Tuyến tụy nhân tạo đem lại hy vọng cho bệnh nhân tiểu đường
Tạp chí Bệnh tiểu đường và Nội tiết học Lancet (the Lancet Diabetes and Endocrinology Journal) vừa công bố kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Cambridge. Theo nhóm tác giả bài báo, các thí nghiệm của họ đã chứng minh thiết bị Tuyến tụy nhân tạo (TTNT, Artificial pancreas) có hiệu quả sử dụng cao, có thể giúp hàng triệu bệnh nhân tiểu đường được sống cuộc đời bình thường mà không cần liên tục tiêm insulin hằng ngày như hiện nay.
Trong lần thí nghiệm đầu tiên sáng chế nói trên, 24 bệnh nhân người Anh mắc chứng tiểu đường loại I – những người mà tuyến tụy của họ ngừng tiết ra chất insulin – đã mang thiết bị TTNT về nhà, đeo và dùng thử một tháng, bỏ không tự tiêm insulin như trước đây. Nên biết rằng, để giữ mạng sống, hằng ngày bệnh nhân tiểu đường loại I phải tự tiêm insulin từ hai đến năm lần (tiêm dưới da) và phải thường xuyên tự theo dõi lượng đường huyết của mình bằng cách trích máu ở đầu ngón tay và nhỏ máu lên giấy thử để xem kết quả.
Tiến sĩ Roman Hovorka đứng đầu dự án nghiên cứu của ĐH Cambridge nói thiết bị TTNT có hiệu quả rất lý tưởng. Tiến sĩ Alasdair Rankin Giám đốc nghiên cứu Viện Tiểu đường Anh nói: “Các kết quả kể trên là niềm phấn khởi lớn. Công nghệ mới này đem lại những ích lợi rõ rệt về sức khỏe cho các bệnh nhân tiểu đường loại II.”
Ở bệnh nhân tiểu đường loại II, cơ thể không thể sản xuất đủ chất insulin hoặc không thể sử dụng chất này một cách bình thường. 14% bệnh nhân tiểu đường loại II nặng nhất cũng phải tiêm insulin.
Hiện nay các nhà khoa học đang có kế hoạch thí nghiệm ở quy mô lớn hơn; nếu thành công thì thiết bị TTNT sẽ có thể được nhà chức trách Anh Quốc cho phép sử dụng trong hệ thống y tế nước này.
Sau khi khoa học tinh chế được insulin, bệnh nhân tiểu đường loại I có thể giữ cho bệnh không phát triển bằng cách tiêm insulin dưới da hằng ngày suốt đời; không tiêm thì sẽ xảy ra các biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thận, hoại tử. Bệnh nhân tiểu đường loại II, chiếm 90% các ca bệnh tiểu đường, thì phải dùng thuốc kích thích dịch tiết insulin. Ngày nay ai cũng có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường vì những lý do như ăn nhiều chất béo, lười vận động. Đây là một bệnh mãn tính gây tử vong thứ tư ở các nước phát triển, nhưng chưa có cách điều trị tận gốc. Với mức tăng 211% trong 10 năm qua, Việt Nam có tốc độ tăng số bệnh nhân tiểu đường nhanh nhất thế giới.
Chú thích ảnh:
1. Thiết bị cảm biến: được đặt dưới da để liên tục đo nồng độ đường huyết trong tế bào của người bệnh.
2. Máy nhận thông số đường huyết: hiển thị những thông số được cập nhật thành đồ thị và các xu hướng mỗi phút và chuyển các thông số từ ổ USB sang cổng Bluetooth.
3. Thiết bị quản lý thuật toán: các thông số được gửi đến một thiết bị quản lý thuật toán để phân tích và tính toán liều lượng insulin chính xác (nếu cần). Thiết bị này có thể là điện thoại thông minh, máy tính bảng hoặc máy tính bàn v.v.
4. Bơm tiêm insulin: thiết bị quản lý thuật toán sẽ liên lạc với một bơm tiêm insulin được gắn trên cơ thể, tự động tiêm lượng insulin chính xác vào người bệnh qua một ống thông dò được cài dưới da.
Nguyễn Hải Hoành dịch theo các nguồn tin nước ngoài