Tư nhân hóa thám hiểm không gian: Sự tự do quá mức ?

Việc tư nhân tham gia vào việc thám hiểm không gian đang hé lộ những vấn đề tiêu cực mà nhiều người không ngờ tới.

Mòng biển cười đi lang thang gần sân bay vũ trụ Starbase của SpaceX. Ảnh: Eli Durst/Texas Monthly

Với thành công của chuyến bay Crew Dragon Demo-2 chở phi hành gia NASA vào vũ trụ trên phi thuyền do Công ty SpaceX thiết kế, ngày nay phong trào tư nhân hóa thám hiểm không gian đang lớn mạnh và được cơ quan vũ trụ của Mỹ, Canada, châu Âu, v.v. ưa chuộng. Các tỷ phú đi đầu trong phong trào này như Elon Musk và Jeff Bezos không những được tán dương nhờ nhân cách đam mê và ủng hộ khoa học mà họ trưng diện ra trước công chúng, mà còn nhờ những tuyên bố rằng ước muốn của họ là phát triển và tìm một miền đất mới cho nhân loại trước hiểm họa biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, với cách vận hành hiện nay, các nỗ lực thám hiểm không gian tư nhân không những không thực sự là hy vọng phát triển cho cả nhân loại, mà còn tiếp tay cho các bất bình đẳng và sự hủy hoại môi trường đã và đang diễn ra trên Trái đất.

Trước hết, cần hiểu rằng thám hiểm không gian không phải là một phần thiết yếu của thiên văn học. Trên thực tế, đại đa phần chuyên ngành thiên văn không đòi hỏi phải gửi người ra không gian. Với các lý thuyết, mô phỏng máy tính và đài quan sát hiện có trên mặt đất, các nhà thiên văn hoàn toàn có thể hiểu thêm về thiên hà, siêu tân tinh hay hành tinh ngoài hệ Mặt trời mà không phải lo tính đến việc rời khỏi hành tinh của họ. Tuy nhiên, dẫu chẳng phải chỗ dựa thiết yếu của thiên văn, thám hiểm không gian vẫn đem lại những lợi ích riêng. Phần lớn các phi hành gia đến nay đều là chuyên viên với nhiều trách nhiệm, từ sửa chữa kính viễn vọng không gian cho đến thực hiện các thí nghiệm sinh học, hóa học và y học để phục vụ cho đời sống trên mặt đất. Chẳng hạn, theo phi hành gia kiêm bác sĩ Serena Auñón-Chancellor trả lời báo Scientific American, các nhà nghiên cứu đã tìm ra rằng protein được tinh thể hóa trong môi trường vi trọng lực ở Trạm Vũ trụ Quốc tế có chất lượng cao hơn, và từ đó có thể điều trị các bệnh như Parkinson và Alzheimer tốt hơn protein được tinh thể hóa trên bề mặt Trái đất. Ngoài ra, thám hiểm không gian còn có các lợi ích gián tiếp. Trong quá trình chuẩn bị cho con người bay vào vũ trụ, các kỹ sư đã sáng chế ra các thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống ngày nay như chuột máy tính, chăn bạc giữ nhiệt và cánh tay robot hỗ trợ phẫu thuật thần kinh. Đấy là chưa nói đến các lợi ích trừu tượng hơn như truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ theo đuổi khoa học, dẫn đến các ý tưởng mới trong nghệ thuật, v.v.

Thám hiểm không gian tư nhân có thể khiến các bất bình đẳng xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, bởi chỗ tiền được sử dụng để hiện thực hóa nó đến trực tiếp từ các vấn nạn vẫn còn gây nhức nhối như bóc lột sức lao động.

Trước đây, các nhiệm vụ thám hiểm không gian đều được tài trợ và thực hiện bởi các cơ quan chính phủ. Do ngân sách giới hạn và quá trình phê duyệt phức tạp qua nhiều tầng nấc, nên số lượng các nhiệm vụ cũng khiêm tốn. Sự tham gia của tư nhân sẽ hoạt động này có số vốn dồi dào hơn và được triển khai dễ dàng hơn. Hơn thế nữa, thám hiểm không gian tư nhân hoàn toàn có thể thu về lợi ích như thám hiểm không gian do nhà nước chịu trách nhiệm; chẳng hạn, một số kết quả về quá trình tinh thể hóa protein nói trên đã đến từ thí nghiệm được thực hiện trên tàu Dragon của SpaceX chở hàng hóa lên Trạm Vũ trụ Quốc tế.

