan niệm truyền thống về luật bằng phát minh/sáng chế và các loại bằng sở hữu trí tuệ khác; làm bối rối các nhà hoạch định chính sách CNTT của các nhà nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ; thách đố các nhà kinh tế khi cơ man các lập trình viên hàng đầu và cả các công ty lớn tham gia trò chơi “cho không/free” này. Thậm chí một số các nhà khoa học xã hội đã và đang phát triển ý tưởng nguồn mở vào các mô hình dân chủ hóa quản lý nhà nước.
Cần ít nhất vài quyển sách để phân tích và dẫn chứng toàn bộ các ảnh hưởng trên của mã nguồn mở. Trong khuôn khổ bài này, ta hãy thử xét một ví dụ kinh điển.
Các tài liệu Halloween là một chuỗi các báo cáo nội bộ của Microsoft về các chiến lược đối chọi với phong trào phần mềm mã nguồn mở nói chung và Linux nói riêng. Tài liệu Halloween số 1 bị lộ ra ngoài cuối tháng 10 năm 1998, đến tay một lập trình viên có tiếng là Eric Raymond. Eric đăng luôn lên website của anh cùng với lời bình. Microsoft đã nhận rằng tài liệu này là thật, tuy nhiên không nhận rằng đó là tài liệu chiến lược kinh doanh, mà chỉ là nghiên cứu kỹ thuật. Tài liệu Halloween số 2 nói riêng về Linux (thay vì phần mềm mã nguồn mở nói chung) cũng ở tình trạng tương tự ngay sau đó. Một chuỗi các báo cáo, đính chính, phát biểu từ Microsoft liên quan đến các tài liệu này cũng bị lộ từ năm 1998 đến nay, và được đánh số từ 3 đến 11.
Các tài liệu thú vị này vẽ một bức tranh nhiều màu sắc trong quan hệ giữa các đối trọng phần mềm thế giới. Ví dụ như vụ Microsoft tuồn cho công ty SCO 86 triệu đô để “oánh” Linux, được tiết lộ ở Halloween 9 và 10. Khi Microsoft dồn nhân/vật lực vào cái gì thì hẳn là cái đó đã/đang có tiềm năm cực lớn: “chiến tranh trình duyệt” với Netscape, “chiến tranh công cụ tìm kiếm” với Google, “chiến tranh hệ điều hành” với GNU/Linux, chiến tranh trong thị trường trò chơi điện tử với Sony…
Kiến trúc mở
Có thể nói không ngoa là các phong trào mã nguồn mở, mã nguồn miễn phí sẽ chẳng đi đến đâu nếu không có Internet. Internet cho phép các lập trình viên trên toàn thế giới học hỏi và trao đổi kiến thức, hợp tác từ xa phát triển các dự án phần mềm. Giải thưởng Turing (tương đương với Nobel cho ngành khoa học máy tính) năm qua đã về tay các tiến sĩ Vinton Cerf và Robert Kahn, những người phác thảo kiến trúc Internet, thiết kế giao thức TCP/IP và đóng vai trò chủ đạo trong quá trình hiện thực hóa Internet trong khoảng 30 năm nay.
Hai yếu tố quan trọng nhất làm Internet bùng phát là kiến trúc mở và nguyên tắc thiết kế end-to-end (E2E, tạm dịch là “từ đầu này đến đầu kia”).
Đầu những năm 1960, các ý tưởng khởi điểm về mạng chuyển gói (packet switched networks) dẫn đến mạng ARPANET do phòng nghiên cứu Bộ quốc phòng Mỹ (DARPA) tài trợ. Cùng năm này mạng chuyển gói radio đầu tiên (ALOHA Net) bắt đầu làm việc. Cùng với sự ra đời của email cuối 71, đầu 72, và phác thảo ý tưởng về mạng cục bộ Ethernet, Robert Kahn nhận rõ sự cần thiết của việc nối các mạng khác nhau với nhau để chia sẻ tài nguyên và thông tin. Kahn phác thảo ý tưởng về một cấu hình mạng mở (open networking architecture) trong đó các mạng với kiến trúc, cấu hình máy, hệ điều hành… khác nhau có thể nối kết với nhau. Cái mạng của các mạng này được gọi là Internet. Đến đầu năm 1973, Kahn hợp tác với Cerf để phát triển bộ giao thức TCP/IP – giao thức mà tuyệt đại đa số các máy tính nối mạng hiện nay đều dùng. Cấu trúc mở đã cho phép các nhà sản xuất phần cứng, phần mềm phát triển và sáng tạo sản phẩm mạng độc lập nối mạng với nhau. Dù đã phát triển và thích nghi, các ý tưởng căn bản của TCP/IP vẫn đứng vững trước bao nhiêu kỹ thuật mạng mới, bao nhiêu trăm triệu máy mới nối mạng, nghìn vạn các ứng dụng mới của Internet. Đây là bằng chứng hùng hồn cho tính cách mạng của ý tưởng kiến trúc mở.
