Tương quan giữa hạnh phúc và chất lượng không khí ở Trung Quốc
Các nhà nghiên cứu tại MIT đã phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc có thể liên quan đến mức độ hạnh phúc thấp trong cộng đồng cư dân đô thị. Nghiên cứu phát hiện ra rằng khi mức ô nhiễm không khí cao hơn thì tâm trạng cư dân thể hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội có xu hướng trở nên tiêu cực hơn.
Ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc có thể là một nguyên nhân cho mức độ hạnh phúc thấp trong cộng đồng dân cư đô thị. Nguồn: MIT
Nhiều năm nay Trung Quốc đã phải vật lộn với vấn đề giải quyết mức độ ô nhiễm cao ở các thành phố lớn. Thậm chí, một nghiên cứu gần đây của các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông Trung Quốc đã phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí ở nước này gây ra trung bình 1,1 triệu ca tử vong sớm mỗi năm và gây thiệt hại 38 tỷ đô la cho nền kinh tế.
Bây giờ các nhà nghiên cứu tại MIT lại phát hiện ra rằng ô nhiễm không khí ở các thành phố của Trung Quốc có thể là một nguyên nhân cho mức độ hạnh phúc thấp trong cộng đồng dân cư đô thị.
Trong một bài báo đăng trên tạp chí Nature Human Behavior, một nhóm nghiên cứu do Siqi Zheng, giáo sư Khoa Nghiên cứu và Quy hoạch đô thị, Giám đốc Phòng thí nghiệm thành phố tương lai (China Future City) của MIT tại Trung Quốc, phụ trách tiết lộ rằng mức độ ô nhiễm cao có liên quan đến sự suy giảm hạnh phúc ở nhiều mức độ. Các đồng tác giả của bài báo là Jianghao Wang từ Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc, Matthew Kahn từ Đại học Nam California, Cong Sun từ Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải, và Xiaonan Zhang từ Đại học Thanh Hoa ở Bắc Kinh.
Họ chỉ ra vấn đề: mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm là 8%, mức độ hài lòng của người dân thành thị Trung Quốc không tăng nhiều như mong đợi. Bên cạnh các dịch vụ công cộng không đầy đủ, giá nhà tăng vọt và những lo ngại về an toàn thực phẩm, thì ô nhiễm không khí – do quá trình công nghiệp hóa, đốt than và tăng sử dụng ô tô – đang ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống ở khu vực thành thị.
Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí gây hại cho sức khỏe, khả năng nhận thức, năng suất lao động và kết quả giáo dục. Nhưng nghiên cứu mới đây cho thấy ô nhiễm không khí còn có phạm vi tác động rộng lớn hơn, cụ thể là đối với đời sống xã hội và các hành vi xã hội, theo ông Zheng.
Ví dụ, để tránh mức độ ô nhiễm không khí cao, mọi người có thể di chuyển đến các thành phố sạch hơn hoặc các tòa nhà xanh, mua các thiết bị bảo vệ như khẩu trang và máy lọc không khí và dành ít thời gian ngoài trời hơn.
“Ô nhiễm cũng có một chi phí về mặt cảm xúc”, ông Zheng nói. “Khi người dân không hài lòng, họ có thể đưa ra các quyết định phi lý”.
Nghiên cứu của nhóm nghiên cứu đã cho thấy: vào những ngày ô nhiễm, mọi người có nhiều khả năng có các hành vi bốc đồng, mạo hiểm và có thể gây hậu quả đáng tiếc về sau. Theo Zheng, các hành vi này có thể là kết quả của trạng thái trầm cảm và lo lắng ngắn hạn.
“Chúng tôi muốn khám phá một loạt các tác động của ô nhiễm không khí đối với cuộc sống hàng ngày của người dân tại các thành phố bị ô nhiễm nặng của Trung Quốc,” Zheng nói.
Để thực hiện mục tiêu này, các nhà nghiên cứu đã sử dụng dữ liệu thời gian thực từ phương tiện truyền thông xã hội ở 144 thành phố của Trung Quốc để theo dõi mức độ ô nhiễm hàng ngày ảnh hưởng thế nào đến mức độ hạnh phúc của người dân.