Vậy điều gì khiến tư nhân hóa thám hiểm không gian trở nên đáng lo ngại? Nếu chính phủ không có chính sách kiểm soát hoạt động này một cách thích đáng, nó sẽ nảy sinh những tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.

Thám hiểm không gian đang hủy hoại Trái Đất?

Trước tiên, thám hiểm không gian tư nhân đang ảnh hưởng tiêu cực đến khí quyển Trái đất. Vào năm 2021, nhà địa lý tự nhiên Eloise Marais đã cảnh báo trên The Guardian rằng lượng khí thải carbon từ tên lửa đang tăng ở mức 5.6% mỗi năm. Trước đây, lượng khí thải từ tên lửa nói chung không nhiều so với lượng khí thải từ các chuyến bay thương mại, song với việc các công ty ồ ạt phóng người vào không gian để du lịch hoặc để hỗ trợ các cơ quan vũ trụ quốc gia, cục diện có thể thay đổi. Các khí thải do tên lửa thải ra mỗi lần phóng không những có thể tích tụ trên tầng khí quyển cao mà còn làm thủng tầng ozon.

Thám hiểm không gian tư nhân, với cách vận hành ngày nay, còn có thể làm suy yếu môi trường sống trên mặt đất. Ví dụ tiêu biểu là Starbase – cảng vũ trụ của SpaceX đặt tại vùng Boca Chica ở bờ biển cực Nam bang Texas, Mỹ, được CEO Elon Musk miêu tả trong một buổi họp báo năm 2018 là nơi “chúng ta có rất nhiều đất mà chả có ai xung quanh, nên nếu nó nổ thì cũng ngầu”. Theo tờ Texas Monthly, khi mới trình kế hoạch lên Cục Hàng không Liên bang (FAA), SpaceX khai rằng họ sẽ chỉ phóng tên lửa Falcon từ Starbase. Đánh giá tác động môi trường ban đầu của FAA kết luận rằng Starbase sẽ không ảnh hưởng tới môi trường sống của các loài bản địa như rùa biển, mèo gấm ocelot, v.v. Song sau khi Starbase đi vào hoạt động, SpaceX lại mở rộng quy mô và thử nghiệm các tên lửa Starship không những lớn hơn, ồn hơn, mà còn để lại rất nhiều mảnh vỡ kim loại và thải ra một lượng lớn khí nhà kính. Theo báo The Verge, trước khi tên lửa SN8 được phóng vào tháng 12/2020, FAA đã cảnh báo rằng nếu SpaceX nhất quyết phóng tên lửa này, họ sẽ vi phạm giấy phép của FAA. Nhưng SpaceX vẫn phóng, và trong các tháng sau, nội bộ FAA bị chia rẽ và đã có các quyết định khác nhau về việc nên cho SpaceX phóng hay không, và nếu có thì nên yêu cầu thế nào. Trong khi FAA trì trệ và thiếu nhất quán, SpaceX tiếp tục phóng tên lửa và đổ nước thải xuống bãi triều của khu bảo tồn thiên nhiên lân cận, nơi các loài chim bờ biển đến sống theo mùa. Theo nhà bảo tồn David Newstead trả lời báo The Guardian, từng có hàng chục đôi chim choi choi tuyết (snowy plover) đến làm tổ trên bãi triều này hằng năm. Đến 2020, các nhà bảo tồn chỉ tìm thấy hai đôi, và đến 2021 thì chỉ có một. Trước sự phản đối của các nhà bảo tồn và dân địa phương, CEO Elon Musk viết trên Twitter rằng: “Nếu chúng ta biến sự sống trở nên đa hành tinh, sẽ có ngày một số động thực vật tuyệt chủng trên Trái đất nhưng vẫn sống trên sao Hỏa.” Trả lời tờ Texas Monthly, nhà sinh học địa phương Stephanie Bilodeau thừa nhận rằng cô sẽ không thể hình dung được choi choi tuyết sống trên sao Hỏa.