Nguyên tắc E2E có ảnh hưởng tuyệt đối lớn đến sự phát triển các ứng dụng quan trọng nhất trên mạng Internet toàn cầu, vì nó cho phép người sử dụng (thay vì người cung cấp dịch vụ mạng) sáng tạo và phát triển các ứng dụng mới mà không bị mạng làm phiền (mạng chỉ có chức năng chuyển giao các gói dữ liệu, không ngăn cản/lọc/thay đổi dữ liệu).
Bằng chứng hùng hồn cho tầm quan trọng của nguyên tắc E2E là các ứng dụng như email, world wide web, các công cụ chat (và webcam), công cụ tìm kiếm (như Google)… đều do người dùng Internet sáng tạo và phát triển. Nếu không có cấu trúc mở theo nguyên tắc E2E thì một vài công ty cung cấp dịch vụ mạng đã không thể nào phát triển các ứng dụng trên Internet vũ bão như thế trong 30 năm qua.
Và tinh thần mở
Mô hình mã nguồn mở và kiến trúc mở trên nguyên tắc E2E của Internet có một điểm chung: cho phép người sử dụng phát huy tối đa quyền tự do “hí hoáy”. Bằng cách này, tinh thần mở tạo nền tảng và kích khích tiềm năng sáng tạo vô hạn từ toàn bộ nhân loại, vì nó ghi nhận các tiếng nói cá nhân trong tiến trình phát triển của thế giới. Động lực của sự “cá nhân hóa” này có sức mạnh đáng kinh ngạc như đã minh chứng.
Thật đáng buồn khi gần đây nguyên tắc E2E ngày càng bị vi phạm nặng nề. Các mục tiêu kinh tế ngắn hạn hay các chuẩn mực tôn giáo, chính trị, văn hóa độc đoán đang dựng nên rào cản dài hạn kiềm hãm sự sáng tạo của nhân loại. Ví dụ như hiện nay các gói dữ liệu bị chặn và lọc bởi tường lửa. Vì lý do kinh tế, nhiều công ty viễn thông và cáp truyền hình cài đặt các bộ lọc VoIP để không cho phép gọi điện thoại qua Internet, các dòng dữ liệu đa phương tiện cũng bị nhiều ISP phân biệt đối xử. Vint Cerf, Bob Kahn, và rất nhiều nhà khoa học khác đang tích cực tham gia thuyết phục chính quyền Mỹ ngăn cản xu hướng này.
Tinh thần mở chính là sự chuyển dịch mẫu hình của khoa học và công nghệ thế giới trong hơn 30 năm bùng nổ CNTT vừa qua. Tự do hí hoáy đang dần san phẳng bao nhiêu rào cản, biên giới địa-chính trị, kinh tế, văn hóa tri thức… tạo nên một “thế giới phẳng” (theo tựa đề quyển “Thế giới phẳng: lược sử thế kỷ 21” của nhà báo Thomas Friedman). Phiên bản “toàn cầu hóa 3.0” đang được phát triển không phải bởi các tập đoàn xuyên quốc gia khổng lồ hay tổ chức tiền tệ thế giới, mà bởi cơ man các cá nhân ngồi bên chiếc PC nối mạng, học tập, lao động và sáng tạo từng phút từng giây.
Cơ hội của quả đất phẳng đã san bằng sân chơi tri thức, đặc biệt là tri thức CNTT. Tinh thần mở là cơ hội nghìn năm một thủa cho các nhân tài đất Việt vươn ra thế giới: học hỏi, lao động, sáng tạo. Đây chính là cái ngòi nổ cho các phong trào tri thức mở của thế giới, giải phóng tiềm năng sáng tạo vô hạn của nhân loại.
Tạo điều kiện tối đa cho tinh thần mở này là một trong những điều kiện tiên quyết cho phát triển về nhiều mặt trong kỷ nguyên mới. Tìm một điểm cân bằng hữu lý giữa các giá trị xã hội ngắn hạn và các giá trị vĩnh hằng của lao động và sáng tạo là trọng trách của các nhà hoạch định chính sách./.