Trước đây thông thường mức độ hạnh phúc thường được đo bằng bảng hỏi. Tuy nhiên, các khảo sát như vậy chỉ cung cấp duy nhất một cái nhìn đơn lẻ; phản hồi của mọi người chỉ có xu hướng phản ánh cảm giác hạnh phúc tổng thể hơn là hạnh phúc của họ vào những ngày cụ thể.
“Truyền thông xã hội cung cấp một thước đo thời gian thực về mức độ hạnh phúc của người dân và cũng cung cấp một lượng dữ liệu khổng lồ, trên nhiều thành phố khác nhau,” Zheng nói.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng thông tin về mức độ hạt siêu mịn PM 2.5 từ các báo cáo chất lượng không khí hàng ngày do Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc phát hành. Các hạt bụi lơ lửng trong không khí đã trở thành chất gây ô nhiễm không khí chính ở các thành phố Trung Quốc trong những năm gần đây và các hạt PM 2.5, có đường kính nhỏ hơn 2.5 micromet, là các hạt đặc biệt nguy hiểm đối với phổi người.
Để đo lường mức độ hạnh phúc hàng ngày cho mỗi thành phố, nhóm nghiên cứu đã áp dụng thuật toán máy học để phân tích 210 triệu bài có gắn thẻ địa điểm trên Weibo – nền tảng mạng xã hội lớn nhất của Trung Quốc.
Các bài đăng được lấy trong thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 11/2014. Đối với mỗi bài đăng, các nhà nghiên cứu áp dụng thuật toán phân tích tình cảm được đào tạo bằng máy học để đo lường mức độ cảm xúc. Chỉ số hạnh phúc được biểu thị từ 0 đến 100, với 0 biểu thị tâm trạng rất tiêu cực và 100 là rất tích cực. Sau đó các nhà nghiên cứu tính chỉ số hạnh phúc trung bình cho mỗi thành phố trong một ngày nhất định.
Cuối cùng, các nhà nghiên cứu hợp nhất chỉ số này với dữ liệu thời tiết và nồng độ PM2.5 hàng ngày. Họ tìm thấy một mối tương quan tỉ lệ nghịch đáng kể giữa mức độ ô nhiễm và mức độ hạnh phúc. Ngoài ra nghiên cứu cho thấy phụ nữ nhạy cảm với mức độ ô nhiễm hơn nam giới và tương tự, nhóm có thu nhập cao cũng nhạy cảm với mức độ ô nhiễm hơn so với các nhóm xã hội khác.
Khi các nhà nghiên cứu xem xét thành phố xuất xứ của các bài đăng, họ thấy rằng những người từ các thành phố sạch nhất và bẩn nhất thuộc nhóm có mức độ hạnh phúc bị ảnh hưởng nặng nề nhất vì ô nhiễm. Điều này có thể là do những người đặc biệt quan tâm đến sức khỏe và chất lượng không khí có xu hướng chuyển đến các thành phố sạch sẽ, trong khi những người ở các thành phố rất bẩn nhận thức rõ hơn về tác hại đối với sức khỏe của họ do tiếp xúc lâu dài với các chất ô nhiễm, Zheng nhận xét.
Thông qua việc sử dụng một cách sáng tạo dữ liệu truyền thông xã hội, các tác giả đã chứng minh mối liên hệ mạnh mẽ giữa chất lượng không khí và sự bày tỏ cảm xúc, một thước đo liên quan đến hạnh phúc, Shanjun Li, giáo sư kinh tế môi trường tại Đại học Cornell, nhận xét. “Nghiên cứu này bổ sung vào kiến thức khoa học ngày càng tăng về chi phí xã hội của ô nhiễm không khí bằng cách tập trung vào nhóm đa số bị ảnh hưởng, những người không thường xuất hiện trong các nghiên cứu dựa trên kết quả về tỷ lệ mắc bệnh và tử vong”, ông Li nói.
Giờ đây, Zheng hy vọng sẽ tiếp tục nghiên cứu về tác động của ô nhiễm đối với hành vi của người dân, và điều tra cách các chính trị gia Trung Quốc phản hồi với nhu cầu ngày càng tăng của công chúng về không khí sạch.
Hoàng Nam dịch
Nguồn: http://news.mit.edu/2019/china-link-happiness-air-quality-0121