Công nhân nhà kho Amazon ở Đảo Staten, thành phố New York ăn mừng chiến thắng lập công đoàn ngày 1/4/2022. Ảnh: Eduardo Munoz Avarez/AP

Người nghèo bị bóc lột, người giàu đi du lịch vũ trụ?

Ngoài các ảnh hưởng môi trường, thám hiểm không gian tư nhân còn có tác động xã hội. Xét cho cùng, thám hiểm không gian tư nhân đòi hỏi rất nhiều tiền để trở thành hiện thực. Ngày 20/7/2021, trở về từ một chuyến bay ngắn qua độ cao tối thiểu được lấy làm điểm đầu của vũ trụ, Jeff Bezos – cựu CEO Amazon và CEO đương nhiệm của Công ty Du lịch Vũ trụ Blue Origin – đã phát biểu trong buổi họp báo như sau: “Tôi muốn cảm ơn từng nhân viên Amazon và từng khách hàng Amazon vì các bạn đã trả tiền cho toàn bộ chuyện này.” Lập tức, Bezos chịu sự chỉ trích, nhất là của các nhân viên Amazon đã cố gắng lập công đoàn để yêu cầu lương cao hơn, điều kiện làm việc ít nguy hiểm người hơn, cùng nhiều lợi ích khác mà họ chưa từng có được với tư cách là nhân viên Amazon. Khi công nhân nhà kho Amazon đầu tiên thành công bỏ phiếu lập công đoàn vào ngày 1/4/2022, chủ tịch Liên đoàn Lao động Amazon là Chris Smalls đã nói mỉa như sau: “Chúng tôi muốn cảm ơn Jeff Bezos cho việc bay vào không gian, vì trong lúc ông ta ở trên đó thì chúng tôi đang lập công đoàn”. Đối với Liên đoàn Lao động Amazon, chuyến bay của Bezos thể hiện rõ bất công trong xã hội tân tự do, nơi các nhà điều hành công ty có thể vừa không đóng thuế, vừa bóc lột công nhân, vừa ngăn chặn các nỗ lực lập công đoàn để rồi thu về nhiều tiền đến mức thiết kế và phóng được phi thuyền đi thăm thú vũ trụ trong vài giờ đồng hồ. Nói cách khác, thám hiểm không gian tư nhân có thể khiến các bất bình đẳng xã hội trở nên nghiêm trọng hơn, bởi chỗ tiền được sử dụng để hiện thực hóa nó đến trực tiếp từ các vấn nạn vẫn còn gây nhức nhối như bóc lột sức lao động. Không những vậy, thám hiểm không gian tư nhân, nhất là khi phục vụ mục đích du lịch, còn nới rộng khoảng cách giàu-nghèo. Việc những người giàu thi nhau mua vé bay vào vũ trụ vừa không giải quyết được vấn đề gì trên Trái đất, vừa chỉ có tác dụng như một cuộc vui mà chỉ người giàu mới đủ tiền trải nghiệm trong khi cả thế giới đang khốn khó ở bên dưới. Quả thật, một cách bào chữa thường gặp cho việc người giàu đi du lịch vũ trụ là bảo rằng nhờ thấy Trái đất từ trên cao, người giàu sẽ nhận ra Trái đất tươi đẹp và bản thân họ nhỏ bé thế nào, rồi từ đó có động lực bảo vệ hành tinh này hơn. Song tại sao lại phải trông chờ vào những người này thay đổi nhận thức từ trên vũ trụ khi họ có thể làm điều đó ngay dưới mặt đất?

Tư nhân hóa thám hiểm không gian, dù là một phong trào đang nở rộ ở Hoa Kỳ và các công ty Hoa Kỳ bị thống trị, thực chất cần đến tiếng nói và sự vào cuộc của các nhà làm luật trên cả thế giới để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho con người chứ không tiếp tay cho các bất bình đẳng và thảm họa môi trường vẫn còn đang diễn ra.

