Ứng phó với đại dịch: ngành hạt nhân đang góp phần làm giảm số ca nhiễm

Hôm 8/4, William Magwood - Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng hạt nhân của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD/NEA), cho hay cơ quan liên chính phủ đa quốc gia này đang hỗ trợ các nước thành viên thích nghi với bối cảnh do cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19 tạo ra và thiết lập phương tiện nhằm trao đổi nhanh chóng các ý tưởng và kinh nghiệm thực tiễn hữu hiệu nhất.

Bên cạnh việc cung cấp điện năng, kỹ thuật hạt nhân như PCR-RT còn giúp các nhà nghiên cứu dò được sự hiện diện của virus trong mẫu bệnh phẩm 

Hiện tại, NEA bao gồm 33 quốc gia thành viên ở châu Âu, châu Mỹ và khu vực châu Á – Thái Bình Dương, tạo ra khoảng 82% công suất điện hạt nhân trên thế giới.

Ông Magwood viết trong bản tin hàng tháng NEA, cuộc khủng hoảng mà chúng ta phải đối mặt ngày nay không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào đã từng có trong kỷ nguyên toàn cầu hóa và kết nối vạn vật. Tất cả các quốc gia đều cảm thấy bị tác động, tất cả các nền kinh tế đều bị ảnh hưởng, toàn bộ người dân đang bị đe dọa. Dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp và theo thông tin thu nhận được, khủng hoảng có thể sẽ xảy ra trong nhiều tháng nữa. Trong ngắn hạn, nguồn cấp điện đáng tin cậy sẽ là trụ cột quan trọng trong chiến lược ứng phó với đại dịch của bất kỳ quốc gia nào. Nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu cho cuộc sống hiện đại để cung cấp thực phẩm, giao thông và dịch vụ y tế công cộng sẽ không thể hoạt động nếu thiếu vắng nguồn điện đáng tin cậy. Tuy nhiên, đại dịch ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến những nhân sự chủ chốt vận hành các cơ sở sản xuất điện, gây ra mối đe dọa kéo dài đối với hoạt động sản xuất và cung ứng điện.

Ngành hạt nhân đang góp phần nhất định để làm giảm số ca nhiễm bệnh. Các nhà máy điện hạt nhân của thế giới đang vận hành an toàn và hiệu quả, hiện đóng góp sản lượng cần thiết và đáng tin cậy vào lưới điện, cung cấp cho hàng triệu người làm việc từ xa, các gia đình tự cách ly tại nhà và những cơ sở y tế thiết yếu đang hoạt động cần đến lượng điện vượt xa công suất dự tính trước đó. Tuy vậy, ngành hạt nhân cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch và phải nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh bấp bênh, chưa từng có tiền lệ và không ai dám chắc điều gì.

Theo Magwood, đại dịch đòi hỏi các biện pháp ứng phó mau lẹ. Thông thường, trong lĩnh vực hạt nhân, các quá trình và bài học thực tiễn chỉ thay đổi sau những phân tích thận trọng, với đa dạng các góc nhìn; nhưng cuộc khủng hoảng hiện nay đòi hỏi tất thảy phải có phản ứng thật nhanh. Các quyết định phải được đưa ra nhanh chóng khi rơi vào các tình huống không hoàn toàn tương tự nhau. Các nhà pháp quy phải điều chỉnh kế hoạch thanh tra. Các nhà vận hành cần trì hoãn việc ngừng cấp điện và rời những ý định cải tổ nhà máy sang khoảng thời gian khác.

Công nghệ cho phép mọi người làm việc từ xa phải được áp dụng theo những phương thức cách tân. Mỗi quốc gia đưa ra các lựa chọn tùy theo mức độ đe dọa đến sức khỏe, an toàn của lực lượng lao động và người dân nói chung, trong đó, an toàn hạt nhân sẽ vẫn là ưu tiên hàng đầu.

Nhiều chuyên gia dự đoán, nguy cơ dịch bệnh đối với sức khỏe cộng đồng sẽ cao đáng kể vào tháng 5 và tháng 6, và khả năng tiềm tàng xảy ra đợt bùng phát lây nhiễm thứ hai trong tháng 9 và tháng 10. Do vậy, công việc của NEA sẽ là thực hiện tốt hai mũi giáp công, vừa phục vụ các nhu cầu thiết yếu tức thì, vừa tiến hành chuẩn bị kế hoạch dài hơi hơn.

Theo quan điểm của Magwood, đại dịch là một thử nghiệm về văn hóa an toàn của NEA. Toàn bộ cơ quan đã làm việc từ xa kể từ ngày 12/3, với rất ít sự gián đoạn trong công việc. “Kể từ sau khi bắt đầu cuộc khủng hoảng do đại dịch, mặc dù các sự kiện quan trọng đã bị hoãn lại, các ủy ban của chúng tôi vẫn tiếp tục công việc, các gói phần mềm từ Ngân hàng Dữ liệu NEA tiếp tục được phát hành và chúng tôi sẽ sớm tổ chức sự kiện trực tuyến đầu tiên về chính cuộc khủng hoảng.”

Phạm Thị Thu Trang/VINATOM dịch

Nguồnhttps://world-nuclear-news.org/Articles/Magwood-outlines-Nuclear-Energy-Agencys-response

Tác giả

(Visited 1 times, 1 visits today)