Ứng dụng AI trong nội soi đại tràng: Tăng khả năng phát hiện sớm polyp
Một nhóm các nhà nghiên cứu Na Uy đã phát hiện việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong nội soi đại tràng làm tăng khả năng phát hiện polyp lên khoảng 8% mà không có tác động lâm sàng đến nguy cơ ung thư đại trực tràng.

Ung thư đại trực tràng là một trong những loại ung thư phổ biến nhất ở phương Tây. Tại Na Uy, mỗi năm có khoảng 5.000 người mắc ung thư đại trực tràng. Gần đây, Na Uy đã khởi xướng một chương trình sàng lọc ung thư đại trực tràng trên toàn quốc.
Hiện nay, sàng lọc ung thư đại trực tràng ở Na Uy được thực hiện bằng xét nghiệm máu trong phân (sàng lọc FIT). Nếu phát hiện một lượng máu nhất định trong phân, bệnh nhân sẽ được nội soi đại tràng. Tuy nhiên, Cơ quan Y tế Na Uy cho biết sẽ thay thế xét nghiệm này bằng nội soi đại tràng cho tất cả những người 55 tuổi ở Na Uy trong vòng 5 năm tới.
Trong quá trình sàng lọc ung thư đại trực tràng bằng phương pháp nội soi, AI thường được ứng dụng để xác định polyp. Đây là những khối nhỏ hình thành trên lớp niêm mạc của đại tràng, đa số không gây hại, nhưng một số có thể tiến triển thành ung thư đại tràng, gây tử vong nếu phát hiện ở giai đoạn muộn.
Việc ghi nhận hiệu quả lâm sàng của AI rất hữu ích đối với quá trình chẩn đoán và điều trị. Do vậy, các hướng dẫn quốc tế về việc sử dụng AI trong nội soi đại tràng đã được phát triển thông qua Khuyến nghị nhanh của BMJ, do quỹ MAGIC của Na Uy đứng đầu.
Một nghiên cứu mới do các nhà khoa học ở Đại học Oslo (UiO), Na Uy dẫn dắt đã phân tích hiệu quả của AI trong xác định nguy cơ ung thư và tỷ lệ tử vong, cũng như những hạn chế về nội soi đại tràng theo dõi khi sử dụng AI trong sàng lọc ung thư đại trực tràng. Kết quả đã được công bố trên BMJ Medicine, làm cơ sở cho các hướng dẫn Khuyến nghị nhanh của BMJ.
“Công trình cho thấy AI có thể góp phần giảm nguy cơ ung thư bằng cách tăng khả năng phát hiện polyp, tuy nhiên, chúng ta cũng phải cân nhắc so với những bất lợi của việc tăng gánh nặng nội soi theo dõi. Nguy cơ ung thư – yếu tố quan trọng nhất đối với bệnh nhân, chỉ bị tác động tối thiểu”, Natalie Halvorsen, bác sĩ và ứng viên tiến sĩ ở Nhóm Nghiên cứu hiệu quả lâm sàng tại UiO cho biết.
Cụ thể, việc sử dụng AI trong nội soi có tác động rất thấp hoặc không có tác động lâm sàng đến nguy cơ hoặc tỷ lệ tử vong do ung thư đại trực tràng sau khi sàng lọc. Trong khi đó, việc ứng dụng AI làm tăng 20% số ca nội soi đại tràng theo dõi đối với bệnh nhân trong 10 năm do phát hiện nhiều polyp hơn. Điều này làm gia tăng gánh nặng lên hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Ngoài khuyến nghị nhanh của BMJ, gần đây Hiệp hội Tiêu hóa Hoa Kỳ (AGA) và Hiệp hội Nội soi tiêu hóa châu Âu (ESGE) cũng công bố các khuyến nghị riêng về AI, dựa trên công trình của các nhà nghiên cứu Na Uy. Họ đưa ra kết luận khác với BMJ.
AGA tuyên bố chưa thể đưa ra khuyến nghị ủng hộ hay phản đối việc sử dụng nội soi đại tràng hỗ trợ AI. ESGE kiến nghị sử dụng dựa trên giả định rằng hầu hết bệnh nhân phải sàng lọc nội soi đại tràng ủng hộ ứng dụng AI.
“Các hướng dẫn cho thấy chúng ta có các phương pháp hiệu quả để đánh giá các công cụ AI, và có thể hợp tác trên toàn cầu về kiến thức và khuyến nghị trong thực hành. Hiện nay, có rất ít ví dụ cho thấy lợi ích của AI đối với bệnh nhân, tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của khoa học khiến chúng ta phải tích cực cập nhật các khuyến nghị. Chúng ta đã làm được điều này trong thời kỳ COVID-19 và cũng nên làm như vậy đối với AI”, GS. Per Olav Vandvik, người sáng lập MAGIC và là người đứng đầu nhóm Khuyến nghị nhanh BMJ tại UiO nhấn mạnh.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy AI giúp phát hiện nhiều polyp hơn nhưng chỉ có tác động rất nhỏ đến nguy cơ ung thư, cần phải cân nhắc điều này so với gánh nặng gia tăng lên các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Việc ứng dụng AI trong y tế nên giới hạn ở các công cụ đã cho thấy lợi ích lâm sàng”, Halvorsen cho biết.
Thanh An lược dịch từ ĐH Oslo