Ai là người đề ra luật?

Đó mới chỉ là một số ảnh hưởng tiêu cực thường được thảo luận của tư nhân hóa thám hiểm không gian. Còn cả những tác động của các nhiệm vụ “ngoài không gian” nhưng không phải với mục tiêu “thám hiểm”. Chẳng hạn, từ cuối thập niên 2010, các công ty như SpaceX, Amazon và OneWeb đã phóng hàng loạt các vệ tinh vào quỹ đạo Trái đất tầm thấp (low Earth orbit) với mục tiêu cung cấp Internet băng thông rộng cho nhiều nước trên thế giới. Do khâu quản lý lỏng lẻo của Hoa Kỳ – quốc gia nơi các vệ tinh này được phóng, ngay sau khi bay vào quỹ đạo, các vệ tinh đã gây ô nhiễm ánh sáng và ảnh hưởng tới các quan sát thiên văn đã và đang diễn ra trên cả Trái đất. Theo nghiên cứu xuất bản đầu năm 2022 của Mróz và cộng sự, số phần trăm các ảnh thiên văn chụp lúc chạng vạng bị dính vệt ánh sáng của vệ tinh SpaceX đã gia tăng từ dưới 0.5% vào cuối 2019 đến 18% vào tháng 8/2021. Nhiều chính phủ và cơ quan vũ trụ trên khắp thế giới đã chỉ trích kế hoạch phóng thêm vệ tinh của Musk, tiêu biểu là Tổng Giám đốc Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) Josef Aschbacher. Trả lời phỏng vấn trên tờ báo Financial Times, Aschbacher cho rằng: “Trên thực tế, [Musk] đang tự đặt ra các quy luật. Phần còn lại của thế giới, bao gồm cả châu Âu, đều chưa phản ứng đủ nhanh”.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris phát biểu tại Trung tâm Vũ trụ Johnson vào tháng 9/2022 về chương trình Artemis. Ảnh: Lucio Vasquez/Houston Public Media

Ý kiến của Aschbacher cũng nêu đích danh một vấn đề mấu chốt trong tư nhân hóa thám hiểm không gian: vai trò bị thu nhỏ của các chính phủ, đặc biệt là Chính phủ Hoa Kỳ. Quả thật, việc ít phụ thuộc hơn vào các quy trình quan liêu của chính phủ cho phép NASA hiện thực hóa các khát vọng khoa học của họ dễ dàng hơn, chứ không bị kẹt lại hàng chục năm như trong vụ Kính viễn vọng không gian James Webb. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy ở Boca Chica, sự thiếu vắng các giới hạn và quyết định pháp lý rõ ràng, mạch lạc của những cơ quan chính phủ như FAA cũng cho phép các công ty gây ô nhiễm không khí, tiếng ồn, ánh sáng, v.v. một cách dễ dàng. Đấy là chưa nói đến việc vũ trụ không chỉ là một cánh rừng hay một con sông của một quốc gia, mà bao quanh cả hành tinh này. Vì vậy, khâu quản lý nghèo nàn của một cơ quan hàng không ở Hoa Kỳ sẽ gây “vạ lây” cho cả thế giới. Tư nhân hóa thám hiểm không gian, dù là một phong trào đang nở rộ ở Hoa Kỳ và bị các công ty Hoa Kỳ thống trị, thực chất cần đến tiếng nói và sự vào cuộc của các nhà làm luật trên cả thế giới để hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn cho con người chứ không tiếp tay cho các bất bình đẳng và thảm họa môi trường vẫn còn đang diễn ra. Nhiều nhà làm luật, nhà thiên văn và nhà hoạt động đã đề xuất việc cập nhật lại Hiệp ước Không gian Vũ trụ (Outer Space Treaty) từ năm 1967 để các chính phủ có thể đưa ra các quyết định rõ ràng hơn trong việc quản lý tư nhân hóa thám hiểm vũ trụ. Tuy nhiên, hy vọng này cũng dựa trên niềm tin rằng chính phủ làm việc biệt lập khỏi giới tư nhân. Trong bối cảnh chính phủ các nước đang ngày càng bị lợi ích nhóm thao túng, và các tỷ phú công nghệ có quyền lực đến nỗi có thể quyết định cung cấp Internet cho vùng chiến sự Ukraina hay không, liệu có thể tin tưởng rằng các nhà làm luật trên toàn thế giới sẽ không bị phía tư nhân chi phối và sẽ đưa ra quyết định có lợi cho cả nhân loại thay vì là cho một số chủ công ty thám hiểm không gian nhất định?

Thám hiểm không gian luôn đi đôi với chính trị. Các thành công của Yuri Gagarin hay Apollo 11 đều tồn tại trong bối cảnh cuộc chạy đua vũ trang giữa Liên Xô và Hoa Kỳ, khi cả hai bên đều cố gắng chứng tỏ sự phi thường của mình bằng việc cho người của mình mang các thứ quốc kỳ, quốc hiệu bay vào không gian. Chương trình Artemis của NASA mới đây cũng là một nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa ngoại lệ Hoa Kỳ, được sinh ra trong khuôn khổ chính sách “Nước Mỹ trước tiên” (America First) của Tổng thống Trump và được chính quyền Biden tiếp tục để nước Mỹ “vẽ đường trở lại Mặt trăng” (charting a path back to the Moon). Vì vậy, việc xem xét các nỗ lực tư nhân hóa thám hiểm không gian từ góc nhìn chính trị không những là một việc hợp lý, mà còn là một hành động cần thiết, bởi nó cho phép chúng ta đặt các nỗ lực này vào bối cảnh chung của thế giới. Khi các công ty tư nhân như SpaceX hay Amazon-Blue Origin đóng vai trò trong thám hiểm không gian, đó không phải là một câu chuyện thành đạt, mà là hành động của những cá nhân vừa có thể kiếm tiền nhờ bóc lột sức lao động của nhân viên, vừa được hậu thuẫn bởi luật lệ lỏng lẻo của chính phủ để cuối cùng có thể phóng một tên lửa, một vệ tinh, một con người ra ngoài kia. Quả thật là bản thân thám hiểm không gian không có hại, và bản thân thám hiểm không gian tư nhân cũng không phải ngày tàn của thế giới. Song với cách thám hiểm không gian đang được tư nhân hóa ngày nay, đây là một vấn đề đáng báo động, cần phải được đối phó một cách rạch ròi và dứt khoát.□

——-

Gammon, K. (2021), “Elon Musk’s SpaceX launch site threatens wildlife, Texas environmental groups say”, The Guardian. theguardian.com/science/2021/jul/19/billionaires-space-tourism-environment-emissions

Hollinger, P. & Cookson, C. (2021), “Elon Musk being allowed to ‘make the rules’ in space, ESA chief warns”, Financial Times. ft.com/content/7d561078-37c7-4902-a094-637b81a26241

Hooks, C. (2021), “Elon Musk Is Turning Boca Chica Into a Space-Travel Hub. Not Everyone Is Starstruck.”, Texas Monthly. texasmonthly.com/news-politics/elon-musk-boca-chica-starbase-texas/

Mróz, P. et al (2022), “Impact of the SpaceX Starlink Satellites on the Zwicky Transient Facility Survey Observations”, The Astrophysical Journal Letters 924(2), L30.

Roulette, J. (2021), “SpaceX ignored last-minute warnings from the FAA before December Starship launch”, The Verge. theverge.com/2021/6/15/22352366/elon-musk-spacex-faa-warnings-starship-sn8-launch-violation-texas

Thompson, A. (2019), “Medicine in Space: What Microgravity Can Tell Us about Human Health”, Scientific American. scientificamerican.com/article/medicine-in-space-what-microgravity-can-tell-us-about-human-health/

Wray, D. (2021), “Elon Musk’s SpaceX launch site threatens wildlife, Texas environmental groups say”, The Guardian. theguardian.com/environment/2021/sep/05/texas-spacex-elon-musk-environment-wildlife.

Tác giả

(Visited 19 times, 1 visits today)